Các quốc gia thúc giục hình sự hóa thu hoạch nội tạng cưỡng bức: ‘Sự tàn bạo tà ác chưa từng có’
Các nhóm nhân quyền đang thúc đẩy một dự luật để tạo ra một mạng lưới trừng phạt quốc tế để trừng phạt chế độ cộng sản Trung Quốc vì những gì họ mô tả là “sự tàn bạo tà ác chưa từng có” của việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Dự luật này sẽ quy tội cho bất kỳ ai cưỡng bức lấy nội tạng của người khác trái với ý muốn của họ; lưu trữ hoặc vận chuyển các cơ quan nội tạng; vận hành các cơ sở để tổ chức phẫu thuật cấy ghép các cơ quan nội tạng đó; nhận nội tạng; hoặc quảng cáo, tài trợ, môi giới, hoặc kiếm lợi từ hành vi rùng rợn này thông qua các hình thức khác.
Theo bà Châu Uyển Kỳ (Theresa Chu), một luật sư nhân quyền tại Đài Loan đồng thời là chủ tịch của Ủy ban Pháp lý về Tuyên bố chung về Chống lại và Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức, cho biết dự luật này được đưa ra vì sự cấp bách để ngăn chặn tình trạng lạm dụng ở cấp quốc gia khi các cơ quan quốc tế đã làm rất ít để giải quyết vấn đề này.
Các nạn nhân chính trong hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Bắc Kinh là các học viên Pháp Luân Công. Còn được biết đến với tên gọi là Pháp Luân Đại Pháp, môn tu luyện này bao hàm các bài tập thiền định và các bài giảng về đạo đức tập trung vào các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Các học viên của môn tu luyện tinh thần này đã phải chịu một chiến dịch đàn áp toàn diện dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ năm 1999.
Bà Châu, người đã đang làm việc để bảo vệ các nạn nhân Pháp Luân Công trong khoảng 20 năm qua, nhớ lại cuộc gặp với các quan chức Liên Hiệp Quốc cách đây gần 10 năm trước để trình bày một bản kiến nghị có chữ ký của khoảng 1.5 triệu người từ 53 quốc gia và khu vực kêu gọi Liên Hiệp Quốc lên án nạn thu hoạch nội tạng.
Trong cuộc gặp đó, bà Châu nói với các quan chức về “trại tử thần” và “trại tập trung bí mật” nơi các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bị “sát hại bằng thu hoạch nội tạng cưỡng bức.” Bà cho biết, những trại này tồn tại ở hầu hết mọi thành phố trên khắp Trung Quốc. Bà đã nhắc nhở các quan chức về trách nhiệm của họ trong việc điều tra và xác định vị trí của các địa điểm đó.
“Các quan chức đó đã không đặt câu hỏi về nguồn gốc của các cáo buộc về những ‘trại tử thần’ này,” bà Châu nói trong một sự kiện trực tuyến hôm 22/03 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về thu hoạch nội tạng. “Họ nghiêm túc chăm chú lắng nghe, ghi chép, nhưng không phản hồi.”
Không có sự lên án nào từ phía Liên Hiệp Quốc tại thời điểm đó và cho đến tận ngày nay. Các chuyên gia nhân quyền liên kết với cơ quan này đều bày tỏ sự sửng sốt và thất vọng trước những gì họ nói là những cáo buộc đáng tin cậy về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức vào năm ngoái. Tuyên bố này được đưa ra 14 năm sau khi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nêu ra vấn đề này với chính quyền Trung Quốc vào năm 2007 nhưng đã không nhận được dữ liệu phản hồi thỏa đáng.
Trước “sự thờ ơ và không có hành động nào” của cơ quan tài phán quốc tế, gánh nặng đặt lên vai “mỗi chúng ta để thực hiện bất kỳ biện pháp dân chủ và hợp pháp nào bằng lương tâm” để ngăn chặn hành vi tàn bạo này, bà Châu nói. Bà đã gọi việc thông qua dự luật này là “điều bắt buộc” đối với tất cả các quốc gia, điều mà bà cũng cho là một “phương thuốc quan trọng để ngăn chặn sự hủy hoại đạo đức của nhân loại.”
‘Sự im lặng’
Các nhà lập pháp đương nhiệm và tiền nhiệm đến từ Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, và Đài Loan đã đồng ý tại hội thảo này rằng vấn đề này đã nhận được quá ít sự chú ý.
“Hành vi gây căm phẫn này cho phép Trung Quốc duy trì một cơ chế ghép tạng theo yêu cầu, điều chưa từng có ở hầu hết các nước phát triển hiện đại,” Dân biểu Steve Chabot (Cộng Hòa-Ohio) cho biết, đồng thời mô tả đây là “một trong những hành động man rợ nhất trong lịch sử nhân loại.”
Chính trị gia Hà Lan Peter van Dalen, người đang phục vụ trong Ủy ban Nhân quyền của Nghị viện Âu Châu, cho biết ông muốn nhìn thấy vấn đề “thu hoạch nội tạng bất hợp pháp” này ở đầu nghị trình cho hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU vào ngày 01/04/2022, vốn là cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại đã bị đình trệ do lo ngại về hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh.
“Sự im lặng” là một chủ đề được lặp đi lặp lại trong cuộc thảo luận của hội đồng các bác sĩ, luật sư, quan chức, và những người ủng hộ y đức.
“Ở Trung Quốc, những người sống luôn cố gắng để trở nên tử tế và khoan dung nhưng lại đang bị sát hại để lấy nội tạng. Nếu một người không có phản ứng quặn thắt bản năng về vấn đề thu hoạch nội tạng tại thời điểm này, thì người đó chưa hiểu được nỗi kinh hoàng và sự khủng bố mà các học viên Pháp Luân Công đang phải trải qua hàng ngày ở Trung Quốc,” Tiến sĩ Torsten Trey, giám đốc điều hành của tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn cho biết. Năm 2019, DAFOH đã nhận được Giải thưởng Tưởng niệm Mẹ Teresa về Công bằng Xã hội vì những nỗ lực làm sáng tỏ hành vi bất hợp pháp này.
Những người tham gia đã lưu ý rằng mặc dù hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine đang thu hút sự phẫn nộ của quốc tế, nhưng chiến dịch “xóa sổ” các học viên Pháp Luân Công của Bắc Kinh đã đang tiếp tục diễn ra mà không ai hay biết.
Lưu ý rằng số nạn nhân bị sát hại để lấy nội tạng không được tiết lộ trong 23 năm qua, ông Trey cho rằng sự thiếu chú ý có thể là do nhà cầm quyền Trung Quốc đã thực hiện những hành vi này đằng sau những cánh cửa đóng kín.
Ông nói, “Tất cả mọi người đều thực sự bị chấn động khi chứng kiến thảm kịch nhân đạo và thiệt hại về người ở Ukraine, nhưng chúng ta sẽ phản ứng như thế nào nếu chúng ta nhìn thấy tất cả trong số hàng trăm ngàn người đang bị thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc trên mạng xã hội và TV?”
Trước hành vi tàn bạo đó, “sự im lặng không phải là trung lập,” ông Trey nói. “Im lặng có nghĩa là một người đã quyết định không chủ động lựa chọn điều tốt.”
Và nghị sĩ Bỉ Annick Ponthier dường như cũng đồng quan điểm.
Bà nói rằng nhà cầm quyền này chỉ quan tâm đến mạng sống của con người trong chừng mực mà họ có thể khai thác để thúc đẩy nghị trình cộng sản của mình trên toàn cầu. Do đó, lập trường chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc đang “trở thành một lập trường vì nhân quyền trên toàn thế giới,” bà cho biết.
Mở đường
Liên quan đến đề nghị của bà Châu, nước láng giềng của Trung Quốc là Đài Loan đã đưa ra một lộ trình.
Bà Điền Thu Cận (Tien Chiu-chin), một thành viên của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia ở Đài Loan đồng thời là cựu nhà lập pháp, là một người đóng vai trò quan trọng đằng sau nỗ lực của hòn đảo này trong việc cấm hoàn toàn hoạt động du lịch cấy ghép nội tạng vào năm 2015.
Đài Loan kể từ đó đã bắt buộc những bệnh nhân nào ra ngoại quốc để cấy ghép đều phải đăng ký quốc gia, bệnh viện, và bác sĩ liên quan đến ca phẫu thuật của họ hoặc bị tước bỏ bảo hiểm quốc gia đối với thuốc chống thải ghép mà họ cần phải dùng trong suốt phần đời còn lại. Hòn đảo này cũng duy trì một danh sách đen các bác sĩ Trung Quốc tham gia thu hoạch nội tạng để cấm họ nhập cảnh vào Đài Loan.
Bà Điền, người đã kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới xem xét nhân rộng hệ thống giám sát của Đài Loan, cho biết, việc kiểm soát này đã giúp cắt giảm đáng kể hoạt động du lịch ghép tạng đến Trung Quốc.
“Chúng tôi nhận thức sâu sắc có bao nhiêu lợi nhuận liên quan đến việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Đó là lý do tại sao sự tàn bạo như vậy không thể tự đi đến kết thúc,” bà nói.
Mặc dù Đài Loan không phải là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, nhưng bà Điền đã thỉnh cầu Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thành lập một lực lượng đặc nhiệm để điều tra.
“Ít nhất chúng ta phải hiểu được tình hình; chúng ta nên điều tra xem chuyện gì đang diễn ra trên thế giới về vấn đề này,” bà nói.
“Chúng ta phải tìm ra sự thật,” bà cho biết thêm. “Chúng ta phải phơi bày vấn đề này và đối mặt với nó để có thể giải quyết nó và ngăn chặn sự tàn bạo chống lại nhân loại và chống lại nhân quyền như vậy.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: