Các nhà nghiên cứu Trung Quốc coi hệ thống Starlink của ông Elon Musk là một mối đe dọa quân sự
Chuyên gia quân sự cho rằng quân đội Trung Quốc không có khả năng đánh bại Starlink
Được biết các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đã coi hệ thống internet vệ tinh Starlink do tập đoàn SpaceX vận hành là một mối đe dọa an ninh quốc gia, đồng thời cho rằng Bắc Kinh cần có khả năng tiêu diệt nó.
Một chuyên gia cho rằng PLA không có khả năng đánh bại Starlink.
Một chương trình truyền hình quân đội của Bắc Kinh, “Crazy Warfare Show,” gần đây đã xuất bản một bài báo phân tích sự tiến bộ của công nghệ khám phá không gian của Hoa Kỳ với trọng tâm là chòm vệ tinh Starlink của SpaceX. Báo cáo này đã chỉ ra giá trị quân sự của Starlink và vai trò quan trọng của nó trong cuộc chiến Nga-Ukraine, đồng thời phân tích liệu vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc có thể đánh bại nó hay không.
Crazy Warfare Show là một chương trình truyền hình quân đội trực tuyến được phát triển bởi Beijing Junwu Technology, một công ty truyền thông trực thuộc nhà nước Trung Quốc chuyên sản xuất các chương trình video về vũ khí, quân sự, và các chủ đề liên quan khác.
Bài báo này cho biết Starlink đã hỗ trợ kỹ thuật đáng kể cho người Ukraine trong cuộc chiến với Nga, với hàng chục nghìn thiết bị đầu cuối của người dùng. Và sự hỗ trợ đó cho phép thông tin liên lạc quân sự Ukraine vượt qua quân đội Nga về nhận thức tình huống và hiệu quả chỉ huy tấn công trên chiến trường.
“[Ông Elon Musk, Giám đốc điều hành của SpaceX] đã hợp tác với quân đội cao cấp của Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, và gián tiếp khiến quân đội Nga chịu tổn thất lớn,” bài báo này viết. “[Starlink] là những gì mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong tương lai — trong một trận chiến quan trọng còn thách thức hơn nhiều so với cuộc chiến Nga-Ukraine. Do đó, không thể bỏ qua mối đe dọa từ ‘Starlink.’”
Starlink sử dụng hàng nghìn vệ tinh nhỏ trên quỹ đạo cách bề mặt Trái đất khoảng 340 dặm (547 km) để truyền xuống Internet tốc độ cao, đặc biệt là đến các vùng xa xôi, kể cả những vùng bị thiên tai hoặc chiến tranh tàn phá. SpaceX hiện có hơn 2,000 vệ tinh Starlink quay quanh Trái đất. Công ty này hy vọng sẽ có 4,425 vệ tinh Starlink trên quỹ đạo vào năm 2024.
Vài ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine hồi cuối tháng Hai, ông Musk thông báo rằng dịch vụ vệ tinh băng thông rộng sẽ bắt đầu cung cấp Internet cho người dân Ukraine.
Trong khi Starlink cung cấp một huyết mạch thông tin đến những vùng đất tối tăm của đất nước đang bị tàn phá bởi chiến tranh này, bao gồm hàng trăm bệnh viện và trạm y tế, nó cũng đóng vai trò là một kênh liên kết cho phép các phi cơ không người lái của quân đội Ukraine nhắm mục tiêu vào xe tăng và vị trí của Nga một cách hiệu quả hơn.
Ngoài truyền thông internet, các vệ tinh băng thông rộng Starlink có thể xác định vị trí chính xác trên Trái Đất trong phạm vi 8m, tương tự như khả năng của vệ tinh định vị toàn cầu (GPS), theo một bài báo của Đại học Tiểu bang Ohio trích dẫn một tạp chí được bình duyệt.
Chòm vệ tinh băng thông rộng chứa tiềm năng nâng cấp đáng kể. Nó có thể tương thích với các công nghệ quân sự khác nhau của Hoa Kỳ, chẳng hạn như có được khả năng do thám và điều hướng chính xác cao.
Trong thời đại chiến tranh thông tin, Starlink có khả năng gây nhiễu liên lạc của đối phương hoặc được trang bị vũ khí chiến đấu không người lái, báo cáo này cũng cho biết thêm rằng nó có thể mang lại lợi thế cho Hoa Kỳ trong chiến tranh không gian.
Tuy nhiên, bài báo cũng cho rằng Starlink có các lỗ hổng và hệ thống này có thể bị tê liệt do tác chiến điện tử hoặc nhiễu điện từ, đồng thời cho biết thêm rằng Bắc Kinh đã đạt được tiến bộ đáng kể trong các công nghệ chống vệ tinh liên quan trong những năm gần đây.
Báo cáo này đã kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chuẩn bị cho sự phát triển phối hợp của nhiều loại vũ khí chống vệ tinh khác nhau và nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào GPS truyền thống để ngăn ngừa những tổn thất trong các trận chiến quan trọng trong tương lai khi đối đầu với Starlink.
“Hệ thống định vị Bắc Đẩu của [nội bộ Trung Quốc] phải cải thiện độ chính xác của nó và [cần được nâng cấp],” bài báo viết. “Nếu Trung Quốc có thể tăng cường các phương pháp hack, thì khả năng chiến thắng [cuộc đua không gian này] chắc chắn sẽ tăng lên.”
Chuyên gia: Bắc Kinh không có cơ hội đánh bại Starlink
Hôm 28/05, nhà bình luận các vấn đề quân sự và chuyên gia về Trung Quốc, ông Hạ Lạc Sơn (Sia Luoshan), nói với The Epoch Times rằng Trung Quốc hiện chỉ có vài chục vệ tinh định vị Bắc Đẩu, trong khi riêng SpaceX đã khai triển hơn 2,000 vệ tinh Starlink vào quỹ đạo. Và sự chênh lệch tuyệt đối về số lượng vệ tinh trên quỹ đạo khiến Trung Quốc gặp bất lợi đáng kể trong cuộc đua này.
“Bắc Kinh có thể mất các vệ tinh định vị toàn cầu của mình trước khi hạ gục được Starlink. Việc đánh mất khả năng định vị sẽ khiến một số lượng lớn thiết bị quân sự và cơ sở dân sự của Trung Quốc bị tê liệt,” ông Hạ nói. “Nói một cách đơn giản, Bắc Kinh không có cơ hội để đánh bại Starlink.”
Ông Hạ cho biết tấn công vệ tinh thông qua mạng máy tính là phương pháp tiêu chuẩn mà các quốc gia cố gắng thực hiện trước khi quyết định bắn hạ một vệ tinh. Ông nói thêm rằng loạt tên lửa động năng của Bắc Kinh có thể có khả năng tiếp cận các vệ tinh ở độ cao quỹ đạo nhất định.
Tuy nhiên, ông Hạ đã giải thích rằng Trung Quốc sẽ phải xem xét một số vấn đề trước khi cố gắng hạ gục các vệ tinh của nước khác.
“Đầu tiên, làm thế nào Bắc Kinh bảo đảm được sự tồn tại của các vệ tinh của chính mình nếu họ phá hủy vệ tinh của các nước khác? Họ có thể phải trả một cái giá cao hơn nhiều vì các quốc gia khác cũng có khả năng hạ gục các vệ tinh của Trung Quốc,” ông Hạ nói. “Thứ hai, trên thực tế, nếu Bắc Kinh bắn hạ một vệ tinh bằng [tên lửa động năng] của họ, thì mảnh rác vũ trụ kéo theo đó cũng sẽ làm tổn thương các vệ tinh và các tàu vũ trụ khác của Trung Quốc khi mảnh vỡ vẫn còn trên quỹ đạo. Trong khi đó, việc này sẽ làm dấy lên sự phẫn nộ của quốc tế, [dẫn đến các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Trung Quốc].”
Ông Hạ gợi ý rằng có những công nghệ sử dụng tàu vũ trụ tiên tiến để “chiếm đoạt hoặc vô hiệu hóa một vệ tinh,” nhưng Trung Quốc vẫn đang đuổi theo sau Hoa Kỳ trong những lĩnh vực đó.
Trung Quốc, Nga tìm kiếm vũ khí để nhắm mục tiêu vào các vệ tinh ‘quan trọng’ của Hoa Kỳ
Một báo cáo gần đây của Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) cho thấy Trung Quốc và Nga đang phát triển vũ khí có khả năng tấn công các vệ tinh của Hoa Kỳ. Báo cáo này cũng cho thấy các tài sản không gian của Trung Quốc và Nga đang tăng mạnh trong vài năm qua.
“Không gian đang ngày càng được quân sự hóa,” báo cáo (pdf) nêu rõ. “Một số quốc gia đã phát triển, thử nghiệm, và khai triển các vệ tinh khác nhau và một số vũ khí tấn công trong không gian.”
Báo cáo có tiêu đề “Những thách thức đối với an ninh trong không gian năm 2022” cho thấy các hạm đội vũ trụ trên quỹ đạo kết hợp của Trung Quốc và Nga đã tăng hơn 70% trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021. Báo cáo nói rằng sự tăng trưởng đó chủ yếu được thúc đẩy từ mong muốn của hai chế độ này nhằm “khai thác” sự phụ thuộc công nghệ của Hoa Kỳ vào cơ sở hạ tầng dựa trên không gian.
Báo cáo trên cho biết, “Khi nhiều quốc gia và nhiều dịch vụ hơn phụ thuộc vào các khả năng dựa trên không gian, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội quan trọng, chẳng hạn như y tế, ứng phó với thiên tai, dự báo thời tiết, và giao dịch tài chính, thìviệc mất hoặc suy giảm những khả năng đó sẽ ngày càng làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày.”
“Sự gián đoạn tài sản không gian có thể sẽ dẫn đến sự suy giảm năng lực quân sự và tình báo quan trọng.”
Báo cáo cho biết khả năng kiểm soát không gian được coi là yếu tố sống còn để giành chiến thắng trong cuộc chiến hiện đại giữa các cường quốc, vì vô số hệ thống, từ GPS đến công nghệ cảnh báo tên lửa, đều dựa vào vệ tinh để hoạt động hiệu quả.
