Các nhà hoạt động cáo buộc Ủy ban Olympic Quốc tế hợp tác ‘diễn trò’ với Trung Cộng
Vào hôm thứ Năm (2/12), Hiệp hội Quần vợt nữ Thế giới (WTA) đã rút lui khỏi tất cả các giải đấu ở Trung Quốc sau khi chính quyền nước này tỏ ra mập mờ trong xử lý cáo buộc tấn công tình dục của vận động viên quần vợt Bành Soái. Các hiệp hội Quần vợt tại nhiều quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với WTA. Còn các nhà hoạt động nhân quyền thì cáo buộc Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) hợp tác diễn trò với Bắc Kinh, điều này sẽ khiến vận động viên Bành Soái gặp nhiều nguy hiểm hơn.
Hiệp hội Quần vợt Canada (Tennis Canada) tuyên bố rằng họ có lập trường rõ ràng về vấn đề này cũng như quan tâm sâu sắc đến sức khỏe và sự an toàn của Bành Soái.
Phát ngôn viên của Hiệp hội Quần vợt Canada nói với Reuters rằng: “Chúng tôi chịu trách nhiệm cho nhiều cô gái trẻ đi khắp thế giới để tham gia các cuộc thi. Chúng tôi buộc phải cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn cho họ, nếu không các cầu thủ và môn thể thao của chúng tôi sẽ gặp rủi ro”.
Vào ngày 2/11, Bành Soái, vận động viên quần vợt từng đoạt giải đôi nữ số 1 thế giới, đã đăng một thông điệp trên mạng xã hội cáo buộc Trương Cao Lệ – cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc – đã tấn công tình dục cô. Sau đó bài đăng này đã bị xóa và bản thân cô ấy cũng biến mất. Mặc dù đã xuất hiện trở lại trước công chúng nhưng cô không nhắc gì về việc bị Trương Cao Lệ tấn công tình dục. Trong suốt tháng vừa qua, cộng đồng quốc tế đã luôn đặt câu hỏi về khả năng cô đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) thẩm tra và kiểm soát.
Trương Cao Lệ, cựu thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, người bị cáo buộc có hành vi tấn công tình dục và chính quyền ĐCSTQ vẫn chưa phản hồi về cáo buộc của Bành Soái. Ở Trung Quốc, chủ đề này hiện vẫn bị kiểm soát chặt chẽ. Những từ liên quan đến Bành Soái và cựu Phó Thủ tướng đầu tiên nghỉ hưu vào năm 2018 đã trở thành những từ nhạy cảm trên Internet.
Để phản đối, vào hôm thứ Năm (2/12), WTA đã quyết định đình chỉ tất cả các giải đấu tại Trung Quốc nhằm bảo vệ cho các vận động viên. Bắc Kinh hồi đáp rằng họ phản đối “chính trị hóa thể thao”, nhưng không đề cập trực tiếp đến WTA.
Động thái này của WTA có thể khiến tổ chức này mất đi hàng trăm triệu USD tiền phát sóng và tài trợ, nhưng lại nhận được những đánh giá tốt từ những người trong giới thể thao này.
Phát ngôn viên của Hiệp hội Quần vợt Canada tuyên bố rằng họ bày tỏ sự tôn trọng đối với năng lực lãnh đạo của WTA.
Hiệp hội Quần vợt ở nhiều quốc gia ủng hộ WTA
Liên đoàn Quần vợt Ý (Italian Tennis Federation) tuyên bố rằng họ hoàn toàn ủng hộ quan điểm của WTA trong vụ việc Bành Soái. Hiệp hội Quần vợt New Zealand (Tennis New Zealand) cũng đồng ý với tuyên bố này và cho biết sẽ hợp tác với WTA để cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết.
Hiệp hội Quần vợt Australia (Tennis Australia) nói rằng sức khỏe và sự an toàn của Bành Soái sẽ tiếp tục là vấn đề được ưu tiên hàng đầu.
“Chúng tôi khen ngợi WTA đã đi đầu trong việc đại diện và bảo vệ quyền lợi cho vận động viên”. Hiệp hội này cho biết thêm trong một tuyên bố rằng, “Chúng tôi đang làm việc cùng nhau để cố gắng bảo đảm cho sự an toàn và sức khỏe của Bành Soái, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ông Steve Simon (Giám đốc điều hành WTA) và WTA”.
Ông Vương Lăng Hoa, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Quần vợt Đài Loan, nói rằng WTA không thể không lựa chọn hành động như vậy.
“Nếu họ không phản ứng theo cách này, tôi nghĩ đó không phải là chuyện gì tốt đẹp cho các vận động viên nữ”, ông Hoa nói, “Tôi nghĩ đây là điều mà cả thế giới nên làm. WTA dù sao cũng là đầu tàu của giới quần vợt nữ chuyên nghiệp”.
Hiệp hội Quần vợt Hàn Quốc cho biết, một khi Bành Soái được chứng minh là an toàn, WTA sẽ xử lý việc đình chỉ các giải đấu ở Trung Quốc một cách cẩn thận.
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho biết trong một tuyên bố vào hôm thứ Năm rằng, họ đã có một cuộc gọi video thứ hai với Bành Soái. Vào cuối tháng trước, IOC tuyên bố rằng họ đã thực hiện một cuộc điện thoại với Bành Soái, nói rằng cô ấy “trông có vẻ ổn”, nhưng điều này đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ.
Nhà hoạt động nhân quyền: Ủy ban Olympic quốc tế đặt Bành Soái vào nguy cơ lớn hơn
Theo ông Peter Dahlin, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders và là một nhà hoạt động nhân quyền, các cuộc gọi giữa IOC và Bành Soái sẽ đặt ngôi sao quần vợt Trung Quốc vào “nguy cơ lớn hơn”, và những cuộc gọi này “rõ ràng là diễn trò”.
“Trò diễn thường thấy nhất (của ĐCSTQ) là ép buộc thú tội trên TV”. Ông Dahlin đã chỉ ra trong một bức thư ngỏ gửi tới IOC vào hôm thứ Năm rằng, phương pháp hiện đang được cảnh sát của Trung Cộng áp dụng khá nhiều là “đăng những video như vậy trên các kênh truyền thông xã hội hoặc để báo chí đưa tin trên trang web của họ”.
“Mục đích vẫn như cũ: Tấn công chính đương sự hoặc các chỉ trích của quốc tế”. Khi CNN hỏi về bức thư ngỏ của Dahlin, IOC đã không đưa ra bình luận ngay lập tức.
Ông Dahlin, người Thụy Điển, đã từng bị giam trong nhà tù đen Bắc Kinh trong 23 ngày. Vào năm 2009, ông tốt nghiệp khoa chính trị học và cùng luật sư nhân quyền Trung Quốc Vương Toàn Chương sáng lập tổ chức “Trung Quốc Hành động”. Đây là một tổ chức vận động phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ bảo vệ cho quyền lợi của những người đang sống dưới chế độ độc tài độc đảng.
Dahlin sau đó đã bị bắt. Ông nói rằng khi ở trong nhà tù đen, ông đã bị thiếu ngủ (không cho ngủ) và từng phải ngồi trên ghế hùm. Cuối cùng, ĐCSTQ đã buộc ông ta phải tuân theo một “lời thú tội trên TV” được thiết kế sẵn, và trục xuất ông ta.
Dahlin nói trong bức thư rằng: “Bành Soái không được tự do. Các ông biết – hoặc có lẽ nên biết rằng – cô ấy không hề được tự do”.
Sau 19 ngày mất tích, Bành Soái đã lần nữa xuất hiện trước công chúng. Tuy nhiên, những gì cô ấy nói đều là tuyên bố chính thức của các tổ chức thể thao và các kênh truyền thông của Trung Cộng, việc cô ấy có thể tự do phát biểu hay không vẫn còn là một dấu hỏi.
“Mỗi khi bị quốc tế chỉ trích, giống như một chiếc đồng hồ, hoặc là Bành Soái sẽ xuất hiện một cách kỳ diệu, hoặc là sẽ có người cung cấp thứ gì đó tự xưng là đến từ cô ấy để bác bỏ những lời chỉ trích này”. Nhà hoạt động nhân quyền này giải thích rằng bức thư ngỏ này là một bài luận của riêng mình, và không đại diện cho tổ chức Safeguard Defenders.
Đối với ĐCSTQ, sử dụng chính sách ngoại giao thầm lặng là sai lầm
Vào hôm thứ Năm, nữ phát ngôn viên của WTA nói với CNN rằng cô ấy đã nhận được một email mới từ Bành Soái. Theo WTA, đây là email thứ ba từ Bành Soái mà họ nhận được.
Phóng viên Thẩm Thi Vĩ của kênh truyền thông CGTN (phiên bản CCTV của ĐCSTQ ở nước ngoài) đã trích dẫn một “nguồn tin được chứng thực” trên Twitter vào hôm thứ Năm cho biết trong email mới này, Bành Soái “bày tỏ rằng cô ấy bị sốc trước quyết định không công bằng của WTA về việc tạm dừng tất cả các giải đấu ở Trung Quốc”.
Giám đốc điều hành của WTA, ông Steve Simon cho biết trong một tuyên bố qua email vào hôm thứ Bảy tuần trước (27/11) rằng, ông đã cố gắng liên lạc với Bành Soái “thông qua nhiều kênh khác nhau”, bao gồm cả hai bức thư qua email, “rõ ràng là phản ứng của cô ấy đã bị ảnh hưởng bởi người khác”.
Nữ phát ngôn viên của WTA tuyên bố rằng tổ chức này sẽ kiên trì với quyết định tạm dừng các giải đấu ở Trung Quốc.
Trong một tuyên bố vào hôm thứ Năm, IOC cho biết họ tin tưởng vào “chính sách ngoại giao thầm lặng” mà họ đang sử dụng.
“Ngoại giao thầm lặng có thể có chỗ hữu dụng của nó, nhưng nó không phải là ở đây”. Ông Dahlin đã thúc giục IOC thay đổi quan điểm của mình.
Do Lí Ngôn, Lí Duyên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bài gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: