Các quốc đảo Nam Thái Bình Dương cùng nhau chống lại nỗ lực kiểm soát khu vực của Trung Quốc
Vì Hoa Kỳ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng giành quyền kiểm soát các quốc đảo trong khu vực này. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã có một chuyến thăm mới đây tới Nam Thái Bình Dương, để giới thiệu một hiệp ước an ninh và thương mại sâu rộng hơn, khiến Hoa Kỳ và một số quốc gia Thái Bình Dương lo ngại.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị dự kiến có chuyến thăm đến tám quốc gia Thái Bình Dương — bao gồm Samoa, Tonga, Kiribati, Papua New Guinea, Vanuatu, Quần đảo Solomon, Niue, và Vanuatu — từ ngày 26/05 đến ngày 04/06.
Hôm 30/05, ông đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến tại Fiji với các ngoại trưởng của các quốc gia Thái Bình Dương, trong đó họ đã thương thuyết về một thỏa thuận an ninh và thương mại. Tuy nhiên, ông Vương nói với các quốc gia được mời tham dự rằng đừng “quá lo lắng” nếu như cuộc họp này không đi đến một sự đồng thuận về hiệp ước an ninh này — một số quốc gia muốn rút lại quyết định của họ hoặc sửa đổi dự thảo thông cáo này.
Dự thảo cho thấy ĐCSTQ đang có kế hoạch hợp tác với 10 quốc gia Thái Bình Dương về các vấn đề “an ninh truyền thống và phi truyền thống”. Những hoạt động này bao gồm đào tạo các sĩ quan cảnh sát, mở rộng các dịch vụ chấp pháp, tăng cường hợp tác an ninh mạng trong khu vực, và thành lập các lớp học và Học viện Khổng Tử để truyền bá hệ tư tưởng cộng sản của ĐCSTQ.
Tài liệu này nêu rõ cách Trung Quốc sẽ làm việc với các quốc đảo trên để phát triển một chương trình đánh bắt thủy hải sản liên quan đến hoạt động thu hoạch cá ngừ, một trong những ngành công nghiệp lớn nhất của khu vực. Hành động này đang đối kháng với Hiệp ước Cá ngừ Nam Thái Bình Dương năm 1988 giữa Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, và 14 quốc đảo Thái Bình Dương. Hiệp ước này cho phép các tàu của Hoa Kỳ đánh cá trong các vùng đặc quyền kinh tế của các bên ký kết khác. Hiệp ước này sẽ được gia hạn trong năm nay.
Thỏa thuận an ninh và thương mại được [Trung Quốc] đề nghị ngay lập tức khiến Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực lo ngại, bao gồm Úc, New Zealand, Nhật Bản, và Micronesia. Các quốc gia này lo ngại rằng ĐCSTQ có khả năng kiểm soát hoàn toàn khu vực, đồng thời phá vỡ sự an toàn, ổn định và nền kinh tế của khu vực này.
Đảo quốc Fiji quyết định tham gia cùng các quốc gia này theo Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Hoa Kỳ dẫn đầu. Quyết tâm gia nhập của Fiji được khẳng định hôm 26/05 trong một tuyên bố do Tòa Bạch Ốc đưa ra, trong đó hoan nghênh Fiji là quốc gia sáng lập thứ 14 của IPEF và là quốc gia đầu tiên trong số các quốc đảo Thái Bình Dương tham gia IPEF.
Micronesia cho biết họ không có ý định ký thỏa thuận an ninh mà Trung Quốc đề xướng. Trước đây nước này đã ký một hiệp định an ninh với Hoa Kỳ và đã có một hiệp định kinh tế với Trung Quốc.
Tổng thống Micronesian David Panuelo đã gửi một bức thư tới những người đứng đầu các quốc đảo Thái Bình Dương khác, cảnh báo họ rằng hiệp ước mà Bắc Kinh đề xướng sẽ khiến căng thẳng địa chính trị trầm trọng hơn một cách không cần thiết và đe dọa sự ổn định của khu vực. Ông ấy nói rằng thỏa thuận này là “lời đề nghị duy nhất mang tính thay đổi cục diện lớn nhất ở Thái Bình Dương trong cuộc đời của chúng ta.”
Hôm 26/05, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cũng lưu ý rằng ĐCSTQ có thể lợi dụng thỏa thuận của Trung Quốc để khai thác các đảo quốc nói trên và gây bất ổn cho khu vực.
Cùng ngày, Đài phát thanh New Zealand (RNZ) đã phát sóng cuộc phỏng vấn với bà Anne-Marie Brady, một chuyên gia về Trung Quốc kiêm giáo sư tại Đại học Canterbury của New Zealand.
Bà nói: “Các quốc đảo ở Thái Bình Dương rất hữu dụng trong việc kiểm soát các vị trí án ngữ và các tuyến đường giao thông liên lạc trên biển. Vì vậy, từ nhiều năm nay, Trung Quốc luôn tìm kiếm các vị trí [để thiết lập] các cảng, phi trường, và cáp thông tin liên lạc. Tất cả đều nằm trong nghị trình quân sự của họ ở Thái Bình Dương.”
Bà Brady tin rằng các hoạt động của ĐCSTQ ở các quần đảo Thái Bình Dương có thể kéo toàn bộ khu vực vào một cuộc xung đột địa chính trị lớn hơn như đã xảy ra trong Đệ nhị Thế chiến. Bà cảnh báo nếu căng thẳng bùng phát trong khu vực, thì một “thế lực thù địch” có thể nắm quyền kiểm soát quần đảo Solomon, Papua New Guinea, New Caledonia, và Kiribati. Nếu điều này xảy ra, nó có thể dẫn đến việc phong bế các tuyến hàng hải và ảnh hưởng đến an ninh của toàn khu vực.
Trước đây bà Brady đã phát hành một chuyên mục trong đó bà mô tả cách ĐCSTQ đang sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường trên biển (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, một con đường”) để mở rộng về phía nam. Bà cho biết mục đích là để thâm nhập khu vực này và tiếp cận các cảng quân sự và phi trường quan trọng.
Hơn nữa, bà đã đăng một bình luận trên Twitter hôm 27/05, ca ngợi các quần đảo Thái Bình Dương đã sát cánh cùng nhau phản đối những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm kiểm soát khu vực này.
Cùng ngày, trong chuyến thăm tới Fiji, tân ngoại trưởng Úc Penny Wong cho biết thế giới đã thay đổi; ngày càng có nhiều sự cạnh tranh chiến lược hơn và nhiều sự phá vỡ hơn đối với các quy tắc quốc tế. Bà đã bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về những hậu quả tiềm tàng của hiệp ước an ninh gần đây giữa Quần đảo Solomon và ĐCSTQ.
Bà Jennifer Bateman là một cây viết chuyên về tin tức tại Trung Quốc.