Các nhà phê bình cảnh báo: Đạo luật Giảm Lạm Phát sẽ tăng thuế, làm tăng lạm phát đình trệ
Tổng thống (TT) Joe Biden và Đảng Dân Chủ tuyên bố rằng Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) đột phá của năm 2022 là một dự luật mang tính bước ngoặt sẽ chống lạm phát, cắt giảm thâm hụt liên bang, và hỗ trợ nền kinh tế xanh tạo ra tăng trưởng.
Dự luật đề nghị một mức thuế tối thiểu 15% dành cho doanh nghiệp, gia hạn trợ cấp theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (ACA), cải cách giá thuốc kê đơn, đầu tư vào năng lượng xanh, và đóng lỗ hổng lợi tức cho người quản lý (carried interest). Đảng Dân Chủ dự kiến sẽ tăng 739 tỷ USD doanh thu mới, tạo ra 370 tỷ USD chi tiêu cho năng lượng và biến đổi khí hậu, và cắt giảm 300 tỷ USD thâm hụt liên bang.
Nhưng, dựa trên ngày càng nhiều nghiên cứu được công bố, các nhà phê bình đang đặt câu hỏi liệu phiên bản rút gọn của kế hoạch Xây dựng lại Tốt hơn (Build Back Better) ban đầu có đạt được bất kỳ mục tiêu nào trong số này hay không.
Một công cụ chống thâm hụt và lạm phát?
Nghiên cứu đầu tiên được viện dẫn rộng rãi đến từ Mô hình Ngân sách Penn Wharton (PWBM), ước tính rằng IRA sẽ nâng lạm phát “rất nhẹ” cho đến năm 2024 và sau đó sẽ giảm xuống. Mô hình hóa cho thấy chỉ số giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang, có thể tăng 0.05% vào năm 2024 và sau đó giảm 0.25% vào cuối thập niên này.
Báo cáo nêu rõ, “về mặt thống kê các chỉ số ước tính này không phân biệt được với mức 0%, do đó cho thấy mức độ tin cậy thấp rằng luật này sẽ có bất kỳ tác động nào đến lạm phát.”
Báo cáo của PWBM cũng đánh giá dự luật này sẽ ảnh hưởng thế nào đến thâm hụt ngân sách. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng dự luật này sẽ cắt giảm thâm hụt tích lũy xuống một khoản trị giá 248 tỷ USD trong cơ chế ngân sách. Tuy nhiên, nếu các khoản trợ cấp của Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (ACA) được kéo dài đến 10 năm thay vì ba năm như hô hào, thì mức dự báo giảm thâm hụt trong một thập niên sẽ giảm xuống còn 89 tỷ USD.
Ngoài ra, các tác giả lưu ý rằng IRA sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Báo cáo của PWBM nêu rõ, “Chúng tôi dự báo không có ảnh hưởng đến GDP cho đến năm 2031 và một mức tăng 0.2% GDP vào năm 2050. Những ước tính này bao gồm tác động của nợ và giảm lượng carbon cũng như những sự bóp méo về nguồn cung vốn và lao động do thuế suất tăng.”
Ông Fergus Hodgson, giám đốc của Econ Americas, một công ty tình báo kinh tế và tài chính, không tự tin rằng dự luật này sẽ giải quyết được vấn đề lạm phát.
Ông nói với The Epoch Times: “Ngay cả theo lộ trình được đề nghị riêng cho dự luật này để giảm lạm phát (thuế cao hơn), thì dự luật vẫn thất bại, vì nó thực sự làm tăng chi tiêu và thâm hụt liên bang trong tương lai gần.”
Ông Matthew Dickerson, giám đốc Trung tâm Ngân sách Liên bang Grover M. Hermann tại Tổ chức Di sản (The Heritage Foundation), cho rằng đề xướng này sẽ đẩy giá cả cho các gia đình lên cao hơn và khiến môi trường lạm phát đình trệ ngày nay thêm phần bế tắc — tức là một nền kinh tế có lạm phát cao và tăng trưởng trì trệ.
Ông Dickerson nói: “Thật không may, Đạo luật Giảm Lạm Phát tăng cường thêm chính sách tài khóa vô trách nhiệm vốn đã gây ra lạm phát: Tất cả các khoản chi tiêu của chính phủ mới đều chi ra trước, trong khi các khoản thu giảm thâm hụt lại thu hồi sau.”
Nhưng Ủy ban về Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm (CRFB) cho rằng IRA là “một sự cải thiện đáng hoan nghênh so với hiện trạng,” viết rằng dự luật này sẽ đại diện cho dự luật giúp giảm thâm hụt lớn nhất trong hơn một thập niên.
“Chúng tôi ước tính đề xướng này sẽ tạo ra một số khoản giảm thâm hụt trước và tiết kiệm đáng kể theo thời gian,” tổ chức tài chính bất vụ lợi này viết. “Với lãi suất, đề xướng có thể tiết kiệm gần 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2032. Ngay cả khi giả sử việc gia hạn trợ cấp ACA vĩnh viễn không trả tiền (mà chúng tôi sẽ phản đối mạnh mẽ), thì kế hoạch này vẫn có thể sẽ tiết kiệm hơn 50 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2032.”
Tranh luận về thuế, tăng trưởng
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã bác bỏ tuyên bố nói rằng dự luật làm tăng thuế đối với các gia đình có thu nhập dưới 400,000 USD.
Ông Schumer nói hôm 01/08: “[Đảng Cộng Hòa] đang lên tiếng báo động rằng dự luật này sẽ tăng thuế đối với các gia đình Mỹ, nhưng không phải vậy. Đây là sự thật rõ ràng: dự luật sẽ không tăng bất kỳ khoản thuế nào đối với các gia đình kiếm được dưới 400,000 USD một năm.”
Tuy nhiên, một phân tích mới của Liên Ủy ban về Thuế (pdf) đã phát hiện rằng IRA sẽ tăng thuế đối với gần như tất cả các mức thu nhập, dẫu TT Biden đã cam kết sẽ không tăng thuế đối với bất kỳ ai có thu nhập dưới 400,000 USD.
Ví dụ, mức thuế liên bang trung bình cho mức thu nhập dưới 10,000 USD sẽ tăng lên, từ 7.3% theo luật hiện hành lên 7.6% theo đề nghị của Đảng Dân Chủ. Trong một trường hợp khác, những người Mỹ kiếm được từ 75,000 đến 100,000 USD sẽ chịu mức tăng thuế 0.2%, từ 15.8% lên 16%.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre gọi phân tích này là “không chính xác” trong cuộc họp báo hôm 01/08, nói thêm rằng “phân tích này không chính xác vì chưa hoàn chỉnh.”
Nghĩa là, ông Hodgson lo ngại rằng những đợt tăng thuế này đối với hầu hết các mức thu nhập sẽ tạo ra một hiệu ứng dây chuyền cho cả nền kinh tế rộng lớn hơn.
“Nếu quý vị đánh thuế các công ty nhiều hơn, chắc chắn họ sẽ có ít tiền hơn để trả lương và thưởng cho những người lao động của họ,” ông nói thêm. “Về lâu dài, nếu việc đánh thuế này được thông qua, thì các công ty Mỹ sẽ kém thu hút đầu tư và mở rộng hơn.”
Nhưng Moody’s Analytics cho rằng thỏa thuận này sẽ “thúc đẩy” nền kinh tế và lạm phát “đi đúng hướng.”
Báo cáo này (pdf), có nhà kinh tế trưởng Mark Zandi là đồng tác giả, thừa nhận rằng việc tăng thuế “sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế,” mặc dù “tác động sẽ rất nhỏ.”
Moody’s giải thích: “Tác động lên GDP là rất nhỏ, thậm chí hơi tiêu cực vào giữa thập niên, nhưng chuyển sang thực sự tác động tích cực trong nửa sau của thập niên này.”
Mặc dù một số nhà kinh tế cho rằng việc tăng thuế sẽ làm giảm lạm phát, nhưng ông William McBride, một nhà kinh tế tại Tax Foundation, cảnh báo rằng thay vào đó việc tăng thuế sẽ “gây hại quá mức cho nền kinh tế.” Theo ông McBride, biện pháp khắc phục tốt hơn là xem xét các đề nghị cải cách thuế khác có thể hỗ trợ tăng trưởng, chẳng hạn như cắt giảm thuế quan, giảm thuế suất cận biên, và giảm các lớp thuế đối với thu nhập doanh nghiệp.
Ông viết: “Trong thời kỳ kinh tế suy yếu và lạm phát, việc theo đuổi các cải cách thuế với kết quả đã được chứng minh là giúp tăng trưởng kinh tế trong dài hạn sẽ tốt hơn.”
Trong khi đó, theo ông Levon Galstyan, một kế toán viên có chứng chỉ CPA tại Oakview Law Group, IRA cũng sẽ mang lại lợi ích cho những người giàu có bằng các khoản trợ cấp do người đóng thuế tài trợ.
Ông Galstyan nói với The Epoch Times: “Người giàu nhận hàng tỷ bạc để hỗ trợ trong việc mua xe điện, trong việc tăng thuế đối với những người sử dụng đất được bảo hộ để sản xuất năng lượng. Dự luật cũng mang lại cho các công ty bảo hiểm sức khỏe hàng chục tỷ dollar.”
Những người khác không đồng tình, khi gọi đó là sự cân bằng giữa việc giải quyết các đợt tăng giá ngắn hạn và các khoản đầu tư dài hạn.
Cô Felicia Wong, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Viện Roosevelt, cho biết trong một tuyên bố rằng, “Thỏa thuận này cho thấy sự xuất hiện của một nhận thức chung mới: Đầu tư công có thể giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và làm cho hàng hóa thiết yếu có giá cả phải chăng hơn đối với người Mỹ.”
Cô Wong nói: “Thỏa thuận này giải quyết tình trạng tăng giá ngắn hạn, đặc biệt là các loại thuốc kê đơn, bằng cách sử dụng sức mạnh đàm phán liên bang để kiềm chế sức mạnh thị trường của các công ty dược phẩm. Đồng thời, thỏa thuận giúp đầu tư dài hạn vào các ngành công nghiệp của tương lai, đặc biệt là năng lượng sạch.”
Các thành viên Đảng Dân Chủ giờ đây sẽ tìm cách để đạt được sự ủng hộ của vị đồng sự có đường lối chính trị ôn hòa của họ, Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema (Dân Chủ-Arizona), người vẫn đang xem xét dự luật này.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).