Các nhóm nông dân thúc giục TT Biden không cho phép các tiểu bang dùng nhãn an toàn sản phẩm riêng
Một liên minh gồm 54 nhóm nông nghiệp đang thúc giục chính phủ Tổng thống (TT) Biden ngừng ủng hộ việc cho phép các tiểu bang dán nhãn cảnh báo của riêng mình – ngoài nhãn liên bang – trên các sản phẩm tiêu dùng.
Yêu cầu này được đưa ra sau khi Tổng Biện lý Sự vụ Hoa Kỳ Elizabeth Prelogar yêu cầu Tối cao Pháp viện không tiếp tục vụ kiện liên quan đến thuốc diệt cỏ tên là “Công ty Monsanto kiện Hardeman”, hồ sơ tòa án số 21-241.
Trong đơn kháng cáo, đại tập đoàn hóa chất Bayer Aktiengesellschaft (Bayer AG) đang đề nghị tối cao pháp viện lật lại phán quyết của tòa phúc thẩm giữ nguyên mức bồi thường thiệt hại cho một khách hàng quy trách nhiệm về bệnh ung thư của ông cho Roundup, như The Epoch Times đã đưa tin trước đó. Roundup là một loại thuốc diệt cỏ gốc glyphosate đã có mặt trên thị trường từ những năm 1970. Đơn kiện đã được đệ trình lên tòa án hồi tháng 08/2021, nhưng các thẩm phán vẫn chưa hành động về vụ kiện này.
Trong vụ kiện, về mặt nguyên tắc công ty Bayer đã đạt được một thỏa thuận dàn xếp với các nguyên đơn vào năm 2020 nhưng không có được sự chấp thuận của tòa án đối với một thỏa thuận khác về cách giải quyết các vụ kiện trong tương lai.
Monsanto, có trụ sở tại Creve Coeur, Missouri, đã được Bayer AG, một công ty khoa học đời sống và dược phẩm đa quốc gia có trụ sở tại Leverkusen, Đức, mua lại vào năm 2018 với giá 63 tỷ USD.
Bệnh nhân ung thư Edwin Hardeman là một người dùng Roundup ở California, người đã được bồi thường thiệt hại 25 triệu USD từ công ty này. Ông đổ lỗi cho Roundup về bệnh u lympho không Hodgkin của mình. Kháng cáo được đưa ra vào năm ngoái sau khi Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực Chín bác bỏ kháng cáo của công ty này về phán quyết có lợi cho ông Hardeman.
Tòa án khu vực này cho rằng Đạo luật Diệt Côn Trùng, Diệt Nấm và Diệt Chuột Liên Bang (FIFRA) đã không loại trừ luật của California vốn yêu cầu Roundup và các sản phẩm khác có chứa glyphosate phải tiết lộ về nguy cơ được cho là gây ung thư của loại hóa chất đó. California coi glyphosate là chất gây ung thư, nhưng Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), cơ quan thực thi FIFRA, thì không.
Trong đơn kiện đệ trình lên Tối cao Pháp viện, công ty Bayer lập luận rằng những tuyên bố rằng Roundup gây ung thư ở người là thiếu cơ sở khoa học. “Các sơ sót [của tòa án khu vực] có nghĩa là một công ty có thể bị trừng phạt nghiêm khắc khi tiếp thị một sản phẩm mà không có cảnh báo ung thư khi có sự đồng thuận gần như toàn cầu về mặt quy định và khoa học rằng sản phẩm này không gây ung thư, và cơ quan liên bang phụ trách đã cấm cảnh báo như vậy.”
Trong phần mở đầu ngắn gọn của bản ý kiến bạn tòa án* (pdf) được đệ trình lên Tối cao Pháp viện hôm 10/05, chính phủ TT Biden lập luận rằng Tòa Khu vực Chín “đã phán quyết một cách chính xác rằng FIFRA không ngăn trở các yêu cầu của bị đơn, và phán quyết đó không mâu thuẫn với bất kỳ phán quyết nào của Tòa án này hoặc Tòa án cấp phúc thẩm nào khác.”
Các nhóm nông nghiệp, trong đó có Liên đoàn Cục Trang trại Hoa Kỳ (AFBF), Hiệp hội Đậu nành Hoa Kỳ (ASA), Hiệp hội Nông dân Trồng ngô Quốc gia (NCGA), Hiệp hội Nông dân Trồng lúa mì Quốc gia (NAWG), Hội đồng Bông Quốc gia (NCC), và Hiệp hội Nông dân Trồng củ cải đường Hoa Kỳ (ASGA), đã gửi một lá thư tới Tổng thống Joe Biden kêu gọi chính phủ của ông rút lại bản ý kiến gửi cho Tối cao Pháp viện nói trên.
Liên minh này cho biết trong một tuyên bố rằng quan điểm mới được tổng biện lý sự vụ nêu ra, đó là luật liên bang và các quy định không ngăn cản các tiểu bang áp đặt các yêu cầu về nhãn mác của riêng mình, ngay cả khi những nhãn đó đi ngược lại với các phát hiện của liên bang, “là một sự đảo ngược đáng kinh ngạc so với chính sách hành chính lưỡng đảng trước đây.”
Chính sách mới, được giải thích trong bản ý kiến “sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm đe dọa quy trình quản lý dựa trên khoa học.” Các thành viên của liên minh lo lắng rằng “chính sách mới này, cùng với các tác động đến môi trường, cuối cùng có thể cản trở khả năng của nông dân Mỹ trong việc giúp đáp ứng nhu cầu lương thực toàn cầu ngày càng tăng do cuộc xâm lược Ukraine.”
Các nhà lãnh đạo ngành đã chia sẻ quan điểm của họ trong tuyên bố của liên minh.
Chủ tịch Liên đoàn Cục Trang trại Hoa Kỳ Zippy Duvall cho biết: “Nông dân sử dụng các công cụ bảo vệ cây trồng được hỗ trợ bởi khoa học trong trang trại của họ để sản xuất thực phẩm an toàn, bổ dưỡng. Việc cho phép các nhãn mâu thuẫn với các kết luận hiện có và các nghiên cứu của EPA sẽ làm tăng thêm hiểu lầm về vai trò quan trọng của thuốc trừ sâu trong việc cho phép nông dân trồng thực phẩm lành mạnh, giá cả phải chăng cho các gia đình ở Mỹ.”
Ông Brad Doyle, chủ tịch của Hiệp hội Đậu nành Hoa Kỳ, tuyên bố: “Luật liên bang nói rõ rằng nhãn thuốc trừ sâu không được giả mạo hoặc gây hiểu nhầm. Việc cho phép các tiểu bang yêu cầu cảnh báo về sức khỏe trái với hàng thập niên khoa học có căn cứ là điều đáng lo ngại và rõ ràng là không phù hợp với luật liên bang.”
“Nông dân lo ngại chính sách mới này sẽ mở ra cửa lũ cho một loạt nhãn chắp vá của các tiểu bang mà sẽ làm suy yếu khả năng tiếp cận của nông dân đối với thuốc trừ sâu an toàn, hiệu quả cần thiết để canh tác năng suất và bền vững.”
Văn phòng của bà Prelogar đã không phúc đáp các yêu cầu bình luận vào cuối tuần Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Ông Matthew Vadum là một ký giả điều tra từng đạt giải thưởng và là một chuyên gia được công nhận về hoạt động của cánh tả.
Chú thích: (*) Nguyên văn “friend of the court” là một thuật ngữ pháp lý có nguồn gốc Latinh — “Amicus Curiae” — hiểu theo nghĩa đen là “bạn tòa án”. Bạn của tòa án là một bên không phải là các bên tranh chấp trong vụ kiện nhưng tự nguyện gửi bản ý kiến của mình cho tòa để thông tin về các vấn đề pháp lý hoặc các vấn đề khác liên quan nhằm hỗ trợ tòa giải quyết tranh chấp một cách sáng suốt hơn.