Một quận phía bắc Trung Quốc cấm tất cả việc đốt than và củi trước Thế vận hội
Các quan chức ở một quận phía bắc Trung Quốc đã cấm người dân đốt than hoặc củi để sưởi ấm – ngay cả khi nhiệt độ ở dưới mức đóng băng – trước thềm Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh.
Truyền thông nhà nước đưa tin hôm 20/12, các biện pháp cực đoan để chống lại khói bụi, bao gồm cả việc cưỡng chế đóng cửa hoặc tháo dỡ bếp gia đình đã diễn ra ở quận Sơn Hải Quan, thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc.
Các quan chức địa phương đã áp đặt một lệnh cấm trên toàn quận đối với việc đốt, vận chuyển, lưu trữ, và bán than kể từ ngày 20/07, theo một thông báo trực tuyến với con dấu chính thức của chính quyền quận trên đó.
Đã có các báo cáo về những cư dân không đủ tiền sử dụng khí đốt tự nhiên hoặc lò sưởi điện đã phải vật lộn để sưởi ấm bằng cách mặc thêm quần áo trong nhà.
Hành động này là một phần của nỗ lực năng lượng sạch của Trung Quốc nhằm chống ô nhiễm và bảo đảm một Thế vận hội “xanh” ở Bắc Kinh cũng như ở tỉnh Hà Bắc. Điều này cho thấy hai khu vực trên đã xem việc tổ chức Thế vận hội không khói bụi như một nhiệm vụ chính trị phải hoàn thành.
Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 04/02 năm sau và kéo dài đến ngày 20/02.
Nhà kinh tế Vương Quân (Wang Jun), cựu giám đốc Bộ phận quốc tế tại Viện Kinh tế Unirule, nói với The Epoch Times hôm 28/12 rằng các hạn chế đối với than và củi là nhằm “bảo đảm bầu trời xanh” cần thiết cho Thế vận hội.
“Đó là lý do tại sao các biện pháp hà khắc hiện nay được đưa ra,” vị chuyên gia này nói.
Trong khi đó, ông Vương lưu ý rằng một gia đình trung lưu không thể chi trả cho một giải pháp sưởi ấm thay thế bằng khí đốt hoặc điện do chi phí cao.
Một cư dân của tỉnh Hà Bắc họ Vượng nói với The Epoch Times rằng một phần lớn người dân đang do dự trong việc thay thế than bằng khí đốt tự nhiên hoặc điện do lo ngại về tài chính.
Ông Vượng nói: “Chi phí hàng tháng cho gas hoặc sưởi ấm bằng điện sẽ lên tới 1,500 nhân dân tệ [235 USD]. Nhưng 600 nhân dân tệ [94 USD] đã là đủ trong trường hợp sử dụng than.”
Ông lưu ý, biện pháp mới này sẽ tác động đáng kể đến những người cao tuổi ở các cộng đồng nông thôn vì họ không được hưởng lương hưu.
Một người được phỏng vấn khác họ Vệ không nghĩ nhiều rằng đốt than là một nguồn gây ô nhiễm.
Ông Vệ cho biết: “Cư dân nông thôn đã đốt than hoặc củi để sưởi ấm trong nhiều thế hệ. Chính các nhà máy sắt mới là tác nhân gây ô nhiễm lớn hơn nhiều.”
“Để chạy theo thành tích công việc sáng bóng, họ sẽ hành động bốc đồng và làm theo bất cứ điều gì họ muốn.” Ông Vệ tin rằng các nhà hoạch định chính sách địa phương không thực sự quan tâm đến sinh kế của người dân bình thường. Ông nói rằng hành động của họ là “xa rời khoa học hoặc nhân đạo.”
Ngoài ra, ông Vệ cảnh báo những ngày lạnh nhất – lên tới 9°F (-12.8°C) – vẫn chưa tới.
Ông Nhan Kiến Phát (Chien-Fa Yen), phó giám đốc điều hành của Tổ chức Đài Loan vì Dân chủ, nói với The Epoch Times rằng các chính sách đầy tham vọng của Bắc Kinh có thể gây phản tác dụng cho nhà cầm quyền này.
“Người dân sẽ mất lòng tin vào chính quyền [Đảng Cộng Sản Trung Quốc] nếu chính quyền làm xói mòn sinh kế hoặc việc sưởi ấm vào mùa đông của họ,” vị chuyên gia này cho biết.
Ông Nhan, cũng là một giáo sư tại Khoa Quản trị Kinh doanh của Đại học Khoa học Công nghệ Kiện Hành (Chien Hsin), cho biết các biện pháp như vậy của chính quyền sẽ gây ra sự phản đối mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông và họ sẽ chỉ trích các nhà lập pháp, nếu nó diễn ra ở các nền dân chủ như Hoa Kỳ và Đài Loan.
Sau khi lệnh cấm khắc nghiệt này lan truyền trên truyền thông nhà nước, ông Lưu Vưu Ưu (Liu Youyou), người đứng đầu quận Sơn Hải Quan, hứa sẽ đưa ra các biện pháp khuyến khích mới cho người dân. Tuy nhiên, ông không đề cập đến bất kỳ tác động tiêu cực tiềm ẩn nào đối với cuộc sống của người dân, cũng như không thông báo rút lại ngay lập tức các biện pháp trước đó.
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á (Luo Ya) và Ninh Hải Chung (Ning Haizhong)
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: