Các thuyết âm mưu của cánh tả
Trong suốt sáu thập niên tôi theo dõi chính trị, các hãng thông tấn lớn đều gắn sự kích động về âm mưu gần như cho nhóm cánh hữu. Tuy nhiên, các thuyết âm mưu cũng là công cụ của nhóm cánh tả chính trị – bao gồm các tổ chức mà giới truyền thông coi là chủ đạo.
Trong một bài bình luận trước đó trên Epoch Times, tôi đã ghi lại cách một số “người cấp tiến” đã mô tả việc bổ nhiệm bà Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện là một âm mưu bất hợp pháp. Đây là một mô tả ngớ ngẩn, nhưng nó phục vụ cho mục đích làm mất uy tín các quyết định sau này của bà Barrett.
Các thuyết âm mưu khác của phe cánh tả cũng tương tự: Mặc dù đôi khi được mô tả bằng ngôn ngữ kích động, chúng đều là những kịch bản ngớ ngẩn đến mức chỉ có thể giải thích được bằng các mục đích chính trị mà chúng phục vụ.
Kích động về các cảnh sát trưởng
Một giáo sư luật của Đại học Georgetown đã viết trong mục quan điểm trên tờ Washington Post ngày 17/12/2021, đưa ra lời cảnh báo chống lại “các ‘cảnh sát trưởng hiến pháp’ cực đoan, nguy hiểm và vi hiến”.
Bất chấp ngôn ngữ phóng đại này, số lượng “cảnh sát trưởng hiến pháp” nhiều nhất chỉ là vài trăm. Trong thực tế, họ không thể làm được gì nhiều để chống lại quyền lực của tiểu bang và liên bang.
Tuy nhiên, đằng sau sự phi lý này có ẩn chứa một mục đích, nằm sâu trong nội dung bài báo:
“Để bảo vệ các cộng đồng khỏi sự lạm dụng của cảnh sát và nền dân chủ của chúng ta khỏi những kẻ cực đoan trong hệ thống cảnh sát, chúng ta phải đẩy lùi các khẳng định của những cảnh sát trưởng rằng họ đứng trên pháp luật. Điều đó có thể có nghĩa là phải thay đổi luật tiểu bang để cảnh sát trưởng được bổ nhiệm thay vì được bầu, bởi vì các quan chức được bổ nhiệm có thể nhanh chóng bị loại trừ vì hành vi cực đoan, và quy trình bầu cử không có hiệu quả trong việc buộc các cảnh sát trưởng phải chịu trách nhiệm”.
Nói cách khác, bởi vì một nhóm người nhỏ bé, vụn vặt đưa ra một lý thuyết pháp lý sai lầm mà chúng ta nên tiến hành các cuộc thanh trừng chính trị và tước bỏ quyền bầu cử cảnh sát trưởng địa phương của 300 triệu người Mỹ! Và điều này được thực hiện với danh nghĩa bảo vệ “nền dân chủ của chúng ta”. Tôi đã chỉ ra trong một bài viết trước đó trên Epoch Times, rằng “nền dân chủ của chúng ta”, trong ngôn ngữ của phe khuynh tả, thường có nghĩa là “chế độ quyền lực tập trung của họ”. Khi các cuộc bầu cử gây bất tiện cho chế độ quyền lực tập trung, một số người khuynh tả sẽ tìm cách bãi bỏ bầu cử.
Nước mắt cá sấu về bạo lực cánh hữu
Nhiều người khuynh tả dường như cảm thấy hồi hộp trước những tưởng tượng về bạo lực cánh hữu. Tuy nhiên, thực tế thì bạo lực và đe dọa quy mô lớn hầu như chỉ đến từ phe cánh tả.
Bạo lực và đe dọa của phe khuynh tả diễn ra rầm rộ vào năm 1968 tại đại hội Đảng Dân Chủ và ở khu vực Watts của Los Angeles. Nó tiếp tục diễn ra thông qua các cuộc chiếm giữ khuôn viên trường học vào những năm 1970, cuộc bạo loạn ở Miami năm 1980, cuộc bạo loạn chống Tổ chức Thương mại Thế giới năm 1999, việc chiếm đóng tòa nhà quốc hội tiểu bang Wisconsin năm 2011, việc chiếm đóng tòa nhà văn phòng Thượng viện Hart vào năm 2018, việc xông vào Tòa án Tối cao năm 2018, các cuộc nổi dậy của Black Lives Matter/Antifa năm 2020, v.v.
Sự đe dọa vẫn tiếp tục đến ngày nay, khi đám đông quấy rối các thẩm phán của Tối cao Pháp viện và gia đình của họ.
Và không giống như cuộc bạo động chủ yếu do tự phát – và gần như là duy nhất – của phe cánh hữu vào ngày 6/1/2021, các cuộc nổi loạn của phe cánh tả đôi khi sát hại hàng chục người.
Vậy tại sao lại thao túng thông tin về bạo lực cánh hữu? Vì nó cũng phục vụ cho một mục tiêu chính trị.
Hãy xem xét một bài báo gần đây trên tạp chí Newsweek với nhan đề “Hàng triệu người Mỹ có vũ trang, tức giận sẵn sàng đoạt chính quyền nếu ông Trump thất bại vào năm 2024”. “Bằng chứng” chính của Newsweek là (1) “Cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đang nhanh chóng mất niềm tin vào tính trung thực của các cuộc bầu cử Hoa Kỳ” và (2) “Năm 2020, 17 triệu người Mỹ đã mua 40 triệu khẩu súng và vào năm 2021, đang trên đà mua thêm 20 triệu. Theo xu hướng trong quá khứ, người mua đa số sẽ là người da trắng, Đảng Cộng Hòa, và ở miền nam hoặc nông thôn”.
Newsweek nên vui mừng khi người Mỹ quay về truyền thống của họ đối với súng ống. Suy cho cùng, về mặt lịch sử, một dân tộc có vũ trang là một dân tộc tự do — ở Israel, Thụy Sĩ, và Hoa Kỳ. Nhưng những người cuồng tín tại Newsweek lại nhận thấy xu hướng này đáng báo động, rõ ràng là bởi vì người da trắng, Đảng Cộng Hòa, người miền Nam và người dân nông thôn đều xấu xa và không đáng tin cậy.
Theo Newsweek, tình hình có thể trở nên “tồi tệ hơn”. Bài báo trích dẫn và tán thành một giáo sư luật khác, người cũng đang khó chịu vì Tối cao Pháp viện có thể sớm ra phán quyết rằng “quyền giữ và mang vũ khí” của Tu chính án thứ Hai có nghĩa là công dân không chỉ được giữ mà còn thực sự được mang vũ khí.
“Tối cao Pháp viện,” vị giáo sư này nói, “có thể sắp ban hành phán quyết dẫn đến việc lật đổ chính phủ Hoa Kỳ”. Tất nhiên, nếu tác giả của mẩu tin Newsweek bận tâm tìm kiếm một quan điểm đối lập, anh ta có thể thấy rằng những người sở hữu súng hợp pháp nằm trong nhóm người tuân thủ luật pháp nhất quốc gia.
Vì vậy, sự kích động là vô lý. Nhưng mục đích của nó – ngoài sự phấn khích nho nhỏ mà nó mang lại – còn rất nghiêm trọng. Đó là để tước đoạt Tu chính án thứ Hai và tước súng khỏi những người da trắng nông thôn hoặc bất kỳ ai kiên quyết không cúi đầu trước chủ nghĩa độc tài.
Thổi phồng về các nhà hoạt động ‘Công ước các Tiểu bang’
Thậm chí còn kỳ lạ hơn các bài báo của tờ Washington Post và tờ Newsweek là một bức thư gây quỹ gần đây của nhóm vận động Common Cause.
Common Cause thành lập vào năm 1970 với tư cách là một tổ chức lưỡng đảng tìm kiếm những cải cách hợp lý, dù đôi khi mắc sai lầm. Tuy nhiên, ngày nay, nó được tài trợ phần lớn bởi nhà tài chính “cấp tiến” George Soros và đóng vai trò như một phần mở rộng của đầm lầy D.C.
Bức thư trên bôi nhọ những người muốn có một “công ước đề nghị sửa đổi” (một loại công ước của các tiểu bang) theo Điều V của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Mục đích của phong trào Điều V là để có được một hoặc nhiều sửa đổi Hiến Pháp nhằm khắc phục sự lạm quyền và thiếu sót của liên bang. Ví dụ như giới hạn nhiệm kỳ, giới hạn nợ, và chiến dịch cải cách tài chính – tất cả đều được đa số người dân Hoa Kỳ ưa thích.
Điều quan trọng cần hiểu là tất cả các tổ chức chính của Điều V chỉ ủng hộ các sửa đổi không làm ảnh hưởng đến cấu trúc căn bản của Hiến Pháp, tất cả đều thảo luận về ý tưởng của mình một cách tự do và tất cả đều muốn được chú ý. Hơn nữa, tất cả đều nằm trong phạm vi chính trị chính thống, từ truyền thống đến trung tả.
Tuy nhiên, Common Cause đã mô tả việc này như đang trù tính cho “một âm mưu cực hữu nguy hiểm”, thúc đẩy một “kế hoạch bí mật để viết lại Hiến Pháp của chúng ta”.
Common Cause muốn khiến chúng ta tin rằng “gia tộc Koch” đứng đằng sau tất cả – có lẽ là Charles và David Koch, hai anh em thường tài trợ cho các hoạt động của chủ nghĩa tự do. Nhưng “gia tộc Koch” không còn liên quan, bởi vì David đã qua đời cách đây gần ba năm.
Quan trọng hơn, các quỹ của Koch đã cố tình tránh tài trợ cho bất kỳ chiến dịch Điều V nào. Một tổ chức có nhiều mối quan hệ và tài chính dồi dào như Common Cause phải biết điều này.
Common Cause thường đặc biệt công kích tổ chức trung hữu Dự án Công ước các Tiểu bang (CoS). Common Cause cáo buộc rằng:
“Mục đích của họ rất rõ ràng và gây sửng sốt. Loại bỏ các bảo vệ của Tu chính án thứ Nhất. Loại bỏ các quy định về môi trường. Rút lại các tiến bộ về quyền công dân. Và xem kinh tế cực hữu như là chính sách tài khóa vĩnh viễn. … Nhiều chuyên gia Hiến Pháp tin rằng đó là mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với nền dân chủ của chúng ta”. (Ghi đậm trong bản gốc)
(Ở đây lại có cụm từ “nền dân chủ của chúng ta”.)
Common Cause cũng phải biết rằng nghị quyết lập pháp do CoS thúc đẩy thực sự nghiêm cấm việc thay đổi Tu chính án thứ Nhất hoặc bất kỳ phần nào khác của Tuyên ngôn Nhân quyền. Hơn nữa, Common Cause phải biết rằng có rất ít bằng chứng cho thấy bất kỳ người ủng hộ Điều V nổi bật nào đề xuất việc “loại bỏ” các quy định về môi trường hoặc “rút lại các tiến bộ về quyền công dân”.
Và Common Cause chắc chắn biết rằng các biện pháp tài khóa do một số người ủng hộ Điều V đề nghị là một quy tắc ngân sách cân bằng (như đã tồn tại từ lâu ở gần như tất cả các tiểu bang của Hoa Kỳ), cùng với một biện pháp tương tự như “phanh nợ” được Thụy Sĩ và Đức áp dụng. Chúng đều không đại diện cho “kinh tế cực hữu”.
Cũng không có bất kỳ “chuyên gia Hiến Pháp” thực sự nào – ít nhất là không ai có chuyên môn về quy trình sửa đổi Hiến Pháp – cho rằng phong trào Điều V là “mối đe dọa đối với nền dân chủ của chúng ta”. Theo hiểu biết của tôi, không một ấn phẩm học thuật nào trong hơn 20 năm qua khẳng định điều đó.
Nói cách khác, bức thư của Common Cause đã vượt quá sự cường điệu chính trị và trở thành sự dối trá. Có lẽ, mục đích của nó (ngoài việc huy động tiền từ những người cả tin) là để bảo vệ đầm lầy D.C.
Một số âm mưu chính trị vẫn tồn tại, mặc dù chúng rất hiếm và, trong một xã hội tự do, thì rất khó thực hiện. Nhưng không có “âm mưu” nào nói trên tồn tại. Chúng là những trò ảo thuật chính trị được thiết kế để dụ dỗ người dân Hoa Kỳ từ bỏ tự do và nhường lại nhiều quyền lực hơn cho giai cấp chính trị.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Robert G. Natelson là một cựu giáo sư về luật hiến pháp và là chuyên gia cao cấp về luật hiến pháp tại Viện Độc lập ở Denver.