Các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa thúc giục chính phủ TT Biden chỉ định Taliban là tổ chức khủng bố
Thượng nghị sĩ Joni Ernst (Cộng Hòa-Iowa), một cựu quân nhân và là thành viên của Ủy ban Quân vụ Vũ trang Thượng viện, cùng với một số đồng sự Đảng Cộng Hòa của bà, đang kêu gọi Ngoại trưởng Antony Blinken xem xét toàn diện các hành động bạo lực của Taliban kể từ khi chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn Afghanistan hồi tháng Tám và để Hoa Kỳ chính thức chỉ định nhóm này là một tổ chức khủng bố.
Các vị thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa này đã viết trong một bức thư, “Chúng tôi tin rằng Taliban rõ ràng đáp ứng cả ba tiêu chí và thúc giục ngài hãy xem xét việc chỉ định Taliban là một tổ chức khủng bố ngoại quốc và đối xử với họ như vậy trong phạm vi tối đa của pháp luật.”
Theo Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch, ba tiêu chí để đưa ra chỉ định khủng bố là nhóm được đề cập đến là một tổ chức ngoại quốc; nhóm đó tham gia hoặc có khả năng tham gia vào hoạt động khủng bố; và hoạt động khủng bố như đã nói đe dọa đến an ninh của Hoa Kỳ.
Bức thư viết: “Với lịch sử trợ giúp các cuộc tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ, đường lối cai trị tàn bạo của họ, việc họ tiếp tục thể hiện những hành động tàn bạo chống lại người Mỹ và đồng minh của chúng ta, và hiện tại, năng lực quân sự được nâng cao của họ, phiên bản hiện tại của chính quyền Taliban là một mối đe dọa đáng kể đối với Hoa Kỳ. Hơn nữa, Taliban đang thể hiện ý muốn và cách thức cho việc tấn công người Mỹ và các lợi ích của Mỹ.”
Trong phiên điều trần đầu tiên của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện về việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan, Thượng nghị sĩ John Barrasso (Cộng Hòa-Wyoming) đã chất vấn ông Blinken liệu chính phủ TT Biden có cho rằng Taliban là một tổ chức khủng bố hay không.
“Nó [Taliban] được xác định theo một trong các [tiêu chí] chỉ định trên, và bất kỳ hoạt động can dự nào mà chúng ta thực hiện sẽ hoàn toàn nhằm mục đích thúc đẩy các lợi ích của chúng ta,” ông Blinken nói, nhưng không xác nhận liệu chính phủ TT Biden có coi nhóm này là một tổ chức khủng bố hay không.
Ông Blinken nói với ủy ban này rằng chính phủ sẽ xem xét kỹ lưỡng các hành động của Taliban để xác định những hành động nào mà Taliban cần thực hiện trong việc cung cấp sự hỗ trợ.
“Nói một cách đơn giản, bản chất của mối bang giao mà Taliban sẽ có với chúng ta hay với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào cách ứng xử và hành động của tổ chức này, đặc biệt liên quan đến quyền tự do đi lại, cũng như thực hiện tốt các cam kết chống khủng bố, bảo vệ các quyền căn bản của người dân Afghanistan, không tham gia vào các hành động trả đũa, v.v.,” ông nói.
Ông Blinken nói với ủy ban rằng chính phủ TT Biden đã khởi xướng một nghị quyết thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đặt ra những kỳ vọng mà Taliban phải đáp ứng để duy trì một mối liên hệ hợp tác với Hoa Kỳ và để không phải đối mặt với những hành vi khắc nghiệt.
Hồi cuối tháng Tám, một nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nêu rõ rằng Taliban phải cho phép tất cả công dân ngoại quốc rời khỏi Afghanistan một cách an toàn và không can thiệp vào việc người dân nước này tiếp cận với viện trợ nhân đạo.
Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa lập luận rằng Taliban Afghanistan đã vi phạm các chuẩn mực ứng xử căn bản như đã được nêu trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an và Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch, đồng thời chính phủ TT Biden nên gửi một thông điệp mạnh mẽ hơn và thực thi những hệ quả khắc nghiệt hơn nữa đối với nhóm khủng bố này.
“Kể từ khi tái lập quyền kiểm soát Afghanistan, Taliban đã lại tiếp diễn thói quen tàn sát và áp bức giống như đặc trưng của nhiệm kỳ lãnh đạo của nhóm này trước khi lực lượng Hoa Kỳ hiện diện vào năm 2001.… Điều chúng tôi quan tâm nhất là trong số những người bị lực lượng Taliban đánh đập và truy đuổi có các công dân Mỹ và gia đình của họ hiện vẫn sống ở Afghanistan,” bức thư này viết.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không phúc đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 13/09, Thượng nghị sĩ James Risch (Cộng Hòa-Idaho) cho biết chính phủ TT Biden đang gửi đi thông điệp sai lầm tới Taliban — một thông điệp thể hiện sự nhu nhược.
Ông Risch nói với Fox News, “Một trong những điều luôn bị bỏ qua đó là thực tế rằng việc quý vị gửi đi thông điệp ra sao và quý vị giao tiếp với đối phương như thế nào thực sự là điều quan trọng. Trong sự điều hành gần đây nhất, khi kế hoạch được đưa ra bàn bạc, đã có những thông điệp giao tiếp rất rõ ràng với Taliban. Nếu họ không đáp ứng các cam kết về giảm thiểu bạo lực, v.v., sẽ có những hậu quả thảm khốc. Họ đã nhận thức được điều đó.”
“Tại tính huống cụ thể này, chính phủ này hết lần này đến lần khác ra hiệu cho họ [Taliban] rằng họ sẽ không phản ứng lại, bắt đầu bằng việc rút quân yểm trợ trên không, từ bỏ Căn cứ Không quân Bagram. Vào lúc điều này diễn ra, Taliban đã tin rằng họ có thể tung hoành ngay trên đất nước này, là điều mà họ đã làm.”
Hạo Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: