Các sửa đổi có ảnh hưởng sâu rộng của Hoa Kỳ đối với các quy định của WHO, Hiệp ước Đại dịch Toàn cầu làm dấy lên mối lo ngại
Ký giả kiêm tác giả Nick Corbishley cho biết, các sửa đổi do Hoa Kỳ đề nghị đối với các quy định y tế quốc tế nhằm quản lý sự ứng phó với các đại dịch và hiệp ước đại dịch toàn cầu mới, cả hai đều nằm trong nghị trình cuộc họp chung của Tổ chức Y tế Thế giới, làm dấy lên mối đe dọa đối với chủ quyền của các quốc gia.
Các sửa đổi được đề nghị hồi tháng Một của chính phủ Tổng thống (TT) Biden sẽ trao cho Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyền đơn phương ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng ở bất kỳ quốc gia nào dựa trên bất kỳ bằng chứng nào mà vị tổng giám đốc này lựa chọn.
Tiến sĩ David Bell, một chuyên gia về y tế toàn cầu và bệnh truyền nhiễm từng làm việc tại WHO, đã nói với chương trình “American Thought Leaders” của EpochTV rằng, Các quy định Y tế Quốc tế của WHO được đưa ra hồi năm 2005 và “được đợt bùng phát SARS năm 2003 tác động một chút.”
13 sửa đổi do chính phủ TT Biden đưa ra nằm trong nghị trình của Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 75 được tổ chức trong tuần lễ từ ngày 16-22/05 tại Geneva, Thụy Sĩ. Theo trang web của WHO, Đại hội đồng Y tế Thế giới là cơ quan ra quyết định của WHO và có sự tham gia của các phái đoàn từ tất cả các quốc gia thành viên.
Hội đồng cũng bắt đầu thảo luận về những gì hiệp ước đại dịch toàn cầu mới được đề nghị có thể bao gồm.
Ông Bell nói rằng hiệp ước về đại dịch toàn cầu là một cơ chế song song của WHO. Hiệp ước này sẽ có hiệu lực theo luật pháp quốc tế và rất giống với các sửa đổi của Quy định Y tế Quốc tế, nhưng nó sẽ trao nhiều quyền lực nhiều hơn cho WHO và tổng giám đốc của tổ chức này.
Ông Corbishley tin rằng hội đồng này sẽ tập trung nhiều hơn vào việc tuân thủ các quy định đã được WHO thông qua của các quốc gia thành viên nằm trong tổ chức này. Ông nói với chương trình “Crossroads” của EpochTV rằng chính phủ TT Biden đã đề cập đến việc thành lập một ủy ban tuân thủ để bảo đảm rằng những nước thành viên WHO tuân theo các quy định của tổ chức.
Hiện tại, WHO “chỉ có một vai trò cố vấn. Họ chỉ có thể đưa ra các khuyến nghị cho các nước thành viên và họ phụ thuộc vào việc các nước tham gia quyết định xem có thực hiện các khuyến nghị đó hay không và thực hiện bằng cách nào,” ông Corbishley giải thích. “Điều đó có khả năng thay đổi nếu có một hiệp ước đại dịch toàn cầu.”
Ông chỉ ra rằng khái niệm về một ủy ban tuân thủ nếu được thực hiện, sẽ “gần giống như để kiểm soát các hành động của từng nước thành viên.”
“Các quốc gia có nguy cơ mất chủ quyền cao nhất trong kịch bản kiểu này có khả năng là các quốc gia nghèo hơn, nhỏ hơn.”
Ông Corbishley cho hay các trường hợp tương tự đã được quan sát trong vòng 15 đến 20 năm qua tại Tổ chức Thương mại Thế giới, nơi các tập đoàn toàn cầu có thể kiện các chính phủ quốc gia ra tòa án quốc tế vì xâm phạm đến lợi nhuận của họ hoặc thậm chí đe dọa đến lợi nhuận trong tương lai của họ. “Điều đó tác động nhiều hơn đối với các nước nghèo, các nước nhỏ vì họ không có tiền để có thể chi trả cho những vụ kiện kiểu này.”
“Họ không có đòn tấn công ngoại giao ở một cấp độ quốc tế để có thể chống lại những điều này.”
Tác động của Hiệp ước Đại dịch Toàn cầu
Ông Corbishley cho biết, mọi quốc gia ký kết hiệp ước đại dịch do WHO thiết lập sẽ mất chủ quyền ở một mức độ nào đó, nhưng khó có thể nói được ở mức độ nào vì hiệp ước này đang ở giai đoạn đầu phát triển.
“Nếu [WHO] thực sự có được quyền ban bố một tình trạng khẩn cấp quốc tế về y tế công cộng ở một quốc gia mà thậm chí không cần tham khảo ý kiến hoặc đạt được một thỏa thuận với quốc gia được đề cập, thì đó là một sự thay đổi lớn trong cán cân quyền lực giữa các quốc gia và một tổ chức đa quốc gia như Tổ chức Y tế Thế giới,” ông Corbishley nói.
Nếu hiệp ước này có thể có hiệu lực với một số lượng các quốc gia tuân thủ nhất định trong lĩnh vực chính sách y tế công cộng, thì một xu hướng mới về “khu vực hóa (balkanization) của toàn cầu hóa” có thể bắt đầu, ông Corbishley lưu ý. “Toàn cầu hóa đang bắt đầu có vẻ dễ sụp đổ hơn rất nhiều so với cách đây 5 đến 10 năm.”
Ông đưa ra ví dụ đơn cử gần đây Nga, quốc gia có đông dân và một nền kinh tế lớn, đã đưa ra ý tưởng rút khỏi WHO. Mặc dù ông Corbishley nghi ngờ rằng Hoa Kỳ hoặc Liên minh Âu Châu sẽ phản đối hiệp ước này, nhưng nếu một số quốc gia lớn khác bắt đầu bày tỏ những lo ngại của họ rằng hiệp ước này không có lợi cho họ, thì “khi đó nó có thể trở thành một văn bản không thực tế”, ông chỉ ra.
Ông Bell cho biết một tài liệu làm việc ban đầu hướng tới hiệp ước đại dịch toàn cầu này được gọi là báo cáo dự thảo số không và nó cũng nằm trong nghị trình của Đại hội đồng Y tế Thế giới vừa qua. Ông nói thêm rằng hiệp ước này dự kiến sẽ được thảo luận và chấp thuận tại Đại hội đồng Y tế Thế giới sẽ được triệu tập vào năm tới và sau đó sẽ có hiệu lực sau khi các nước tham gia phê chuẩn.
Để thông qua hiệp ước, 2/3 các nước thành viên của WHO phải chấp thuận, trong khi việc sửa đổi các quy định y tế quốc tế hiện hành chỉ yêu cầu một nửa số nước tham gia chấp thuận, ông Bell nói.
Không có những đề nghị rõ ràng nào về hiệp ước đại dịch toàn cầu vì công việc soạn thảo mới chỉ bắt đầu, ông Corbishley cho biết, đồng thời nói thêm rằng một số tài liệu dự thảo có thể có vào tháng Tám.
Tài trợ tư nhân của WHO
Ông Corbishley nhấn mạnh vấn đề tài trợ tư nhân của WHO, theo quan điểm của ông, dẫn đến quá trình bán tư nhân hóa y tế toàn cầu. Xu hướng này phù hợp với thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Liên Hiệp Quốc, thể hiện việc bán tư nhân hóa một số chính sách toàn cầu nhất định, trong đó có y tế.
Ông Bell cho biết WHO chịu ảnh hưởng của các quốc gia nằm trong hội đồng của tổ chức này và ảnh hưởng của các nhà tài trợ tư nhân và doanh nghiệp, những tác nhân tài trợ cho rất nhiều chương trình của tổ chức này. “Vì vậy, tổ chức này đáp ứng lại những nhà tài trợ đã chi phối này.”
Ông Bell giải thích: “Chắc chắn tổ chức này đang thúc đẩy một cách thức rất mới để quản lý y tế và quản lý việc ra quyết định về y tế, đặc biệt là trong các đợt bùng phát dịch, điều đó rõ ràng là mang lại lợi ích cho những nhà tài trợ này của WHO.”
Ông cũng lưu ý rằng có một khả năng là các nước sẽ lợi dụng toàn bộ tình huống này để đẩy mạnh lợi ích chiến lược của mình hơn lợi ích của các nước đối thủ. “Thế giới là một nơi đa dạng. Không phải tất cả các quốc gia đều đồng ý với nhau.”
Khoảng 80% tài trợ cho WHO, bao gồm 194 quốc gia thành viên, đến từ các công ty tư nhân và các quỹ tư nhân như Quỹ Bill và Melinda Gates – có mức đóng góp tổng thể lớn thứ hai sau Đức. Hoa Kỳ là nước đóng góp lớn thứ ba.
Ông Corbishley chỉ ra rằng Đức, nhà tài trợ hàng đầu cho WHO, cũng là nước xuất cảng dược phẩm lớn nhất trên thế giới. Hơn nữa, WHO có hợp đồng với T-Systems, một công ty con của công ty Đức Deutsche Telekom AG, để xây dựng một hệ thống hộ chiếu vaccine có thể tương tác toàn cầu, theo một tuyên bố của công ty.
Xem xét “cách các công ty dược phẩm đã xoay xở để nắm bắt — ở một mức độ nhất định hoặc một mức độ lớn — các chính phủ và các cơ quan quản lý và học viện của chúng ta,” câu hỏi được đặt ra là: “[WHO] phản ánh lợi ích của công chúng toàn cầu ở mức độ nào, và [WHO] đại diện cho lợi ích của các công ty dược phẩm mà dù trực tiếp hay gián tiếp thông qua đó các nước thành viên đang tài trợ cho WHO ở mức độ nào,” ông Corbishley nói.
Ông cũng khuyến khích những người thuộc cánh tả hoặc trung lập của phổ chính trị quan tâm hơn đến số tiền tài trợ tư nhân mà WHO nhận được. Ông Corbishley lưu ý rằng hiện tại có vẻ như những người thuộc cánh hữu đang lo ngại sâu sắc về việc trao thêm quyền cho WHO có thể gây ra một mối đe dọa đối với chủ quyền.
Bà Ella Kietlinska là một phóng viên của The Epoch Times tại New York, chuyên đưa tin về chính trị Hoa Kỳ và thế giới.
Anh Joshua Philipp là một phóng viên điều tra từng đạt giải thưởng của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Crossroads” (“Giao lộ thông tin”) của EpochTV. Anh là một chuyên gia được công nhận về chiến tranh không hạn chế, chiến tranh hỗn hợp phi cân xứng, hoạt động lật đổ, và các quan điểm lịch sử về các vấn đề ngày nay. Hơn 10 năm nghiên cứu và điều tra về Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoạt động lật đổ, và các chủ đề liên quan giúp anh có cái nhìn sâu sắc về mối đe dọa toàn cầu này và bối cảnh chính trị.
Bản tin có sự đóng góp của Jan Jekielek và Mark Tapscott