Các tạp chí khoa học quốc tế rút lại các bài báo nghiên cứu của Trung Quốc về DNA của người Duy Ngô Nhĩ vì vi phạm đạo đức
Hai tạp chí khoa học lớn gần đây đã hủy bỏ các bài báo của các nhà nghiên cứu Trung Quốc về DNA của người Duy Ngô Nhĩ do những lo ngại về vấn đề đạo đức.
Tạp chí Quốc tế về Y học Pháp lý và Di truyền học Loài người đã rút lại hai bài báo được xuất bản vào năm 2019 lần lượt vào ngày 07/09 và ngày 30/08. Các tạp chí khoa học này thuộc sở hữu của nhà xuất bản học thuật Springer Nature. Cả hai bài báo đều nghiên cứu hơn 100 mẫu DNA của những người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương của Trung Quốc để tái tạo khuôn mặt và chiều cao của họ. Họ đã bị nghi vấn về việc liệu họ có nhận được sự đồng ý hoàn toàn của các đối tượng để thu thập các mẫu cho nghiên cứu này hay không.
Nhà cầm quyền Trung Cộng đã đưa một cách có hệ thống người Duy Ngô Nhĩ vào các trại giam giữ và giám sát gắt gao. Sự áp bức của nhà cầm quyền này đối với người Duy Ngô Nhĩ đã được cộng đồng quốc tế xác định là tội ác diệt chủng.
Hai bài báo này có nhiều đồng tác giả, trong đó có ông Lý Thái Hà (Li Caixia), nhà khoa học pháp y chính tại Bộ Công an Trung Quốc. Các tạp chí này nói rằng họ “đã yêu cầu các tác giả cung cấp tài liệu hỗ trợ, bao gồm cả mẫu đơn đăng ký được nộp cho ủy ban đạo đức và bằng chứng về việc chấp thuận về đạo đức.” Tuy nhiên, “các tài liệu do các tác giả này cung cấp chứa không đủ thông tin liên quan đến phạm vi của nghiên cứu đó để chúng tôi vẫn tin tưởng rằng các quy trình này tuân thủ các chính sách biên tập của chúng tôi hoặc phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức quốc tế,” các tạp chí cho biết trong tuyên bố của họ.
Trong nhiều năm, các nhà khoa học quốc tế đã bày tỏ những sự hoài nghi và lo ngại về vấn đề đạo đức đối với việc liệu các mẫu máu thu thập được từ người Duy Ngô Nhĩ cho nghiên cứu này có được cung cấp tự nguyện hay không. Theo The New York Times, nhiều người Duy Ngô Nhĩ cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa mẫu máu của mình trong một cuộc kiểm tra sức khỏe do nhà cầm quyền Trung Cộng thực hiện.
Trong nhiều năm, ông Yves Moreau, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Công Giáo Leuven ở Bỉ, đã lên tiếng nhiều nhất về việc rút lại các bài báo nghiên cứu của Trung Quốc sử dụng mẫu DNA của người Duy Ngô Nhĩ. Ông đã phân tích 529 nghiên cứu liên quan đến di truyền học ở Trung Quốc, và ngạc nhiên khi thấy rằng từ năm 2011 đến năm 2018, khoảng một nửa số đồng tác giả của nghiên cứu này được công bố ở Trung Quốc là thành viên của cảnh sát, quân đội, hoặc bộ tư pháp Trung Quốc.
Viện Khoa học Pháp y của Trung Cộng mà ông Lý Thái Hà đang làm việc kể từ tháng 05/2020 đã bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen không cho phép tiếp cận công nghệ của Hoa Kỳ. Lý do cho việc đưa vào danh sách đen mà chính phủ Hoa Kỳ đưa ra là viện này “đồng lõa với các vi phạm nhân quyền và lạm quyền trong chiến dịch đàn áp, giam giữ tùy tiện hàng loạt, lao động cưỡng bức, và giám sát công nghệ cao của Trung Quốc” đối với các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương.
Tạp chí Quốc tế về Y học Pháp lý và Di truyền Loài người lưu ý rằng ông Lý đã thay mặt các tác giả khác phản bác lại việc rút lại các bài báo này.
Về việc rút lại này, ông Moreau nói, “Những sợi manh mối này quá rõ ràng,” nói thêm rằng, “Quý vị không thể nói: Tôi đã không biết, tôi đã không nhận ra và tôi không có ảnh hưởng gì.”
Ký giả Alex Wu là một cây bút viết cho The Epoch Times có trụ sở tại Hoa Kỳ, tập trung vào xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và quan hệ quốc tế.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: