Các nhà xã hội chủ nghĩa sử dụng các đoàn thể giáo viên để phá hoại giáo dục
Bài viết này là phần 8 trong loạt bài tìm hiểu về nguồn gốc của nền giáo dục công lập ở Hoa Kỳ.
Mời quý vị xem trọn bộ loạt bài này tại đây:
1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12,13.1,13.2,14,15,16.1,16.2
Khi nghiên cứu về “vòi bạch tuộc” là những cơ sở “giáo dục” theo chủ nghĩa tập thể thống trị các trường công lập ở Hoa Kỳ, thì liên đoàn giáo viên – đặc biệt là Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA) – được xem là một trong những xúc tu quan trọng nhất.
Cùng với các công đoàn hàng đầu khác, NEA và các chi nhánh của nó ở cấp tiểu bang và địa phương đã dẫn đầu trong việc biến nền giáo dục Hoa Kỳ trở thành một thảm họa nghiêm trọng. Chủ nghĩa cực đoan ngày càng trở nên cực đoan hơn trong hơn một thế kỷ nay. Nhưng nó không phải là mới.
NEA đã phá hoại nghiêm trọng và phổ biến đến mức vào năm 2004, Bộ trưởng Giáo dục của Hoa Kỳ khi đó là Rod Paige cũng đã mô tả công đoàn này là một “tổ chức khủng bố”. Tuy vậy trên thực tế, NEA đã gây nhiều thiệt hại cho Hoa Kỳ hơn bất kỳ một tổ chức khủng bố bình thường nào.
Những kẻ khủng bố đơn thuần chỉ giết từng cá nhân, kể cả có lúc với số lượng lớn. Nhưng NEA và các tổ chức đồng minh của nó đã giết chết một quốc gia — quốc gia vĩ đại nhất, tự do nhất từng tồn tại. Trong khi những kẻ khủng bố phá hủy cơ thể con người, thì NEA muốn tiêu diệt tâm trí con người và quyền tự do.
NEA được thành lập vào năm 1857 với tư cách là một hiệp hội chuyên nghiệp. Trong ít nhất một thế kỷ, công đoàn này hầu như không bận tâm đến việc che giấu mối quan hệ của lãnh đạo NEA với chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa toàn cầu và các “chủ nghĩa” nguy hiểm khác đe dọa quyền tự do cá nhân. Công đoàn cũng không né tránh các cuộc tấn công mạnh mẽ vào Hoa Kỳ, hệ thống thị trường tự do, Cơ Đốc Giáo, gia đình và tự do giáo dục.
Có lẽ, cuốn sách năm 1984 “NEA: Con ngựa thành Troy trong nền giáo dục Hoa Kỳ” (NEA: Trojan Horse in American Education) của Tiến sĩ Samuel Blumenfeld đã vạch trần rõ ràng về NEA. Cuốn sách tập hợp những ví dụ và tài liệu tham khảo để chứng minh rằng trái với sự lầm lẫn phổ biến, vốn cho rằng chủ nghĩa cực đoan của NEA là một hiện tượng mới xuất hiện, thực chất các nhà lãnh đạo của công đoàn này đã biến giáo viên trở nên cực đoan để chống lại Hoa Kỳ trong ít nhất một thế kỷ.
Kể từ khi bị những người cấp tiến tiếp quản một cách công khai vào đầu thế kỷ 20, “NEA đã khiến các thành viên của mình không ngừng căm ghét chủ nghĩa tư bản, nhưng lại có thiện cảm đối với chủ nghĩa xã hội,” Blumenfeld viết.
Tuy nhiên, tổ chức này đã xấu xa từ trước đó. “Từ năm 1857 đến nay, NEA chỉ sùng bái hai ‘thánh nhân’: Horace Mann, một quân nhân, và John Dewey, một nhà xã hội chủ nghĩa,” Blumenfeld tiếp tục. Đây là hai nhân vật quan trọng nhất trong công cuộc chính phủ tiếp quản “giáo dục”. Các phần trước đã bàn luận sâu sắc về cả hai kẻ lật đổ này.
Đến năm 1900, NEA – tổ chức vận động hành lang cho sự can thiệp của liên bang vào giáo dục – vẫn chưa đóng vai trò đáng kể. Mặc dù ước tính có khoảng nửa triệu giáo viên công lập ở Hoa Kỳ vào thời điểm đó, nhưng NEA có ít hơn 2,500 thành viên. Tuy nhiên, một khi “những người cấp tiến” nắm quyền kiểm soát, nó đã trở thành một “Bộ Giáo dục” tìm cách ban hành và kiểm soát chính sách giáo dục trên toàn quốc.
Thay thế tự do bằng chủ nghĩa tập thể
Cuốn sách của Blumenfeld kể chi tiết rằng một khi những người cấp tiến đã hoàn toàn nắm quyền kiểm soát NEA thì sẽ không còn bất kỳ sự cản trở nào đối với việc công khai thúc đẩy chủ nghĩa tập thể chiến thắng quyền tự do thông qua hệ thống trường học.
Tại cuộc họp thường niên của NEA vào năm 1934, Willard Givens, người sắp được bổ nhiệm làm thư ký điều hành của công đoàn, đã đệ trình một chương trình nghị sự.
Givens tuyên bố: “Cần phải thực hiện nhiều thay đổi mạnh mẽ. ‘Tự do kinh tế’ đang hấp hối, cần phải bị tiêu hủy hoàn toàn và tất cả chúng ta, bao gồm cả ‘chủ sở hữu’, phải chịu sự kiểm soát của xã hội ở mức độ cao. … Chức năng chính của nhà trường là định hướng xã hội cho cá nhân, phải khiến cá nhân ấy hiểu về quá trình chuyển đổi sang một trật tự xã hội mới”.
Ông cũng kêu gọi quốc hữu hóa tất cả các ngành công nghiệp để vận hành vì lợi ích của “người dân”.
Tất nhiên, “nhà cải cách giáo dục” xã hội chủ nghĩa và nhân văn John Dewey đã ủng hộ sự xuất hiện của một “trật tự xã hội mới” theo định hướng xã hội chủ nghĩa, ít nhất là vào những năm đầu của thế kỷ 20. Và vào năm 1932, Dewey đã trở thành “chủ tịch danh dự” của NEA.
Ngay năm sau, Dewey và một số người trong nhóm của ông đã soạn thảo và ký tên vào Tuyên ngôn Nhân văn (Humanist Manifesto) đầu tiên, một văn bản tôn giáo kỳ quái phủ nhận Chúa một cách trơ trẽn nhưng lại chấp nhận chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa xã hội một cách đáng hổ thẹn. Tôn giáo toàn trị này cuối cùng đã được truyền bá rộng rãi trên khắp Hoa Kỳ trong các trường công lập Cơ Đốc Giáo.
Dewey từng đến thăm Liên Xô và viết các bài báo ca ngợi những điều tốt đẹp của chế độ chuyên chế tàn bạo này, ông quan tâm đến giáo dục chủ yếu là để thúc đẩy “hệ tư tưởng” độc tài và ngụy thần học của ông ta. Và mặc dù ông ta kiên quyết rằng các trường học không được dạy Cơ Đốc Giáo, nhưng ông ta lại hoàn toàn ủng hộ tôn giáo của mình trong lớp học. Trên thực tế, ông tin rằng điều cần thiết là phải tạo ra “trật tự xã hội mới”.
“Các trường học của chúng ta… đang thực hiện một công trình tôn giáo vô cùng quan trọng,” ông viết trong bài luận năm 1907 “Tôn giáo và Trường học của chúng ta” (Religion and Our Schools). “Họ đang thúc đẩy sự đoàn kết xã hội mà từ đó sự đoàn kết tôn giáo chân chính cuối cùng sẽ phát triển. … Đức tin bất diệt … chúng ta thấy… đang biến mất. … Một phần trọng trách của con người là… làm việc để biến đổi tất cả các công cụ thiết thực của giáo dục cho đến khi chúng hài hòa với những lý tưởng này.”
Từ những năm 1920 trở đi, loại tuyên truyền “vớ vẩn” về tôn giáo, chính trị và giáo dục này của Dewey đã tràn ngập trên các trang của “Tạp chí NEA”. Bài viết của Dewey trên ấn phẩm hàng đầu của NEA đã tiếp cận nhiều giáo viên hơn bất kỳ ý tưởng nào khác. Nó liên tục ca ngợi các phẩm chất của chủ nghĩa tập thể và hệ thống Liên Xô giết người hàng loạt trong khi bôi nhọ Hoa Kỳ và nền giáo dục truyền thống của Hoa Kỳ.
Dewey đặc biệt yêu chuộng chương trình đào tạo của Liên Xô, vốn giả danh là một hệ thống “giáo dục”. Các bài luận của ông trên Tạp chí NEA và các ấn phẩm khác như New Republic (Tân Cộng Hoà) đã tiết lộ điều đó. Tuy nhiên, vì những cách chơi chữ xảo quyệt, nhiều người Hoa Kỳ vẫn không để ý đến sự nguy hiểm này. Một trong những cách tuyên truyền rất hiệu quả của Dewey nhân danh chế độ chuyên chế là ông ta đánh lừa độc giả bằng cách sử dụng các từ “dân chủ” và “chủ nghĩa xã hội” thay thế lẫn nhau.
Dewey bị cuốn vào âm mưu của Liên Xô đến nỗi trước khi trở thành chủ tịch danh dự của NEA, ông từng là phó chủ tịch và là một trong những giám đốc đầu tiên của Hiệp hội Quan hệ Văn hóa Hoa Kỳ với Nga (American Society for Cultural Relations with Russia). Tổ chức độc tài này do Liên Xô thành lập ở Hoa Kỳ năm 1927, vốn chủ yếu tham gia vào việc gửi sinh viên, giáo sư và giáo viên đến Liên Xô để truyền thụ tư tưởng cộng sản và đưa các “chuyên gia” Liên Xô đến Hoa Kỳ để đào tạo các nhà giáo dục Hoa Kỳ.
Không có gì ngạc nhiên khi NEA luôn sẵn lòng và háo hức làm việc với các “công đoàn” ở các quốc gia nô lệ của Đông Âu và Mỹ Latinh, bao gồm cả các công đoàn giả do chế độ Xô Viết tạo ra. Điều này vẫn xảy ra bất chấp những lời chỉ trích gay gắt từ những người bất đồng chính kiến ở Liên Xô và ngay cả Liên đoàn giáo viên Hoa Kỳ (AFT), một liên đoàn giáo viên lớn và quan trọng khác.
Cây viết thường xuyên nhất trên Tạp chí NEA trong suốt những năm 1930 và 1940 là nhà xã hội chủ nghĩa Stuart Chase. Ông đã viết cho cơ quan tuyên truyền chính thức của NEA, kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ tiếp quản lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng, tín dụng, v.v. rằng: “Chủ nghĩa tập thể với chủ nghĩa cá nhân từ lâu đã không còn là một ẩn đố, mà câu hỏi là loại chủ nghĩa tập thể ấy là gì”.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1956 với tờ Los Angeles Tidings, cựu giáo viên, cũng là người thoái Đảng Cộng sản Bella Dodd đã gây chấn động dư luận. Bà nói: “Đảng Cộng sản muốn sử dụng Công đoàn giáo viên cho các mục đích chính trị bất cứ khi nào có thể”, và nói thêm rằng những người cộng sản trong công đoàn đều ủng hộ nền giáo dục ‘cấp tiến’ lấy cảm hứng từ Dewey. “Hầu hết các chương trình mà chúng tôi vận động, NEA đều sẽ thực hiện ngay trong năm tới hoặc tương tự vậy.”
Mang chủ nghĩa tập thể ra toàn cầu
Ngoài việc lan truyền chất độc chủ nghĩa tập thể vào tâm trí trẻ em trên khắp Hoa Kỳ thông qua các trường công lập, NEA cũng tiến hành một chiến dịch hiệu quả để truyền bá hệ thống giảng dạy này trên toàn thế giới. Thật vậy, công đoàn là một trong những tổ chức đầu tiên công khai quảng bá ý tưởng về một “hội đồng giáo dục” toàn cầu để kiểm soát mọi trường học trên hành tinh.
Từ năm 1920 trở lại đây, NEA đã thành lập cái gọi là Ủy ban Quan hệ Quốc tế (International Relations Committee). Lấy cớ là giúp xây dựng “sự hiểu biết về thế giới”, tuy nhiên bất kỳ ai chú ý sẽ thấy rõ âm mưu thực sự đằng sau.
Phản ứng trước việc thành lập một liên minh chính thức của chính phủ Hoa Kỳ với chế độ độc tài tàn bạo của Đảng Cộng sản đang nô dịch Liên Xô, Giám đốc Tạp chí NEA J. Elmer Morgan đã viết một bài xã luận cho ấn phẩm có tên “Các dân tộc thống nhất trên thế giới” (The United Peoples of the World).
Trong số các yêu cầu khác được cho là để “giữ hòa bình, bảo đảm công lý và cơ hội”, Morgan nói “chúng tôi cần một số cơ quan quản lý trên thế giới.” Các cơ quan quản lý cấp độ hành tinh đó nên bao gồm một “lực lượng cảnh sát” toàn cầu và một “hội đồng giáo dục” thế giới.
Để tạo ra “hội đồng giáo dục” toàn cầu đó, NEA đã thành lập “Quỹ Chiến tranh và Hòa bình” để quyên góp vào năm 1943. Các kế hoạch tương tự đã diễn ra ở Âu Châu trong các cơ sở giáo dục. Cuối cùng, đỉnh điểm của những nỗ lực này là khi Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) được thành lập vào năm 1946, tổ chức này sẽ được đề cập trong một bài viết sắp tới.
Trong một bài xã luận năm 1946 trên Tạp chí NEA với tiêu đề “Giáo viên và Chính phủ Thế giới” (The Teacher and World Government), Morgan lại mồi chài ý tưởng đó cho chính phủ toàn cầu, và một lần nữa vận động cho những ý thức hệ mang tính lật đổ, vốn đã được nhồi nhét vào những đứa trẻ bị ép học ở trường, thông qua việc dạy dỗ.
Morgan viết: “Trong cuộc đấu tranh để thiết lập một chính phủ tầm cỡ thế giới, giáo viên phải đóng nhiều vai trò.” Ông kêu gọi các giáo viên “hãy trang bị tâm hồn và trí óc của trẻ thơ” cho chế độ tập thể toàn cầu đang dần hiển lộ. “Các cơ quan hàng đầu bảo đảm cho sự ra đời của chính phủ thế giới là các trường học, giáo viên và hiệp hội nghề nghiệp.”
Cuối năm đó, Morgan khoe khoang “những thành tựu” về chính phủ thế giới rằng đã đạt được mục tiêu “nghề dạy học có tổ chức”. Và cho đến ngày nay, NEA vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa và quốc tế hóa việc nhồi sọ tư tưởng cấp tiến dưới danh nghĩa một hệ thống giáo dục.
Liên bang gia tăng quyền lực
Ngay cả trước khi rêu rao ý tưởng rằng một hệ thống giáo dục toàn cầu sẽ mang lại một chính phủ toàn cầu, NEA đã dẫn đầu cuộc chiến khiến chính phủ liên bang tham gia vào giáo dục — và sau đó không ngừng mở rộng quyền lực đó bằng bất cứ cớ nào có thể mang lại hiệu quả. Thật vậy, ngay từ đầu, NEA đã trao quyền cho Washington đối với các trường học của quốc gia, vi phạm rõ ràng Hiến pháp Hoa Kỳ và Tu chính án thứ 10.
Hơn một thế kỷ trước, NEA cũng đã bắt đầu vận động hành lang Quốc hội để liên bang tài trợ cho giáo dục. Các ông chủ của NEA biết rằng có liên bang viện trợ thì sẽ có sự kiểm soát của liên bang. Cuối cùng họ đã thành công vào năm 1965 với việc thông qua Đạo luật Giáo dục Tiểu học và Trung học. Từ đó, mục tiêu tiếp theo là thành lập Bộ Giáo dục cấp nội các, NEA mong muốn rằng Tổng thống Jimmy Carter công nhận công đoàn này để đổi lấy sự ủng hộ quan trọng của tổ chức.
Các ông chủ của NEA thường nắm quyền trong chính phủ, dù phải mất một thời gian. Đó là bởi vì NEA là một cỗ máy vận động hành lang đã được bôi trơn trong nhiều thập kỷ. Đầu tiên, bằng cách thu phí từ hàng triệu thành viên, NEA và các chi nhánh nhà nước của nó có thể đổ nguồn lực vô tận vào quỹ chiến dịch của các chính trị gia. Và bằng cách thúc đẩy các thành viên của nó bỏ phiếu bầu theo một cách nhất định, viết thư, và thậm chí biểu tình, nó có thể khiến các chính trị gia do nó bầu giữ được nhiệm kỳ vô thời hạn.
Với gần 3 triệu thành viên ngày nay, NEA là liên đoàn lao động lớn nhất ở Hoa Kỳ. Nó đã bơm hơn 100 triệu USD vào các chiến dịch chính trị liên bang chỉ tính riêng từ đầu những năm 1990. Và dữ liệu từ Hiệp hội Nghiên cứu Tài chính Chính trị (Center for Responsive Politics) cho thấy hơn 97% số tiền đó đã thuộc về Đảng Dân Chủ. Các khoản quyên góp nhỏ cho Đảng Cộng Hòa hầu như đều dành cho những người theo khuynh hướng tự do nhất trong đảng. Các xu hướng tương tự cũng tồn tại ở cấp tiểu bang và cấp địa phương trong các chi nhánh của NEA.
Ngày nay, NEA vẫn đang cố gắng ngăn chặn sự cạnh tranh, cố tìm ra những hạn chế và trở ngại đối với các trường tư thục và thậm chí phát động một cuộc chiến với các gia đình dạy học tại nhà. Năm 1988 và những năm tiếp theo (sửa đổi vào năm 2006 thành phiên bản hiện tại), NEA đã thông qua một nghị quyết chính thức thể hiện sự thù ghét đối với các hoạt động giáo dục tại gia bên ngoài hệ thống chính phủ.
“Hiệp hội Giáo dục Quốc gia tin rằng các chương trình học tại nhà dựa trên sự lựa chọn của phụ huynh không thể mang lại cho học sinh một trải nghiệm giáo dục toàn diện,” công đoàn tuyên bố.
Tất nhiên, không phải tất cả hàng triệu thành viên NEA đều đồng ý với các ý thức hệ và tư tưởng độc tài toàn trị do ban lãnh đạo của công đoàn đưa ra. Nhưng cho đến gần đây, ít nhất, ở nhiều tiểu bang, họ bị buộc trở thành thành viên và phải tài trợ cho các chiến dịch chính trị và các quan điểm cực đoan mà họ đã kịch liệt phản đối. Rất may, chuyên gia hỗ trợ trẻ em của Illinois, Mark Janus đã khởi kiện và thắng kiện, chấm dứt các khoản phí công đoàn bắt buộc. Nhưng nhiều giáo viên vẫn không nhận ra rằng họ không cần phải tài trợ cho chủ nghĩa cực đoan của NEA và các chi nhánh của nó.
Có thể, NEA sẽ đón nhiều tin xấu hơn, tổ chức này đang ngày càng trở nên cấp tiến qua mỗi năm. Tác giả có được nguồn thông tin đáng tin cậy về một số vụ bê bối quan trọng liên quan đến lãnh đạo NEA và sẽ tiết lộ trong những tháng tới.
Dù bằng cách nào, một cái nhìn khách quan về lịch sử của những xúc tu bạch tuộc trong các tổ chức giáo dục cho thấy một con quái vật đang muốn giành quyền lực và phá hủy tự do, chứ không phải giáo dục trẻ em. Đã đến lúc giáo viên, phụ huynh và những người đóng thuế tài trợ cho nó cần lên tiếng.
Ông Alex Newman là một cộng tác viên tự do. Ông Newman là một ký giả, nhà giáo dục, tác giả, và nhà tư vấn quốc tế từng đạt giải thưởng, người đã đồng sáng tác cuốn sách “Tội Ác của Các Nhà Giáo Dục: Cách Những Người Theo Chủ Nghĩa Bình Quân đang Sử Dụng Trường Học của Chính Phủ để Hủy Hoại Trẻ Em Mỹ” (“Crimes of the Educators: How Utopians Are Using Government Schools to Destroy America’s Children”). Ông là giám đốc điều hành của Public School Exit cũng như của Liberty Sentinel Media, và viết cho các ấn phẩm đa dạng ở Hoa Kỳ và ngoại quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.