Các nhà lãnh đạo bảo tồn truyền thống khơi dậy lòng nhiệt thành tại Hội nghị thượng đỉnh Quỹ Di Sản
Oxon Hill, Maryland — Hôm thứ Năm (20/04), tại hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 50 năm sự lãnh đạo của Quỹ Di Sản (Heritage Foundation), nhiều nhà lãnh đạo theo phái bảo tồn truyền thống đã nói về một hoặc cả hai mối đe dọa do ý thức hệ thức tỉnh hoặc do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mang lại. Các khán giả cho biết họ đã được khuyến khích, đầy hy vọng, và thận trọng mong được chứng kiến hành động được thực hiện trong tương lai.
Ông Kevin Roberts, chủ tịch của Quỹ Di Sản nói: “Chào mừng quý vị đến với cuộc chiến vốn sẽ quyết định 15 năm tiếp theo trong lịch sử của phong trào bảo tồn truyền thống này ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.”
Ông nói thêm, “Trải qua bao gian khó thì chúng ta đã học được rằng việc những người theo phái bảo tồn truyền thống nắm giữ quyền lực thôi là chưa đủ. Chúng ta phải vận dụng quyền lực đó, không phải cho chính chúng ta, mà cho đất nước và tương lai của đất nước, cho những người Mỹ bình thường.”
Vào thứ Sáu (21/04), Quỹ Di Sản sẽ công bố “Nhiệm vụ Lãnh đạo” mới của mình, một cẩm nang chính sách trình bày công trình của hơn 350 nhà lãnh đạo theo phái bảo tồn truyền thống. Ông Roberts mô tả đó là một “kế hoạch mới cho nhiệm kỳ tổng thống theo phái bảo tồn truyền thống vĩ đại tiếp theo” và “nghị trình toàn diện” nhằm giải quyết hai thách thức: “xóa bỏ nhà nước hành chính bị vũ khí hóa thức tỉnh trong nước” và “đánh bại Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Ông đã ca ngợi “sự đồng lòng tức thì” mà các nhà lãnh đạo theo phái bảo tồn truyền thống mang lại trong quá trình biên soạn cuốn cẩm nang chính sách này.
Bên cạnh mối đe dọa của ĐCSTQ, nhiều quan chức dân cử của liên bang và tiểu bang đã đề cập đến các chủ đề như giáo dục, nhận dạng giới tính, và trách nhiệm tài khóa của Quốc hội.
Thượng nghị sĩ Tim Scott được đón chào nồng nhiệt
“Nước Mỹ thực sự dường như đang ở thời khắc quyết định. Và để thấy họ gắn kết với nhau vào thời điểm này, để làm cho lập trường về chủ nghĩa bảo tồn truyền thống trong nước thực sự có ý nghĩa,” ông Jason McGuire, chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Gia đình của Người New York, một tổ chức giáo dục Cơ Đốc Giáo, nói với The Epoch Times, đề cập đến các nhà lãnh đạo theo phái bảo tồn truyền thống.
Ông McGuire cho biết ông rất thích bài diễn văn của Thượng nghị sĩ Tim Scott (Cộng Hòa-South Carolina), người đã tuyên bố tranh cử tổng thống vào năm 2024. “Tôi nghĩ ông ấy thực sự hiểu rằng điều cốt lõi mà chúng ta cần là: đức tin và tự do đi liền với nhau,” ông McGuire nói thêm. “Ông ấy chắc chắn hiểu rằng, là một dân tộc, nếu chúng ta trở lại là một dân tộc có đức tin, thì tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy một đất nước hoàn toàn khác biệt so với những gì chúng ta có hôm nay.”
Ông Scott nói với khán giả rằng ông hạnh phúc khi lớn lên trong một gia đình nghèo khó vì cả nhà “tràn ngập tình yêu và đức tin — luôn có niềm vui vì Chúa là sức mạnh của quý vị.”
Ông nói trước khoảng 300 người tham dự tại Trung tâm Hội nghị và Khu nghỉ dưỡng Quốc gia Gaylord: “Nếu một ngày nào đó chúng ta nhìn thấy được một ánh bình minh mới ở Mỹ quốc, thì ánh bình minh đó bắt đầu với việc khôi phục niềm tin vào bản thân chúng ta là ai khi là những người dân Mỹ. Ông cho biết thêm rằng các Tổ phụ Lập quốc nên được tôn vinh và Mỹ quốc là vùng đất đầy cơ hội, chứ không phải vùng đất đầy sự áp bức.
Ông đã kết thúc bài diễn văn của mình khi nói rằng: “Bình minh tiếp theo của Mỹ quốc có nghĩa là điểm mạnh mà nhà lãnh đạo của chúng ta có vượt trội hơn điểm mạnh của nhà lãnh đạo [Trung Quốc]. Hôm nay chúng ta đang chiến bại là vì điểm yếu của tổng thống Hoa Kỳ lúc nào cũng không sánh được với điểm mạnh của Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc. Hãy sẵn sàng cho một ánh bình minh khác của Mỹ quốc.”
Ông McGuire cho biết thông điệp “bình minh mới của nước Mỹ” của vị thượng nghị sĩ này là một “thông điệp đầy hy vọng.”
“Tôi thực sự mong muốn được nghe những gì Thống đốc DeSantis phải chia sẻ vào ngày mai. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ nghe thấy một số chủ đề trọng đại bởi vì là một quốc gia, chúng ta có rất nhiều sự lạc quan về những điều chúng ta sẽ hướng tới.”
Anh Darren, một chuyên gia dịch vụ tài chính 34 tuổi đến từ Dallas, Texas, nhận thấy ông Scott là một “người diễn thuyết hấp dẫn trước căn phòng này.” “Tôi thích phong cách nói chuyện của ông ấy. Tôi nghĩ cách nói chuyện của ông ấy rất truyền cảm,” anh nói với The Epoch Times. “Tôi nghĩ rằng ông ấy đã làm rất tốt khi nhắc nhở mọi người rằng tự hào là người Mỹ là điều bình thường.”
Người tự nhận mình theo phái bảo tồn truyền thống này không muốn cho biết anh mang họ gì.
‘Tìm ra thêm điểm chung’
Anh Darren cho biết anh đã xác định được một chủ đề tại sự kiện này là việc thay đổi mối bang giao với Trung Quốc và “một lời kêu gọi mọi người về tình trạng chia rẽ văn hóa mà nhiều người nhận thấy ở Hoa Kỳ.”
Anh nói thêm, “Và tôi nghĩ rằng sự ủng hộ mãnh liệt đôi khi là điều gì đó mà tôi rất đồng tình, nhưng đôi khi tôi không đồng tình. Tôi muốn thấy nền chính trị ở Hoa Kỳ bớt đi những cuộc trò chuyện đối kháng — chúng ta không cần phải nỗ lực hòa hợp với nhau mọi lúc — mà chỉ là một cuộc trò chuyện thân ái và thông cảm hơn, nếu có thể.”
Anh Nelson, anh trai của anh Darren, sống ở St. Petersburg, Florida, cũng có cùng quan điểm. Anh Nelson cho biết anh không thích “những cuộc đối thoại đối đầu” và không cho rằng những cuộc trò chuyện như vậy là hữu ích. “Thực ra toàn bộ chúng ta ở đây chính là cùng một đội. Tất cả chúng ta đều cùng một quốc gia. Tôi nghĩ đó là một cách chẳng hay ho gì để bắt đầu một cuộc trò chuyện. Điều đó chắc chắn không thu hút những người bằng hữu mới,” anh nói với The Epoch Times.
Theo quan điểm của anh Darren, đôi lúc các chính trị gia thấy hữu ích khi tập trung vào những sự bất đồng về ý kiến của mọi người bởi vì “đó là một cách để khơi dậy lòng nhiệt thành của một cơ sở và được bầu chọn.” Ông nói: “Cuối cùng, là một quốc gia tôi muốn chúng ta có thể tìm thấy nhiều điểm chung hơn nữa mà như tôi nghĩ chúng ta đang nhận thấy hiện nay.”
Anh Darren cũng quý mến Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida). Anh mô tả ông Scott là “chắc chắn là người giỏi nhất trong căn phòng này. Ý tôi là theo một cách tích cực. Tôi thích sự thẳng thắn của ông ấy; Tôi cảm thấy như là cuộc trò chuyện của ông Rick với chúng tôi rất thẳng thắn về cách ông ấy tiến đến Hoa Thịnh Đốn. Tôi rất thích ông ấy.”
‘Tôi cảm thấy lạc quan hơn’
Bà Susan Jellison, một y tá đã về hưu ở Detroit Lakes, Minnesota, cho biết bà đã có một “khoảng thời gian tuyệt vời” tại sự kiện này. Hai vấn đề hàng đầu của bà — ủng hộ sự sống và giáo dục — đã được các diễn giả đề cập đến. “Nước Mỹ đang dịch chuyển quá xa về cánh tả,” bà nói với The Epoch Times.
Ông David, chồng của bà, là một nhà phát triển địa ốc thương mại đã về hưu, cũng có nhận định như vậy.
“Chà, tôi cho rằng lúc này chúng ta đến tham dự và nghĩ rằng Hoa Kỳ đang suy kiệt. Và tôi nghĩ quý vị nhận ra rằng chúng ta đang thực sự gặp phải những vấn đề nghiêm trọng ở quốc gia này,” ông nói với The Epoch Times. “Tuy vậy, quý vị nhen nhóm lên một chút hy vọng khi lắng nghe những người như ông Tim Scott, ông Rick Scott, ông Josh Hawley, và ông Kevin Roberts.”
Ông David nhận được tinh thần hiệp lực khi nói chuyện với mọi người và lắng nghe những diễn giả đó tại sự kiện này. Ông nói rằng những diễn giả này “đang đi đúng hướng.”
“Tôi nghĩ rằng tuyên bố ở đoạn kết của ông Josh Hawley rằng Đảng Cộng Hòa phải tỉnh ngộ và nhận ra những trận chiến ở trước mắt chúng ta. Chúng ta không thể trở thành Quý ông Tử tế và nhượng bộ được nữa,” ông nói. “Họ phải bảo vệ sự thật và bảo vệ những gì họ thực sự tin nếu họ thực sự tin điều đó. Vì vậy, tôi nghĩ rằng ngày hôm nay, tất cả những điều đó đã diễn ra rất mạnh mẽ.”
Ông nói thêm rằng, “Tôi cảm thấy lạc quan hơn nhờ các thượng nghị sĩ và dân biểu mà chúng ta đã nghe họ diễn thuyết hôm nay. Chúng tôi chỉ hy vọng rằng họ có thể cùng nhau chung sức như một lực lượng để chống lại điều này để gắn bó với nhau — chứ không đi theo mọi hướng khác nhau.”
‘Sự đồng cảm’
Sự kiện hôm thứ Năm đã kết thúc bằng một thông điệp đầy lòng trắc ẩn. Cựu cầu thủ NBA Enes Kanter Freedom đã bất ngờ xuất hiện. Là một nhà chỉ trích về nhân quyền thẳng thắn, anh đã lên tiếng cho quyền của người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồng Kông, người Đài Loan, người Mông Cổ, và các học viên Pháp Luân Công.
Khi được hỏi chính sách nào sẽ là ưu tiên hàng đầu của mình, anh nói: “Tôi chỉ hy vọng rằng mọi người có thể có sự đồng cảm trong tâm hồn vì một khi quý vị đặt mình vào vị trí của họ, những người đang phải chịu đựng bên kia bờ đại dương, hay Trung Đông, hay Trung Quốc, hay bất cứ nơi nào, thì quý vị biết rằng không có cách nào để quý vị có thể chọn điều gì khác ngoài các chuẩn mực đạo đức, các giá trị, và các nguyên tắc của mình.”
“Tôi chỉ hy vọng trong lòng mọi người có sự đồng cảm nào đó.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times