Các quốc gia sẽ không đánh đổi chủ quyền để lấy thuế suất tối thiểu toàn cầu: Các nhà kinh tế đánh giá
Các nhà kinh tế đang nghi ngờ về việc chính phủ TT Biden thúc đẩy chính sách về một mức thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với các công ty, cho rằng nó không chỉ làm “vô hiệu” thị trường tự do, mà nó cũng sẽ ít nhận được sự ủng hộ của các chính phủ các nước.
Bà Gigi Foster, giáo sư kinh tế tại Đại học New South Wales (NSW) nói với The Epoch Times: “Sau khi cân nhắc kỹ, (thì) bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào về căn bản đều không hiệu quả do sự tồn tại của chủ quyền quốc gia.”
Bà nói thêm rằng, “Động lực để mỗi quốc gia đưa ra các ưu đãi thuế hấp dẫn sẽ vẫn còn, bất kể áp lực quốc tế đối với một quốc gia phải tuân theo một số tiêu chuẩn được ấn định mạnh đến mức nào.”
Bà Foster cho biết các chính sách thiết thực hầu hết bắt nguồn từ các quốc gia riêng lẻ, chứ không phải là thông qua các nỗ lực phối hợp chung.
Bà nói: “Chúng ta đã thấy trong các lĩnh vực khác, trong mọi thứ từ chính sách khí hậu đến tư pháp hình sự, nỗ lực phối hợp giữa nhiều quốc gia đơn giản không phải là một cách tiếp cận khả thi để đạt được thay đổi đáng kể.”
Bà Foster cho biết phương án duy nhất mà bà đánh giá một mức thuế suất tối thiểu toàn cầu có thể thành công là khi một tổ chức siêu quốc gia thực thi quyền áp đặt đơn phương đối với các quốc gia khác, giống như một “đế chế thế giới,” và đặt ra một mức thuế suất toàn cầu.
Tuy nhiên, đây sẽ là một “cơn ác mộng tồi tệ thực sự.”
Hôm 05/4, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen nói với Hội đồng các Vấn đề Toàn cầu Chicago (Chicago Council on Global Affairs) rằng chính phủ TT Biden sẽ ủng hộ [chính sách] về một mức thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Thông báo được đưa ra sau các tiết lộ rằng kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2.3 nghìn tỷ USD của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ được hỗ trợ bằng việc tăng thuế suất doanh nghiệp của Hoa Kỳ từ 21% lên 28%.
Để ngăn cản các công ty Hoa Kỳ chuyển hoạt động ra ngoại quốc, chính phủ [TT Biden] đang thúc ép các quốc gia áp dụng một mức thuế suất chung, và ngăn cản các công ty đầu tư vào các lãnh thổ là thiên đường thuế hoặc có thuế suất thấp.
Kể từ năm 2013, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các quốc gia thuộc khối G20 đã khai triển dự án Base Erosion and Profit Shifting (BEPS) (Xói mòn Cơ sở và Dịch chuyển Lợi nhuận), với một trong những trụ cột của nó là đồng thuận với một mức thuế suất toàn cầu.
Trong lịch sử, Hoa Kỳ đã phản đối việc phê chuẩn BEPS vô điều kiện, nhưng quan điểm của chính phủ ông Biden báo hiệu một sự thay đổi lớn.
Bà Yellen nói với những người tham dự: “Đó là sự bảo đảm cho các chính phủ có hệ thống thuế ổn định, giúp nâng cao nguồn thu đủ để đầu tư vào các hàng hóa công cộng thiết yếu và ứng phó với khủng hoảng, và mọi công dân đều chia sẻ một cách công bằng gánh nặng tài chính với chính phủ.”
Bà nói thêm rằng, “Chúng tôi đang làm việc với các quốc gia thuộc khối G20 để đồng thuận với một mức thuế suất công ty tối thiểu toàn cầu, theo đó có thể ngăn chặn cuộc đua (hạ thuế suất) này xuống tới mức đáy.”
Tổ chức Quỹ Thuế (Tax Foundation) có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn phản biện về tuyên bố của “cuộc đua tới đáy,” cho biết thuế suất trên toàn thế giới đã giữ nguyên trong hơn một thập kỷ.
Tổ chức này cho biết trong một báo cáo rằng, “Khi Hoa Kỳ cắt giảm thuế suất công ty theo luật định của liên bang từ 35% xuống 21% năm 2017, nó đã không dẫn đầu một cuộc chạy đua xuống tới mức đáy mà chỉ là chuyển về mức trung bình.”
Thuế suất chung đe dọa sự cạnh tranh và các quốc gia đang phát triển
Ông Robert Carling, cựu giám đốc điều hành bộ Ngân khố bang New South Wales, cảnh báo rằng đề nghị của bà Yellen sẽ gây xáo trộn thị trường tự do, đặc biệt vì giảm thuế thường có thể là công cụ duy nhất để một số chính phủ thu hút đầu tư vào các quốc gia của họ.
Ông nói với The Epoch Times: “Tôi nghĩ rằng đó là một cố gắng để phá hỏng tính cạnh tranh về thuế. Cạnh tranh về thuế giữa các quốc gia luôn luôn là điều tốt, và là một phương pháp hiệu quả. Và đề nghị này sẽ làm hỏng điều đó. Chẳng có cách nào khác để nhìn nhận nó.”
Ông Sharif Mahmud Khalid, giáo sư trợ giảng kế toán từ Đại học Sheffield, cảnh báo rằng các quốc gia đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ông viết trong tờ tạp chí khoa học The Conversation rằng, “Trong một thế giới có sự chênh lệch lớn về mức thu nhập giữa các quốc gia khác nhau, một mức thuế suất công ty toàn cầu tối thiểu có thể loại bỏ những quốc gia không đặc biệt hấp dẫn gì nhưng trên thực tế lại có thể đưa ra mức thuế suất thấp hơn.”
Ngược lại, các lãnh thổ có thuế thấp đã thu hút đầu tư đáng kể, như Singapore hoặc Cộng hòa Ireland, có thể sẽ do dự khi ủng hộ đề nghị này.
Ông Cian Hussey, một nhà nghiên cứu tại Viện Các vấn đề Công cộng, nói với The Epoch Times, “Tại sao họ lại phải tăng thuế (nội địa) vì lợi ích của chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu này?”
Ông Hussey cũng cho biết chính sách thuế nên là lĩnh vực thuộc phạm vi thẩm quyền của các chính phủ và công dân mỗi quốc gia, chứ không phải của một tổ chức siêu quốc gia.
Ông nói: “Đây chỉ là ví dụ mới nhất về việc các quan chức không được bầu cử, không có trách nhiệm đang cố gắng làm suy yếu chủ quyền quốc gia của quốc gia ấy.”
Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg, từng là đồng nghiệp của ông Mathias Cormann, Tổng thư ký mới được bổ nhiệm của OECD, hoan nghênh cuộc thảo luận về vấn đề này.
Ông nói với The Epoch Times trong một email: “Úc hoan nghênh cam kết của Hoa Kỳ tiếp tục tham gia vào các cuộc thảo luận do OECD dẫn đầu nhằm đồng ý với một cách tiếp cận xuyên suốt trên toàn cầu đối với những thách thức về thuế do việc số hóa nền kinh tế”.
Ông nói thêm, “Úc sẽ vẫn là một bên tham gia tích cực và mang tính xây dựng trong các cuộc thảo luận này như chúng tôi đã làm trong suốt thời gian qua.”
Các nhà lãnh đạo Âu Châu hài lòng với hành động của Hoa Kỳ
Các bộ trưởng tài chính từ các nền kinh tế lớn nhất Âu Châu, Đức và Pháp, đã ủng hộ mạnh mẽ đề nghị về mức thuế suất tối thiểu toàn cầu, trong đó Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng ông “rất vui mừng” trước thông báo này.
Ông nói với AFP: “Một thỏa thuận về thuế quốc tế hiện đang trong tầm tay. Chúng ta phải nắm bắt cơ hội lịch sử này.”
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Olaf Scholz cũng ca ngợi đề nghị này và nói rằng ông thấy “tinh thần phấn chấn.”
Phản ứng của họ có thể được thúc đẩy một phần bởi mức thuế 12.5% thấp trong lịch sử của Cộng hòa Ireland, đã thu hút được hơn 700 công ty Hoa Kỳ đến (đầu tư) tại đất nước này.
Ông Carling nói: “Họ (Liên minh Âu Châu) đã không thành công trong việc buộc Ireland phải tăng mức thuế đó, và đó luôn là vấn đề gây tranh cãi.”
Ngay cả nếu ấn định ra một mức thuế suất toàn cầu, thì các lỗ hổng (của chính sách) thuế và sự mập mờ của chính sách thuế, thay vào đó, lại có thể gia tăng.
Ông Hussey nói thêm, “Một quốc gia có thể chỉ đơn giản là ban hành một chính sách của mình để trợ cấp cho một số ngành công nghiệp nhất định để thu hút các nhà đầu tư đến quốc gia đó.”
Ông nói: “Tôi nghĩ đây là một bước đi thiển cận và thiếu suy nghĩ thận trọng. Đó là một ví dụ khác về việc các quan chức cố gắng thiết lập thế giới mà họ muốn thấy, chứ không cần nghĩ về cách những người trong thế giới kinh doanh thực sự đưa ra quyết định về các khoản đầu tư như thế nào.”
Daniel Y.Teng
Lý Bình biên dịch
Xem thêm: