Các nước Baltic gửi vũ khí do Hoa Kỳ chế tạo tới Ukraine trong bối cảnh đe dọa từ Nga
Các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania đang gửi vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất tới Ukraine để tăng cường hỗ trợ quân sự giữa mối đe dọa xâm lược từ Nga.
Hành động này diễn ra khi Nga đã điều ước tính 100,000 quân với xe tăng và các vũ khí hạng nặng khác đến biên giới của mình với phía đông bắc của Ukraine, nhưng phủ nhận việc họ đang lên kế hoạch tấn công.
Các bộ trưởng quốc phòng ba nước xác nhận trong một tuyên bố rằng họ đã nhận được sự chấp thuận từ Hoa Kỳ để gửi vũ khí, trong đó có các hỏa tiễn chống giáp Javelin từ Estonia, hỏa tiễn phòng không Stinger và các thiết bị lân cận từ Lithuana và Latvia.
“Trong bối cảnh Nga gia tăng áp lực quân sự tại và xung quanh Ukraine, các nước Baltic đã quyết định đáp ứng các nhu cầu của Ukraine và cung cấp thêm hỗ trợ liên quan đến quốc phòng. Viện trợ này sẽ nâng cao hơn nữa khả năng của Ukraine trong việc bảo vệ lãnh thổ và người dân của mình trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược từ Nga,” bộ trưởng quốc phòng ba nước cho biết trong một tuyên bố chung.
“Estonia, Latvia, Lithuania, và các Đồng minh của mình đang cùng nhau gấp rút chuyển giao hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Chúng tôi chân thành hy vọng rằng Ukraine sẽ không cần phải sử dụng đến những thiết bị này và kêu gọi Liên bang Nga ngừng hành vi gây hấn vô trách nhiệm của mình,” họ nói thêm.
“Các quốc gia Baltic sẽ gửi các hệ thống ‘Stinger’ và ‘Javelin’, cũng như các thiết bị cá nhân khác nhau để giúp Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ của mình,” Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Phó Thủ tướng Latvia Artis Pabriks cho biết trên Twitter. “Tôi mạnh mẽ kêu gọi Nga giảm leo thang tình hình ở biên giới với Ukraine và tôn trọng chủ quyền của nước này”.
Theo quy định kiểm soát xuất cảng [của Hoa Kỳ], các quốc gia phải được Bộ Ngoại giao chấp thuận trước khi chuyển giao bất kỳ vũ khí nào họ nhận được từ Hoa Kỳ cho bên thứ ba.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận bộ đã chấp thuận cho phép Estonia, Latvia, Lithuania, và Anh Quốc cung cấp thiết bị do Hoa Kỳ sản xuất từ kho của họ cho Ukraine, nhưng không cho biết chi tiết về loại vũ khí nào sẽ được gửi.
“Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác đang sát cánh cùng nhau để xúc tiến hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Chúng tôi đang liên lạc thường xuyên với các đối tác Ukraine và Đồng minh NATO của chúng tôi và đang sử dụng một cách sáng tạo tất cả các công cụ hợp tác an ninh sẵn có để giúp Ukraine củng cố khả năng phòng thủ của mình trước sự gây hấn ngày càng tăng của Nga,” phát ngôn viên này cho biết.
Quân đội Nga đã chiếm và sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Ngay sau đó, Nga bắt đầu hỗ trợ các chiến binh ly khai ở miền đông Ukraine; cuộc chiến triền miên này đã cướp đi sinh mạng của hơn 13,000 người kể từ tháng 04/2014.
Cuộc xâm lược sắp xảy ra?
Phương Tây cho rằng việc Nga tích lũy quân đội và vũ khí gần biên giới Ukraine là để chuẩn bị cho một cuộc chiến nhằm ngăn chặn Ukraine gia nhập liên minh an ninh phương Tây NATO.
Các quan chức Nga gần đây đã yêu cầu các bảo đảm bằng văn bản rằng NATO sẽ từ bỏ bất kỳ hoạt động quân sự nào ở Đông Âu và Ukraine, nhưng các nước thành viên đã từ chối đưa ra kiểu cam kết như vậy.
Trong những ngày và tuần gần đây, một số nước thành viên NATO đã ra tín hiệu ủng hộ Ukraine. Sự việc diễn ra khi quân đội Nga bắt đầu đến Belarus hôm 18/01 cho các cuộc tập trận gần biên giới Ukraine, vốn được dự kiến vào tháng Hai.
Các phát hiện tình báo của Hoa Kỳ, đã được giải mật và chia sẻ với các đồng minh của Hoa Kỳ trước khi được công khai, ước tính rằng một cuộc xâm lược quân sự có thể bắt đầu tầm giữa tháng Một đến giữa tháng Hai.
Thông tin tình báo mới này của Hoa Kỳ được tiết lộ sau khi một loạt các cuộc đàm phán trong tuần này (17-23/01) giữa Nga và Hoa Kỳ cùng các đồng minh phương Tây ở Âu Châu nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng leo thang đạt được rất ít tiến triển.
Tham vụ Báo chí Ngũ Giác Đài John F. Kirby thông báo hôm thứ Sáu (21/01) rằng Hoa Kỳ đã cử nhóm tấn công hàng không mẫu hạm USS Harry S. Truman tham gia một cuộc tập trận hải quân ở Biển Địa Trung Hải.
Ông Kirby nói với các phóng viên rằng cuộc tập trận hàng hải kéo dài 12 ngày mang tên “Neptune Strike ’22” sẽ “chứng minh khả năng của NATO trong việc tích hợp các khả năng tấn công hàng hải cao cấp của một nhóm tấn công hàng không mẫu hạm để hỗ trợ khả năng răn đe và phòng thủ của liên minh”.
Mặc dù ông cho biết các cuộc tập trận này không nhằm đáp lại sự tăng cường quân sự gần đây của Nga và đã được “lên kế hoạch từ lâu” từ năm 2020, nhưng cuộc tập trận hải quân này không được liệt kê trên trang web của NATO cùng với các cuộc tập trận khác trong năm đó. Tuy nhiên, ông Kirby lưu ý rằng những căng thẳng gần đây tại biên giới Nga-Ukraine đã được cân nhắc khi quyết định có nên tiếp tục cuộc tập trận này hay không.
Hôm 19/01, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố về khả năng thực hiện một kế hoạch điều động quân đội của mình tới Romania trong khuôn khổ các hoạt động của NATO. Ngày hôm sau, Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã hoan nghênh thông báo của ông Macron.
“Tôi nhiệt liệt hoan nghênh thông báo của Tổng thống Emmanuel Macron về việc Pháp sẵn sàng tham gia vào sự hiện diện quân sự sắp tới của NATO ở Romania,” ông Iohannis viết trên Twitter. “Nhờ đó, quan hệ đối tác chiến lược Romania-Pháp sẽ được củng cố ở sườn phía Đông, trong khu vực Biển Đen”.
Ngày 18/01, Đan Mạch thông báo sẽ cử bốn chiến đấu cơ F-16 đến Lithuania để tuần tra vùng trời phía trên các quốc gia Baltic, cũng như một khinh hạm với 160 binh sĩ ở Biển Baltic.
Trong khi đó, Anh Quốc đã gửi 2,000 bệ phóng hỏa tiễn chống tăng bằng đường hàng không tới Ukraine, cùng với 30 binh sĩ tinh nhuệ để huấn luyện.
Hôm 20/01, Tây Ban Nha thông báo họ đã gửi các chiến hạm đến hỗ trợ lực lượng hải quân của NATO ở Địa Trung Hải và Biển Đen. Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cho biết chính phủ cũng đang xem xét gửi chiến đấu cơ tới Bulgaria.
Tuy nhiên, Đức đã từ chối cấp giấy phép cho phép Estonia xuất cảng vũ khí quân sự có nguồn gốc từ Đức sang Ukraine, tờ Wall Street Journal đưa tin hôm thứ Sáu. Các quan chức Đức cho rằng sự ngăn trở này là do một chính sách đã có từ lâu về việc xuất cảng vũ khí tới các khu vực căng thẳng, hãng thông tấn này cho hay.
Cô Mimi Nguyen Ly là một biên tập viên phụ trách phân công công việc và là phóng viên chuyên về tin tức thế giới sống tại Úc. Cô có chuyên môn về thị lực. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: