Các nhóm nhân quyền biểu tình ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc trước thềm Thế vận hội Bắc Kinh
LOS ANGELES – Một nhóm các nhà hoạt động nhân quyền đã hô vang “Tây Tạng Tự do, Duy Ngô Nhĩ tự do, Đài Loan tự do, Hồng Kông tự do, Đông Turkestan tự do” trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở trung tâm thành phố Los Angeles ngay trước ngày diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh.
Hôm 03/02, một liên minh gồm 15 nhóm nhân quyền đã tập trung bên ngoài tòa nhà 443 Shatto Place, một trong hai trung tâm ngoại giao của Trung Quốc ở bờ biển phía tây Hoa Kỳ, để kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa Đông ở Bắc Kinh trong khi chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục những hành vi vi phạm nhân quyền của mình, điều này hoàn toàn tương phản với tinh thần đại diện cho sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế.
“Thế vận hội Bắc Kinh 2022 và việc phát sóng chương trình này được thực hiện bởi đài NBC cùng với các tổ chức truyền thông khác sẽ hợp pháp hóa các chính sách đàn áp tệ hại và hồ sơ vi phạm nhân quyền tàn bạo của chính quyền Trung Quốc,” ông Tao Tenzing Dhamcho, đại diện cho Liên minh Tây Tạng Quốc tế nói với The Epoch Times.
Ông Dhamcho gọi Thế vận hội Bắc Kinh là “Thế vận hội Diệt chủng của Trung Cộng [Đảng Cộng sản Trung Quốc]” và tuyên bố có hơn 150 người Tây Tạng đã tự thiêu vì “họ không thấy được tương lai của chính mình.”
Ông Kevin Young, chủ tịch kiêm nhà sáng lập tổ chức Santa Barbara Những người bạn của Tây Tạng, nói với The Epoch Times rằng ông thành lập tổ chức này sau chuyến đi đến Nepal, nơi mà ông đã gặp nhiều người tị nạn Tây Tạng.
“Tôi biết câu chuyện của họ, việc họ phải đào thoát khỏi quê hương của mình như thế nào sau khi Đảng Cộng Sản [Trung Quốc] phá hủy các tu viện và về cơ bản là biến [Tây Tạng] thành một thuộc địa khai thác tài nguyên.”
Các tổ chức này cho biết ĐCSTQ — với danh sách vi phạm nhân quyền chống lại nhiều nhóm sắc tộc và tôn giáo dài dằng dặc của mình — là nước chủ nhà không xứng đáng đăng cai Thế vận hội Olympic.
Ông Karma Gelek, phó chủ tịch Hiệp hội Tây Tạng Nam California, nói với The Epoch Times: “Chúng tôi không đồng tình với việc Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Bắc Kinh vì Thế vận hội này [đại diện] cho tinh thần đoàn kết, tự do, và tình huynh đệ. … [Chính quyền Trung Quốc] không đề cao bất kỳ giá trị nào về nhân quyền và phẩm cách.”
Ông Jay Sun, thuộc Đảng Dân Chủ Trung Quốc, đồng tình với ông Gelek và cho biết mẹ của ông, hiện vẫn đang ở Trung Quốc, đã liên tục bị cảnh sát sách nhiễu vì ông tham gia các sự kiện ủng hộ dân chủ ở Hoa Kỳ.
Ông Sun nói, “Thế vận hội Olympic đại diện cho việc theo đuổi tự do của mọi người. Khi Thế vận hội được tổ chức ở Bắc Kinh, thật không công bằng đối với người dân Đài Loan, người dân Hồng Kông, và người Tây Tạng vì hoạt động này thể hiện rằng cộng đồng quốc tế có vẻ như đang ủng hộ chính quyền Trung Quốc.”
Yahoo News đưa tin rằng cùng ngày hôm đó, một nhóm người biểu tình khác đã tuần hành qua Cầu Cổng Vàng về phía Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco, đeo khẩu trang có in dòng chữ “Tẩy chay ĐCSTQ”, những lá cờ có in dòng chữ “Trả Tự do cho Hồng Kông, Bây giờ cần Dân chủ”, những chiếc mũ với dòng chữ “Hãy cứu Tây Tạng”, và những tấm biển hiệu ghi “Hãy Chấm dứt Thế vận hội Đẫm máu.”
Đây không phải là lần đầu tiên mà sự lệch lạc không ăn nhập giữa Bắc Kinh và Thế vận hội làm dấy lên làn sóng phản đối của công chúng về hoạt động “tẩy trắng bằng thể thao” (“sportwashing”) của ĐCSTQ — một thuật ngữ được Tổ chức Ân xá Quốc tế phổ biến — dùng thể thao để tăng cường tính hợp pháp của chính quyền Trung Quốc và đánh lạc hướng sự chú ý ra khỏi các hành động nhân quyền tàn bạo của họ.
Theo Free Tibet, một tổ chức nhân quyền bất vụ lợi cho biết các tổ chức nhân quyền trên khắp thế giới cũng phản đối Thế vận hội Bắc Kinh 2008 trong nhiều tháng trước khi khai mạc hồi tháng Tám. Ngay cả ở Trung Quốc, hàng trăm tăng nhân đã biểu tình một cách ôn hòa hồi tháng 03/2008 tại Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng, và dẫn đầu một làn sóng hơn 100 cuộc biểu tình trên khắp cao nguyên Tây Tạng. Sau đó, hàng nghìn người Tây Tạng đã bị giam giữ, và hơn một trăm người đã thiệt mạng dưới hành vi bạo lực của cảnh sát.
ĐCSTQ có một biên sử dài và còn tiếp nối về những hành vi bạo tàn nhân quyền. Ngoài các nhà bất đồng chính kiến và luật sư nhân quyền, trong số các nhóm chính bị bức hại còn có người Tây Tạng, học viên Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, và người Hồng Kông.
Theo bản chứng ngôn của ông Scott Busby, phó trợ lý thư ký Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết có ít nhất 800,000 người — và có thể hơn 2 triệu người — người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đã bị giam giữ trong các trại tập trung kể từ năm 2017. Hầu hết họ đều không có tiền án và không bị buộc tội hình sự, và gia đình [của họ] không hề hay biết những người thân yêu của mình bị giam ở đâu và với thời hạn bao lâu.
Kể từ khi Anh Quốc bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc Cộng sản năm 1997, quyền tự do và quyền tự chủ của Hồng Kông ngày càng bị áp chế. Dự luật dẫn độ được đề xướng hồi năm 2019 — điều chưa từng có tiền lệ là sẽ cho phép công dân Hồng Kông bị dẫn độ trở lại Bắc Kinh để đối mặt với phiên tòa và có khả năng khiến các nhà hoạt động, ký giả, và luật sư nhân quyền gặp rủi ro — đã khiến cho hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình. Hồi năm 2020, Bắc Kinh đã đáp trả bằng luật an ninh quốc gia hà khắc, khiến bất kỳ hành vi nào bị coi là phá hoại quyền lực của ĐCSTQ đều có thể bị phạt tù chung thân.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần với các bài tập tĩnh tại cùng với các nguyên lý đạo đức dựa trên chân, thiện, và nhẫn, đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, trong đó hàng trăm ngàn người đã bị tra tấn. Hồi tháng trước (01/2022), 11 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị kết án lên đến 8 năm tù giam. Những người ủng hộ nhân quyền cho rằng đây là một cách để chính quyền bịt miệng những tiếng nói bất đồng trước Thế vận hội Bắc Kinh.
Trong nhiều năm qua, hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức — chủ yếu nhắm vào các học viên Pháp Luân Công, và cũng bao gồm các tù nhân lương tâm khác bị giam giữ — đã trở thành một ngành công nghiệp ghép tạng mang lại hàng tỷ USD do chính quyền Trung Quốc điều hành, bị Tòa án Luận tội Trung Quốc — một tòa án phi chính phủ có trụ sở ở London chuyên điều tra hoạt động thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, định tội vào năm 2019.
Hoàng Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: