Các phản ứng ‘chắp vá’ để đối phó với đại dịch đang đe dọa sự phục hồi kinh tế
Ông Eric Rosengren, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Boston, cho biết hôm 12/8 rằng việc không có đủ các biện pháp cấp nhà nước để ngăn chặn COVID-19 không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng con người mà còn có khả năng làm suy yếu đà phục hồi kinh tế.
“Những nỗ lực hạn chế hoặc thiếu nhất quán của các tiểu bang nhằm kiểm soát virus dựa trên hướng dẫn bảo vệ sức khỏe cộng đồng không chỉ khiến người dân có nguy cơ mắc bệnh nặng và gây các ca tử vong không cần thiết, mà còn có khả năng kéo dài thời kỳ suy thoái kinh tế”, ông Rosengren cho biết trong các nhận xét gửi cho Phòng Thương mại Khu vực Bờ Tây Vùng Massachusetts.
Ông Rosengren đã gắn con đường phục hồi kinh tế với diễn biến của virus Trung Cộng, và cho rằng chừng nào loại virus nguy hiểm này còn đe dọa đến sức khỏe người dân Hoa Kỳ, thì bất kỳ sự phục hồi nào cũng sẽ rất hạn chế. Nền kinh tế Hoa Kỳ đã phải chịu một đòn lớn nhất vào quý 2 năm nay kể từ cuộc Đại suy thoái, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm ở tốc độ cao nhất trong vòng ít nhất 73 năm qua.
Ông nói: “Chừng nào virus còn gây ra những mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng, thì việc phục hồi toàn diện nền kinh tế sẽ rất khó khăn vì các cá nhân sẽ chủ động tránh các hoạt động có rủi ro đến sức khỏe”.
Vài ngày sau khi mô hình kinh tế của FED tại Atlanta nâng dự đoán tăng trưởng trong quý 3 quy đồng cho cả năm lên 20,5%, Tổng thống Donald Trump bày tỏ sự tin tưởng rằng nền kinh tế sẽ sớm có được sự phục hồi mạnh.
“Không có lý do gì khiến nền kinh tế không thể tăng trưởng với tốc độ 20% trong quý 3; đây sẽ là một kỷ lục”, ông Trump nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc hôm 10/8. Ông nói thêm: “Chúng tôi đang tạo ra những động lực mới cho phát triển kinh tế và tạo việc làm, đồng thời chúng tôi cũng đang cung cấp những hỗ trợ cần thiết nhất cho những người vẫn đang phải gánh chịu hậu quả của đại dịch”.
Các nhà hoạch định chính sách trong chính phủ và trong hệ thống Cục Dự trữ Liên bang đã thực hiện những hành động chưa từng có để làm giảm tác động kinh tế của virus, với việc Thượng viện phê chuẩn khoảng 3.6 nghìn tỷ USD chi tiêu mới kể từ tháng 3 và FED giảm lãi suất xuống gần bằng 0, đồng thời bơm tiền ngập các thị trường để mua các tài sản tài chính, tăng vọt bảng cân đối kế toán của mình.
Tuy nhiên, ông Rosengren lập luận rằng trong khi các hành động điều chỉnh chính sách đã giúp loại bỏ bớt các tác động tiêu cực của COVID-19, nhưng chúng chỉ có thể hỗ trợ tối đa được đến vậy.
Ông nói: “Thực tế, quỹ đạo phục hồi kinh tế sẽ được quyết định bởi diễn biến của virus nhiều hơn là bởi hoạch định chính sách, mặc dù chính sách tiền tệ và tài khóa có thể giảm thiểu và đã giảm thiểu một số tác động bất lợi đáng kể nhất”.
Ông Rosengren dẫn chứng bằng dữ liệu tăng trưởng chi tiêu cho thấy rằng những tiểu bang đã mở cửa trở lại sớm và đã nhanh chóng đạt được lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, khi sự lây lan bùng phát trở lại, nó đã kéo theo những tổn thất thậm chí còn lớn hơn.
Ông nói: “Các tiểu bang mở cửa trở lại sớm và nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế đã chứng kiến sự gia tăng hoạt động kinh tế trong thời gian ngắn, nhưng điều đó đã phải trả giá – tỷ lệ lây lan gia tăng, dẫn đến việc chi tiêu ít hơn trong thời gian gần đây. Tóm lại, việc dỡ bỏ các hạn chế quá sớm và quá nhanh sẽ làm tổn hại đến cả nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng trong thời gian tới”.
Theo ông Rosengren, các bang ở vùng Đông Bắc, nơi đã áp đặt các lệnh cấm cửa nghiêm ngặt hơn và kéo dài hơn, đã có tình trạng sức khỏe cộng đồng tốt hơn và kinh tế cũng phục hồi mạnh mẽ hơn. Điều này tương tự như sự khác biệt về kết quả giữa châu Âu và Hoa Kỳ, khi các quốc gia châu Âu áp đặt các hạn chế chặt chẽ hơn, dẫn đến các đợt phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn diễn ra sau đó.
“Ngược lại, ở Hoa Kỳ, tỷ lệ lây nhiễm vẫn tăng cao, khi các bang dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ quá sớm và theo cách không xác định những rủi ro thực sự do virus gây ra”, ông Rosengren nói.
Chủ tịch FED Boston nói thêm rằng triển vọng kinh tế vẫn chưa chắc chắn nhưng ông tin rằng sự giảm tốc gần đây sẽ còn tiếp tục, dựa trên dữ liệu kinh tế đang được báo cáo.
Ông cho rằng: “Hiện tại, chúng ta có tỷ lệ thất nghiệp trên 10%, và do việc lây lan virus vẫn tiếp tục diễn ra trong cộng đồng, nên tôi lo ngại rằng đại dịch sẽ hạn chế khả năng phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế”.
Báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng gần đây nhất cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đã có thêm 1.763 triệu việc làm trong tháng 7, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống 10,2%. Mặc dù là một con số tốt hơn mong đợi, nhưng mức tăng việc làm của tháng 7 lại thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,8 triệu của tháng 6 và mức tăng 2,7 triệu của tháng 5, đồng thời chỉ ra rằng chỉ có khoảng 40% số việc làm bị mất do việc đóng cửa bởi đại dịch đã được khôi phục trở lại.
Các số liệu trợ cấp thất nghiệp gần đây nhất, được công bố hàng tuần vào thứ Năm, đã vẽ nên một bức tranh không đồng nhất về sự phục hồi kinh tế. Điểm sáng trong dữ liệu của tuần trước thực tế là số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới được nộp giảm 249,000 trong tuần kết thúc vào ngày 1/8 so với một tuần trước đó, sau khi tăng trong hai tuần liên tiếp. Ngoài ra, số lượng đơn xin trợ cấp do tiếp tục bị thất nghiệp giảm 844,000 đơn, xuống còn 16.1 triệu đơn trong tuần kết thúc vào ngày 25/7.
Tuy nhiên, cùng trong báo cáo về trợ cấp thất nghiệp cho thấy số lượng lao động Hoa Kỳ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu là hơn 1 triệu trong tuần thứ 20 liên tiếp. Điều này cũng cho thấy tổng số người yêu cầu trợ cấp thất nghiệp trong tất cả các chương trình của liên bang và tiểu bang trong tuần kết thúc vào ngày 18/7 đã tăng 1.3 triệu so với tuần trước, nâng tổng số lên hơn 32 triệu, chứng tỏ rằng mặc dù có dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế, nhưng đám mây bất ổn vẫn tồn tại.
Tác giả: TOM OZIMEK