Các nỗ lực diễn ra đồng thời với việc thúc đẩy cộng tác với Trung Quốc
Các bức thư điện tử mới được công bố cho thấy, hồi năm 2020 khi đại dịch nhấn chìm thế giới, một khoa học gia hàng đầu của Hoa Kỳ có nhiều năm làm việc với Viện Virus học Vũ Hán (WIV) đã tích cực cố gắng giúp các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại phòng thí nghiệm phản hồi những lo ngại rằng virus có thể bắt nguồn từ cơ sở này.
Những nỗ lực này bao gồm việc thông báo cho các nhà khoa học Trung Quốc về các cuộc điều tra của Hoa Kỳ đối với phòng thí nghiệm trên và cung cấp cho họ danh sách các câu hỏi cần trả lời để giúp phúc đáp những lo ngại từ bên ngoài.
Trong khi đó, nhà khoa học Hoa Kỳ James LeDuc, giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Galveston đương thời tại Chi nhánh Y tế Đại học Texas (UTMB), và các đồng nghiệp của ông, đã bắt tay vào một nỗ lực phối hợp nhằm tăng cường quan hệ đối tác của họ với Viện Vũ Hán, ngay cả khi ngày càng có nhiều sự chú ý tới phòng thí nghiệm này như một nguồn tiềm ẩn gây bùng phát dịch bệnh khi đại dịch tiến triển, những bức thư điện tử cho thấy.
Hôm 16/04/2020, khi Bắc Kinh đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng gia tăng về cách họ ứng phó đại dịch COVID-19 và liệu Bắc Kinh có vai trò trong việc gây ra đợt bùng phát hay không, một thư điện tử có tiêu đề “Rubio” đã được gửi đến hộp thư đến của ông LeDuc.
“Tối nay tôi đã nghe ai đó trong chính phủ nói rằng Thượng nghị sĩ Rubio đang bắt đầu thúc đẩy MỘT cuộc điều tra liên quan đến phòng thí nghiệm Vũ Hán,” thư điện tử viết. “Vừa tìm thấy bài báo của Kenneth Repoza trên trang web của Forbes. Tiêu đề bài báo là ‘tám thượng nghị sĩ kêu gọi điều tra về nguồn gốc virus corona.’”
Thư điện tử này của ông David Franz, một cựu lãnh đạo của Viện Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm của Quân đội Hoa Kỳ và là một đại tá đã về hưu. Cả hai nhà khoa học này đã có nhiều năm liên lạc với Viện Virus học Vũ Hán, cơ sở của tâm điểm những đồn đoán về việc liệu virus này có thể đã bị rò rỉ từ đó hay không. Đặc biệt, Phòng thí nghiệm Quốc gia Galveston của ông LeDuc đã làm việc với Viện Virus học Vũ Hán và các trung tâm virus học khác của Trung Quốc trong nhiều năm về các dự án hợp tác và đào tạo.
“Cảm ơn vì đã báo trước cho tôi. Rõ ràng đây là chủ đề đang gây chú ý. Đây là lúc thêm thắt các chi tiết và tìm một vật tế thần,” ông LeDuc hồi âm.
Ngay lập tức, ông LeDuc đã gửi bức thư điện tử này tới bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), một nhà khoa học hàng đầu tại Viện Virus học Vũ Hán có biệt danh là “người phụ nữ dơi” vì nghiên cứu của bà liên quan đến virus corona ở dơi, để cảnh báo bà về cuộc điều tra đó. Bà Thạch là người đứng đầu Trung tâm các Bệnh Truyền nhiễm Mới xuất hiện của cơ sở này và là phó giám đốc Phòng thí nghiệm An toàn Sinh học Quốc gia Vũ Hán của Viện Virus học Vũ Hán, phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 (P4) đầu tiên của nước này đã đi vào hoạt động năm 2018.
Ông LeDuc đã viết rằng ông hy vọng bà Thạch vẫn “sống sót sau tất cả vụ om sòm về COVID19” và đề nghị một cuộc điện thoại “lúc nào sớm một chút.”
Hôm 18/04, bà Thạch đã hồi âm từ chối lời đề nghị cho một cuộc gọi, viết rằng: “Do tình hình phức tạp, tôi không nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp để liên lạc bằng điện đàm. Điều tôi có thể nói với anh là virus này không phải là một vụ rò rỉ [nguyên văn] từ phòng thí nghiệm của chúng tôi hoặc bất kỳ phòng thí nghiệm nào khác. Thật hổ thẹn khi làm cho câu hỏi khoa học này trở nên phức tạp như vậy.”
Chuỗi thông điệp này nằm trong một loạt thư điện tử được công bố gần đây theo yêu cầu của Đạo luật Thông tin Công cộng Texas do US Right to Know, một tổ chức bất vụ lợi tập trung vào các vấn đề thực phẩm và y tế công cộng, cũng như Justice Watch, một cơ quan giám sát chính phủ bất vụ lợi, thực hiện.
Những bức thư điện tử này đã cùng nhau vẽ nên bức tranh về cách các nhà khoa học nổi tiếng của Hoa Kỳ đã công khai và bí mật bảo vệ các đồng nghiệp của họ tại Viện Virus học Vũ Hán và các cơ quan y tế của Trung Quốc trong giai đoạn đầu của đại dịch khi Bắc Kinh phải đối mặt với những chất vấn ngày càng tăng về việc giải quyết đại dịch và nguồn gốc virus.
“Những tài liệu đáng sửng sốt này cho thấy rằng Trung Quốc có các đối tác ở Hoa Kỳ sẵn sàng đứng ra đấu tranh cho họ trong cuộc tranh cãi về phòng thí nghiệm Vũ Hán,” ông Tom Fitton, Chủ tịch Justice Watch cho biết trong một tuyên bố hôm 09/05.
UTMB đã phản bác lại tuyên bố này. “Phòng thí nghiệm Quốc gia Galveston chưa bao giờ hợp tác với Viện Virus học Vũ Hán trong nghiên cứu SARS-CoV-2/COVID-19 — và như bản thân những tài liệu này chứng tỏ rằng, một cách đáng thất vọng, các nhà khoa học Trung Quốc đã không sẵn lòng trong việc hợp tác chống lại căn bệnh này”, ông Chris Smith, một giám đốc quan hệ truyền thông của trường đại học, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử.
Trả lời câu hỏi từ The Epoch Times, ông Franz nói rằng ông “không bày tỏ ý kiến về hành động mà thượng viện có thể thực hiện” trong thư điện tử của ông hôm 16/04/2020. Ngay cả khi ông có ý kiến, đó sẽ là một ý kiến mà ông hiểu rõ vào thời điểm đó, nhưng “kể từ khi đó, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều.”
Giúp đỡ một người bạn
Khi các bản tin lần đầu tiên xuất hiện đặt nghi vấn về vai trò tiềm ẩn của Viện Virus học Vũ Hán trong việc gây ra đại dịch, hồi đầu tháng 02/2020, ông LeDuc đã liên lạc với ông Viên Chí Minh (Yuan Zhiming), giám đốc phòng thí nghiệm P4 của Viện Virus học Vũ Hán, để đưa ra các đề nghị nhằm chống lại “thông tin sai lệch”.
Ông LeDuc thúc giục ông Viên “tiến hành xem xét kỹ lưỡng các hoạt động trong phòng thí nghiệm liên quan đến nghiên cứu về virus corona” để ông “chuẩn bị đầy đủ để trả lời các câu hỏi liên quan đến nguồn gốc của virus.”
“Tôi vô cùng tôn trọng và ngưỡng mộ Tiến sĩ Thạch và tôi không đời nào nghi ngờ bà ấy hoặc đồng nghiệp của bà ấy. Tôi chỉ nghĩ rằng chúng ta cần phải mạnh tay giải quyết những tin đồn và những cáo buộc có lẽ là sai lệch này một cách nhanh chóng và cung cấp thông tin dứt khoát, trung thực để chống lại thông tin sai lệch. Nếu có những yếu điểm trong chương trình của ông, thì giờ là lúc để thừa nhận chúng và đính chính chúng”, ông viết. “Tôi tin tưởng rằng ông sẽ tiếp nhận những gợi ý của tôi trên tinh thần một người bạn đang cố gắng giúp đỡ người bạn khác trong một giai đoạn rất khó khăn.”
Thư điện tử này đính kèm một tài liệu dài hai trang có các câu hỏi về các hoạt động của phòng thí nghiệm từ tháng 10/2019 để ông Viên xem xét. Một số câu hỏi như sau:
“Có bằng chứng nào cho thấy lỗi cơ học trong việc kiểm soát sinh học trong thời gian được đề cập không?
“Những virus corona nào mà quý vị sở hữu có liên quan mật thiết nhất đến nCoV dựa trên trình tự di truyền và có khả năng tái tạo trong môi trường nuôi cấy?
“Có ai trong nhóm của quý vị đang tiến hành các nghiên cứu tăng chức năng, nghiên cứu tái tổ hợp hoặc bất kỳ nghiên cứu nào khác có thể dẫn đến việc tạo ra nCoV không?
“Có bao nhiêu người có quyền truy cập vào kho dự trữ và phòng thí nghiệm virus corona?
“Có ai trong số các cá nhân làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán (cơ sở chính hoặc cơ sở BSL4) bị nhiễm nCoV không? Các thành viên gia đình của nhân viên thì thế nào?”
Ông Viên chưa bao giờ trả lời bức thư điện tử đó. Sau đó, hồi tháng 04/2020, ông LeDuc đã chia sẻ thư điện tử này với ông Franz, viết rằng, “Vui lòng không chuyển tiếp”.
“Lưu ý tốt… và kịp thời từ phía ông,” ông Franz trả lời. “Tôi chỉ bực mình là các bằng hữu của chúng ta phải giải quyết tất cả những điều này, như ông lưu ý… đặc biệt là trong thế giới của họ.”
Ông LeDuc dường như hiểu được sự né tránh từ phía Trung Quốc, như những gì ông ghi lại trong một thư điện tử gửi đến ông Franz một tuần sau đó.
“Tôi nghĩ rằng họ đang tuân theo các lệnh khá nghiêm ngặt về việc giữ im lặng [nguyên văn],” ông viết.
Các nhà khoa học của UTMB đã lên tiếng hoan nghênh tin tức khi ông Viên của Viện Virus học Vũ Hán xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn trên hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc hôm 18/04/2020, để bảo vệ cơ sở này.
“Tôi mừng vì ông Chí Minh đang lên tiếng. Tôi đã khuyến khích ông ấy và bà Thạch Chính Lệ lên tiếng. Sự tham gia trực tiếp của họ là rất cần thiết. Nếu không, tất cả những gì chúng tôi làm chỉ là thứ yếu”, nhà sinh học phân tử cao cấp của UTMB Shi Pei-yong viết.
Khi được The Epoch Times liên lạc về ghi chú tháng 02/2020 và các thư điện tử tiếp theo, ông Franz nói rằng ông “sẽ rất ngạc nhiên nếu ông [Viên] Chí Minh hồi đáp hoặc trả lời đầy đủ, vì thế giới mà họ đang sống và làm việc hoàn toàn khác biệt.”
“Tôi đã rất ‘khó chịu’ [vì] các đồng nghiệp mà chúng tôi đã và đang làm việc phải đối phó với giới truyền thông và bộ máy quan liêu phía trên họ,” ông cho biết trong một thư điện tử, lưu ý rằng “hồi tháng 04/2020 chúng tôi đang nghiêng về giả thuyết nguồn gốc virus từ một chợ hải sản.”
“Rõ ràng chúng tôi đã có mối quan hệ làm việc tốt đẹp với một số đồng nghiệp Trung Quốc vì họ rất quan tâm đến việc vận hành phòng thí nghiệm Viện Virus học Vũ Hán BSL-4 mới một cách an toàn”, ông nói với The Epoch Times. “Những phòng thí nghiệm này RẤT phức tạp; theo định nghĩa, một giám đốc phòng thí nghiệm sẽ có một số lo ngại sâu sắc về việc không có được đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và chuyên môn mà tôi được thừa hưởng khi tôi được yêu cầu chỉ huy viện USAMRIID nhiều năm trước.”
USAMRIID là nói đến Viện Nghiên cứu Y tế Lục Quân Hoa Kỳ về các bệnh truyền nhiễm, nơi ông Franz từng là chỉ huy từ năm 1995 đến năm 1998.
Sự hỗ trợ của ông LeDuc dành cho Viện Virus học Vũ Hán và các nhà nghiên cứu của tổ chức này vào đầu năm 2020 đến vào thời điểm mà việc giám sát phòng thí nghiệm như một thủ phạm làm rò rỉ virus là một chủ đề cấm kỵ trong cuộc thảo luận giữa nhiều kênh khoa học, chính trị và truyền thông lớn.
Dù bà Thạch và các nhà khoa học khác tại Viện Virus học Vũ Hán phủ nhận việc virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, nhưng chính quyền Trung Quốc đã không cho phép các nhà điều tra bên ngoài kiểm tra hồ sơ và dữ liệu từ cơ sở này để điều tra vấn đề một cách chính xác.
Cho đến giữa năm 2021 khi giả thuyết này trở thành một tâm điểm thảo luận của công chúng sau khi ngày càng có nhiều các báo cáo về các hoạt động nghiên cứu tăng chức năng (gain-of-function research) của phòng thí nghiệm này, sự hợp tác của họ với quân đội Trung Quốc, việc lấp liếm thông tin, và các nhân viên đã phải nhập viện với các triệu chứng giống như COVID hồi tháng 11/2019. Điều này lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Joe Biden chỉ thị cộng đồng tình báo cung cấp một báo cáo về nguồn gốc của đại dịch, bao gồm cả giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm, rốt cuộc một báo cáo đã không thể kết luận về đợt bùng phát đã xảy ra như thế nào.
Hai phòng thí nghiệm cùng hợp tác
Phòng thí nghiệm Quốc gia Galveston là một cơ sở P4 do liên bang tài trợ, đã đào tạo nhân viên cho Viện Virus học Vũ Hán và thực hiện các dự án nghiên cứu chung với họ từ năm 2013. Ông LeDuc và các nhân viên cao cấp khác của UTMB cũng duy trì liên hệ chặt chẽ với các nhà khoa học của Viện Virus học Vũ Hán, bao gồm cả bà Thạch.
Năm 2017, phòng thí nghiệm quốc gia Hoa Kỳ đã ký một biên bản ghi nhớ với Viện Virus học Vũ Hán cho phép tổ chức này yêu cầu tiêu hủy “các tệp bí mật”, theo định nghĩa rộng của tài liệu đó, áp dụng cho tất cả các tài liệu và chi tiết có khả năng phát sinh từ sự hợp tác của họ.
Trong một tuyên bố dự thảo mà trên tiêu đề thư của Galveston ghi ngày 20/04/2020, ông LeDuc cho biết bà Thạch đã mô tả các nghiên cứu của bà về virus corona liên quan đến dơi trong một cuộc họp hồi tháng 09/2015, nơi bà ấy “kết luận rằng có nguy cơ đáng kể về việc lây truyền một số loại virus này sang người.”
Sau đó, ông lưu ý rằng bà Thạch là nhà khoa học đã phát hiện ra mối liên hệ giữa dơi và virus SARS từ Trung Quốc đã lây lan khắp thế giới từ năm 2002 đến 2003.
Ông LeDuc viết: “Bà ấy đã tham gia vào từng cuộc đối thoại của chúng tôi; trong mỗi phiên họp, bà ấy đều tham gia đầy đủ, rất cởi mở và minh bạch về công việc của mình và mong muốn được cộng tác.”
Ông tiếp tục: “Có bằng chứng thuyết phục rằng loại virus mới này không phải là kết quả của quá trình kỹ thuật di truyền có chủ đích và nó gần như chắc chắn có nguồn gốc từ tự nhiên do tính tương đồng cao với các virus corona liên quan đến dơi khác.”
Vị giám đốc nói thêm rằng năm 2017 ông đã đi tham quan cơ sở P4 của Viện Virus học Vũ Hán trước khi nó bắt đầu hoạt động, và nhìn nhận đây là “các biện pháp an toàn và chất lượng tương đương với bất kỳ cơ sở nào hiện đang hoạt động ở Hoa Kỳ hoặc Âu Châu.”
Các bức thư điện tử do ông LeDuc gửi hồi tháng 04/2020 chỉ ra rằng, bản tuyên bố nói trên, không được công bố rộng rãi, dường như đã được ông LeDuc chuẩn bị để đề cập đến lịch sử công việc chung của hai phòng thí nghiệm sẽ được đệ trình lên lãnh đạo trường đại học và các ủy ban của Quốc hội đang được thành lập để điều tra nguồn gốc virus.
Trong một thư điện tử do ông LeDuc gửi bà Thạch hôm 16/04/2020, ông LeDuc dường như đã đính kèm bản tuyên bố trên, đồng thời đề nghị bà Thạch xem lại nội dung của nó. Vì tuyên bố này xuất hiện sau trong loạt tài liệu được phát hành theo yêu cầu tự do thông tin, nên không rõ rằng liệu phiên bản này có được đính kèm trong thư điện tử đó hay không.
“Vui lòng xem xét cẩn thận và thực hiện bất kỳ thay đổi nào bà muốn. Tôi muốn bản tuyên bố này chính xác nhất có thể và tôi chắc chắn không muốn trình bày sai lệch bất kỳ đóng góp có giá trị nào của bà,” ông LeDuc nói. “Tôi cần nộp bản tuyên bố này vào hôm Thứ Hai, ngày 20/04, vì vậy tôi rất vui nếu nhận được câu trả lời nhanh chóng của bà.”
Bà Thạch đã phản hồi bằng cách gửi một số tài liệu tham khảo và cung cấp một văn bản với các sửa đổi của bà cho bản tuyên bố. Văn bản này, là một tệp đính kèm thư điện tử, không bao gồm trong chuỗi thư điện tử được công khai.
Hai ngày sau đó, ông LeDuc nói với các đồng nghiệp của mình rằng ông đã có hơn một giờ hội nghị từ xa với 5-6 người từ Tiểu ban Giám sát và Điều tra Ngoại giao Hạ viện để thảo luận về khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
‘Những người bạn của chúng tôi ở Trung Quốc’
Ông LeDuc cũng đã công khai bảo vệ phản ứng ban đầu của chế độ Trung Quốc đối với đại dịch, ngay cả khi ông và một số đồng nghiệp kín đào bày tỏ sự thất vọng về sự thiếu phản hồi từ các nhà khoa học Trung Quốc mà họ đã cùng làm việc chung để tìm kiếm dữ liệu về loại virus mới.
Vào giữa tháng 01/2020, khoảng hai tuần sau báo cáo đầu tiên về đợt bùng phát COVID-19 ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, ông LeDuc đã viết một bài báo ý kiến chuyên gia cho truyền thông địa phương, mà bản thảo của bài này đã được ông chia sẻ với một số quan chức y tế cao cấp của Trung Quốc để hỏi ý kiến của họ. Trong số những người nhận có ông Cao Phúc (George Gao), giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), và ông Viên, giám đốc phòng thí nghiệm P4 của Viện Virus học Vũ Hán.
Với tiêu đề của bài báo là “Phản ứng của Trung Quốc với loại Virus Mới Thể hiện Triển vọng”, bản thảo bài báo ca ngợi cách Trung Quốc “nhanh chóng cách ly bệnh nhân và thiết lập một loạt các biện pháp can thiệp ấn tượng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và xác định đặc điểm của mầm bệnh mới”.
“Điều quan trọng là họ đã minh bạch trong việc chia sẻ những phát hiện của mình với thế giới, do đó cho phép các quốc gia khác đề phòng căn bệnh mới này,” ông LeDuc nói thêm.
Bài báo dường như bỏ qua thực tế rằng chính quyền Trung Quốc đã mất nhiều tuần để xác nhận rằng virus có thể lây lan từ người sang người, mặc dù có rất nhiều bằng chứng về sự lây truyền xảy ra ở bệnh viện và các nơi khác, cũng như việc ngăn chặn thông tin và dữ liệu COVID-19 của nước này.
Bất chấp giọng điệu lạc quan được thể hiện trong bài báo đó, trong một thư điện tử ông LeDuc đã tiết lộ một số dè dặt với một mối thâm giao.
“Tôi hy vọng tôi không phóng đại khả năng phản ứng của họ…”, ông viết cho ông Franz hôm 17/01/2020, trước khi bài báo được xuất bản. Đối với một nhà khoa học Trung Quốc khác, ông LeDuc thừa nhận rằng ông không có “các ví dụ cụ thể để lưu ý nếu được hỏi” về các biện pháp “ấn tượng” của Trung Quốc được đề cập trong bài báo và hỏi liệu đồng nghiệp của ông có thể cung cấp bất kỳ biện pháp nào không.
Vài phút sau khi bài báo được xuất bản trực tuyến hôm 21/01, ông Franz gửi một bức thư chúc mừng đến ông LeDuc, cũng gửi cho ông Cao của CDC Trung Quốc và ông Viên của Viện Virus học Vũ Hán.
“Làm tốt lắm, anh Jim… và những người bạn của chúng ta ở Trung Quốc,” ông viết.
Sau đó ông Viên đã hồi âm và cảm ơn ông LeDuc vì “sự ủng hộ tích cực của ông đối với hệ thống và thực hành phản ứng y tế công cộng của Trung Quốc”.
Ông Franz nói với The Epoch Times rằng các luận điểm trong bài báo ý kiến chuyên gia của ông LeDuc là phù hợp vì nó được viết dựa trên các sự kiện trước hôm 21/01/2020.
“Vào ngày hôm đó, tôi vẫn tin rằng bài báo này là phù hợp. Và tôi có thể nói điều tương tự để đáp lại,” ông Franz nói trong một thư điện tử. “Tôi không nhất thiết sẽ viết điều tương tự 6 tháng sau… ông ấy cũng vậy.”
“Tôi chắc chắn rằng các nhà khoa học và bác sĩ lâm sàng Trung Quốc đã biết vấn đề xảy ra vào ngày 21/01 và trước đó, nhưng có lẽ chỉ không biết về mức độ nghiêm trọng của vấn đề,” ông nói thêm.
Bài báo xuất hiện vào thời điểm mà những nỗ lực lặp đi lặp lại của UTMB nhằm lấy các mẫu virus gốc từ Trung Quốc đang gặp bế tắc.
“Với các ca nhiễm bệnh xảy ra bên ngoài Trung Quốc, những nước khác sẽ sớm có các ca cách ly và Trung Quốc sẽ mất cơ hội lãnh đạo,” ông LeDuc viết cho ông Viên hôm 22/01/2020, thúc giục nước này cởi mở hơn đối với dữ liệu virus.
“Và nếu các ấn phẩm khoa học bắt đầu xuất hiện từ các nhà điều tra Trung Quốc mà thế giới không có quyền tiếp cận độc lập với một chủng virus, Trung Quốc có thể sẽ bị chỉ trích nặng nề.”
Ông Viên trả lời rằng ông ấy sẽ “cố gắng hết sức [mình] để thúc đẩy việc chia sẻ các chủng virus,” và vài ngày sau ông LeDuc đã sắp xếp gửi một lá thư chính thức để thúc đẩy vấn đề này.
Nhưng rốt cuộc phòng thí nghiệm Galveston không bao giờ nhận được mẫu virus từ Trung Quốc. Dù thế, ba tuần sau, phòng thí nghiệm này có thể lấy mẫu từ một bệnh nhân bị nhiễm bệnh ở Washington đã đến Trung Quốc.
UTMB nói với The Epoch Times rằng Viện Virus học Vũ Hán đã từ chối yêu cầu gửi mẫu của họ. “Các nhà khoa học của UTMB buộc phải lấy mẫu để nghiên cứu từ những bệnh nhân Hoa Kỳ đã bị nhiễm COVID-19 và sử dụng chúng trong công việc quan trọng của mình để chống lại COVID-19. Sự thiếu hợp tác và minh bạch từ các cơ quan Trung Quốc vẫn là vấn đề đáng lo ngại,” ông Smith, phát ngôn viên của trường đại học này cho biết trong một thư điện tử.
Loại bỏ giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm
Hôm 14/04/2020, ông Frederick Murphy, một giáo sư danh dự của UTMB, người trong thời gian làm việc tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã giúp phát hiện ra virus Ebola, đã viết thư cho ông LeDuc và hai thành viên khác của UTMB để xin lời khuyên về những gì ông gọi là “thuyết âm mưu” về virus rằng “CoV đến từ phòng thí nghiệm Vũ Hán”.
“Tôi cần một số lời khuyên/điều hữu ích để giải quyết vấn đề này, vì mọi thứ lan rộng khắp nơi đây — một số đại sứ đã về hưu sống ở đây (kiểu bảo thủ, kiêu ngạo),” ông nói trước khi hỏi liệu UTMB hoặc Phòng thí nghiệm Galveston có đưa ra những tuyên bố công khai để phản đối những cáo buộc này hay không.
Yêu cầu này đã nhận được một câu trả lời nhanh chóng từ ông LeDuc và ông Thomas Ksiazek, giáo sư UTMB chuyên về bệnh học, vi sinh và miễn dịch học, người đã điều phối phản ứng của Hoa Kỳ đối với đợt bùng phát Ebola và SARS với tư cách là người đứng đầu chi nhánh mầm bệnh đặc biệt tại CDC ở Atlanta.
Ông Ksiazek viết: “Như ông biết, không có hồi kết cho những câu chuyện về nguồn gốc của virus.” Trong khi một bài báo được trích dẫn một cách nổi bật trên tạp chí khoa học Nature của nhà khoa học Kristian Andersen và những người khác “đã đặt dấu chấm hết cho những câu chuyện về việc virus đã được tạo ra trong phòng thí nghiệm,” ông nói, các giả thuyết khác cho rằng virus có thể là một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm và các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã trở thành “bệnh nhân 0” sau khi bị lây nhiễm tại hiện trường.
“Tôi không biết, nhưng không nghĩ rằng họ đang làm việc với những con dơi sống,” ông Ksiazek viết trong thư điện tử, viết thêm rằng dựa trên “các cuộc thảo luận với ‘quý bà dơi’, Tiến sĩ Thạch,” của một đồng nghiệp, “tôi không tin rằng họ đã có virus này trong phòng thí nghiệm trước khi vụ việc xảy ra.”
Các thư điện tử được giải mật sau đó tiết lộ rằng ông Andersen đã cho biết một số tính năng của virus “trông giống như được bào chế” vài tuần trước khi công bố nghiên cứu hồi tháng 03/2020.
Đoạn video từ năm 2017, được đăng trên trang web của Học viện Khoa học Trung Quốc của nhà nước, là cơ quan quản lý Viện Virus học Vũ Hán, cũng như trong các bài báo của truyền thông Trung Quốc, cũng cho thấy những con dơi sống được nhốt trong lồng bên trong cơ sở này. Trong một bài báo, một nhà nghiên cứu đang bón thức ăn cho một con dơi cầm trên tay được bảo vệ bằng găng tay phẫu thuật màu xanh lam.
“Tôi lo lắng hơn nhiều về uy tín của Hoa Kỳ với tư cách là nhà lãnh đạo về khoa học và y tế công cộng thế giới hơn là những người Trung Quốc núp sau mỗi gốc cây,” ông Ksiazek viết. “Không phải là không có một số hoạt động gián điệp nghề nghiệp xảy ra ở một mức độ nào đó, nhưng chúng ta đang tự hại chính mình về cách chúng ta được người khác nhìn nhận.”
“Tôi đồng ý với đánh giá của ông Tom (tất nhiên!),” là câu trả lời của ông LeDuc trước khi ông tiếp tục trình bày chi tiết về các cuộc họp chung mà ông tham gia hàng năm với các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Virus học Vũ Hán kể từ năm 2015. Ông LeDuc nói thêm rằng ông chưa bao giờ nghe về bất kỳ mối lo ngại về an toàn nào từ phòng thí nghiệm Vũ Hán cho đến khi bắt gặp một bài bình luận của Washington Post hôm 14/04 về bức điện tín của Bộ Ngoại giao bị rò rỉ. Bài báo đó nói rằng một bức điện tín năm 2018 thể hiện những lo ngại về những điểm yếu về quản lý và an toàn tại Viện Virus học Vũ Hán, đồng thời cảnh báo rằng công việc của phòng thí nghiệm về các virus corona trên dơi đặt ra nguy cơ đại dịch.
Thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn
Những bức thư điện tử này tiết lộ rằng các quan chức và khoa học gia Hoa Kỳ duy trì mối quan tâm hợp tác với Trung Quốc khi đại dịch bùng phát và bất chấp sự chú ý ngày càng tăng về vai trò có thể có của Viện Virus học Vũ Hán trong việc lây lan đợt bùng phát đầu tiên.
Hôm 03/02/2020, khi UTMB vẫn đang khẩn trương để đạt được quyền truy cập vào dữ liệu virus Trung Quốc, ông LeDuc đã viết rằng ông đã nhận được “sự khuyến khích mạnh mẽ” từ một quan chức của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh để “cố gắng bắt đầu các nghiên cứu hợp tác thực sự giữa phòng thí nghiệm của chúng tôi và Vũ Hán.”
“Mọi người đang nhận ra giá trị của mối hợp tác mà chúng tôi đã phát triển — hy vọng điều này sẽ chuyển thành một số nguồn tài trợ bền vững,” ông viết cho ông Franz.
Trong một thư điện tử tháng 04/2020 với chủ đề “Tài trợ sinh học Trung Quốc và kế hoạch dự án”, ông Benjamin Rusek, một quan chức chương trình cao cấp của Học viện Khoa học Quốc gia (NAS) đã thông báo với các nhà nghiên cứu của UTMB rằng NAS không thể gia hạn hai khoản tài trợ vì “các hoạt động sinh học với Trung Quốc” của họ sắp hết hiệu lực. Sau đó, ông đề nghị tổ chức các cuộc họp song phương về cách họ sử dụng số tiền còn lại, bao gồm cả về “công nghệ chỉnh sửa gene để chống lại SARS-CoV-2.”
“Ông Pei-yong, ông có nghĩ rằng những người bạn Trung Quốc của chúng ta sẽ sẵn sàng tham gia không?” ông Rusek viết, lưu ý rằng “tất cả các cuộc thảo luận sẽ là không chính thức”.
Các nhà khoa học đã nhiệt tình đón nhận đề xuất của ông. “Nếu quý vị tin báo chí, có vẻ như họ đã thành công trong nỗ lực kiểm soát và có lẽ chúng ta có thể học hỏi từ họ,” ông LeDuc viết vào cuối tháng đó khi họ tổ chức cuộc họp.
Những dữ liệu thư điện tử cho thấy rằng hai hội nghị trực tuyến giữa các quan chức y tế và khoa học gia Trung Quốc và Hoa Kỳ đã diễn ra vào giữa tháng 05/2020. Ông Rusek cũng nói với một quan chức tương ứng từ CDC của Trung Quốc không được đưa ra thông cáo báo chí hoặc thông báo cho giới truyền thông vào lúc này.
Tháng Sáu năm ngoái, khi giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm thu hút được sự chú ý của cộng đồng, ông LeDuc lại đưa ra ý tưởng hợp tác với Trung Quốc.
“Hiện tình hình chính trị có lẽ đang quá căng thẳng để thực sự làm bất cứ điều gì,” ông nói và cho biết thêm họ có thể thử bắt đầu các cuộc thảo luận với các đối tác Trung Quốc bằng cách dựa trên một bài xã luận chung năm 2018 được xuất bản trên Science thông báo về mối quan hệ hợp tác của hai phòng thí nghiệm.
“Bài xã luận này là bằng chứng hữu hình về hoạt động chung của chúng ta và có lẽ sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc tham gia vào một hoạt động có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên toàn cầu,” ông LeDuc viết.
‘Lời cảm ơn chân thành’
Trong khi đó, ông LeDuc và những người khác đã cố gắng giữ cho mối liên hệ diễn ra ở mức độ cá nhân.
Hồi tháng 07/2020, ông LeDuc đã chuyển tiếp các tiêu đề của một số bài báo được xuất bản gần đây trên các tạp chí khoa học của Hoa Kỳ cho bà Thạch và ông Viên của Viện Virus học Vũ Hán, viết rằng: “Quý vị có thể tìm thấy hai bài báo đầu tiên được quan tâm đặc biệt.”
Một trong số bài báo này viết: “Giữ cho chính trị nằm ngoài các Quyết định tài trợ cho Nghiên cứu Y khoa và Y tế Công cộng.”
“Cảm ơn ông đã cung cấp thông tin,” bà Thạch hồi âm. “Tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ về mặt tinh thần từ các nhà khoa học tại Hoa Kỳ.”
Ông LeDuc đã nhận được lời mời vào tháng 01/2021 để gia nhập ban biên tập Tạp chí An toàn và An ninh Sinh học do ông Viên đồng biên tập. Tuy thế không có dấu hiệu nào cho thấy ông LeDuc đã đáp lại lời mời này.
Một tháng sau, ông Viên đã phản hồi lời nhắn “Chúc mừng năm mới” từ ông LeDuc để bày tỏ “lời cảm ơn chân thành” tới ông LeDuc và các đồng nghiệp của ông “đã hỗ trợ cho sự an toàn và sự vận hành kiên cố của phòng thí nghiệm” ở Vũ Hán.
“Trong năm qua, tất cả chúng ta đều trải qua thời gian khó khăn nhất, chiến đấu chống lại virus, chống lại những tin đồn thất thiệt. Phòng thí nghiệm hoạt động trơn tru [và] hiệu quả, cung cấp một nền tảng quan trọng để xác định mầm bệnh, lên mô hình động vật, sàng lọc thuốc kháng virus và phát triển vaccine, và chúng tôi rất tự hào về vai trò và thành tựu của phòng thí nghiệm,” ông viết. “Tôi thực sự hy vọng ông có thể quay lại đây sau đợt dịch và chúng ta có thể chia sẻ hiểu biết của mình về quản lý phòng thí nghiệm và kiểm soát bệnh truyền nhiễm.”
Trả lời câu hỏi của The Epoch Times về việc trao đổi thư điện tử giữa ông LeDuc và những người khác, UTMB nói rằng trường đại học và Phòng thí nghiệm Quốc gia Galveston “tin tưởng chắc chắn rằng nghiên cứu học thuật và việc trao đổi các phương pháp hay nhất về hoạt động an toàn sinh học và các hoạt động của phòng thí nghiệm phải là mục tiêu theo đuổi toàn cầu.”
Một phát ngôn viên cho biết trong thư điện tử: “Với tư cách là các nhà khoa học, chúng tôi hợp tác với các đồng nghiệp trên khắp thế giới để phát triển các biện pháp ứng phó nhằm bảo vệ y tế công cộng và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Ông Murphy, ông Ksiazek, ông Rusek, ông Shi của UTMB cùng bà Thạch và ông Viên của Viện Virus học Vũ Hán đã không phúc đáp các câu hỏi của The Epoch Times tại thời điểm phát hành bản tin này.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].