Các nhà đầu tư lo lắng về lạm phát, chính sách của Fed, và bong bóng tài sản trong nửa cuối năm 2021
Các nhà đầu tư đã chuyển hướng lo ngại của họ từ tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao và áp lực giảm phát vào đầu năm 2021, sang lạm phát, bong bóng tài sản và chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), với quan điểm đặc biệt tập trung vào cách ngân hàng trung ương điều tiết để đạt sự cân bằng mong manh giữa việc hỗ trợ thị trường lao động phục hồi và hạn chế áp lực tăng giá.
Trong những trao đổi với The Epoch Times, các nhà quản lý tiền tệ và chuyên gia tài chính đã chỉ rõ những mối lo ngại mà các nhà đầu tư phải đối mặt trong nửa cuối năm 2021, chủ yếu tập trung vào mức độ và thời gian kéo dài của lạm phát và việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của Fed.
Ông Robert R. Johnson, Giáo sư Tài chính, Đại học Kinh doanh Heider, Đại học Creighton cho biết: “Quý vị không thể nói chuyện với bất kỳ ai trong lĩnh vực đầu tư mà không đề cập tới nỗi lo ngại về lạm phát khi bắt đầu câu chuyện. Cuộc họp gần đây của Fed đã xác nhận những dự đoán rằng Fed bắt đầu giảm bớt dư thừa về thanh khoản trong hệ thống tài chính.”
Các quan chức Fed đã kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần lễ từ ngày 13-20/06 bằng cách báo hiệu khung thời gian sớm hơn cho việc tăng lãi suất và xác nhận về dự tính lạm phát sẽ cao hơn “đáng kể” cho năm nay.
Trong khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) không có biện pháp cắt giảm các biện pháp hỗ trợ khủng hoảng của Fed đối với nền kinh tế — lãi suất gần bằng 0 và khoảng 120 tỷ USD mua tài sản hàng tháng — các quan chức ngân hàng trung ương đã ra tín hiệu trong dự báo tương lai của họ thông qua các điểm “dot-plot” {biểu đồ dự báo lãi suất trong tương lai của mỗi thành viên}. Rằng việc tăng lãi suất có thể đến sớm hơn dự kiến trước đó và các cuộc thảo luận đang diễn ra về việc giảm bớt việc mua trái phiếu {cung tiền vào hệ thống tài chính}. Các quan chức Fed hiện dự kiến sẽ có hai lần tăng lãi suất vào cuối năm 2023, đẩy kế hoạch tăng lãi suất lần đầu tiên của Fed trước đây là năm 2024 sớm lên đáng kể.
Theo sau thông báo, giao dịch trên thị trường đối với các chứng khoán được bảo vệ chống lạm phát và các chứng khoán khác cho thấy các nhà đầu tư đặt cược Fed sẽ tăng lãi suất thậm chí còn nhanh hơn dự kiến của các nhà hoạch định chính sách, sự mất niềm tin tiềm tàng vào việc ngân hàng trung ương sẵn sàng điều hành một nền kinh tế “nóng” lạm phát cao để khuyến khích phục hồi thị trường lao động mạnh hơn.
“Mối quan tâm của tôi là nhiều nhà đầu tư đang dự đoán một sự điều chỉnh lớn của thị trường. Nếu có đủ các nhà đầu tư dự đoán một sự điều chỉnh, thì có thể biến một lời tiên tri tự trở thành hiện thực. Đó là khi các tinh thần bản năng trên thị trường có thể chuyển sang tiêu cực. Tôi sợ câu chuyện [điều chỉnh lớn của thị trường] có thể sẽ được diễn ra,” ông Johnson nói với The Epoch Times.
Tìm cách gửi một thông điệp trấn an tới các thị trường đang rối loạn, hôm 22/06, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tái khẳng định ý định của ngân hàng trung ương là khuyến khích sự phục hồi “rộng rãi và bao trùm” của thị trường việc làm và không tăng lãi suất quá nhanh chỉ dựa trên nỗi sợ lạm phát sắp tới.
“Chúng tôi sẽ không tăng lãi suất sớm chỉ vì chúng tôi lo ngại khả năng xảy ra lạm phát. Chúng tôi sẽ chờ đợi bằng chứng về lạm phát thực tế hoặc sự mất cân bằng khác,” ông Powell nói trong một phiên điều trần trước một hội đồng của Hạ viện Hoa Kỳ.
Những đợt tăng giá gần đây đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên mức cao nhất trong 13 năm qua, thúc đẩy những đảng viên Cộng Hòa trong ủy ban đưa ra biểu đồ chi tiết mức mức tăng đột biến của các mặt hàng tiêu dùng như gỗ xẻ và xe hơi đã qua sử dụng, cho thấy việc tăng giá đang vượt quá tầm kiểm soát.
Ông Dave Gilreath, Giám đốc đầu tư của quỹ Innovative, một quỹ đầu tư có giá trị tài sản 1.3 tỷ USD, xác nhận rằng lạm phát là mối lo chính đối với các nhà đầu tư và trong khi ông tin rằng thị trường cổ phiếu có thể sẽ cần một đợt điều chỉnh lành mạnh, và ông vẫn lạc quan về cổ phiếu.
Ông nói với The Epoch Times rằng, “Nhìn chung, chúng tôi có đánh giá tích cực về thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, mặc dù có thể có thể sử dụng một đợt ‘tạm nghỉ để tái khởi động’. Fed rất linh hoạt, và có lẽ sẽ tiếp tục như vậy trong một thời gian tương đối dài; điều từ trước đến nay luôn nhắc đến là ‘đừng chống lại Fed.’”
Ông Gilreath lập luận rằng nếu lạm phát thực sự sẽ duy trì ở mức cao, cổ phiếu luôn từng là một trong những tài sản phòng ngừa lạm phát tốt nhất. Trong khi ông lưu ý rằng, “chúng tôi thấy lạm phát là mối quan tâm lớn trong nửa cuối năm,” ông cho rằng quan điểm của Fed hiện nay là lạm phát chỉ là tạm thời và việc xáo trộn mất cân bằng trong chuỗi cung ứng và phân phối tiêu dùng liên quan đến đại dịch đang được giải quyết, không phải là không hợp lý.
Ông nói: “Cho đến nay, việc tăng giá lớn, gây xôn xao dư luận chủ yếu chỉ giới hạn ở các hàng hóa căn bản, gỗ xẻ và các mặt hàng mà nhu cầu được đẩy mạnh bởi gói kích cầu, đang vượt cung.”
Một số nhà kinh tế bày tỏ lo ngại rằng nếu giá cả tăng quá nhanh và ở mức cao trong thời gian quá dài, kỳ vọng tăng giá tiếp tục sẽ được giữ vững, thúc đẩy tăng tiền lương và có khả năng gây ra vòng xoáy giá cả-tiền lương, điều đã làm suy yếu nền kinh tế trong những năm 1970.
Ông Gilreath thừa nhận áp lực tiền lương, mặc dù nghĩ rằng nó sẽ ở mức vừa phải.
Ông nói, “Trong ngắn hạn, có một số áp lực về tăng lương, nhưng về lâu dài, tôi không chắc nó sẽ tiếp tục. Tin tức gần đây cho thấy hơn 8 triệu công việc có sẵn vẫn chưa được lấp đầy. Nhưng thực sự không phải là tình trạng thiếu hụt lao động dài hạn, mà đúng hơn là tình trạng mất ổn định do bảo hiểm thất nghiệp và tính chất cần ‘phù hợp và khởi động’ trong lúc mở cửa trở lại.”
“Điều nghịch lý này – rất nhiều việc làm sẵn có, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao – cho tôi thấy rằng một thị trường lao động rất mạnh sẽ xuất hiện trong vài tháng tới. Sự kết hợp giữa việc ngừng trợ cấp của chính phủ và mở cửa trở lại sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi trong việc tạo việc làm của Hoa Kỳ,” ông nói thêm.
Ông Gilreath cũng chia sẻ rằng các yếu tố trước đại dịch gây ra tăng trưởng lương thấp và lạm phát thấp – cụ thể là toàn cầu hóa lao động – vẫn còn tồn tại và sẽ là một yếu tố điều tiết đối với các lo ngại về lạm phát.
Ông Taylor Thomas, giám đốc và cố vấn quản lý tài sản tại Round Table Wealth Management, nói với The Epoch Times rằng các nhà đầu tư và nhà quản lý tiền sẽ chọn lọc thông qua các số liệu thông thường về lợi tức của doanh nghiệp, dữ liệu kinh tế và định giá cổ phần khi họ quyết định phân bổ đầu tư tối ưu, mặc dù yếu tố chính sẽ là kỳ vọng của họ về mức độ và độ dài thời gian lạm phát.
“Phần lớn các nhà phân tích thị trường, các nhà đầu tư chuyên nghiệp và thậm chí cả Ngân hàng Dự trữ Liên bang tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian ngắn trước khi trở lại mức bình thường và thị trường nhiều khả năng đang được định giá theo kỳ vọng đó,” ông Thomas cho biết.
Ông nói thêm rằng, “Nếu lạm phát ‘tăng nóng’ trong một thời gian dài hơn dự kiến hiện tại, các nhà đầu tư sẽ muốn bảo đảm rằng danh mục đầu tư của họ nắm giữ các khoản đầu tư giữ được giá trị cao trong môi trường lạm phát cao hơn. Những khoản đầu tư này có thể bao gồm hàng hóa cơ bản, trái phiếu có lãi suất thả nổi, một số loại bất động sản, và cổ phiếu của các công ty theo định hướng giá trị.”
Các chuyên gia khác đã nói với sự lo lắng về khả năng bong bóng tài sản xuất hiện và tạo ra những làn sóng gây lo ngại trên khắp các thị trường.
Ông Johnson dự đoán: “Tôi cũng tin rằng bong bóng trong các cổ phiếu meme (GameStop, AMC, v.v.) và các loại mã kim (cryptocurrencies) sẽ nổ ra, khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ rút khỏi thị trường tài chính. Có thể có một số sự lây lan từ các thị trường đầu cơ ngách này sang thị trường lớn của cổ phiếu và trái phiếu.”
Ông Darin Tuttle, người sáng lập tại Tuttle Ventures, LLC, một công ty dịch vụ đầu tư, cho biết ông đang nhìn thấy “bong bóng nhỏ ở khắp mọi nơi” cùng với những luồng tin không chắc chắn gần đây và định giá cao trong các lĩnh vực như nhà ở và mã kim.
Ông cho biết hiệu quả tương đối cao của các thị trường tạo nên chỉ số cổ phiếu lớn như S&P500 đã ngụy trang cho sự suy giảm đáng kể trong các lĩnh vực cụ thể và hiệu quả kinh doanh trong các lĩnh vực này “rất hỗn hợp.”
Ông Tuttle nói thêm rằng các nhà quản lý danh mục đầu tư lo ngại về một đợt biến động tiềm ẩn đang “nhanh chóng tìm kiếm một giải pháp thay thế thực sự đa dạng hóa thay cho cổ phiếu và trái phiếu.”
Dự báo lạm phát được Fed đưa ra trong tuần lễ từ ngày 13-20/06 cho thấy giá cả năm 2021 dự kiến sẽ tăng với tỷ lệ 3.4%, so với mức 1.7% được dự đoán vào tháng 09/2020.
Do Tom Ozimek thực hiện
Với sự đóng góp của Reuters
Minh Khanh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: