Các nhà kinh tế: Trong bối cảnh khủng hoảng chuỗi cung ứng, các vấn đề vận chuyển sẽ vẫn dai dẳng đến năm 2022
Các nhà kinh tế cho rằng các vấn đề vận chuyển tại các cảng lớn ở Hoa Kỳ cũng như tình trạng thiếu hụt hàng hóa và tăng giá tiếp theo sẽ kéo dài đến giữa năm 2022 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đang diễn ra.
CNBC dẫn lời các nhà kinh tế tại Goldman Sachs đưa tin, khoảng 77 con tàu hiện đang đợi bên ngoài các bến cảng ở Cảng Los Angeles và Long Beach, California, chở một lượng hàng hóa trị giá 24 tỷ USD đang chờ được dỡ xuống.
Và theo nhà kinh tế học Ronnie Walker của Goldman, trước mắt tình hình có vẻ sẽ không cải thiện khi các quan chức còn phải vật lộn để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Ông Walker cho biết: “Các công việc tồn đọng và chi phí vận chuyển tăng cao có thể sẽ tiếp diễn ít nhất là đến giữa năm sau vì không có giải pháp tức thời nào cho tình trạng mất cân bằng cung – cầu cơ bản tại các cảng của Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, ông Walker lưu ý rằng áp lực “sẽ sớm bắt đầu giảm bớt” nhưng chỉ “giảm nhẹ khi chúng ta vượt qua đỉnh cao theo mùa về nhu cầu vận chuyển trước kỳ nghỉ lễ.”
Khoảng 250,000 container hàng hóa hiện đang chất đống trên các bến tàu do việc nhận hàng bị trì hoãn bởi thiếu khung gầm vận chuyển và thiếu không gian trong các bãi chứa và nhà kho. Điều này khiến hàng chục tàu phải neo đậu bên ngoài cảng.
Theo CNBC, tình trạng này đã khiến các container vận chuyển mất gấp ba lần thời gian thường thấy khi đi qua các cảng lớn của Hoa Kỳ.
Tổng thống Joe Biden đã cố gắng giảm bớt tình trạng thiếu hụt và gián đoạn nguồn cung trước Giáng sinh, nhưng các chuyên gia cho rằng quá trình này sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Đầu tháng này, Tòa Bạch Ốc đưa ra một tuyên bố cho biết họ đã nhận được xác nhận từ UPS, FedEx, Walmart và các công ty khác, cũng như Cảng Los Angeles, sẽ tăng số ca làm việc để giải quyết tình trạng tồn đọng tàu container, thiếu hụt lao động, và các vấn đề về kho bãi.
Ông Biden nói sau cuộc họp với các nhà điều hành của một số công ty, “Đây là một cam kết toàn diện về hoạt động 24/7”, và thêm rằng “chúng tôi cần phần còn lại của chuỗi [vận chuyển] của khu vực tư nhân hỗ trợ chúng tôi.”
Hôm 13/10, Tổng thống Biden cũng đe dọa sẽ “gọi tên” các công ty tư nhân không hỗ trợ chính phủ của ông và đẩy mạnh giải quyết các tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông nói trong nhận xét tại Tòa Bạch Ốc: “Nếu khu vực tư nhân không tham gia, chúng tôi sẽ gọi tên họ ra và yêu cầu họ hành động.”
Tuy nhiên, một giám đốc điều hành công ty đồ chơi cho biết kế hoạch của Tòa Bạch Ốc là quá muộn, dẫn đến tình trạng thiếu lao động đang xảy ra, trong khi các nhà kinh tế khác lưu ý về sự thiếu phối hợp giữa các ngành công nghiệp chủ chốt trong chuỗi cung ứng.
Giám đốc điều hành MGA Entertainment, Isaac Larian cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Fox News: “Cho dù các cảng mở cửa 24 giờ một ngày hay 48 giờ một ngày, quý vị không thể có lao động. Nếu quý vị không thể có được lao động, quý vị không thể có xe tải tới, quý vị không thể đưa hàng hóa ra ngoài.”
Ông nói: “Kế hoạch của ông Biden là quá ít và quá muộn. Và thành thật mà nói, đó là một mánh lới quảng cáo chính trị đối với tôi.”
Ông Steven Ricchiuto, nhà kinh tế trưởng của Hoa Kỳ tại Mizuho Securities, cũng cho biết kế hoạch của Tòa Bạch Ốc có thể sẽ không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.
Ông nói, “Những gì tổng thống đang làm sẽ không thực sự gây ra tác hại. Nhưng cuối cùng, những việc đó không giải quyết được vấn đề.”
Nhà kinh tế học Ronnie Walker của Goldman đồng ý, lưu ý rằng “Kết quả là triển vọng này không đưa ra giải pháp khắc phục ngay lập tức cho sự mất cân bằng cung – cầu cơ bản tại các cảng của Hoa Kỳ.”
Ông Walker nói thêm rằng các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng tình trạng tắc nghẽn tại các cảng sẽ “có khả năng kéo dài ở một mức độ nào đó cho đến ít nhất là giữa năm sau” trong khi “giá cước vận chuyển có thể sẽ duy trì khá cao ở trên mức trước đại dịch ít nhất là trong năm tới.”
Theo chủ tịch của Hội đồng cảng Florida, trong khi đó, tình hình này có thể khiến người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa trong khi tiếp cận với ít mặt hàng hơn cho đến mùa xuân.
Chủ tịch Jonathan Daniels nói với Fox News: “Đó thực sự là một cơn bão hoàn hảo. Bản thân hệ thống hậu cần không đủ khả năng và nó không được xây dựng để xử lý sự gia tăng hiện tại chúng ta đang trải qua ở Hoa Kỳ.”
Ông Daniels tiếp tục, “Họ đang nói về công việc tồn đọng sẽ không được giải quyết cho đến một lúc nào đó, có thể là vào cuối quý I, đầu quý II năm sau. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi không thể đưa những hàng hóa đó lên kệ vào trung tâm phân phối. Quý vị sẽ thấy giá cả tăng lên, và cuối cùng, một trong những động lực chi phí lớn liên quan đến việc định giá lại chính là hệ thống giao thông.”
Tổng thống Biden đã nói rằng chính phủ liên bang sẽ “làm việc với các bên liên quan trong chuỗi cung ứng trong 90 ngày nước rút cho đến cuối năm để khắc phục sự cố và giảm bớt nhiều điểm tắc nghẽn mà chúng ta có thể nhanh chóng giải quyết.”
Jack Phillips và Reuters đã đóng góp vào báo cáo này.
Bà Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Bà đưa tin tức và kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: