Các nhà phân tích hoài nghi việc Trung Quốc bắt đầu sàn giao dịch chứng khoán mới để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo hôm 02/09/2021 rằng, một thị trường chứng khoán thứ ba sẽ được thành lập ở Bắc Kinh để giúp các công ty vừa và nhỏ huy động vốn.
Ông Tập nói trong một bài phát biểu video tại hội chợ quốc tế về thương mại dịch vụ được tổ chức tại Bắc Kinh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ sự đổi mới và phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải cách sâu rộng hơn Sàn giao dịch Mới Thứ ba, thành lập Sở giao dịch chứng khoán Bắc Kinh để xây dựng một nền tảng chính phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo định hướng đổi mới.”
Trung Quốc đã có hai thị trường chứng khoán, cả hai đều được thành lập vào năm 1990. Một là ở Thượng Hải và thị trường kia nằm ở Thâm Quyến, một thành phố bên cạnh Hồng Kông.
Thị trường Mới Thứ ba mà ông Tập đề cập là một thị trường vốn phi tập trung được ra mắt vào năm 2013 tại Bắc Kinh. Tên chính thức của nó là Thị trường Yết giá và Giao dịch Cổ phiếu Quốc gia (National Equities Exchange and Quotations (NEEQ)). Thị trường này được coi là một kênh tài chính dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp nhỏ với thủ tục đơn giản và chi phí thấp hơn.
Ông Tập đã không cung cấp thêm chi tiết hoặc tiến trình thiết lập cho thị trường này.
Ngay sau bài phát biểu của ông Tập, Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc đã đăng một tuyên bố, cho biết họ sẽ xây dựng sàn giao dịch chứng khoán mới dựa trên các công ty niêm yết trong lĩnh vực được lựa chọn của Thị trường Mới Thứ ba.
Các cơ quan quản lý cho biết sàn giao dịch chứng khoán mới sẽ tự định vị như một nền tảng phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sáng tạo, bổ sung cho các sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến. Đồng thời, sàn này sẽ mang tính “bao trùm” và “được nhắm mục tiêu” hơn.
Các nhà quản lý cũng cho biết họ sẽ làm việc với các cơ quan khác để đưa ra các quy tắc và quy định cho sàn giao dịch chứng khoán mới và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.
Theo thống kê mới nhất của Liên đoàn các Sở giao dịch Thế giới, Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải đứng thứ 3 trên thế giới với giá trị vốn hóa thị trường 7.27 ngàn tỷ USD trong tháng 07/2021, sau Sở Giao dịch Chứng khoán New York và Nasdaq. Trong khi Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến đứng thứ 7 với 5.59 ngàn tỷ USD sau Euronext, Nhật Bản, và Hồng Kông.
Sự ra mắt của sàn giao dịch chứng khoán mới diễn ra vào thời điểm Trung Cộng bắt đầu kìm hãm hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc .
Năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã ngừng vụ IPO của Ant Group, một công ty liên kết của Tập đoàn Alibaba của ôngJack Ma. Vào thời điểm đó, Ant Group đã được thiết lập để huy động 34.5 tỷ USD, vụ IPO mà lẽ ra đã trở thành vụ IPO lớn nhất trên thế giới.
Vào tháng Bảy, Bắc Kinh cũng đã rượt theo DiDi – gã khổng lồ gọi xe của Trung Quốc – hai ngày sau khi IPO của công ty này được niêm yết tại Hoa Kỳ, khiến cổ phiếu của công ty này giảm hơn 40%.
Các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc vào cuối tháng Tám đã tạm dừng hơn 40 đợt IPO sau khi bắt đầu một cuộc điều tra theo quy định đối với các công ty trung gian trong các giao dịch. Cùng thời điểm đó, Trung Quốc cũng thông qua luật dữ liệu sâu rộng nhằm hạn chế việc thu thập dữ liệu của các công ty công nghệ. Cuộc đàn áp quy định ngày càng leo thang đã quét sạch giá trị 765 tỷ USD từ cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ trong những tháng gần đây.
Một số nhà phân tích đã bày tỏ sự hoài nghi về việc liệu sàn giao dịch chứng khoán mới có thể khởi sắc hay không.
Nhà kinh tế vĩ mô Đài Loan Wu Chia-lung nói với The Epoch Times: “Nhìn chung, các công ty vừa và nhỏ có xu hướng tham gia vào các giao dịch nhỏ hơn và có thanh khoản kém hơn.” Ông nói, vì những lý do như vậy, “các công ty này thường muốn niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn – chẳng hạn như sàn giao dịch ở Hồng Kông,” để xây dựng hình ảnh tốt hơn.
Trong một thị trường chứng khoán tập trung đặc biệt vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà đầu tư sẽ phải tốn nhiều công sức hơn cho việc nghiên cứu và tư vấn trước khi mua, tạo thêm thách thức cho sự thành công lâu dài của thị trường.
Ông Wu nói: “Tôi chưa thấy một trường hợp thành công nào trong các sàn giao dịch chứng khoán được thiết lập đặc biệt cho các công ty vừa và nhỏ.”
Ông Li Hengqing, một nhà phân tích tài chính có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, chia sẻ sự thiếu lạc quan của Wu.
Ông nói với The Epoch Times: “[Bắc Kinh] đã không tạo ra môi trường đầu tư phù hợp.”
Ông ấy nói: “Quý vị không thể tắt chúng theo ý thích. Nếu IPO của quý vị là dự kiến vào ngày mai và tôi nói với quý vị hôm nay rằng quý vị không thể ra công chúng, hoặc nếu ngay sau khi IPO của quý vị mà tôi mở một cuộc điều tra, thì làm sao thị trường có thể hoạt động trơn tru? Không có thực thi pháp quyền.”
Chứng khoán Trung Quốc đã bị khiếu nại vì không minh bạch.
Công ty Luckin Coffee đã tung ra một trong những đợt IPO tại Hoa Kỳ được thổi phồng nhất vào năm 2019 và được coi là đối thủ cạnh tranh lớn với Starbucks ở Trung Quốc, cho đến khi hãng tiết lộ rằng doanh thu lên tới 2.2 tỷ nhân dân tệ (310 triệu USD) là do giám đốc điều hành và các nhân viên khác của hãng đã làm giả (số liệu doanh thu), dẫn đến việc công ty này bị hủy niêm yết khỏi Nasdaq vào mùa hè năm ngoái.
Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, ông Li cho biết, việc tuân theo chính sách của chế độ quan trọng hơn lợi nhuận.
Theo ông Li, rủi ro về chính sách và sự thiếu minh bạch đã khiến môi trường đầu tư ở Trung Quốc trở thành “rủi ro cao.”
Ông nói, so với Hoa Kỳ, Trung Quốc thiếu “một hệ thống quản lý hoàn thiện để thực hiện từng bước từng bước các kế hoạch. Hệ thống này không phải là thứ mà một nhà lãnh đạo có thể nghĩ ra được cùng với sự bốc đồng.”
Do Luo Ya, Emel Akan và Rita Li thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: