Giữa đại dịch, các quan chức Trung Quốc đặt mua vật tư y tế của nước ngoài và bán chúng kiếm lời
Ông Jiang Pengyong, cháu trai của một quan chức cấp cao Trung Quốc, đã công khai câu chuyện của mình về việc tham gia vào một kế hoạch mua đồ bảo hộ cá nhân từ nước ngoài và bán chúng cho chính quyền Trung Quốc.
Ban đầu ông Jiang đồng ý với kế hoạch này vì cho rằng mình đang đóng góp cho cuộc khủng hoảng dịch bệnh của quốc gia. Ông Jiang đã tìm mua các vật tư y tế thông qua công ty Công nghệ Jipingyong Thâm Quyến, công ty thương mại điện tử của ông có trụ sở tại Thâm Quyến. Công ty có văn phòng tại Hàn Quốc và ông Jiang sống ở đó.
Huang Zhongnan, người môi giới của ông tại Trung Quốc, nói với ông Jiang rằng vật tư y tế sẽ được tặng cho các nhân viên y tế tuyến đầu hoặc những công dân bình thường cần nó để tránh sự lây lan của COVID-19.
Nhưng Huang sau đó tiết lộ rằng các vật tư y tế đã được giao cho các quan chức trong chính phủ và các quỹ; sau đó, họ đã bán chúng để kiếm lời.
Sau khi Huang không còn nhu cầu mua vật tư y tế từ nước ngoài, ông Jiang đã nhận được một thông báo rằng chính quyền Trung Quốc ở thành phố Tô Châu đang kiện ông vì tội gian lận hợp đồng.
Ông Jiang quyết định công khai câu chuyện của mình để vạch trần tình trạng tham nhũng ở Trung Quốc.
Âm mưu
Vào tháng 1, khi đợt bùng phát virus Vũ Hán trở nên nghiêm trọng ở Trung Quốc, Huang – một nhà môi giới cho Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc – đã tiếp cận ông Jiang và đề nghị ông giúp mua vật tư y tế từ nước ngoài.
Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, không giống như các tổ chức tương tự ở quốc tế, được tài trợ và điều hành trực tiếp bởi chính quyền Trung Quốc. Trước đó, vào năm 2011, nó từng dính líu đến một vụ bê bối tham nhũng ở địa phương.
Ông Jiang đã biết danh tiếng không mấy tốt đẹp của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc. Nhưng trước sự nài nỉ của Huang, cuối cùng ông cũng đồng ý.
Ông cho biết, “Dịch rất nghiêm trọng… Tôi cảm thấy rằng nhiệm vụ của tôi là phải giúp đỡ người dân của mình”. Nhân viên y tế Trung Quốc ở Vũ Hán, tâm chấn của đợt bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc, đã thiếu đồ bảo hộ cá nhân (PPE) trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh.
Trong khi đó, chính phủ trung ương đang phân bổ kinh phí cho các chính quyền địa phương và các tổ chức từ thiện để mua sắm vật tư y tế, bề ngoài là để cấp phát cho những người cần.
Theo ông Jiang, Huang là người môi giới cho chi nhánh của một tổ chức từ thiện lớn ở tỉnh Chiết Giang; các chi hội của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc; và một số chính quyền địa phương ở Chiết Giang.
Thông qua công ty của Huang, Công ty Công nghiệp Enbo (Hàng Châu) (Enbo (Hangzhou) Industrial Company), sẽ đóng vai trò là nhà cung cấp cho chính phủ, và các chính quyền địa phương sẽ mua 3 triệu khẩu trang phẫu thuật từ ông Jiang với đơn giá là 8 nhân dân tệ (khoảng 1.16 USD).
Các hợp đồng là giữa công ty của Huang và công ty của ông Jiang.
Các chính quyền địa phương sẽ giả vờ rằng họ đang mua vật tư y tế để quyên góp cho các tổ chức từ thiện.
Nhưng trên thực tế, Huang sau đó đã nói với ông Jiang vào cuối tháng 1 rằng, Huang sẽ bán khẩu trang cho các chi nhánh địa phương của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc và các tổ chức từ thiện khác với giá cao hơn, với mỗi chiếc là 35 nhân dân tệ (5.06 USD).
Lợi nhuận sẽ được chia cho các quan chức chính phủ, Huang và ông Jiang.
Ông Jiang đã cung cấp các bản sao tin nhắn văn bản trên ứng dụng WeChat giữa ông hoặc nhân viên của ông và Huang trong việc sắp xếp các chuyến hàng, cũng như việc mua các đơn đặt hàng giữa công ty của Huang và các tổ chức chính quyền địa phương.
Ví dụ, một tờ khai ngày 1/2 do trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ở quận Jianggan, thành phố Hàng Châu cấp, đã xác nhận lô hàng “vật tư y tế mua ở nước ngoài” trong khoảng thời gian từ 1/2 đến 4/2.
Ông cũng cung cấp bản sao các giao dịch ngân hàng cho vật tư giữa ông và Huang.
Ông Jiang cho rằng việc gian lận coi đây là tài trợ của chính phủ trung ương là không trung thực, nhưng Huang thuyết phục ông rằng kế hoạch này đã được tất cả các chính quyền địa phương chấp thuận.
Trên giấy tờ, các giao dịch có vẻ hợp pháp.
Một tài liệu ngày 7/2 từ ủy ban y tế quận Wujiang ở thành phố Tô Châu nói rằng, “để ngăn chặn và kiểm soát dịch virus corona mới, Ủy ban Y tế Wujiang giao cho Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Jipingyong Thâm Quyến, Jiang Pengyong, mua PPE ở nước ngoài. Những PPE này sẽ được vận chuyển đến Trung Quốc bằng thuê máy bay chở hàng.”
Tài liệu này được phát hành để các lô hàng sẽ được chấp thuận tại hải quan và các cửa khẩu dọc tuyến đường vận chuyển.
Nhưng cuối cùng ông Jiang nhận ra có một âm mưu sâu xa hơn.
Giao dịch mờ ám
Vào ngày 31 tháng 1, ông Jiang dự kiến có mặt tại sân bay ở Seoul và chờ chuyển lô hàng khẩu trang phẫu thuật lên máy bay viện trợ chuyên dụng. Huang nói với ông Jiang trong một loạt tin nhắn WeChat rằng những chiếc khẩu trang này được đặt hàng bởi chi nhánh tỉnh Chiết Giang của một tổ chức từ thiện lớn, để phân phối ở thành phố Vũ Hán.
Nhưng ngày hôm đó, Huang thay vào đó bất ngờ bảo ông Jiang chuyển khẩu trang đến thành phố Hàng Châu (nằm ở Chiết Giang) như các chuyến hàng thông thường, và không phải hàng từ thiện.
Điều này khiến ông Jiang nghi ngờ.
Vào ngày 1/2, Huang yêu cầu ông Jiang gửi 3.5 triệu khẩu trang KF95, một tiêu chuẩn bộ lọc của Hàn Quốc tương tự như xếp hạng khẩu trang N95 của Hoa Kỳ.
Vào ngày 2/2, khi nhân viên của ông Jiang đã sẵn sàng gửi khẩu trang đến Trung Quốc như là hàng viện trợ, Huang nói trong một tin nhắn WeChat rằng, thay vào đó hãy chuyển PPE cho một công ty tư nhân của Trung Quốc.
Huang sau đó tiết lộ với ông Jiang rằng các quan chức của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc và các tổ chức từ thiện khác cũng tham gia vào thỏa thuận này: họ sẽ bán các vật tư y tế khác nhau cho người dùng cá nhân ở Trung Quốc để kiếm lợi nhuận. Ông Jiang đã mua chúng với giá 6.5 nhân dân tệ mỗi chiếc (0.94 USD), nhưng Huang đã hợp tác với các quan chức để bán chúng cho người dân ở Trung Quốc với giá 139 nhân dân tệ (20.10 USD).
The Epoch Times đã liên hệ với từng ủy ban y tế địa phương mà Huang phụ trách, cũng như các chi nhánh của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc mà ông Jiang đã đề cập. Họ xác nhận rằng Huang là người liên hệ của họ nhưng sẽ không cung cấp thêm chi tiết về các giao dịch kinh doanh của họ với Huang.
Hiện ông Jiang đang bị khởi kiện bởi văn phòng cảnh sát tại quận Khu Công Nghiệp của thành phố Tô Châu. Các tài khoản ngân hàng doanh nghiệp của ông ở Trung Quốc đã bị đóng băng. Ông tin rằng đó là sự trả đũa từ các quan chức địa phương của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, sau khi ông không thể hoàn thành một số yêu cầu mua vật tư của các quan chức này, điều này khiến họ mất đi khoản tiền công.
“Bất kể bạn đang làm ăn với họ hay làm điều gì đó chống lại họ, bạn đều cần phải trả một cái giá đắt”, ông chia sẻ.
Tác giả: Nicole Hao