Các nhà phân tích: Ông Jack Smith có thể thiếu cơ sở pháp lý trong vụ buộc tội cựu TT Trump
Một số nhà phân tích pháp lý vừa đưa ra quan điểm về vụ việc này.
Hai nhà phân tích lưu ý rằng Biện lý Đặc biệt Jack Smith có thể thiếu cơ sở pháp lý trong vụ kiện liên quan đến bầu cử liên bang chống lại cựu Tổng thống Donald Trump.
Ông Neama Rahmani, một cựu công tố viên liên bang, cho rằng việc cáo buộc ông Trump cản trở một cách sai trái một thủ tục tố tụng chính thức đã không được “nhiều nơi khởi kiện” trong nhiều thập niên qua, đồng thời nói thêm rằng một phán quyết có thể được đưa ra liệu có phù hợp trong vụ kiện chống lại cựu tổng thống hay không.
Hồi tuần trước, ông nói với Newsweek rằng nhiều bị cáo bị buộc tội liên quan đến vụ xâm nhập Tòa nhà Capitol vào ngày 06/01/2021 đã “lập luận rằng việc Quốc hội chứng nhận phiếu đại cử tri không phải là một ‘thủ tục chính thức’ và các tòa án đã hoàn toàn bác bỏ lập luận đó.”
“Câu hỏi quan trọng hơn là, như thế nào thì được xem là ‘một cách sai trái’? Đó có phải là bất kỳ hành vi tội phạm nào, chẳng hạn như xâm nhập Tòa nhà Capitol hoặc đưa cử tri giả vào không? Hay hành vi sai trái phải liên quan đến các điều khoản khác của Tiểu mục 1512, cấm tiêu hủy hay che giấu bằng chứng?” ông hỏi.
Ông nói tiếp: “Nếu sự sai trái này đòi hỏi phải có sự nhận thức về tội lỗi, thì ông Trump có thể lập luận rằng ông thực sự tin rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Dù thế nào đi nữa, vấn đề này sẽ chỉ có thể sẽ kết thúc trước Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vì đây là một vấn đề mới ảnh hưởng đến hàng trăm bị cáo hình sự, trong đó có cựu tổng thống.”
Ông Roger Parloff từ ấn phẩm Lawfare đã viết trong một bài báo mới đây rằng Bộ Tư pháp (DOJ) gần đây đã giành được hai chiến thắng “mong manh” trong hai vụ án liên quan đến các bị cáo ngày 06/01, và ông Smith đã “dựa vào [một] luật” đã được các các công tố viên khác sử dụng để buộc tội ít nhất 317 người trong vụ án ngày 06/01.
“Trong bốn cáo buộc của ông Smith về âm mưu lật đổ cuộc tổng tuyển cử năm 2020, có hai cáo buộc liên quan đến cựu Tổng thống Donald Trump được thực hiện theo đạo luật này và các điều khoản tương đương của nó, Mục 1512 (k) 18 Bộ luật Hoa Kỳ,” ông Pavlov viết. “Những cáo buộc đó, mà trong tuần này, ông Trump đã chất vấn về tính đầy đủ pháp lý của những cáo buộc đó trong một kiến nghị yêu cầu bác bỏ, là những cáo buộc nghiêm trọng nhất chống lại ông Trump trong vụ án đó, có mức án tối đa 20 năm tù.”
Ông lưu ý rằng ba người kháng cáo trong vụ kiện ngày 06/01 hiện đang kiến nghị lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xem xét lại một phán quyết của tòa phúc thẩm mới đây có lợi cho DOJ, nhưng ông nói rằng các thẩm phán tòa phúc thẩm tại Thủ đô “có thể không đồng ý về phán quyết của họ, và phán quyết đó xác định tính khả thi cho một trọng tội lên đến 20 năm tù mà một cựu tổng thống đồng thời là ứng cử viên tổng thống hàng đầu hiện đang đối mặt với cáo buộc vi phạm.”
“Hơn nữa, ở cấp độ tòa phúc thẩm, việc các thẩm phán chấp nhận cách giải thích của Bộ Tư pháp về luật này tương quan 100% với đảng chính trị của thẩm phán được bổ nhiệm,” ông viết. “Nếu xu hướng này tiếp tục, và bất kỳ vụ án nào tiến xa hơn trong thang kháng cáo, Bộ (và ông Smith) sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh ảm đạm.”
Bình luận này được đưa ra khi giáo sư luật Hiến Pháp Jonathan Turley cảnh báo rằng lệnh bịt miệng nhắm vào cựu Tổng thống Donald Trump là “vi hiến” và nói rằng một phán quyết của tòa phúc thẩm hủy bỏ lệnh này vào tuần trước là một diễn biến “khá quan trọng.”
Vài tuần trước, Thẩm phán Tanya Chutkan của khu vực Thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã ra một lệnh bịt miệng dành cho cựu tổng thống trong vụ án liên quan đến ngày 06/01, nói rằng cựu Tổng thống Trump không thể nói về các nhân chứng tiềm năng, nhân viên tòa án, hoặc công tố viên. Hồi cuối tuần trước, một tòa phúc thẩm trong khu vực này đã đình chỉ lệnh của Thẩm phán Chutkan, với phiên tranh luận trực tiếp được ấn định vào ngày 20/11.
“Họ có thể để lệnh cấm đó tiếp tục trong khi họ xem xét lệnh cấm đó, nhưng họ đã quyết định, có lẽ rất thận trọng, ra lệnh tạm dừng việc này cho đến khi họ có thể xem xét lại đầy đủ,” ông Turley, giáo sư tại Đại học George Washington cho biết trên Fox News hôm 03/11. “Lý do tôi nghĩ điều này có thể khá quan trọng là vì tôi cho rằng lệnh này vi hiến.”
Ông nói thêm rằng việc ban hành lệnh này là “rất kỳ quặc” vì cùng tòa án đó “đã nhất quyết yêu cầu tổ chức phiên xét xử này trước cuộc bầu cử, đại loại là đã đưa ra quyết định trước Siêu Thứ Ba,” tức là ngày đề cử tổng thống quan trọng của Đảng Cộng Hòa.
“Và tất cả mọi người trong cuộc bầu cử sẽ nói về những vụ kiện này,” vị giáo sư luật này nói, “ngoại trừ một người đang chịu lệnh bịt miệng này và đó là ông Donald Trump.”
Với lệnh này, cựu tổng thống “không thể chỉ trích các công tố viên, ông ấy cũng không thể chỉ trích các nhân chứng, và Biện lý Đặc biệt Jack Smith vừa yêu cầu mở rộng lệnh này theo cách vi hiến không kém, và điều đó đã thu hút sự chỉ trích ngay cả của ACLU, vốn là một tổ chức chỉ trích ông Donald Trump rất gay gắt, nhưng ACLU đã nói rằng, hãy nhìn xem, điều này rõ ràng là vi hiến,” ông Turley nói, đề cập đến Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ.
Hôm 03/11, Tòa Phúc thẩm khu vực Thủ đô Hoa Thịnh Đốn viết rằng họ đang tạm dừng lệnh của Thẩm phán Chutkan để cho họ thêm thời gian xem xét yêu cầu của cựu tổng thống trong khi kháng cáo của ông vẫn tiếp tục. Ba thẩm phán trong hội đồng phúc thẩm đều do các tổng thống Đảng Dân Chủ bổ nhiệm, trong khi Thẩm phán Chutkan do cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm.
Thẩm phán Chutkan đã ra phán quyết chống lại các luật sư của cựu Tổng thống Trump và lập luận rằng lệnh bịt miệng không phải là bất hợp pháp vì cựu tổng thống là một bị cáo hình sự. Lệnh bịt miệng được ban hành theo yêu cầu của nhóm công tố viên của Biện lý Đặc biệt Jack Smith, những người cho rằng việc cựu tổng thống chỉ trích các nhân chứng, thẩm phán, công tố viên, và chính phía Hoa Thịnh Đốn đã đe dọa tính liêm chính của vụ án của họ.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times