Các tiểu bang hành động để bác bỏ Hiệp ước WHO và các mệnh lệnh y tế liên bang
Dân biểu Tiểu bang Tennessee Bud Hulsey cho biết: “[Đạo luật] Vô hiệu hóa không phải là nổi dậy, mà chỉ là bác bỏ: Chúng tôi đang giữ lập trường rằng chúng tôi sẽ bác bỏ sắc lệnh này.”
Vào một thời điểm khi các chính phủ và các tổ chức toàn cầu đang tìm cách có thêm quyền hạn để đối phó với các đại dịch hoặc các thảm họa khác, một nỗ lực chống đối mạnh mẽ đang nổi lên nhằm bảo vệ sự tự chủ của địa phương cũng như các quyền tự do cá nhân.
Tháng tới (05/2024), các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ nhóm họp để trao cho cơ quan này những quyền hạn mới, rộng lớn trong “các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe.”
Trong khi đó, một số nhà lập pháp tiểu bang đang cố gắng giành lại quyền kiểm soát các vấn đề sức khỏe cho tiểu bang và công dân của họ. Và mặc dù không phải tất cả những nỗ lực này đều thành công, nhưng họ cho biết họ sẽ cố gắng theo đuổi đến cùng.
Dân biểu Tennessee Bud Hulsey, nói với The Epoch Times: “Chúng ta gần như đã đến thời điểm mà ở đất nước này, chính phủ liên bang đã chà đạp lên chủ quyền của các tiểu bang quá lâu đến nỗi trong tâm trí người dân, họ không còn lựa chọn nào khác.”
“Kiểu như hễ cái gì chính phủ liên bang nói ra đều là luật tối cao của đất nước, nhưng thực tế không phải vậy,” ông nói. “Hiến Pháp mới là luật tối cao của đất nước này.”
Mặc dù thẩm quyền lập pháp thuộc về Quốc hội [Hoa Kỳ] và các cơ quan lập pháp tiểu bang, thế nhưng một loạt các phán quyết của Tối cao Pháp viện đã trao quyền hạn và quyền tự quyết ngày càng cao cho các cơ quan liên bang trong việc ban hành luật. Có lẽ đáng chú ý nhất trong số đó là phán quyết trong vụ Tập đoàn Chevron kiện Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên năm 1984.
Tối cao Pháp viện đương nhiệm đã thực hiện một số hành động nhằm kiềm chế nhà nước hành chính. Trong đó có quyết định mang tính bước ngoặt trong vụ West Virginia kiện EPA, xác định rằng các cơ quan liên bang không thể có những quyền hạn mà Quốc hội không trực tiếp trao cho họ.
Ngoài ra, các tòa án liên bang cuối cùng đã ra phán quyết chống lại các lệnh buộc người Mỹ phải chích vaccine mRNA thử nghiệm và đeo khẩu trang mà chính phủ TT Biden áp dụng.
Các tiểu bang kháng cự ‘chủ nghĩa độc tài y tế’
Hồi tháng Ba, Thượng viện Louisiana đã đồng lòng thông qua dự luật ngăn các tổ chức quốc tế có thẩm quyền đối với công dân tiểu bang.
Dự luật Thượng viện số 133, có hiệu lực vào ngày 01/08, nêu rõ: “Không có quy tắc, quy định, lệ phí, thuế, chính sách, hoặc chỉ thị nào của Tổ chức Y tế Thế giới, Liên Hiệp Quốc, và Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ được thực thi hoặc được khai triển bởi tiểu bang Louisiana hoặc bởi bất kỳ cơ quan, ban ngành, hội đồng, ủy ban, địa hạt chính trị, tổ chức chính phủ nào của tiểu bang, quận, thành phố, hoặc bất kỳ tổ chức chính trị nào khác.”
Hồi tháng 05/2023, Florida đã ban hành một gói đạo luật để bảo vệ cư dân tiểu bang này khỏi “nhà nước an ninh sinh học.” Những luật này cấm một doanh nghiệp, trường học, hoặc tổ chức chính phủ bắt buộc cư dân phải xét nghiệm, đeo khẩu trang, hoặc chích vaccine COVID-19, đồng thời cấm các tổ chức toàn cầu như WHO chỉ thị chính sách y tế ở tiểu bang.
“Chúng tôi đã bảo vệ các quyền tự quyết của người dân Florida cho bản thân và con em mình, cũng như bác bỏ những trò biểu diễn, những tường thuật, và sự cuồng loạn về COVID để ủng hộ sự thật và dữ liệu,” Thống đốc Tiểu bang Florida Ron DeSantis cho biết sau khi ký ban hành luật. “Những biện pháp bảo vệ mở rộng này sẽ giúp bảo đảm rằng chủ nghĩa độc tài về y tế không bén rễ ở Florida.”
Các tiểu bang khác cũng đã cố gắng đi theo con đường này, nhưng gặt hái được ít thành công hơn.
Dân biểu tiểu bang Maine Heidi Sampson đã cố gắng thông qua một “lệnh chung” nhằm ủng hộ quyền tự quyết cá nhân và chống lại việc tuân thủ các thỏa thuận của WHO. Tuy nhiên, dự luật này hầu như không được cơ quan lập pháp do Đảng Dân Chủ chiếm đa số quan tâm.
Bà chia sẻ với The Epoch Times, “Quý vị nên có quyền tự quyết rằng mình sẽ đưa thứ gì vào cơ thể, thay vì để một cơ quan nào đó, cho dù đó là tiểu bang, chính phủ liên bang, hay khối quốc tế nào đó, yêu cầu quý vị phải chích thứ này.”
“Họ giải quyết nhanh gọn lệnh chung của tôi, họ đã gạt nó ra. Tôi đã nói chuyện với những người chủ chốt và họ chỉ nhún vai.”
Đạo luật Vô hiệu hóa
Tennessee đã thực hiện một chiến lược khác. Họ đang nỗ lực ban hành một “luật vô hiệu hóa,” cho phép người dân có quyền yêu cầu các nhà lập pháp tiểu bang biểu quyết để quyết định xem có thực thi các quy định hoặc sắc lệnh vi phạm quyền công dân theo Hiến Pháp liên bang hoặc tiểu bang hay không.
Dự luật nói trên, “Đạo luật Khôi phục Chủ quyền Tiểu bang Bằng cách Vô hiệu hóa,” thiết lập một số cách giải quyết, bao gồm đơn kiến nghị của 2,000 công dân, hoặc 10 quận và thành phố, để buộc các nhà lập pháp tiểu bang phải tổ chức bỏ phiếu về một dự luật vô hiệu hóa.
“Các sắc lệnh chỉ để áp dụng cho nhánh hành pháp của chính phủ thôi,” ông Hulsey cho biết. “Nếu chúng vượt xa khỏi phạm vi đó và áp dụng lên người dân, thì lúc này đó chính là luật, và tất nhiên, tổng thống không thể ban hành luật.”
“Thế nhưng đất nước này hành động như thể đó là luật,” ông bày tỏ.
Nhiều ví dụ về điều này đã xảy ra trong đại dịch COVID-19, khi nhiều chỉ thị được ban bố từ cả chính phủ cựu TT Trump lẫn chính phủ TT Biden.
Dưới thời chính phủ cựu TT Trump, một làn sóng phong tỏa đầu tiên đã dấy lên, và các chủ nhà bị cấm không được đuổi người cư trú không trả tiền thuê ra khỏi nhà. Biện pháp này cũng đã được TT Joe Biden gia hạn nhiều lần.
TT Biden cũng ra lệnh rằng các công chức và nhân viên của công ty tư nhân có thể bị sa thải nếu không chích vaccine ngừa COVID-19, bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi du lịch và vào các tòa nhà liên bang, được xóa nợ đối với các khoản vay sinh viên, và các biện pháp khác.
Mặc dù các tòa án rốt cuộc đã ra phán quyết rằng các cơ quan liên bang không có thẩm quyền này, nhưng chính phủ vẫn ban hành lệnh, và nhìn chung, các công chức – quan chức vẫn thực thi những lệnh này. Đạo luật vô hiệu hóa sẽ giúp công dân Tennessee có cơ hội phản kháng nếu họ cho rằng các quyền của mình đang bị xâm phạm.
“[Đạo luật] Vô hiệu hóa không phải là nổi dậy, mà chỉ là bác bỏ,” ông Hulsey cho biết. “Chúng tôi đang giữ lập trường rằng chúng tôi sẽ bác bỏ sắc lệnh này.”
Tuy nhiên, cũng như nhiều nỗ lực tương tự, dự luật vô hiệu hóa này đang gặp trở ngại. Thượng viện tiểu bang Tennessee đã đưa dự luật này vào danh sách “nghiên cứu trong mùa hè,” khiến dự luật bị trì hoãn.
Bà Karen Bracken, sáng lập viên của tổ chức Công dân Tennessee vì Chủ quyền Tiểu bang và từng là ủy viên quận, cho biết thường thì đây sẽ là một nỗ lực lâu dài.
Bà Bracken nói với The Epoch Times: “Hồi năm ngoái, chúng tôi vừa thông qua dự luật chống nghị trình 2030 và phát thải khí cacbon ròng bằng 0 (net zero) của Liên Hiệp Quốc.”
“Phải mất 10 năm để dự luật đó được thông qua, vì vậy quý vị phải thật sự kiên trì.”
Tổ chức của bà Bracken đã đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sự ủng hộ của công chúng đối với dự luật vô hiệu hóa. Tuy nhiên, bà cho biết, nếu công dân không tự đứng lên bảo vệ mình, thì việc thông qua các dự luật chỉ đi xa đến mức bảo vệ các quyền tự do dân sự.
“Chúng tôi đang mang đến cho quý vị những công cụ để đứng lên tranh đấu cho quyền lợi của mình,” bà Bracken nói. “Nhưng tôi không thể bắt quý vị đứng lên tranh đấu.”
Ở cấp liên bang, những nỗ lực tương tự cũng đang gặp khó khăn.
Hiến Pháp Hoa Kỳ yêu cầu có đủ số phiếu của 2/3 Thượng viện thì các hiệp ước mới được phê chuẩn, tuy nhiên, câu hỏi liệu Thượng viện Hoa Kỳ có nên có tiếng nói về hiệp ước sắp tới của WHO hay không đã trở thành một vấn đề mang tính đảng phái.
Một dự luật do Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Cộng Hòa-Wisconsin) giới thiệu “nhằm yêu cầu bất kỳ công ước, thỏa thuận, hoặc văn kiện quốc tế nào khác… của Hội đồng Y tế Thế giới đều phải được Thượng viện phê chuẩn” đã được 49 nghị sĩ đồng bảo trợ. 49 nghị sĩ này đều thuộc Đảng Cộng Hòa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Đảng Dân Chủ chiếm đa số tại Thượng viện, triển vọng cho dự luật này có vẻ ảm đạm trước khi việc ký kết thỏa thuận của WHO dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Năm tới. Chính phủ TT Biden đang đàm phán hiệp ước WHO và ủng hộ hiệp ước này nhưng vẫn chưa đưa ra cam kết rõ ràng nào để đi đến ký kết.
Các phong trào phản kháng dấy lên ở châu Âu
Áo đã khép tội hình sự cho những người từ chối chích vaccine hồi tháng 01/2022, nhưng ở nước này hiện cũng đang có những nỗ lực chống tập trung quyền lực.
Bà Silvia Behrendt, một cựu cố vấn pháp lý của WHO và hiện là nhà sáng lập Cơ quan Trách nhiệm Y tế Toàn cầu (GHRA), đã gọi luật vaccine của Áo là “một lệnh phong tỏa đối với những người chưa chích ngừa.”
Bà Behrendt nói với The Epoch Times: “Họ không được phép mua giày dép quần áo, chỉ được mua thực phẩm và những thứ cần thiết.” Theo bà, mặc dù chính phủ Áo không thực thi nghiêm ngặt và đã rút lại luật này nhưng họ đã thành công trong việc đe dọa người dân phải chích vaccine.
Hiện nay, GHRA đang kêu gọi ban hành luật mới để bảo vệ quyền tự quyết cá nhân sau cái mà bà gọi là “nghị trình an ninh y tế toàn cầu” được các chính phủ theo đuổi trong đại dịch COVID-19.
Tổ chức này cho biết, nếu không có các luật bảo vệ, thì các chính phủ hợp tác với WHO sẽ có được thẩm quyền và một lần nữa vi phạm các quyền tự do dân sự bằng cách đưa ra lệnh phong tỏa, bắt buộc chích ngừa hàng loạt, và thực thi các biện pháp kiểm soát khác.
“Ngay từ đầu tôi đã nghĩ rằng sau thảm họa này, chúng ta cần một hiệp ước, nhưng nội dung trong đó cần phải do chính chúng ta đặt ra để những chuyện như thế này không bao giờ xảy ra nữa,” bà Behrendt bày tỏ.
“Quý vị cần suy nghĩ về các biện pháp bảo vệ. Biện pháp bảo vệ đầu tiên sẽ phải có sự đồng ý trước [đối với thuốc men và phương pháp điều trị] và để bảo đảm rằng quý vị có thể từ chối điều trị y tế,” bà nói. “Đây sẽ là nguyên tắc đầu tiên mà chúng ta phải lập ra trong một hiệp ước về đại dịch.”
Bà Behrendt cho biết, quy mô của GHRA còn khá nhỏ và nhân sự là tình nguyện viên, vậy nên bà không ảo tưởng rằng thành công sẽ đến nhanh chóng hay dễ dàng.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times