Các thành viên Đảng Dân Chủ dễ bị mất ghế phản đối các chính sách nhập cư của TT Biden
Các thành viên Đảng Dân Chủ đang phải đối mặt với các cuộc chiến tái đắc cử cam go đã bắt đầu công khai phản đối Tổng thống (TT) Joe Biden trong những tuần gần đây vì kế hoạch đảo ngược các hạn chế của Đề mục 42 đối với việc nhập cảnh vào Hoa Kỳ qua biên giới phía nam, làm nổi bật mối lo ngại giữa các thành viên Đảng Dân Chủ dễ bị mất ghế rằng vấn đề này có thể lật ngược tình thế vào tháng Mười Một tới.
Kể từ khi nhậm chức, ông Biden đã tìm cách lật ngược các quy định nhập cư từ thời cựu TT Trump, ra lệnh cấm xây dựng bức tường dọc biên giới phía nam và chấm dứt chính sách từng rất thành công – “Remain in Mexico” (Ở lại Mexico), vốn yêu cầu những người nhập cư bất hợp pháp phải ở lại trong sự chăm sóc của nước láng giềng phía nam của Hoa Kỳ cho đến khi đơn xin tỵ nạn của họ được chấp thuận.
Ngay cả khi tỷ lệ nhập cư bất hợp pháp tăng mạnh, với việc các nhân viên Tuần tra Biên giới bị quá tải trong bối cảnh tỷ lệ nhập cư bất hợp pháp chưa từng có tiền lệ, Tòa Bạch Ốc vẫn tìm cách để tránh gọi tình hình này là một “ cuộc khủng hoảng,” nhưng gần đây một số thành viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện bắt đầu gọi như vậy.
Đặc biệt gây tranh cãi là kế hoạch của ông Biden khi nhằm đảo ngược việc thực thi quy định nhập cư của Đề mục 42 của Tổng thống Donald Trump — quy định này bảo đảm rằng nhiều người nhập cư bất hợp pháp bị bắt dọc biên giới phía nam sẽ được gửi trở lại — vào gần cuối tháng Năm.
Khi tỷ lệ nhập cư tiếp tục tăng và khi nhiều thành viên Đảng Dân Chủ phải đối mặt với các cuộc tái tranh cử cam go ở các tiểu bang chiến trường, một số thành viên Đảng Dân Chủ đã bắt đầu tham gia cùng các thành viên Đảng Cộng Hòa kêu gọi ông Biden đảo ngược quyết định của mình và tập trung vào việc củng cố phòng thủ dọc theo biên giới phía nam.
Nhà chiến lược GOP: Thượng nghị sĩ Hassan đang cố gắng đổi tên thành ‘MAGA Maggie’
Mặc dù từng phản đối những nỗ lực củng cố biên giới của Đảng Cộng Hòa trong suốt sáu năm qua, bỏ phiếu chống đối với mọi đề nghị an ninh biên giới của Đảng Cộng Hòa được đưa lên Thượng viện, Thượng nghị sĩ Maggie Hassan (Dân Chủ-New Hampshire) rõ ràng đã thay đổi quan điểm về vấn đề này trong những tuần gần đây, và đã vài lần kêu gọi [thực thi chính sách] an ninh biên giới cứng rắn hơn và cung cấp nhiều nguồn tài trợ hơn.
Một chiến lược gia của GOP (Đảng Cộng Hòa) nói với The Epoch Times rằng việc thay đổi lập trường rõ rệt đến mức bà Hassan đang cố gắng đổi tên mình thành “MAGA Maggie” (dịch giả: thể hiện sự ủng hộ chính sách Make America Great Again của cựu Tổng thống Trump) khi bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay.
Đảng Cộng Hòa đã để mắt đến chiếc ghế của bà Hassan kể từ năm 2016, khi bà Hassan vừa mới giành chiến thắng trước thành viên Đảng Cộng Hòa Kelly Ayotte với sự chênh lệch 0,16%, với khoảng 1,100 phiếu bầu. Vào năm 2022, nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa đã cho rằng GOP đang ở một vị thế tốt hơn nhiều để lấy lại tiểu bang này.
Ông David Carney, người từng là tổng cố vấn cho người dẫn đầu Chuck Morse của GOP trong cuộc đua vào Thượng viện New Hampshire, đã đồng ý trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng cuộc đua này là một cơ hội quan trọng nhất để GOP đạt được những tiến triển trong Thượng viện năm nay.
Ông Carney nói: “Đó là một trong những triển vọng hàng đầu cho phía chúng tôi giành được một ghế [tại Thượng viện], không còn nghi ngờ gì nữa.”
Ông Carney lưu ý việc củng cố các triển vọng của GOP – và vẽ ra một bức tranh ảm đạm cho triển vọng của bà Hassan – là kết quả hoạt động thăm dò ý kiến của Tổng thống Joe Biden tại tiểu bang này.
“Tỷ lệ tán thành hiệu suất làm việc của Tổng thống Biden là dưới mức trung bình 9 điểm và 51% cử tri không tán thành công việc mà ông ấy đang làm,” chiến dịch của ông Morse lưu ý trong một thông cáo báo chí, viện dẫn một cuộc thăm dò do Học viện Phillips thực hiện.
Sau đó, ông Carney nói về các quyết sách của bà Hassan về an ninh biên giới, mà ông cho rằng đã gây tổn hại người dân New Hampshire khi cho phép dòng chảy fentanyl vô cùng nguy hiểm tràn vào tiểu bang này.
Ông Carney nói: “Bà Maggie Hassan đã bỏ phiếu chống mọi dự luật an ninh biên giới kể từ khi bà ấy còn đương nhiệm.” “Thế mà tuần này bà ấy đã ở biên giới với một video nói về việc chúng ta cần có một con đường biên giới chắc chắn và dựng bức tường lên như thế nào.”
Bà Hassan đã đăng đoạn video được đề cập ở trên lên Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác hôm 11/04 sau khi bà đi thăm biên giới.
“Tôi vừa trải qua hai ngày ở biên giới phía nam của chúng ta, và rõ ràng là chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào nhân sự, công nghệ, và cơ sở hạ tầng vật chất để bảo đảm an ninh cho biên giới của chúng ta,” bà Hassan nói trong chú thích của video.
“Rõ ràng là chúng ta cần thêm rất nhiều nhân sự, rõ ràng là chúng ta cần thêm rất nhiều công nghệ, như vậy chúng ta có thể thực sự hiểu những gì đang diễn ra ở biên giới,” bà nói trong video.
Ông Carney nói: “Ý tôi là, [bà Hassan] thay đổi quan điểm nhiều đến mức khiến mọi người phải đau đầu khi cố gắng dõi xem bà ấy đang ở đâu trong các chính sách. Bà ấy còn tệ hơn cả cối xay gió. Bà ấy chỉ đơn giản là đang gió chiều nào xoay chiều ấy mà thôi.”
Ông nói đùa rằng “bà ấy đang cố gắng trở thành MAGA Maggie. Thật là điên rồ. Thật không thể tin được.”
Bài đăng hôm 11/04 của bà không phải là bình luận duy nhất cho thấy bà Hassan thúc đẩy một cách tiếp cận nghiêm ngặt hơn đối với vấn đề nhập cư.
Trong chuyến thăm Arizona, bà Hassan nói với một đài phát thanh địa phương ở New Hampshire đã đi cùng bà: “Nhân sự tuyến đầu của chúng ta cần số lượng bổ sung đáng kể, những người làm việc tại biên giới. Họ cần nhiều công nghệ hơn. Họ cần những con đường có thể tiếp cận và ở một số nơi, họ cần những hàng rào vật lý.”
“Chính phủ thực sự cần phải đẩy mạnh đầu tư tại đây, khai triển một kế hoạch và có thêm nguồn lực cho biên giới phía nam,” bà Hassan nói thêm.
Những bình luận của bà Hassan cho thấy sự thay đổi đáng kể trong thái độ của bà đối với vấn đề này khi nó ngày càng thu hút nhiều sự chú ý hơn từ các thành viên Đảng Cộng Hòa cũng như những thành viên độc lập, những người có thể ủng hộ hoặc phá vỡ nỗ lực tái đắc cử của bà vào cuối năm nay.
Trong một tuyên bố với the Epoch Times, ông T.W. Arrighi, tham vụ báo chí quốc gia của Ủy ban Thượng nghị viện Đảng Cộng Hòa Quốc gia (NRSC) lập luận rằng thay vì giúp đỡ bà Hassan, việc thay đổi thái độ này sẽ chỉ làm xấu đi triển vọng của bà ấy.
“MAGA Maggie sẽ thiêu rụi nền tảng cử tri của mình và không kiếm được phiếu bầu mới nào trong quá trình này,” ông Arrighi nói về sự thay đổi rõ ràng của bà Hassan.
Chúng tôi không thể liên lạc với bà Hassan để yêu cầu đưa ra bình luận thêm về vấn đề này trước thời điểm phát hành bản tin.
Thượng nghị sĩ Mark Kelly: Việc hủy bỏ Đề mục 42 ‘sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng’
Bà Hassan không phải là thành viên Đảng Dân Chủ duy nhất có vẻ như không ủng hộ quan điểm chính thức của Tòa Bạch Ốc về vấn đề nhập cư.
Thượng nghị sĩ Mark Kelly (Dân Chủ–Arizona), người có vị trí đang lung lay ở nơi trước đây từng là thành trì đỏ của Arizona, từ lâu đã áp dụng cách tiếp cận trung dung hơn đối với vấn đề nhập cư.
Hồi đầu tháng 04/2021, trước khi các mức nhập cư bất hợp pháp đạt đến đỉnh điểm, ông Kelly gọi tình hình đang tiến triển dọc theo biên giới phía nam là một “cuộc khủng hoảng,” bác bỏ mô tả lạc quan hơn của Tòa Bạch Ốc về vấn đề này. Cùng lúc đó, ông Kelly cam kết rằng ông sẽ “tiếp tục khiến chính phủ phải chịu trách nhiệm” về an ninh biên giới.
Giờ đây, ông Kelly đang nhắc lại thách thức của mình đối với các chính sách nhập cư của chính phủ TT Biden.
Sau một chuyến thăm gần đây tới biên giới, ông Kelly cảnh báo các phóng viên rằng nếu ông Biden dỡ bỏ Đề mục 42, thì “Việc này sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng.”
Tại Thượng viện, ông Kelly đã cùng với thượng nghị sĩ Hassan, bà Kyrsten Sinema (Dân Chủ-Arizona), và ông Jon Tester (Dân Chủ-Montana) đưa ra dự luật có thể trì hoãn sự kết thúc của Đề mục 42 trong ít nhất 60 ngày.
Tuy nhiên, ông Kelly không có lập trường cứng rắn đối với vấn đề nhập cư như bà Hassan.
Thay vào đó, ông đã kêu gọi Tòa Bạch Ốc giảm bớt căng thẳng trong hệ thống nhập cư bằng cách đưa ra kế hoạch tăng số lượng thẩm phán sẵn có để xét xử các đơn xin tị nạn và số lượng xe buýt cũng như nhà ở cho người nhập cư vào quốc gia này, mặc dù không rõ liệu điều này sẽ chỉ áp dụng cho những người được phép nhập cư hợp pháp vào quốc gia hay không.
Ngoài ra, vào thời điểm đầu của Đại hội khóa 117, ông Kelly đã cùng các đồng nghiệp của mình giúp giới thiệu Đạo luật Vì Nhân dân, một dự luật mà Liên đoàn phi đảng phái Cải cách Nhập cư Hoa Kỳ (FAIR) nói với The Epoch Times rằng nó sẽ “che chắn và miễn tội cho việc bỏ phiếu gian lận bởi những người ngoại quốc bất hợp pháp” thông qua các biện pháp an ninh được nới lỏng.
Ông Kelly dường như đã nghiêng về quan điểm trung dung đối với chính sách nhập cư, hy vọng sẽ làm hài lòng cả các cử tri của Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử sơ bộ và người dân Arizona nói chung, nhưng khi một lượng lớn người ngoại quốc nhập cư bất hợp pháp tiếp tục đổ vào Arizona, thì không rõ cử tri sẽ đánh giá ra sao về lập trường nhập cư của ông Kelly.
Ông Arrighi cảnh báo không nên quá coi trọng thái độ tỏ ra cứng rắn về an ninh biên giới của ông Kelly.
Ông Arrighi nói “Ông Mark Kelly đã bỏ phiếu chống đối với việc tài trợ cho bức tường biên giới, và bỏ phiếu ủng hộ các thành phố trú ẩn và thậm chí cắt giảm sự giảm sát đối với những người ở trong nước một cách bất hợp pháp. Mối ‘lo ngại’ của ông ấy đối với cuộc khủng hoảng hiện tại mà ông ấy đã giúp làm trầm trọng thêm là vô giá trị.”
Ông Arrighi nói thêm “Bực bội hơn là sự trì hoãn liên tục từ ông Mark Kelly. Ông ấy đã biến việc không đưa ra quan điểm về một điều gì đó cho đến khi mọi người đã có quan điểm về nó thành đặc trưng chính trị của mình. Liên quan đến an ninh biên giới, ông Kelly nói rất nhiều, nhưng hành động rất ít.”
Ông Kelly đã không phúc đáp yêu cầu bình luận vào thời điểm phát hành bản tin này.
Thượng nghị sĩ Catherine Cortez Masto (Dân chủ-Nevada), người cũng được NRSC coi là một mục tiêu, đã gợi ý rằng bà đồng ý với những lo ngại của ông Kelly về việc dỡ bỏ Đề mục 42.
“Tôi nghĩ thật sai lầm nếu làm điều đó mà không có một kế hoạch chi tiết. Chúng ta thừa biết rằng ngay vào tầm hè là sẽ có sự gia tăng những người nhập cư bất hợp pháp,” bà Cortez Masto nói.
Dân biểu Spanberger, Slotkin gửi thư đến ông Mayorkas chỉ trích kế hoạch đảo ngược Đề mục 42
Hôm 19/04, các Dân biểu Elissa Slotkin (Dân Chủ-Michigan) và Abigail Spanberger (Dân chủ-Virginia) đã cùng các đồng nghiệp tại Thượng viện chỉ trích kế hoạch đảo ngược Đề mục 42 trong một lá thư gửi Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas.
Hai vị Dân biểu viết: “Với tình hình của chúng ta trong lĩnh vực an ninh quốc gia, chúng tôi biết Nhánh Hành pháp đã quen với việc lập kế hoạch cho các trường hợp bất thường, và chính vì lý do này mà chúng tôi gửi tới quý vị những yêu cầu dưới đây về các hành động cần thực hiện trước khi chính phủ dỡ bỏ Đề mục 42, như vậy chúng ta có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh.”
Bức thư viết tiếp: “Chúng tôi lo ngại về cách thức DHS sẽ giải quyết việc gia tăng số lượng người… nếu không có kế hoạch toàn diện và thiết thực thì việc đó sẽ tăng gấp ba công suất của bộ phận này. Và mặc dù chính phủ đã có hai tháng để chuẩn bị, nhưng những gì đã được chia sẻ với chúng tôi cho đến nay dường như là quá ít, quá muộn – đặc biệt là khi việc hủy bỏ Đề mục 42 sẽ xảy ra cùng lúc với việc gia tăng về lượng người di cư theo mùa.”
Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ tiếp nhận áp lực của lưỡng đảng để đảo ngược quyết định về Đề mục 42.
Và một số ý kiến cho rằng những thành viên Đảng Dân Chủ bày tỏ lo ngại về việc nhập cư bất hợp pháp chỉ hơn một màn kịch chính trị để chuẩn bị cho các trận chiến của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới, vốn được dự đoán là sẽ chứng kiến những tổn thất nặng nề của Đảng Dân Chủ tại Hạ viện và sẽ đẩy các thành viên Đảng Dân Chủ ở Thượng viện vào thế phòng thủ.
Trong một tuyên bố với The Epoch Times, giám đốc quan hệ chính phủ FAIR Preston Huennekens đã cho ý kiến như vậy, lưu ý về thành tích tồi tệ của Đảng Dân Chủ về an ninh biên giới cho đến gần đây.
“Các quan chức Đảng Dân Chủ này chỉ quan tâm đến việc hủy bỏ Đề mục 42 bởi vì họ hiểu rằng đó sẽ là một thảm họa chính trị đối với Đảng Dân Chủ,” ông Huennekens nói.
Ông cho hay: “Không ai trong số những Thượng nghị sĩ này đã quan tâm đến sự tàn phá việc thực thi nhập cư của chính phủ ở quốc gia này. Không ai trong số họ phản đối hướng dẫn mới của ICE khiến việc bắt giữ và trục xuất người ngoại quốc nhập cư bất hợp pháp gần như là không thể. Không ai trong số họ phàn nàn về việc kết thúc chương trình Remain in Mexico, chương trình đã chấm dứt thành công cuộc khủng hoảng biên giới năm 2019. Không ai trong số các Thượng nghị sĩ này quan tâm đến tình hình ở biên giới phía nam của chúng ta cho đến khi nó trở nên thích hợp về mặt chính trị để họ làm như vậy.”
Ông Joseph Lord là phóng viên chuyên đưa tin về Quốc hội cho The Epoch Times.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: