Các nhà phân tích: Chính sách zero COVID của Trung Quốc khiến lạm phát tăng trên toàn cầu
Các nhà phân tích cho biết chính sách phong tỏa “zero COVID” nghiêm ngặt đang đẩy chi phí sản xuất của Trung Quốc cũng như chi phí sản xuất toàn cầu và lạm phát lên cao, mặc dù Trung Quốc phủ nhận điều đó.
Ba chỉ số chính về Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) của Trung Quốc đều giảm xuống dưới điểm tới hạn trong tháng Ba.
Tuy nhiên, trong khi cả hai đầu sản xuất và nhu cầu đều giảm cùng lúc, thì chỉ số giá tiếp tục tăng. Trong đó, chỉ số giá mua và chỉ số giá xuất xưởng đối với các nguyên liệu thô chính tăng lần lượt là 6.1% và 2.6%.
Là nhà xưởng của thế giới, chỉ số giá xuất xưởng tăng cao của Trung Quốc sẽ đẩy chi phí sản xuất toàn cầu lên cao và khiến lạm phát toàn cầu thêm nghiêm trọng.
Trung Quốc là một trong những trung tâm sản xuất lớn của thế giới và là nước xuất cảng lớn nhất thế giới. Họ đã đứng đầu thế giới về sản lượng xuất cảng trong 12 năm liên tiếp, nhập cảng nguyên liệu thô và xuất cảng sau khi gia công.
Gần đây, các yếu tố như sự bất ổn trong sản xuất do chính sách zero COVID của Trung Quốc đang làm tăng chi phí sản xuất của Trung Quốc. Hiệu ứng này chồng chất lên sự tăng giá của các nguyên liệu thô trên khắp thế giới, và chi phí tăng vọt đang lan rộng khắp thế giới thông qua các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.
Phong tỏa zero COVID làm tăng chi phí sản xuất
Nhà phân tích tài chính Tưởng Thiên Minh (Katherine Jiang) cư ngụ tại Hồng Kông nói với The Epoch Times rằng chính sách zero COVID của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, đồng thời việc cắt giảm sản xuất và đóng cửa của các doanh nghiệp cũng làm giảm nguồn cung, gây áp lực tăng giá. Bà Tưởng cho rằng điều này sẽ khiến lạm phát toàn cầu tăng cao hơn.
Các đợt phong tỏa do COVID của Trung Quốc có thể được chia thành hai loại: phong tỏa hoàn toàn và phong tỏa một phần. Từ quý II năm 2020 đến hết tháng 01/2022, 16 thành phố ở Trung Quốc đã thực hiện phong tỏa hoàn toàn và 18 thành phố đã thực hiện phong tỏa một phần.
Ông Tống Tranh (Song Zheng), giáo sư Khoa Kinh tế tại Đại học Trung Văn ở Hồng Kông, đã công bố một bài báo hôm 30/03, trong đó ông sử dụng dữ liệu giao thông xe tải giữa các thành phố được cập nhật hàng tháng để ngoại suy tác động của việc phong tỏa đối với thu nhập thực tế ở đô thị, cũng như sự gia tăng của hiệu ứng lan tỏa. Hiệu ứng lan tỏa có nghĩa là khi một tổ chức tiến hành một hoạt động, nó sẽ không chỉ tạo ra hiệu quả mong đợi mà còn có tác động đến mọi người hoặc xã hội bên ngoài tổ chức đó.
Theo bài báo của ông Tống, nghiên cứu cho thấy việc đóng cửa tổng thể sẽ làm tăng chi phí công nghiệp và thương mại giữa các thành phố và nội trong thành phố lần lượt là 67% và 144%. Tác động của các đợt phong tỏa một phần có mức độ nhỏ hơn; và quy mô thành phố càng lớn thì tác động đến nền kinh tế càng lớn.
Theo thông báo của Cục Vận tải Đường bộ Thượng Hải, hôm 29/03, các phương tiện container vào cảng Thượng Hải phải có giấy phép phòng chống đại dịch điện tử do Công ty TNHH (Tập đoàn) Cảng Quốc tế Thượng Hải (SIPG) cấp, cho thấy tài xế xe container có kết quả xét nghiệm acid nucleic âm tính trong vòng 48 giờ và xét nghiệm kháng nguyên âm tính trong vòng 24 giờ.
Trong thời gian Thượng Hải bị phong tỏa, các xe tải chở hàng container bị kẹt trong tình trạng “bán tê liệt” và các phương tiện vào Thượng Hải rất khó khăn. Ngay cả khi các phương tiện này thành công vào được thì cũng khó thoát ra được.
Phân tích của bài báo chỉ giới hạn ở những tác động ngắn hạn của việc phong tỏa và không đề cập đến tác động của kỳ vọng, tiết kiệm, và các quyết định đầu tư dài hạn.
Phân tích của bà Tưởng Thiên Minh về nghiên cứu của ông Tống là đối với một số ngành thâm dụng vốn, sản xuất giảm đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất cao hơn. Nguyên nhân trước mắt là do chi phí cố định cho mỗi đơn vị sản phẩm đã tăng lên. Hơn nữa, một số ngành như ngành thép có nhiều liên kết sản xuất và quy trình rườm rà; họ không thể dễ dàng ngừng sản xuất, và chi phí bắt đầu lại công việc sau khi tạm ngừng sản xuất là rất cao.
19 lò cao ở Trung Quốc đã ngừng hoạt động kể từ ngày 24/03 do đại dịch, đồng nghĩa với việc các nhà máy thép phải chịu thêm chi phí rất lớn.
Sau khi hãng Tesla thành lập nhà máy ở Thượng Hải, việc định giá bán lẻ cho xe của họ ở Trung Quốc dựa trên chi phí sản xuất và thị trường. Phát ngôn viên hãng Tesla Trung Quốc nói với kênh Trung Quốc Daily Economic News hôm 17/03 rằng họ sẽ tích cực hợp tác với việc xét nghiệm acid nucleic và các yêu cầu phòng chống đại dịch khác của chính quyền Trung Quốc, đồng thời nỗ lực hết sức để bảo đảm việc sản xuất được tiếp tục.
Trong khi đó, giá bán lẻ cho các mẫu xe nội địa của Tesla đã tăng ba lần trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 17/03, mỗi lần tăng ít nhất 10,000 nhân dân tệ (khoảng 1,600 USD).
Nhà máy ở Thượng Hải của Tesla đã bị đóng cửa lần đầu tiên hôm 16 và 17/03 khi 48 giờ xét nghiệm acid nucleic được thực hiện trong khu dân cư gần nhà máy. Hôm 28/03, Thượng Hải bắt đầu một loạt các cuộc phong tỏa, với tất cả các xí nghiệp phong tỏa và các nhà máy tạm ngừng sản xuất. Vì vậy, nhà máy ở Thượng Hải của Tesla đã phải ngừng sản xuất một lần nữa. Ngày dự kiến làm việc trở lại sau đó đã bị hoãn từ hôm 01/04 sang hôm 04/04, khiến đợt ngừng hoạt động thứ hai kéo dài tổng cộng bảy ngày, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc giao hàng trong quý II của hãng Tesla.
Giới chức xem nhẹ cái giá của việc phong tỏa
Mặc dù ĐCSTQ chính thức phủ nhận rằng các đợt phong tỏa zero COVID phải trả một cái giá đắt — gọi đó là một “cuộc tấn công xuyên tạc” của phương tiện truyền thông phương Tây — nhưng hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã thừa nhận hôm 25/03 rằng chính sách zero COVID “thực sự gây ra tổn thất đáng kể.”
Theo phân tích và dự báo quý I năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc (CMF), với tư cách là một trong những trung tâm sản xuất của thế giới, thông qua xuất cảng sản xuất, Trung Quốc có khả năng truyền áp lực tăng lạm phát từ các nhà xuất cảng nguyên liệu thô sang các nước phát triển là các trung tâm tiêu thụ trên thế giới.
Trung Quốc có khối lượng giao dịch cao nhất trong số hơn 120 quốc gia và khu vực trên thế giới. Trong khi Trung Quốc lan truyền giá nguyên liệu thô đang tăng thông qua thương mại, thì Trung Quốc cũng đang truyền đi chi phí của chính sách zero COVID của mình.
Ngoài thiệt hại về kinh tế do các đợt phong tỏa, việc xét nghiệm hàng loạt lặp đi lặp lại đối với các nhóm dân cư lớn cũng là một công việc tốn kém. Hôm 04/04, Thượng Hải đã tiến hành một cuộc xét nghiệm acid nucleic trên toàn thành phố trong một ngày đối với toàn bộ dân số khoảng 25 triệu người của thành phố. Dựa trên chi phí 10 nhân dân tệ cho mỗi lần xét nghiệm/người, ước tính chi tiêu cho lượt xét nghiệm hiện thời mà chính phủ phải gánh chịu là khoảng 250 triệu nhân dân tệ (40 triệu USD). Trước khi xét nghiệm toàn thành phố đối với các công dân Thượng Hải, một số lượt xét nghiệm đã được thực hiện ở các khu vực khác nhau.
Theo Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) do Cục Thống kê Quốc gia công bố hồi tháng Ba, PMI sản xuất, Chỉ số Hoạt động Kinh doanh Phi Sản xuất và Chỉ số Sản lượng PMI Tổng hợp lần lượt là 49.5%, 48.4%, và 48.8%, giảm so với mức 0.7, 3.2, và 2.4% của tháng Hai, cho thấy mức độ thịnh vượng tổng thể của nền kinh tế Trung Quốc đã giảm.
Cô Kathleen Li đã viết bài The Epoch Times từ năm 2009 và chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật dân dụng và kỹ thuật kết cấu tại Úc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: