Các nhà hoạt động kêu gọi Đức dừng trục xuất Hoa kiều bất đồng chính kiến
Một nhà bất đồng chính kiến người Hoa đang phải đối mặt với việc bị chính phủ Đức trục xuất về Trung Quốc. Các nhà hoạt động nhân quyền ở hải ngoại đang tìm kiếm sự trợ giúp quốc tế để ngăn chặn cuộc đàn áp có thể đoán trước của Trung Cộng đối với người đàn ông trẻ tuổi này.
Anh Lưu Băng đến từ đông bắc Trung Quốc hiện đang bị giam giữ trong một nhà tù dành cho người nhập cư của Đức. Chính phủ Đức sẽ trục xuất anh trở lại Trung Quốc vào tháng Tám này.
Anh sinh năm 1989, năm xảy ra vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn. Anh đã đào thoát khỏi Trung Quốc sau khi thường xuyên bị Trung Cộng sách nhiễu và đàn áp vì các hoạt động dân chủ của mình tại đại lục.
Không thể giao tiếp bằng ngoại ngữ, anh Lưu cảm thấy bế tắc với tình hình hiện tại. Các nhà hoạt động ở hải ngoại đang thay mặt anh kêu gọi cộng đồng quốc tế.
Gần đây, The Epoch Times Hoa ngữ đã liên lạc được với anh Lưu khi anh đang bị giam trong một trung tâm giam giữ người nhập cư ở tiểu bang North Rhine-Westphalia (NRW) ở Đức. Anh Lưu đã xác nhận tình cảnh khó khăn của mình.
Tình cảnh hiện tại
Năm nay, nhân lễ tưởng niệm 32 năm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, The Epoch Times Hoa ngữ đã đưa tin về việc người Hoa hải ngoại tổ chức các sự kiện tưởng niệm ở các quốc gia khác nhau. Anh Lưu là một trong những người tham gia và đã gửi đoạn video ghi lại hoạt động của mình cho The Epoch Times. Nhưng tài khoản Facebook của anh Lưu đã ngừng cập nhật kể từ ngày 03/06.
Anh Lưu nói rằng chính phủ Đức đã mua vé cho chuyến bay ngày 26/08 để trục xuất anh về Trung Quốc, và một quyết định như vậy đến từ chính phủ Đức là vô cùng đáng tiếc.
Theo anh Lưu, trung tâm giam giữ này không cho phép sử dụng điện thoại thông minh để truy cập Internet và anh chỉ được phép sử dụng điện thoại có chức năng nghe gọi cơ bản.
Đào thoát khỏi Trung Quốc
“Tôi đã đào thoát khỏi Trung Quốc sau khi trải qua nhiều hiểm nguy,” anh Lưu nói với The Epoch Times.
Tháng 08/2019, anh đã bay đến Serbia, quốc gia cung cấp chương trình miễn thị thực cho công dân Trung Quốc. Anh đã xin tị nạn chính trị khi chuyển đến Frankfurt. Anh đã nộp đơn xin công nhận trạng thái tị nạn khi nhập cảnh tại phi trường Frankfurt. Sau đó anh đã bị từ chối và buộc phải rời Đức để đến Hà Lan.
Anh Lưu đã ở trong một trại tị nạn ở Hà Lan và dự định nộp đơn xin tị nạn chính trị. Nhưng cảnh sát Hà Lan đã cáo buộc anh lưu trú bất hợp pháp và đưa anh trở lại Đức, tuyên bố rằng, theo Quy tắc Dublin III về tị nạn, “Quốc gia thành viên [EU] đầu tiên nhận được đơn xin bảo hộ quốc tế sẽ phụ trách xem xét đơn đó.”
Anh Lưu cho biết, “Tôi đã dự định tham gia một sự kiện để tưởng nhớ vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn tại The Hague. Nhưng họ không cho phép tôi nộp đơn xin tị nạn ở Hà Lan.”
Nhiều người xin tị nạn được phép ở lại Hà Lan do đại dịch, theo anh Lưu.
Anh cho biết rất khó để tuân theo Quy tắc Dublin III. Anh đưa ra một ví dụ về những người tị nạn đến từ Trung Đông. Nhiều người trong số họ đã đến các nước Đông Âu khi họ nhập cảnh EU lần đầu tiên, và họ đã nộp đơn xin bảo hộ tị nạn thành công tại các nước thành viên EU như Đức và Hà Lan. Điều này là do Đông Âu có khả năng kinh tế và khả năng tiếp nhận người tị nạn hạn chế, anh Lưu lưu ý.
Nhà hoạt động: Quyết định của Đức là một sai lầm
Anh Hình Giám (Xing Jian) là một nhà hoạt động nhân quyền được phép định cư ở New Zealand vào đầu năm 2020. Biết rằng anh Lưu phải đối mặt với việc bị trục xuất, anh Hình gần đây đã viết một bài báo cho The Epoch Times Hoa ngữ bày tỏ mối lo ngại của mình.
Anh tin rằng nước Đức đã sai lầm khi từ chối đơn xin tị nạn chính trị của anh Lưu.
Anh nhấn mạnh rằng bản thân anh và anh Lưu đã tham gia nhiều hoạt động bảo vệ nhân quyền khi họ còn ở trong một trại tị nạn ở Thái Lan.
Anh khẳng định, “Cùng nhau, chúng tôi đã ủng hộ cô Lưu Hà, tưởng niệm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn và các hoạt động khác,” và theo thời gian, họ đã tin tưởng lẫn nhau.
Anh mô tả tình hình khó khăn của các nhà bảo vệ nhân quyền Trung Quốc.
“Những người bảo vệ nhân quyền bình thường như chúng tôi tương đối kín kẽ trong việc bày tỏ sự phản đối, không giống như ông Lưu Hiểu Ba, cô Lưu Hà và ông Trần Quang Thành, những người đã quá nổi tiếng, và chúng tôi thường lên tiếng thay cho những người khác qua mạng Internet.”
“Những người bảo vệ nhân quyền chúng tôi, ban đầu với mục đích theo đuổi dân chủ và tự do, đã không mong đợi phải rời quê hương của mình để xin tị nạn chính trị ở ngoại quốc. Vì vậy, chúng tôi sẽ không ghi lại thành tựu của bản thân hay cố tình tô vẽ hồ sơ của mình. Khi tự do cá nhân của chúng tôi gặp phải rủi ro cực cao và chúng tôi phải đào thoát, con đường tị nạn của chúng tôi là vô cùng khó khăn.”
Anh Hình bày tỏ sự lo lắng sâu sắc cho anh Lưu vì rào cản ngôn ngữ đã ngăn cản anh ấy kháng cáo.
Anh viết, “Đơn xin tị nạn chính trị của anh Lưu Băng đã bị từ chối. Không ai ở Đức giúp anh ấy, và cũng không ai giúp anh ấy giải thích nội dung cụ thể của bản án. Anh ấy từng nói với tôi, ‘Tôi muốn kháng án, dù có chết tôi cũng phải chết trên một miền đất tự do.’ Nhưng anh ấy không hiểu được ngoại ngữ. Anh ấy chỉ biết kết quả là từ chối, vì vậy lẽ dĩ nhiên là anh ấy đã mất khả năng kháng cáo.”
Anh Hình viết, “Đây sẽ là một quyết định sai lầm. Bởi anh Lưu Băng là một người sống nội tâm, không giỏi diễn đạt và cũng là người âm thầm đóng góp vào việc biến nền tự do dân chủ của Trung Quốc thành hiện thực.”
Anh thấy lo cho anh Lưu vì Trung Cộng sẽ chỉ tăng cường bức hại tàn bạo đối với anh ấy một khi anh bị trục xuất trở lại Trung Quốc.
Anh Hình vẫn nhớ khoảng thời gian họ ở cùng nhau khi tị nạn ở Thái Lan, “Mỗi đêm tôi đều phải làm việc muộn để phân loại các tài liệu bảo vệ nhân quyền trên mạng, và anh Lưu thường giúp tôi tổng kết lại.”
Nỗi lo anh Lưu sẽ bị bức hại khi trở về Trung Quốc
Ông Dương Sùng (Yang Chong), một nhà bất đồng chính kiến người Hoa hiện đang sinh sống ở Canada, nói với The Epoch Times rằng ông gặp anh Lưu Băng lần đầu tiên hồi tháng 05/2013. Sau đó, họ gặp lại nhau tại tiệc sinh nhật của ông Phạm Nhất Bình (Fan Yiping), một nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc. Trong số những người trong bức ảnh được chụp tại tiệc sinh nhật này, ông Trần Khoa Vân (Chen Keyun) và hai luật sư nhân quyền khác và nhà bất đồng chính kiến Phạm Nhất Bình vẫn đang bị giam ở Trung Quốc. Anh Dương Đình Kiếm (Yang Tingjian), một nhà hoạt động dân chủ, đã bị kết án một năm rưỡi tù giam.
“Một khi anh Lưu Băng bị trục xuất về Trung Quốc, chắc chắn anh ấy sẽ bị bức hại,” ông Dương Sùng nói.
Anh Đoàn Tỉnh Cương có cùng một nỗi lo. Anh tin rằng anh Lưu Băng sẽ gặp rắc rối nếu anh bị đưa về Trung Quốc vì anh Lưu đã tham gia vào các sự kiện tưởng niệm toàn cầu về vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn.
Anh Đoàn cho biết, “Nếu anh Lưu bị trục xuất trở lại Trung Quốc, anh ấy sẽ bị Trung Cộng sử dụng như một tấm gương để đe dọa các nhà bất đồng chính kiến khác.”
Do Mary Hong thực hiện
Với sự đóng góp của Li Xin’an và Sophia Lam
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: