Các Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ chất vấn về ‘các thành phố kết nghĩa’ với Trung Quốc
Hai Thượng nghị sỹ Đảng Cộng Hòa là bà Marsha Blackburn của bang Tennessee và ông Josh Hawley của bang Missouri muốn biết các biện pháp minh bạch và an ninh quốc gia nào đã được các thị trưởng Hoa Kỳ áp dụng trong các thỏa thuận “thành phố kết nghĩa” với chính quyền Trung Quốc.
Ở Hoa Kỳ, hiện có tổng cộng 167 thành phố có giao dịch “thành phố kết nghĩa” với các thành phố của Trung Quốc, chiếm một phần nhỏ trong số hơn 2,600 thỏa thuận như vậy mà Bắc Kinh đã ký kết với chính phủ địa phương khắp châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á.
Nhìn từ bề ngoài thì các thỏa thuận này nhằm khuyến khích sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác kinh tế, tuy nhiên trong một lá thư đề ngày 8/10, các thượng nghị sỹ đã nói với ông Greg Fisher, Chủ tịch Hội đồng Thị trưởng Hoa Kỳ rằng “quan hệ đối tác giữa các thành phố kết nghĩa có thể là vũ khí chính trị mới nhất của Trung Quốc” trong việc tích cực mở rộng ảnh hưởng địa chiến lược của quốc gia này trên toàn thế giới.
“Đối với Trung Quốc, quan hệ đối tác giữa các thành phố kết nghĩa là công cụ để đạt được các mục tiêu địa chiến lược của họ,” bà Blackburn và ông Hawley nói với ông Fisher, thị trưởng thành phố Louisville, bang Kentucky.
Các thượng nghị sỹ viết: “Bà Lý Tiểu Lâm, Chủ tịch Hội Hữu nghị Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc, mô tả quan hệ đối tác giữa các thành phố kết nghĩa là rất quan trọng đối với sự hợp tác ‘trong khuôn khổ của [Sáng kiến Vành đai và Con đường]’ (BRI).”
“Trung Quốc đã tiết lộ các động cơ chính trị của mình ở Cộng hòa Czech, nơi lời hứa về cơ hội kinh tế của BRI đã mê hoặc Prague tham gia một thỏa thuận thành phố kết nghĩa với Thượng Hải.”
“Nhưng hồi tháng 1/2020, Thượng Hải đã chấm dứt thỏa thuận — cùng với vô số lợi ích kinh tế — khi thị trưởng Prague từ chối cam kết chính sách ‘Một Trung Quốc’ của Trung Quốc. Rõ ràng là Trung Quốc ẩn sau bức màn ngoại giao mềm mỏng và đôi bên cùng có lợi cho đến khi các đối tác nước ngoài của họ biểu lộ sự không phục tùng về hệ tư tưởng.”
Chính sách “Một Trung Quốc” đề cập đến yêu cầu bấy lâu nay của Bắc Kinh rằng, các quốc gia khác phải công nhận Đài Loan, quốc đảo được thành lập vào năm 1912, là một phần của Trung Quốc. Hòn đảo này nằm ngoài khơi bờ biển phía đông của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông, giáp với Biển Philippines và Biển Hoa Đông.
Eo biển Đài Loan giữa Trung Quốc và Đài Loan là một trong những vị trí chiến lược quan trọng nhất của thế giới vì có rất nhiều tàu thuyền quốc tế đi qua hàng ngày.
Các lực lượng do Quốc Dân Đảng của Trung Hoa Dân Quốc lãnh đạo đã chuyển đến Đài Loan sau khi thua Đảng Cộng Sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo trong cuộc cách mạng của những người cộng sản vào năm 1949.
Kể từ năm 1979, Hoa Kỳ đã có bước ngoặt về chính sách một Trung Quốc. Hoa Kỳ công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc, nhưng không công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có chủ quyền đối với Đài Loan.
Bà Blackburn và ông Hawley cho biết các quan chức Trung Quốc cũng sử dụng các thỏa thuận giữa các thành phố ở Nam Á “để khuyến khích sự tuân thủ về kinh tế và văn hóa, một hoạt động ngày càng trở nên trục lợi giữa đại dịch COVID-19.”
“Hồi tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã đề nghị hỗ trợ y tế công cộng cho Bangladesh với điều kiện nước này phải thiết lập quan hệ đối tác 6 thành phố kết nghĩa và hỗ trợ chiến dịch thông tin về COVID-19 sai lệch của Trung Quốc.”
“Trung Quốc đã khai thác một cách ác ý những điểm dễ bị tổn thương của Bangladesh — cụ thể là nền kinh tế nhỏ và cơ sở hạ tầng y tế của nước này đang gặp khó khăn. Việc thiếu các lựa chọn thay thế đã khiến Bangladesh phải chấp nhận các điều kiện của Trung Quốc và do đó, Trung Quốc đã có được chỗ đứng để thâm nhập vào các tổ chức địa phương, đánh cắp tài sản trí tuệ và gây áp lực cho các quan chức phải tuân theo hệ tư tưởng của họ.”
Các thượng nghị sỹ yêu cầu ông Fisher cung cấp thông tin về việc các thị trưởng Hoa Kỳ thương thảo với Trung Quốc về những vấn đề này như thế nào:
“Chính phủ [địa phương] của các ông đảm bảo tính minh bạch về các hợp đồng và các hoạt động của quan hệ đối tác giữa các thành phố kết nghĩa như thế nào?”
“Chính phủ [địa phương] của các ông thông qua những cơ chế nào để bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong các quan hệ đối tác này?”
“Chính phủ địa phương của các ông thực hiện các biện pháp giám sát nào để giảm thiểu rủi ro do gián điệp nước ngoài và ép buộc kinh tế trong các quan hệ đối tác này?”
“Chính phủ địa phương của các ông thực hiện những biện pháp phòng ngừa nào để ngăn chặn việc công dân nước ngoài sử dụng các chương trình thị thực có khả năng không phù hợp để tham gia vào các hoạt động liên quan đến các quan hệ đối tác này?”
Các thượng nghị sỹ đã dẫn lời nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Dương Kiến Lợi, người gần đây đã viết một bài đối ngược xã luận (op-ed) trong tạp chí Newsmobile rằng: “‘Ngoại giao công dân’, ‘ngoại giao Covid’, v.v. của Trung Quốc đều là một phần trong chiến lược bành trướng của Bắc Kinh nhằm tạo niềm tin cho các nước sở tại và sau đó sử dụng các cơ hội để làm lợi thế cho riêng mình.”
Ông Dương là một người bất đồng ý kiến và là tù nhân ở Trung Quốc trước khi đào thoát sang Hoa Kỳ.
The Epoch Times không liên lạc được với phát ngôn viên của Hội đồng Thị trưởng để có bình luận.