Các nhà lập pháp và chuyên gia đã cảnh báo về lỗ hổng bầu cử nhiều năm trước đây
Nhiều năm trước, các nhà lập pháp, các quan chức an ninh mạng và các thành viên hội đồng chuyên gia đã cảnh báo công chúng về những lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng bầu cử của Hoa Kỳ, cũng như các mối đe dọa về sự can thiệp từ trong và ngoài nước vào các cuộc bầu cử của Hoa Kỳ.
Tháng 12/2019, trong những bức thư gửi đến ba công ty cổ phần tư nhân: McCarthy Group, Staple Street Capital Group và HIG Capital, các Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachusetts), Amy Klobuchar (Dân Chủ-Minnesota), Ron Wyden (Dân Chủ-Oregon), và Hạ nghị sĩ Mark Pocan (Dân Chủ-Wisconsin) đã nêu ra những lo ngại về tình trạng tồi tệ và các lỗ hổng của máy bỏ phiếu và các thiết bị bầu cử khác, cũng như sự thiếu minh bạch.
Những nhà lập pháp này cho biết ba nhà cung cấp là Election Systems & Software, Dominion Voting Systems, và Hart InterCivics ”cùng phân phối các máy bỏ phiếu và phần mềm bỏ phiếu mà tạo điều kiện thuận lợi cho việc bầu cử của hơn 90% số cử tri đủ điều kiện ở Hoa Kỳ.” Các công ty cổ phần tư nhân này được cho là sở hữu hoặc kiểm soát mỗi nhà cung cấp.
“Chúng tôi đặc biệt lo ngại rằng những công ty hay giấu giếm và ‘đầy rắc rối’ thuộc sở hữu của các công ty cổ phần tư nhân, chịu trách nhiệm sản xuất và bảo trì máy bỏ phiếu cũng như các thiết bị quản lý bầu cử khác, ‘từ lâu đã bỏ qua vấn đề bảo mật để tạo sự thuận tiện’, khiến các hệ thống bỏ phiếu trên khắp cả nước ‘dễ xảy ra các vấn đề về bảo mật’”, các nhà lập pháp đã viết chung trong những bức thư.
Họ cho biết những nhà cung cấp này hầu như không công khai thông tin về các vấn đề liên quan đến lợi nhuận hàng năm, khoản chi trả cho việc điều hành, hoặc số tiền để duy trì hệ thống bỏ phiếu của mình.
Nhìn chung, các nhà lập pháp cũng có những lo ngại về sự lây lan và ảnh hưởng của các khoản đầu tư cổ phần tư nhân trong ngành công nghệ bầu cử và các lĩnh vực khác của nền kinh tế, và rằng những vấn đề này “đe dọa tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử của chúng ta”.
Tổng thống Donald Trump và chiến dịch tranh cử của ông đã tuyên bố hệ thống Dominion không an toàn và đã đệ các đơn kiện ở Pennsylvania để phản đối các kết quả bầu cử không chính thức. Dominion, từng nói họ là một công ty phi đảng phái, đã thừa nhận các mối quan hệ với Sáng kiến Toàn cầu Clinton và một cựu nhân viên của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California).
Gần đây, Dominion đã rút lui vào phút chót sau khi cam kết tham dự một phiên điều trần giám sát ở Pennsylvania. Trang web của Dominion có một tuyên bố dài không thừa nhận một số khiếu nại về máy móc của họ, bao gồm cả cáo buộc rằng công ty này đã xóa hàng triệu lá phiếu bầu cho ông Trump.
Trong một cuộc họp báo gần đây, luật sư Sidney Powell đã cáo buộc một âm mưu xuyên quốc gia liên quan đến “ảnh hưởng từ tiền của cộng sản” từ các nước Cuba, Venezuela, và “khả năng là cả Trung Quốc” nhằm lật ngược cuộc đua tổng thống thông qua phần mềm bầu cử.
John R. Mills, cựu giám đốc chính sách an ninh mạng, chiến lược và các vấn đề quốc tế tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng, nói với The Epoch Times: “Có sự giao thoa thú vị giữa các nhà phát triển phần mềm (software) và firmware lâu đời ở Venezuela và nhóm sản xuất máy bỏ phiếu hiện tại, trong đó có Dominion.”
Ông Mills cho biết: “Venezuela mang dấu ấn mạnh mẽ của các hoạt động của Trung Quốc, Nga, và Iran nhằm tạo ảnh hưởng ở Châu Mỹ. Đối với những nước này, sẽ là một điều kỳ lạ nếu không có ‘điểm giao nhau’ nào.”
Mối đe dọa từ Bắc Kinh
Trong một tuyên bố hồi tháng 8, Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia William Evanina cho biết chính phủ Hoa Kỳ “chủ yếu lo ngại về hoạt động tiềm ẩn đang diễn ra của Trung Quốc, Nga và Iran” khi nói đến việc can thiệp bầu cử.
Ông Evanina cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã “mở rộng các nỗ lực gây ảnh hưởng của họ” trước khi cuộc bầu cử tháng 11 diễn ra để “định hình môi trường chính sách ở Hoa Kỳ, gây áp lực đối với các nhân vật chính trị mà họ coi là đi ngược với lợi ích của Trung Quốc, đồng thời làm chệch hướng và chống lại những lời chỉ trích về Trung Quốc.”
Ông nói trong một tuyên bố công khai: “Chúng tôi đánh giá rằng Trung Quốc mong muốn Tổng thống Trump – người mà Bắc Kinh coi là không thể đoán trước được – không tái đắc cử”.
Theo ông Mills, cơ sở hạ tầng bầu cử của Mỹ đặc biệt dễ bị tổn thương trước những nỗ lực của Bộ Công an (MSS) và Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Quốc.
“Tôi nghĩ MSS/PLA của Trung Quốc sẽ coi môi trường Dịch vụ Quản lý Bầu cử như một cơ hội ‘hoàn vốn đầu tư mạnh mẽ’ cho các hoạt động gây ảnh hưởng ở Hoa Kỳ”, ông Mills nói với The Epoch Times.
“Bản chất bí ẩn của các thuật toán, các biện pháp kiểm soát và xử lý dữ liệu là một mục tiêu mời gọi đối với chiến binh mạng của MSS/PLA đang tìm kiếm các hoạt động gây ảnh hưởng dựa trên hiệu ứng.”
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã công khai lên tiếng ủng hộ một nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, nói rằng với ĐCSTQ, ông ta sẽ là người dễ đối phó hơn ông Trump.
Ông Mills cho biết ông đã xem xét kỹ một số tiêu chuẩn và quy trình thử nghiệm, và có khả năng nhiều đặc điểm về hiệu suất đã không được đưa vào kế hoạch thử nghiệm cá nhân, dẫn đến nó “về cơ bản [trở thành] ‘tự chứng nhận’, nghĩa là Chính phủ Tiểu bang/Liên bang chấp nhận những gì cung cấp nói”.
Theo ông, “Đây là một chủ đề rất phức tạp, và các biện pháp kiểm soát để bảo đảm tính tuân thủ trong toàn bộ môi trường của Tiểu bang/Liên bang là khó để lập thành tài liệu và tham khảo chéo. Đây là những mục tiêu có giá trị cao cho các hoạt động không gian mạng của MSS/PLA và rất có khả năng các hoạt động này được tiến hành có hoặc không có sự hợp tác của chính công ty cung cấp máy bỏ phiếu.”
Một nghiên cứu của công ty bảo mật Interos đã phát hiện 1/5 số bộ phận phần cứng và phần mềm của một trạm bỏ phiếu điện tử đến từ các công ty có trụ sở tại Trung Quốc. Các bộ phận này bao gồm những thứ như các bảng điều khiển, các bộ xử lý AI, phần mềm cơ sở hạ tầng và các màn hình cảm ứng.
Nghiên cứu cũng phát hiện 59% các công ty “thuộc ba tầng đầu tiên của chuỗi cung ứng máy móc có địa điểm ở Trung Quốc, Nga hoặc [cả] Trung Quốc và Nga”.
Hồi tháng 1, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Dominion Voting John Poulos đã làm chứng tại một phiên điều trần về an ninh bầu cử trước Ủy ban Quản lý Hạ viện rằng công ty của họ “có sử dụng các bộ phận xuất xứ từ Trung Quốc”, và lưu ý rằng ông không biết về tỷ lệ phần trăm.
Trước khi ông Poulos có thể tiếp tục, Dân biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ-California) đã đặt câu hỏi: chính xác thì các bộ phận nào đến từ Trung Quốc.
“Các bộ phận của LCD, màn hình thủy tinh thực tế trên giao diện cho đến cấp độ cấu thành chip của các tụ điện và điện trở, một vài trong số những bộ phận đó theo hiểu biết của chúng tôi là thậm chí không có — không có nhà sản xuất những linh kiện đó ở Hoa Kỳ để lựa chọn,” ông Poulos trả lời, và nói thêm rằng ông ta hoan nghênh các hướng dẫn và các phương pháp tốt nhất từ ủy ban.
Dễ bị tổn thương
Trong phiên điều trần ngày 21/6/2017, các quan chức an ninh mạng, tình báo liên bang và các chuyên gia bầu cử khác đã làm chứng trước Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng không có phiếu bầu nào bị thay đổi trong cuộc bầu cử năm 2016, nhưng họ cũng nêu chi tiết về thực tế là các cuộc tấn công mạng đã xảy ra và có những lỗ hổng đáng báo động.
“Các tin tặc ở nước ngoài đã có thể truy cập được vào những hệ thống đăng ký cử tri ở Arizona và Illinois, khiến FBI phải cảnh báo các văn phòng bầu cử của Tiểu bang tăng cường biện pháp an ninh bầu cử của họ cho cuộc tổng tuyển cử Tháng 11”, ông Connie Lawson, khi đó là Thư ký tiểu bang Indiana kiêm Chủ tịch đắc cử của Hiệp hội Quốc gia lưỡng đảng của các Thư ký trưởng Tiểu bang, đã làm chứng, đề cập đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Ông Lawson cũng lưu ý rằng họ đã biết được từ một báo cáo tuyệt mật của NSA “rằng danh tính của một công ty cung cấp các dịch vụ hỗ trợ đăng ký cử tri ở một số tiểu bang đã bị xâm phạm”.
Một hội đồng khác, chuyên gia Michael Haas, lúc đó là đại diện khu vực Trung Tây tại Hiệp hội Quốc gia Giám đốc Bầu cử Tiểu bang, cho biết cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đã dạy họ rằng “khả năng làm gián đoạn các quy trình bầu cử và công nghệ bầu cử của các tác nhân trong nước hoặc nước ngoài là một mối lo nghiêm trọng và ngày càng tăng.”
Chiến dịch tranh cử Trump đã cáo buộc gian lận cử tri trên diện rộng và tuyên bố sự dẫn đầu của ông Joe Biden là kết quả của một “âm mưu quốc gia” do Đảng Dân Chủ dàn dựng. Luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani – người dẫn đầu nỗ lực thách thức các kết quả bầu cử – cho biết ông giữ ít nhất 1.000 bản khai có tuyên thệ từ các công dân đã cáo buộc hành vi sai trái, “đủ để lật ngược bất kỳ cuộc bầu cử nào.”