Các tập đoàn Mỹ tái khẳng định sẽ hỗ trợ tài chính cho người lao động tìm cách phá thai
Sau quyết định mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao về việc lật lại vụ Roe kiện Wade hôm 24/06, nhiều công ty lớn của Hoa Kỳ trên nhiều lĩnh vực đã ủng hộ các kế hoạch y tế tại nơi làm việc của họ, mà sẽ trang trải chi phí phá thai ngoài tiểu bang cho nhân viên.
JPMorgan Chase xác nhận trong một bản ghi nhớ nội bộ do CNBC thu được rằng họ sẽ duy trì cam kết cung cấp phúc lợi đi lại cho các bà mẹ phá thai ở những tiểu bang nơi mà phá thai vẫn là hợp pháp.
Đại công ty ở Wall Street này đã tiết lộ nội dung này trong các phúc lợi về sức khỏe tổng thể của nhân viên hồi đầu tháng.
Ngân hàng này cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi cũng sẽ mở rộng phúc lợi đi lại hiện có cho mục đích chăm sóc sức khỏe, hiện bao gồm một số dịch vụ như cấy ghép nội tạng, cho đến tất cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được chi trả chỉ có thể nhận được ở xa nhà của quý vị.”
“Phá thai từ lâu đã là một dịch vụ được bảo hiểm và bây giờ sẽ trong phạm vi áp dụng.”
Citigroup đã nhắc lại những lợi ích tương tự cho nhân sự của mình ngay sau phán quyết. Tổ chức tài chính này ban đầu đã công bố khía cạnh này hồi tháng Ba.
Chi phí đi lại
Theo Giám đốc điều hành Lauren Hobart, Dick’s Sporting Goods sẽ cung cấp cho nhân viên hoặc thành viên gia đình của họ tới 4,000 USD để trang trải chi phí đi lại nếu họ cần phá thai.
Người đứng đầu nhà bán lẻ đồ thể thao này viết: “DICK’S Sporting Goods sẽ cung cấp khoản hoàn trả chi phí đi lại lên đến 4,000 USD để di chuyển đến địa điểm gần nhất nơi dịch vụ chăm sóc đó được cung cấp hợp pháp.”
“Chúng tôi nhận ra rằng mọi người rất thiết tha về chủ đề này — và có những đồng đội và vận động viên sẽ không đồng ý với phán quyết này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận ra rằng các quyết định liên quan đến sức khỏe và gia đình là mang tính cá nhân sâu sắc và được đưa ra với sự cân nhắc thấu đáo.”
Cổ phiếu đã tăng hơn 8% khi có tin này và đóng cửa với giá trên 84 USD.
Cổ phiếu của nhà sản xuất denim Levi Strauss đã tăng 3.4% sau khi hãng này tái khẳng định chính sách chi trả cho việc phá thai ngoài tiểu bang của nhân viên.
Trong một bản ghi nhớ nội bộ, Disney nói với nhân viên rằng họ sẽ tiếp tục mở rộng quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn diện, bao gồm cả việc phá thai.
Công ty cho biết: “Chúng tôi có các quy trình để một nhân viên có thể không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc ở một địa điểm này có được mức bảo hiểm hợp lý để nhận được mức độ chăm sóc tương tự ở một địa điểm khác.”
“Phúc lợi đi lại này bao gồm các tình huống y tế liên quan đến điều trị ung thư, cấy ghép, điều trị bệnh hiếm gặp, và kế hoạch hóa gia đình (bao gồm cả các quyết định liên quan đến mang thai).”
Netflix đang cung cấp tới 10,000 USD không chỉ cho phá thai mà còn cả phẫu thuật xác định giới tính, điều trị ung thư, và cấy ghép.
Công ty sở hữu Facebook Meta tuyên bố rằng họ sẽ hoàn tiền cho những nhân viên tìm kiếm các dịch vụ phá thai ngoài tiểu bang. Tuy nhiên, đại công ty công nghệ này cũng lưu ý rằng công ty sẽ “đánh giá cách tốt nhất để làm như vậy với những phức tạp về pháp lý liên quan.”
Cũng có thông tin cho rằng Meta đã hạn chế các cuộc thảo luận nội bộ về phán quyết của Tối cao Pháp viện. Các quản trị viên đã xóa các bài đăng trên bảng tin tại nơi làm việc đề cập đến việc phá thai, với lý do “giao tiếp có tính tôn trọng.”
Giám đốc điều hành sắp mãn nhiệm Sheryl Sandberg, người sẽ rời chức vị vào cuối năm nay, đã viết trong một bài đăng trên Facebook rằng, “Phán quyết của Tối cao Pháp viện gây nguy hiểm cho sức khỏe và cuộc sống của hàng triệu trẻ em gái và phụ nữ trên khắp đất nước.”
Lyft, công ty dịch vụ gọi xe, xác nhận rằng họ sẽ bảo vệ hợp pháp các tài xế trong các ca phá thai để bảo đảm rằng “không có tài xế nào sẽ phải hỏi người đi xe họ đang đi đâu và tại sao.”
Ông Jeremy Stoppelman, người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của trang web đánh giá trực tuyến Yelp, cho biết trong một tuyên bố rằng công ty sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nữ nhân viên đang tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sinh sản.
Ông Stoppelman nói: “Phán quyết này đã đặt sức khỏe của phụ nữ vào vòng nguy hiểm, khước từ quyền con người của họ, và đe dọa hủy bỏ những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được đối với bình đẳng giới tại nơi làm việc kể từ khi có án lệ Roe.”
Ông nói: “Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải tăng cường hỗ trợ sức khỏe và sự an toàn của nhân viên bằng cách lên tiếng chống lại làn sóng cấm phá thai sẽ bùng phát do quyết định này và kêu gọi Quốc hội pháp điển hóa vụ Roe thành luật.”
Uber đã áp dụng một biện pháp tương tự nhằm bồi hoàn cho các tài xế bị kiện theo luật tiểu bang vì cung cấp dịch vụ đi lại đến một phòng khám phá thai.
Amazon, Apple, Microsoft, Starbucks, Tesla và nhiều hãng khác cũng sẽ mở rộng các kế hoạch y tế này cho nhân viên. Các tổ chức khác đã cam kết đóng góp cho các tổ chức ủng hộ quyền phá thai, bao gồm cả Planned Parenthood.
Các tiểu bang tiếp thị luật phá thai tới các doanh nghiệp Hoa Kỳ
Một số thống đốc tiểu bang đã tiếp thị luật phá thai của họ như là một ưu điểm thu huets các công ty đang cân nhắc chuyển hoạt động sang các khu vực pháp lý khác nhau.
Thống đốc New York Kathy Hochul đã viết một bài báo đăng trên tạp chí Wall Street Journal hồi tháng trước, kêu gọi các CEO “chuyển đến New York” vì các biện pháp bảo vệ toàn diện của tiểu bang đối với bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ phá thai.
Bà Hochul viết: “Một số công ty đặt tại các tiểu bang hạn chế quyền tiếp cận đang cung cấp dịch vụ đưa đón nhân viên đi phá thai ra khỏi tiểu bang.”
“Nhưng có một cách tốt hơn để các CEO đó bảo vệ các quyền thiết yếu của nhân viên. Đừng đặt các địa điểm kinh doanh của quý vị trong một tiểu bang áp đặt những hạn chế man rợ này. Hãy chuyển đến New York.”
Trong một lá thư do MarketWatch thu được, Thống đốc New Jersey Phil Murphy đã liên lạc với hàng chục công ty thuộc nhiều ngành khác nhau, cảnh báo về phán quyết của Tối cao Pháp viện.
Ông Murphy đã viết: “Việc lật ngược quyền tự chủ về thân thể của phụ nữ — và tác động ghê gớm mà phán quyết này sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút và giữ chân tài năng nữ hàng đầu của quý vị do tọa lạc tại một tiểu bang từ chối công nhận quyền tự do sinh sản của phụ nữ — là không thể bỏ qua.”
Khuyến khích tài chính của California
Hồi tháng Năm, Thống đốc California Gavin Newsom đã đề nghị cung cấp hơn 2 tỷ USD khuyến khích tài chính, bao gồm trợ cấp và tín thuế, để thu hút các công ty có khả năng muốn rời khỏi các tiểu bang chống phá thai.
Ông Newsom nói: “California sẽ không khoanh tay đứng nhìn khi những kẻ cực đoan đảo ngược các quyền hiến định căn bản của chúng ta; chúng tôi sẽ chiến đấu hết mình, bảo đảm rằng tất cả phụ nữ — không chỉ phụ nữ ở California — biết rằng tiểu bang này tiếp tục công nhận và bảo vệ các quyền căn bản của họ.”
“Chúng tôi đang mở rộng khả năng tiếp cận với các dịch vụ quan trọng này, chào đón các doanh nghiệp và nhân viên của họ thoát khỏi các tiểu bang chống phá thai, đồng thời tái khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Lập pháp và các bên liên quan đến quyền sinh sản để củng cố hơn nữa vai trò lãnh đạo của California về quyền phá thai.”
Nhưng các chuyên gia cho rằng các công ty có xu hướng tập trung vào thuế suất, chi phí sinh hoạt, nhà ở giá phải chăng, các quy định của tiểu bang và địa phương, và hậu cần hơn là các vấn đề xã hội khi lựa chọn nơi thành lập hoạt động hoặc di dời cơ sở của họ.
Trong năm qua, Texas đã thu hút được các công ty lớn, bao gồm Tesla và Hewlett Packard. Tiểu bang này sở hữu một số quy định hạn chế phá thai nghiêm ngặt nhất của quốc gia. Thêm vào đó, theo phán quyết của Tối cao Pháp viện, tiểu bang này có luật kích hoạt cấm mọi trường hợp phá thai.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).