Vì lý do đó, cơ sở hạ tầng không gian của Hoa Kỳ từ lâu đã trở thành mục tiêu của các hoạt động tình báo và quân sự của Trung Quốc và Nga.
Vào tháng 11/2021, Tướng David Thompson của Lực lượng Không gian cho biết rằng Trung Quốc và Nga đã và đang tiến hành các cuộc tấn công mạng và điện tử có thể đảo ngược vào cơ sở hạ tầng không gian của Hoa Kỳ “mỗi ngày.”
Tương tự như vậy, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines hồi tháng Ba đã làm chứng rằng sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga trong việc chống lại Hoa Kỳ sẽ chỉ ngày càng phát triển trong những năm tới.
“Việc mất các dịch vụ liên lạc và định vị trên không gian có thể có tác động tàn khốc đối với những người tham chiến trong một cuộc xung đột,” Trung tướng Scott Berrier, Giám đốc DIA, cho biết trong một tuyên bố đánh dấu việc phát hành báo cáo này.
“Đó là một trong những tình huống nghiêm trọng nhất được dự đoán trước. Một lãnh thổ không gian an toàn, ổn định, và có thể truy cập được là rất quan trọng khi các khả năng dựa trên không gian và các hoạt động tác chiến điện tử của Trung Quốc và Nga tiếp tục phát triển.”
Như vậy, những nỗ lực của các chế độ này nhằm phá hoại hoặc tấn công cơ sở hạ tầng trên không gian của Hoa Kỳ là một mối đe dọa trước mắt và lâu dài cần phải đối phó, báo cáo này cho biết.
Báo cáo viết: “Mục tiêu của Bắc Kinh là trở thành một cường quốc vũ trụ trên diện rộng, có đầy đủ năng lực.”
“Những nỗ lực của Mỹ nhằm bảo đảm rằng lãnh thổ không gian vẫn an toàn, ổn định, và có thể truy cập được đang bị đe dọa.”
Hoa Kỳ cấm thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh
Hồi tháng Tư, Phó Tổng thống Kamala Harris đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh (ASAT), với lý do lo ngại về an toàn.
Điều này khiến Hoa Kỳ trở thành quốc gia đầu tiên áp đặt lệnh cấm như vậy. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, và Nga đã tiến hành thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh. Đây là một cuộc trình diễn quân sự trong đó một vật thể trên quỹ đạo bị phá hủy bằng cách sử dụng một hệ thống tên lửa.
“Nói một cách đơn giản, những thử nghiệm này rất nguy hiểm, và chúng ta sẽ không tiến hành chúng,” bà Harris cho biết trong thông báo chính sách lớn đầu tiên của mình kể từ khi giám sát Hội đồng Vũ trụ Quốc gia vào năm 2021.
“Kể từ hôm nay, Hoa Kỳ cam kết không tiến hành thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh có tính hủy diệt, bay thẳng,” bà Harris cho biết trong chuyến thăm đến Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg của California. “Chúng ta là quốc gia đầu tiên đưa ra cam kết như vậy. Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia hãy tham gia cùng với chúng tôi.”
Bà Harris đã trích dẫn mối nguy hiểm tiềm tàng đối với các phi hành gia và vệ tinh, khi đề cập đến một cuộc thử nghiệm do Trung Quốc tiến hành hơn một thập niên trước, đã tạo ra hàng nghìn mảnh vụn vẫn còn đang quay quanh Trái đất.
Bà nói, “Chắc chắn rằng những cuộc thử nghiệm này là liều lĩnh, vì họ là những người vô trách nhiệm. Những cuộc thử nghiệm này có thể cũng đe dọa nhiều đến những việc chúng ta đang thực hiện trong không gian vũ trụ.”
Hôm 15/11/2021, Nga đã phóng thử một tên lửa chống vệ tinh để tấn công một vệ tinh do thám thời Liên Xô đã ngừng hoạt động ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp, từ đó tạo ra ít nhất 1,632 mảnh vụn không gian, theo cơ sở dữ liệu của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ về các vật thể trên quỹ đạo.
Mặt khác, Trung Quốc đã gây ra nhóm mảnh vỡ không gian lớn nhất trong vụ phóng thử tên lửa năm 2007, dẫn đến khoảng 2,800 mảnh vỡ quay quanh Trái đất, khiến nhiều vệ tinh gặp nguy hiểm. Trong trường hợp xảy ra va chạm, các dịch vụ quan trọng như GPS và cảnh báo thời tiết có thể bị gián đoạn.
Tòa Bạch Ốc cho biết các mảnh vỡ được tạo ra từ các vụ phóng thử này hiện đang đe dọa đến các vệ tinh và các vật thể không gian khác đóng vai trò sống còn đối với lợi ích an ninh, kinh tế, và khoa học của tất cả các quốc gia, đồng thời làm tăng rủi ro cho các phi hành gia trong không gian.
Cô Jessica Mao là một nhà văn của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times từ năm 2009.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke và Isabel van Brugen