Các thị trường mới nổi, đồng USD, và IMF
Khi nhiều quốc gia sao chép chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang mà không có nhu cầu toàn cầu [về đồng tiền của quốc gia mình] như đối với đồng USD, tài trợ cho thâm hụt tài chính và thương mại bằng cách in đồng tiền đang suy yếu, thì các quốc gia sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào USD.
Cả công dân trong nước và quốc tế đều không yêu cầu nội tệ, và các chính phủ tiếp tục gây ra sự mất cân bằng tài khóa và thương mại lớn với niềm tin rằng loại cây tiền thần kỳ này sẽ giải quyết được mọi thứ. Tuy nhiên, khi niềm tin vào đồng nội tệ của họ sụp đổ, các khoản nợ bằng USD trên toàn cầu tăng vọt, bởi vì rất ít nhà đầu tư muốn rủi ro nội tệ và các ngân hàng trung ương cần phải xây dựng dự trữ USD để ngăn chặn tai họa về sự mất giá trị của [đồng] tiền [nội] tệ.
Việc thực hiện cái gọi là các chính sách mở rộng mạnh mẽ hầu như luôn phản tác dụng, bởi vì các kế hoạch chi tiêu lớn tác động đến tăng trưởng rất ít, và sự phá hủy sức mua của đồng tiền tăng lên.
Các chính phủ luôn muốn tin rằng họ sẽ có thể che giấu sự mất cân bằng của mình bằng việc giảm giá tiền tệ, nhưng hiệu quả thì ngược lại.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các loại tiền tệ toàn cầu đều giảm giá so với USD ngay cả trong một năm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bơm tiền mạnh và giá hàng hóa tăng. Khi một quốc gia xuất cảng hàng hóa chứng kiến đồng tiền của mình sụp đổ mặc dù xuất cảng tăng, quý vị biết điều đó—một lần nữa—huyền thoại về lý thuyết tiền tệ hiện đại đã tan thành mây khói.
Khi nền kinh tế trong nước và tiền tệ ở các nước như Brazil, Argentina, hoặc Thổ Nhĩ Kỳ trở nên tồi tệ hơn, các chính phủ đổ lỗi cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Mối quan hệ của các nước với IMF luôn gây xôn xao dư luận khi các chính phủ đã tiêu hết số tiền đã vay và không muốn trả lại. Điều thú vị là, dường như ít người chỉ trích IMF khi tổ chức này giải cứu các chính phủ khỏi tình trạng mất cân bằng tài khóa, và những bình luận gay gắt chỉ xuất hiện khi khoản tiền phải được trả lại.
Điều đầu tiên mà các công dân nên hiểu là mối quan hệ tốt nhất mà chính phủ nên có với IMF cũng giống như mối quan hệ mà chúng ta nên có với việc đi vay: Sử dụng nó với số tiền ít nhất có thể.
Người dân phải hiểu rằng mục tiêu của IMF không phải là giải quyết các vấn đề cấu trúc của nền kinh tế, mà là cung cấp tính thanh khoản và giúp các chính phủ duy trì vị thế tín nhiệm của họ.
Nếu một chính phủ phung phí số tiền mà họ đã huy động được và phá hủy niềm tin của họ, đó không phải là lỗi của IMF. Hơn nữa, nếu chính phủ đó tiếp tục gia tăng sự mất cân đối như thể các quỹ tài trợ là miễn phí và không có liên quan, thì kể cả IMF và bất kỳ tổ chức tín dụng toàn cầu nào khác đều sẽ không giải cứu chính phủ ấy.
Vấn đề của IMF không phải là họ quá khắt khe với các chính phủ hay bóp nghẹt các nền kinh tế, mà là họ cực kỳ nhẹ nhàng với các chính phủ hoang phí và không bao giờ ngăn các quốc gia giải quyết mọi thứ bằng cách tăng thuế và giảm thu nhập khả dụng của người nộp thuế. Nếu IMF có thể bị đổ lỗi vì một điều gì đó, thì đó là do thường quá mềm mỏng trong các chính sách khai thác và tịch thu với chính phủ.
Trong 30 năm qua, thế giới đã trải qua hơn 100 cuộc khủng hoảng tài chính. Thật trùng hợp, những giai đoạn bong bóng mở rộng và khủng hoảng sau đó được thúc đẩy bởi các kế hoạch “mở rộng” của chính phủ bị đặt tên sai—thông qua việc các ngân hàng trung ương tăng cung tiền mà không có sự kiểm soát; và các chính phủ có xu hướng tự coi mình là giải pháp cho các vấn đề do chính chính sách của họ tạo ra.
IMF hiếm khi nói với các chính phủ phải làm gì. Trong trường hợp tốt nhất, tổ chức này gợi ý và có xu hướng cực kỳ thích ứng với việc tăng thuế. Đối với IMF, chính phủ là trụ cột của tín nhiệm tín dụng, và chi tiêu công hiếm khi bị đặt câu hỏi. Mặc dù IMF thừa nhận gánh nặng gia tăng đối với người nộp thuế và tác động của việc tăng thuế đối với tăng trưởng và việc làm, nhưng tổ chức này lại hiếm khi phạt các chính phủ chi tiêu quá mức và đánh thuế quá mức. Các bài viết xuất sắc của IMF và các phân tích thực nghiệm thường hầu như đều nhất trí trong việc chỉ ra tác động tiêu cực đến tăng trưởng và việc làm của việc tăng thuế, và hệ số tài khóa của việc chi tiêu chính phủ thấp, nếu không phải là âm, nhưng bản thân tổ chức này dường như rất sợ bị gọi là kẻ bảo vệ việc thắt lưng buộc bụng đến mức họ đã ngừng khuyến nghị thận trọng tài khóa.
Vấn đề với việc khuyến nghị chi tiêu và vay nợ trong thời kỳ lãi suất thấp và dư thừa thanh khoản là, khi mọi thứ bùng nổ, các chính phủ phàn nàn về các yêu cầu được cho là “thắt lưng buộc bụng.” Khi IMF đề nghị tiết chế chi tiêu, thì các chính phủ phản đối, ngay cả khi họ đã phung phí sự hỗ trợ trước đó.
IMF thường phản ứng với tất cả các cuộc khủng hoảng như sau:
- Bằng cách chấp nhận các biện pháp của các chính phủ từ quan điểm xây dựng, ngoại giao, và mềm mỏng.
- Bằng cách khuyến nghị các biện pháp tự do hóa và các kế hoạch điều tiết ngân sách mà hoặc là không bao giờ được thực hiện chút nào, hoặc đã được nhắm tới, như ở Argentina hoặc cuộc khủng hoảng Âu Châu, bằng mọi giá hỗ trợ các cấu trúc của nhà nước phát triển. Hầu như tất cả các “biện pháp thắt lưng buộc bụng” được thực hiện trong 30 năm qua chủ yếu dựa vào tăng thuế chứ không phải giảm chi tiêu hiện tại, điều này càng làm suy yếu các nền kinh tế.
Các tổ chức quốc tế hiếm khi kiềm chế mong muốn can thiệp của các chính phủ, và trong nhiều trường hợp, còn khuyến khích điều đó.
Đúng là IMF có thể sai trong các dự đoán của mình, nhưng đây là một trong những cơ quan quốc tế chính xác nhất và khi sai, thường là do lạc quan, khi chấp nhận những kỳ vọng của chính phủ đương nhiệm là có cơ sở.
Mối quan hệ mà các chính phủ nên có với IMF cũng giống như mối quan hệ mà quý vị nên có với luật sư hoặc ngân hàng cho vay của mình: Cố gắng sử dụng chúng càng ít càng tốt.
Các vấn đề của Argentina và các nền kinh tế mới nổi khác không phải do IMF tạo ra. Nếu IMF có thể bị buộc tội về bất cứ điều gì, thì đó là tổ chức này đã lạc quan về những lời hứa của các chính phủ.
Bài học của cuộc khủng hoảng này là nếu các chính phủ muốn tránh những hậu quả tiêu cực trong tương lai, họ nên phớt lờ những lời kêu gọi báo động rằng họ phải gia tăng sự mất cân bằng để “tăng trưởng.” Lịch sử đã chứng minh rằng việc chi tiêu và vay mượn hôm nay luôn dẫn đến khủng hoảng vào ngày mai. Hai cộng hai không bằng 22. Họ càng ít sao chép Fed hoặc yêu cầu IMF hỗ trợ thì càng tốt.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các cuốn sách “Freedom or Equality” (“Tự Do hoặc Bình Đẳng”), “Escape from the Central Bank Trap” (“Thoát khỏi Bẫy Ngân Hàng Trung Ương”) và “Life in the Financial Markets” (“Cuộc Sống trong Thị Trường Tài Chính”).
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: