Các thương hiệu nổi tiếng có thể sẽ đối mặt với vi phạm nhãn hiệu ở Nga
Văn phòng nhãn hiệu của Nga đang chứng kiến lượng đơn đăng ký đối với các nhãn hiệu nổi tiếng của phương Tây tăng vọt kể từ khi chính phủ Nga ban hành một nghị định hồi đầu tháng trước (03/2022), cho phép sử dụng các bằng sáng chế từ “các quốc gia không thân thiện” mà không cần trả tiền hoặc đồng ý từ chủ sở hữu.
Được khuyến khích bởi sắc lệnh này, cho đến nay những người Nga cơ hội đã nộp hơn 50 đơn đăng ký nhãn hiệu cho tên và logo của các thương hiệu nổi tiếng bao gồm Starbucks, Nespresso, McDonald’s, Mercedes-Benz, Chanel, và Christian Dior.
Điều này diễn ra sau khi hàng trăm công ty đa quốc gia tuyên bố sẽ rút khỏi Nga, đóng cửa các cửa hàng hoặc tạm ngừng hoạt động để đối phó với cuộc chiến ở Ukraine.
Không rõ liệu cơ quan quản lý nhãn hiệu của Nga có chấp thuận các đơn đăng ký này hay không. Một số luật sư về nhãn hiệu và bằng sáng chế đã bày tỏ lo ngại khi một tòa án Nga ở Kirov hôm 03/03 xác định rằng bất kỳ ai cũng có thể sử dụng nhãn hiệu cho Peppa Pig và Daddy Pig, các nhân vật hoạt hình của Anh.
Phán quyết của tòa án này đã viện dẫn “các hành động không thân thiện của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và các quốc gia có liên quan” như một phần của quyết định.
Theo ông Josh Gerben, một luật sư nhãn hiệu ở Hoa Thịnh Đốn, những hành động này làm tăng khả năng vi phạm bằng sáng chế ở Nga.
Ông viết trên blog : “Phán quyết về Peppa Pig đã gây nhiều khó khăn vì nó đưa ra tín hiệu rằng các tòa án có thể đã được lệnh bắt đầu cho phép vi phạm bản quyền và vi phạm tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của các công ty phương Tây.”
Theo các luật sư về nhãn hiệu, ở Nga phải mất nhiều tháng để xử lý các đơn đăng ký này, mặc dù tình hình có thể đã thay đổi sau chiến tranh.
Ông Gerben viết: “Trước chiến tranh Ukraine, người ta thường thấy văn phòng nhãn hiệu Nga từ chối các nhãn hiệu quá gần với các nhãn hiệu khác, thậm chí cả nhãn hiệu của các công ty phương Tây.”
Hoa Kỳ, Anh, các nước thành viên Liên minh Âu Châu, Canada, Nhật Bản, và Đài Loan nằm trong danh sách các quốc gia “không thân thiện” với Nga.
Đáp lại những tin tức của giới truyền thông, Văn phòng Sáng chế Nga (Rospatent) đã đưa ra một tuyên bố hôm 01/04 về các đơn đăng ký nhãn hiệu gần đây cho các logo và tên của phương Tây.
Rospatent tuyên bố rằng các đơn đăng ký này sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi được chấp thuận và đăng ký tại Nga.
Tuyên bố cho biết, đơn đăng ký nhãn hiệu không tự động cung cấp sự bảo vệ hợp pháp theo luật của Nga.
Tuyên bố cũng làm rõ đơn đăng ký gần đây cho nhãn hiệu “Uncle Vanya”. Tháng trước (03/2022), một đơn đăng ký nhãn hiệu đã được nộp cho logo của McDonald’s, sử dụng tên “Uncle Vanya”. Tuy nhiên, ứng viên đã rút đơn hai tuần sau khi nộp đơn, Rospatent cho biết.
Ông Victor Lisovenko, một luật sư về bằng sáng chế của Nga, lưu ý trên LinkedIn rằng tuyên bố của Rospatent chỉ ra rằng, bất chấp những lo ngại rõ ràng, quy trình truy tố nhãn hiệu và bằng sáng chế sẽ tiếp tục “dựa trên các nguyên tắc và quy định tương tự” như trước đây.
Để phản ứng với cuộc chiến ở Ukraine, McDonald’s vào hôm 08/03 đã thông báo rằng họ sẽ tạm thời đóng cửa toàn bộ 850 nhà hàng của mình ở Nga. Tương tự, hãng cà phê khổng lồ Starbucks cho biết họ sẽ rút khỏi thị trường nước này. Tính đến hôm 05/04, hơn 600 công ty đã rút khỏi Nga, theo dữ liệu được thu thập bởi giáo sư Đại học Yale Jeffrey Sonnenfeld.
Ông Maksym Popov, luật sư đối tác tại Công ty Luật Mentors ở Ukraine, người theo dõi các đơn đăng ký nhãn hiệu bị sao chép trên trang web của chính phủ Nga, nhận thấy rằng hầu hết các đơn đăng ký thuộc về hai đơn vị — công ty mỹ phẩm Smart Beauty và công ty dược phẩm Biotekfarm-M. Cả hai công ty đã cùng nhau nộp 37 đơn đăng ký cho các nhãn hiệu và logo phương Tây.
“Trong thời kỳ bình thường, tôi có thể đồng ý với lập luận rằng đây là những đơn đăng ký từ những kẻ troll có thể được nộp ở mọi quốc gia. Nhưng đây không phải là thời kỳ bình thường,” ông Popov nói với The Epoch Times.
Ông Popov nói, “Các nhà chức trách Nga đang vi phạm các thỏa thuận quốc tế và đã hủy bỏ việc bồi thường bằng sáng chế cho các chủ sở hữu từ các quốc gia không thân thiện. Các chính trị gia Nga đang kêu gọi quốc hữu hóa tài sản của các công ty phương Tây và chúng tôi đã biết rằng Nga đã đánh cắp 400 phi cơ cho thuê.”
Do đó, có khả năng Nga có thể đánh cắp tài sản trí tuệ của các tập đoàn phương Tây, chẳng hạn như nhãn hiệu và bằng sáng chế, ông nói thêm.
Theo các luật sư về nhãn hiệu, nếu chính phủ Nga chọn cách vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để phản ứng lại các lệnh trừng phạt của phương Tây, điều đó có thể gây ra hậu quả lâu dài cho các khoản đầu tư vào nước này.
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: