Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, Trung Quốc tổ chức ‘cuộc thảo luận thẳng thắn’ tại Bắc Kinh về các vấn đề hàng hải
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, những cuộc hội đàm này nằm trong nỗ lực của chính phủ Tổng thống Biden nhằm duy trì các tuyến liên lạc cởi mở với Bắc Kinh.
Hôm thứ Sáu (03/11), các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gặp nhau tại Bắc Kinh để tham dự vào các cuộc đàm phán mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mô tả là “thực chất” và “thẳng thắn” về các vấn đề hàng hải, bao gồm cả vấn đề Biển Đông đang tranh chấp.
Những cuộc đàm thoại này được tổ chức tại Bắc Kinh giữa ông Mark Lambert, Điều phối viên phụ trách Trung Quốc của bộ kiêm Phó Phụ tá Bộ trưởng phụ trách Trung Quốc và Đài Loan và ông Hồng Lượng (Hong Liang), tổng giám đốc phụ trách các vấn đề biên giới và đại dương phía Trung Quốc.
Bộ này cho biết cuộc gặp nằm trong “những nỗ lực không ngừng của chính phủ Tổng thống (TT) Biden nhằm duy trì các tuyến liên lạc cởi mở” với Bắc Kinh và “quản lý một cách có trách nhiệm mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.”
“Hoa Kỳ nhắc lại sự cần thiết phải nối lại các tuyến liên lạc quân sự giữa hai nước, bao gồm cả giữa các nhà điều hành, để tránh sự hiểu lầm trong giao tiếp và tính toán sai lầm,” bộ này cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (03/11).
Hoa Thịnh Đốn cho biết họ nêu lên các mối lo ngại về “các hành động nguy hiểm và bất hợp pháp ở Biển Đông” của Trung Quốc, xuất phát từ việc Trung Quốc cản trở nhiệm vụ tiếp tế của Philippines hôm 22/10 tại Bãi cạn Second Thomas và “chặn đường theo cách không an toàn” một phi cơ Hoa Kỳ hôm 24/10.
Vụ đánh chặn trên không xảy ra khi một tiêm kích cơ J-11 của Trung Quốc áp sát oanh tạc cơ B-52 của Hoa Kỳ trong phạm vi 10 feet (3.05m) vào ban đêm trên Biển Đông, khiến cả hai phi cơ “có nguy cơ va chạm.”
Những căng thẳng trong mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc
Chuyến thăm của ông Lambert diễn ra trước cuộc gặp dự kiến giữa TT Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở San Francisco vào cuối tháng này.
Mối bang giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã xuống mức thấp trong lịch sử do các vấn đề như tranh chấp về Đài Loan, Biển Đông, thương mại, an ninh, công nghệ, và các vấn đề khác.
Chính phủ TT Biden đã tìm kiếm các cuộc trao đổi ở cấp cao với Bắc Kinh để ổn định mối bang giao. Các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ – bao gồm Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, Ngoại trưởng Antony Blinken, và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo – trước đây đã đến thăm Trung Quốc để đàm phán với những người đồng cấp của họ.
Ông Blinken cũng nêu lên những mối lo ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc nối lại các tuyến liên lạc quân sự giữa hai nước.
‘Hành vi hoạt động cưỡng chế, đầy rủi ro’
Ông Ely Ratner, trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho biết hôm 26/10 rằng kể từ mùa thu năm 2021, đã có hơn 180 trường hợp phi cơ Trung Quốc thực hiện “hành vi hoạt động cưỡng chế và đầy rủi ro.”
Ông Ratner cho biết trong những trường hợp đó, phi cơ Trung Quốc đã tiến hành “các thao tác liều lĩnh, phóng tán để nhiễu xạ, bắn pháo sáng, tiếp cận quá nhanh hoặc quá gần các phi cơ Hoa Kỳ” nhằm cản trở khả năng hoạt động của các lực lượng Hoa Kỳ ở những nơi mà luật pháp quốc tế cho phép.
Các phi cơ Canada cũng nằm trong số những phi cơ từng bị đe dọa ở Biển Đông.
Hôm thứ Sáu (03/11), Lực lượng Vũ trang Canada cho biết trực thăng CH-148 Cyclone của họ đã bị hai tiêm kích cơ J-11 của Trung Quốc chặn đường khi đang thực hiện cuộc tập trận như thường lệ trên Biển Đông hôm 29/10.
Một phản lực cơ đã tiến hành bay qua trực thăng này với khoảng cách hẹp, khiến phi công phải hành động để ứng phó với sự nhiễu loạn. Cuối ngày hôm đó, trong lần xuất kích thứ hai, chiếc trực thăng một lần nữa bị chặn bởi một phản lực cơ khác, phóng pháo sáng ngay phía trước trực thăng. Lực lượng vũ trang cho biết phi công đã phải di chuyển để tránh pháo sáng.
Theo các lực lượng vũ trang, tất cả những tác động này “diễn ra trong không phận quốc tế, nằm ngoài bất kỳ vùng lãnh hải nào được tuyên bố chủ quyền và không phận liên quan.”
Các tuyên bố ở Biển Đông
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khẳng định các yêu sách lãnh thổ đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các rạn san hô và các đảo chồng lấn với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Malaysia, Brunei, Đài Loan, và Philippines.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc đã tham gia ký kết, xác định rằng các khu vực biển nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ biên giới các quốc gia ven biển là thuộc về vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times