Các nhà lập pháp Hoa Kỳ lên án việc Bắc Kinh bỏ tù 11 người chia sẻ các bức ảnh về đại dịch
Các nhà lập pháp và những người ủng hộ đã chỉ trích việc kết án tù cho 11 công dân của chính quyền Trung Quốc sau khi họ cung cấp tài liệu làm sáng tỏ về thiệt hại của đại dịch ở nước này cho The Epoch Times.
11 người này đều là học viên của nhóm tinh thần bị đàn áp Pháp Luân Công. Họ đã chụp ảnh ghi lại cuộc sống trong những tháng đầu đại dịch COVID-19 bùng phát tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và chia sẻ những bức hình đó với The Epoch Times. Tám người trong số họ thuộc thế hệ thiên niên kỷ.
Họ đã bị giam giữ kể từ tháng 07/2020. Một tòa án Bắc Kinh hôm 14/01 đã đưa ra các án tù từ hai đến tám năm cùng với các khoản tiền phạt lớn.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ và những người theo dõi Trung Quốc đã nói rằng việc tuyên án của họ diễn ra vài tuần trước khi Thế vận hội Bắc Kinh khai mạc vào ngày 04/02, nhấn mạnh quyền tự do hạn hẹp mà những công dân và nhà phê bình Trung Quốc được phép lên tiếng.
“Chế độ độc tài cộng sản này có một thành tích đáng báo động về sự không dung thứ mang tính phỉ báng nhục mạ đối với bất kể điều gì làm trái với chỉ thị của chính quyền,” Dân biểu Ralph Norman (Cộng Hòa-South Carolina) nói với The Epoch Times.
‘Tàn bạo và chuyên chế’
Các tài liệu của tòa án mà The Epoch Times thu thập được đã nhấn mạnh đáng kể vào tính công khai mà các bức ảnh này đã tạo ra. Một số bức ảnh cho thấy các trung tâm mua sắm và cửa hàng địa phương đã đóng cửa, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt mà nhà chức trách đã áp đặt, và sự can thiệp của cảnh sát vào việc đưa tin của các ký giả ngoại quốc.
Phán quyết của tòa án khẳng định, “Những tài liệu nói trên xuyên tạc sự thật và chủ tâm làm xấu [bộ mặt của] Đảng và chính phủ.” Những bức ảnh này đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem trên mạng và gây ra “tác động có hại cho xã hội”, phán quyết cho thấy.
Các công tố viên Bắc Kinh tuyên bố lưu lượng truy cập là “đủ để chứng minh rằng các bị cáo đã ‘cung cấp’ thông tin cho The Epoch Times.”
“Đây là một lời nhắc nhở quan trọng khác trong giai đoạn nước rút trước Thế vận hội về cách ĐCSTQ miệt thị quyền tự do ngôn luận, quyền kết giao, và quyền tín ngưỡng,” Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) nói với The Epoch Times về hình phạt của 11 học viên này. “Sự tàn ác và chuyên chế của ĐCSTQ là một mối đe dọa thực sự, đặc biệt là đối với những người muốn thực hiện các quyền tự do của họ ở Trung Quốc.”
Khi virus lần đầu tiên bùng phát ở Trung Quốc, nhà cầm quyền đã bắt đầu một chiến dịch tích cực để ngăn chặn thông tin về mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này. Cảnh sát đã triệu tập các bác sĩ và bắt giữ các ký giả công dân cố gắng chia sẻ những tin tức mắt thấy tai nghe về COVID-19; một đội quân mạng lớn chuyên chọc phá đã được thuê để loại bỏ các quan điểm phê bình trực tuyến; và một giáo viên tiểu học bị tước giấy phép giảng dạy vì đặt câu hỏi về số người thiệt mạng chính thức trên mạng xã hội của Trung Quốc.
Theo Minghui, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi cuộc bức hại [Pháp Luân Công] kể từ khi chính quyền bắt đầu đàn áp vào năm 1999, hàng trăm cảnh sát đã được huy động để bắt giữ 11 học viên này.
Các nhà chức trách có thể đã bắt đầu theo dõi 11 học viên sau khi xem các bức ảnh về đại dịch trên trang web của The Epoch Times Hoa ngữ và đã nhận dạng được những học viên này trong đoạn băng ghi hình của camera giám sát, theo bản tin của Minghui.
Ông Cédric Alviani, người giám sát văn phòng Đông Á của tổ chức tự do báo chí Ký giả Không Biên giới, nói với The Epoch Times: “Ngay từ đầu lẽ ra những nguồn tin này không nên bị giam giữ, càng không nói tới việc bị kết án nặng. Ông kêu gọi lập tức trả tự do cho họ, cùng với “tất cả các ký giả và những người bảo vệ tự do báo chí bị giam giữ ở Trung Quốc.”
Ông Steven Butler, điều phối viên chương trình Á Châu của Ủy ban Bảo vệ Ký giả, một nhóm vận động có trụ sở tại New York, cho biết những bản án khắc nghiệt đối với những người “chỉ có một tội duy nhất dường như là việc cung cấp ảnh cho một tờ báo” cần phải bị lên án mạnh mẽ.
Cả hai nhóm này đều xếp Trung Quốc cộng sản là quốc gia bỏ tù các ký giả nhiều nhất thế giới trong các báo cáo tháng 12/2021 của họ.
Diễn ra chỉ vài tuần trước Thế vận hội, sự việc này nhắc nhở [chúng ta về một] “hoàn cảnh gian khổ mà các ký giả làm việc ở Trung Quốc phải đối mặt và về hồ sơ đàn áp tự do báo chí và nhân quyền tồi tệ của Trung Quốc trên phạm vi rộng hơn,” ông Butler nói với The Epoch Times.
‘Đau lòng’
Bà Hứa Na (Xu Na), một họa sĩ 53 tuổi, phải đối mặt với hình phạt nặng nhất. Ngoài án tù 8 năm, bà còn bị phạt 20,000 NDT (3,160 USD).
Bà Hứa từng là một nhân chứng cho hai cuộc đàn áp liên tiếp từ Bắc Kinh. Bà là người tham gia cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn do sinh viên dẫn đầu kêu gọi các quyền tự do dân chủ vĩ đại hơn vào năm 1989. Sau khi chính quyền tuyên bố cuộc biểu tình này là bạo loạn và tiến hành một cuộc đàn áp quân sự đẫm máu — một chủ đề mà thậm chí đến nay vẫn là điều tối cấm kỵ ở Trung Quốc – bà đã từ bỏ những ấp ủ dự định trở thành một ký giả của mình, nói rằng bà không muốn giúp quảng bá tuyên truyền của nhà cầm quyền này.
Kể từ năm 1999, bà Hứa đã phải ngồi tù tổng cộng hơn tám năm vì niềm tin vào Pháp Luân Công của mình. Chồng bà, một ca nhạc sĩ dân gian – ông Vu Trụ (Yu Zhou), cũng là một nạn nhân của cuộc bức hại này.
Hồi đầu năm 2008, vài tháng trước Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh, cặp vợ chồng này đã bị bắt trong một cuộc “rà soát [trước] Thế vận hội” sau khi cảnh sát tìm thấy một cuốn sách Pháp Luân Công trong xe của họ. 11 ngày sau khi bị bắt, ông Vu đã qua đời.
“Mọi sự bất công trên thế giới này, dù có vẻ như đã được xóa bỏ rồi, nhưng đều có liên hệ mật thiết với quý vị,” bà viết trong một bài bình luận xuất bản năm ngoái trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times. “Bởi vì từng thời từng khắc, nó vẫn đang khảo nghiệm lương tri của quý vị.”
Bà Sarah Cook, nhà phân tích cao cấp về Trung Quốc của Freedom House, cho biết thời điểm bà Hứa bị kết án là “buồn đau khôn thấu” bởi bà ấy đã mất người chồng vì cuộc bức hại.
Bà nói với The Epoch Times: “Việc góa phụ của ông ấy giờ sẽ bị kết án tám năm tù chỉ vì chia sẻ thông tin về tình hình đại dịch ở Bắc Kinh với một hãng thông tấn ở hải ngoại là quá bi thương,” bà nói với The Epoch Times.
“Bản án nặng nề của bà ấy cùng với những người khác cho thấy chính quyền Trung Quốc lo sợ như thế nào trước việc thông tin không chính thức về COVID-19 tiếp cận khán giả quốc tế,” bà cho hay. “Đó cũng là một lời nhắc nhở đáng buồn về sự đối xử hà khắc đối với người dân Bắc Kinh, bao gồm cả những người tập luyện Pháp Luân Công, cách các địa điểm tổ chức Thế vận hội một đoạn ngắn.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ – Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: