Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa: Không thể tin vào cam kết về khí hậu của Trung Cộng
Khi lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình xuất hiện lần đầu tiên cùng Tổng thống Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu toàn cầu của Tòa Bạch Ốc hôm 22/04, các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đang đưa ra lời cảnh báo chính phủ của ông Biden không nên hợp tác với Bắc Kinh về vấn đề biến đổi khí hậu.
Dựa vào thành tích lâu năm của nhà cầm quyền này trong việc phá vỡ lời hứa, họ nói rằng không thể tin cậy Trung Cộng thực hiện bất kỳ cam kết nào nhằm giảm lượng khí thải mà nhà cầm quyền này có thể làm. Họ cũng lo sợ rằng chính phủ TT Biden có thể nhượng bộ Bắc Kinh để có được sự hợp tác về khí hậu, mà cái giá phải trả là các vấn đề quan trọng khác bao gồm nhân quyền và các hành vi thương mại không công bằng của Trung Cộng.
Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Tập nói rằng nước này sẽ “hạn chế nghiêm ngặt” việc gia tăng tiêu thụ than trong 5 năm tới và giảm dần trong 5 năm tiếp theo.
Cho đến nay, Trung Quốc là nước sử dụng than lớn nhất thế giới và đang tiếp tục xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện bằng than đá. Đây cũng là nơi phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.
Ông Tập cũng đã lặp lại cam kết từ năm ngoái (2020) là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Trong một lưu ý mang tính hòa giải, ông Tập nói thêm rằng “Trung Quốc mong muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả với Hoa Kỳ” để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Giọng điệu của ông Tập hoàn toàn trái ngược với giọng điệu của hai nhà ngoại giao hàng đầu của nhà cầm quyền này tại cuộc hội đàm vào tháng trước với các quan chức của TT Biden ở Alaska. Trong một lần phẫn nộ công khai, các quan chức Trung Cộng Dương Khiết Trì và Vương Nghị đã la mắng Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sau khi các quan chức Hoa Kỳ chỉ trích Trung Cộng về một loạt vấn đề bao gồm vi phạm nhân quyền, ép buộc kinh tế và gây hấn quân sự.
Sự xuất hiện của ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra một tuần sau khi đặc phái viên Hoa Kỳ John Kerry đến Trung Quốc tuần trước để gặp gỡ các quan chức Trung Cộng thảo luận về “việc nâng cao tham vọng khí hậu toàn cầu”. Chuyến công du của ông Kerry là chuyến thăm cấp cao đầu tiên tới Trung Quốc của một quan chức chính phủ TT Biden kể từ khi tổng thống mới nhậm chức. Sau cuộc hội đàm, trong một tuyên bố chung, hai nước đồng thuận rằng cần đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn về chống biến đổi khí hậu trước vòng đàm phán quốc tế mới vào cuối năm nay.
Một số nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đã phản đối chuyến đi của ông Kerry, nói rằng đó là một nỗ lực vô ích.
Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) cho biết trong một tweet hôm 14/04 rằng, “Trung Cộng sẽ không bao giờ tôn trọng bất kỳ thỏa thuận khí hậu nào. Những cuộc ‘đàm phán’ này khiến Hoa Kỳ tỏ ra yếu đuối và làm tổn hại đến các cuộc thảo luận về những lợi ích cốt lõi của chúng ta liên quan đến an ninh quốc gia và nhân quyền.”
Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) mô tả chuyến công du này là “gửi đi tín hiệu sai hoàn toàn.”
Trong tuần lễ từ 12-18/04, ông McCaul cho biết rằng, “PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] là nước phát thải carbon và là bên góp phần năng lượng than đá lớn nhất thế giới. Giờ đây báo cáo từ Bloomberg lại tiết lộ thêm rằng lao động cưỡng bức và các ngành công nghiệp gây ô nhiễm là trọng tâm của các kế hoạch năng lượng xanh giả tạo của PRC.”
Các báo cáo gần đây đã đặt ra câu hỏi về việc liệu các sản phẩm năng lượng mặt trời sản xuất tại Trung Quốc, bao gồm polysilicon, có sử dụng lao động cưỡng bức từ người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương, nơi Trung Cộng bắt tay vào một chiến dịch đàn áp rộng rãi hay không.
Polysilicon là nguyên liệu chính được sử dụng để sản xuất các tấm pin mặt trời tạo ra điện từ ánh nắng mặt trời. Bloomberg đưa tin cho hay ba nhà máy ở Tân Cương cùng sản xuất gần một nửa nguồn cung polysilicon của thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 21/04, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) không đồng ý có sự tham gia của ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh.
Ông Rubio nói: “Ngay cả khi xuất hiện tại hội nghị, họ vẫn đang tài trợ hàng tỷ USD cho các nhà máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc.”
Theo một báo cáo từ Refinitiv, ngoài việc xây dựng hàng chục nhà máy nhiệt điện bằng than đá mới trong nước, kể từ năm 2013, nhà cầm quyền này đã cam kết tài trợ 50 tỷ USD quỹ công để xây dựng 26.8 gigawatt cơ sở nhiệt điện bằng than đá ở ngoại quốc trên 152 quốc gia thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). BRI là một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Cộng trên toàn thế giới.
Ông Rubio nói thêm rằng, “Đó là lý do tại sao tôi luôn nói với mọi người-hành động đơn độc của Hoa Kỳ là không thích đáng khi mà quý vị có các quốc gia như Trung Quốc tiếp tục tăng lượng khí thải của họ. Và họ sẽ không ngừng làm điều đó.”
Vị thượng nghị sĩ này nhấn mạnh sự cần thiết phải phán xét Trung Cộng dựa trên hành động của họ chứ không phải lời nói của họ. Ông chỉ ra cam kết của ông Tập vào năm 2015 là không quân sự hóa Biển Đông, chỉ là để cho nhà cầm quyền này tiếp tục leo thang cố gắng của họ trong việc xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo trong khu vực này.
“Tôi nghĩ ông Tập Cận Bình rất vui khi thấy chúng ta áp dụng các chính sách có thể làm tăng chi phí phát triển nền kinh tế của chúng ta, nhưng tôi không nghĩ rằng quý vị sẽ thấy họ làm bất cứ điều gì để có thể làm giảm khả năng phát triển của họ,” ông Rubio nói. “Và quý vị sẽ không thấy họ làm bất cứ điều gì để ngừng tài trợ cho loại hoạt động này trên toàn thế giới, nơi họ hiện kiểm soát các nhà máy điện này, điều đó cũng mang lại cho họ đòn bẩy địa chính trị.”
Ông Robert Atkinson, Chủ tịch ITIF của tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói rằng hợp tác với Bắc Kinh về vấn đề khí hậu sẽ khiến Hoa Kỳ phải trả giá đắt.
Trong một cuộc trò chuyện trực tuyến hôm 19/04, ông Atkinson nói: “Trung Quốc đòi hỏi trả giá cho mọi thứ. Họ không ngây thơ. Họ không phải là những người thiện chí với thế giới.”
Ông cho biết việc tiếp xúc với nhà cầm quyền này về vấn đề khí hậu sẽ “làm giảm đòn bẩy quan trọng của Hoa Kỳ cần thiết để gây áp lực buộc Trung Quốc phải dỡ bỏ sự hiếu chiến của họ … chế độ trọng thương.”
Theo ông Atkinson, nếu Hoa Kỳ yêu cầu nhà cầm quyền này giúp chống lại biến đổi khí hậu, ông Tập sẽ sử dụng cơ hội này để buộc Hoa Kỳ làm dịu lập trường của mình về các hành vi lạm dụng khác nhau của Bắc Kinh.
Ông cho biết, “Tập Cận Bình không ngu ngốc, ông ta không ngây thơ, ông ta sẽ nói, ‘Vâng chắc chắn rằng chúng tôi sẽ giúp quý vị về vấn đề khí hậu. Nhưng quý vị phải làm những điều khác. Quý vị phải chấm dứt chế độ kiểm soát xuất cảng, và quý vị phải ngừng chỉ trích chúng tôi về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.’”
Do Cathy He thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: