Các nhà đầu tư Hoa Kỳ cần ngừng tài trợ vốn cho ‘Công ty Trung Quốc’ để chấm dứt nạn diệt chủng của Trung Cộng
Các cựu quan chức Bộ Ngoại giao Keith Krach và Ellie Cohanim cho biết bây giờ là lúc tất cả người dân Hoa Kỳ phải hành động để ngăn chặn nạn diệt chủng của nhà cầm quyền Trung Cộng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, tội ác do một nhà nước gây ra và gợi nhớ đến lại thảm họa diệt chủng Holocaust.
Tháng 01/2021, Ngoại trưởng Mike Pompeo khi đó đã chỉ rõ tội ác diệt chủng của Trung Cộng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương xa xôi, cuộc đàn áp này bao gồm cưỡng bức triệt sản, cưỡng bức phá thai, tra tấn, cưỡng bức lao động, và tách rời trẻ em ra khỏi gia đình.
Trong khi đó, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ bên trong các trại giam của Trung Cộng dưới cái tên được gọi là “trường đào tạo nghề.”
Hồi tháng 3/2021, Hoa Kỳ, Canada, Anh và Liên minh Âu Châu đã công bố các biện pháp trừng phạt được phối hợp, áp dụng với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về chính sách đàn áp của Trung Cộng ở Tân Cương.
Bà Cohanim nói trong một cuộc phỏng vấn chung với ông Krach trên chương trình “Những nhà lãnh đạo tư tưởng Hoa Kỳ” (American Thought Leaders) của The Epoch Times: “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy các chính phủ có cách tiếp cận đúng đắn. Và chúng tôi cũng đã đưa ra một kế hoạch cho mọi người dân Hoa Kỳ, để họ có thể hành động ngay hôm nay.”
Theo bà Cohanim, các biện pháp trừng phạt là cách tiếp cận đúng đắn vì Trung Cộng “chỉ có thể hiểu được sức mạnh.”
Bà Cohanim trước đây từng là Phó Đặc phái viên của Hoa Kỳ về giám sát và chống chủ nghĩa bài Do Thái, và hiện là thành viên Diễn đàn Phụ nữ Độc lập – một tổ chức bất vụ lợi của Hoa Kỳ.
Ông Keith Krach là cựu Thứ trưởng ngoại giao đặc trách về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường.
Ông Krach nói: “Đây là lúc để chấm dứt việc này. Nếu không, nó sẽ tiếp diễn, và sẽ lan rộng.”
Trong một bài bình luận gần đây trên Newsweek, bà Cohanim và ông Krach đã chỉ ra sự tương đồng giữa các trại Holocaust và sự đàn áp của Trung Cộng ở Tân Cương. Họ viết, một điểm tương đồng, là việc Trung Cộng hủy hoại người Duy Ngô Nhĩ, gợi lại cách Đức Quốc xã mô tả người Do Thái trước khi đưa họ đến các trại tập trung.
Bà Cohanim nói với The Epoch Times, “Chúng tôi thấy Trung Cộng đang thực hiện những chiến thuật giống hệt như vậy, khi họ gọi tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ là một bệnh dịch có thể truyền nhiễm. Họ mô tả những người Duy Ngô Nhĩ như những khối u ác tính. Và họ đã mô tả những người Duy Ngô Nhĩ tương tự như cỏ dại, phải dùng hóa chất để tiêu diệt.”
Bà nói thêm: “Thứ giọng điệu này gợi nhớ một cách khó tin đến ngôn ngữ khủng khiếp của Đức Quốc xã [đối với người Do Thái]”.
‘Làm rỗng két tiền’
Người dân Hoa Kỳ có thể ngừng tài trợ vốn cho Trung Cộng bằng cách không đầu tư vào các công ty Trung Quốc có liên hệ với Bắc Kinh hoặc quân đội của Trung Cộng.
Bài xã luận viết: “Tác dụng của việc làm rỗng két tiền sẽ là rất rõ ràng ở phía bên kia thế giới tại Tân Cương.”
Ông Krach cho biết, “Điều thực sự đáng buồn là các nhà đầu tư phổ thông của Hoa Kỳ đang vô tình tài trợ vốn cho Trung Cộng.” Ông nói rằng các khoản đầu tư thụ động vào các quỹ chỉ số, quỹ tương hỗ, hoặc các quỹ ETF để rồi các quỹ này đem đi đầu tư vào các công ty Trung Quốc, đã góp phần vào việc vi phạm nhân quyền, phát triển hệ thống giám sát, hoặc quân sự của Trung Cộng.
Bà Cohanim khuyến khích các nhà đầu tư Hoa Kỳ—chẳng hạn như những người có các tiền tiết kiệm trong một quỹ hưu trí, các khoản đầu tư vào một quỹ tương hỗ, hay những người quyên góp cho một quỹ tài trợ hoặc một quỹ đầu tư vào trường đại học—liên hệ với các nhà quản lý quỹ và công ty môi giới của mình để yêu cầu sự minh bạch về các khoản đầu tư.
“Nếu nhà môi giới của quý vị hoặc đại diện của quỹ đầu tư không sẵn sàng chia sẻ thông tin về công ty mà họ đầu tư vào, thì có thể đã đến lúc phải tìm nơi khác,” bà Cohanim nói thêm.
Dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, nhiều công ty Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ trừng phạt vì vai trò trong việc tạo điều kiện cho sự đàn áp của Bắc Kinh ở Tân Cương, hỗ trợ quân đội Trung Cộng bằng cách tham gia vào chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự của Trung Cộng và quân sự hóa Biển Đông.
Hiện tại, Ngũ Giác Đài đã xác định 44 công ty Trung Quốc là “các công ty quân sự của Trung Cộng” (CCMC), bao gồm các tập đoàn viễn thông khổng lồ như China Mobile, China Telecom, và China Unicom. Theo một bản thông tin của Bộ Ngoại giao cho thấy 44 tập đoàn này có hơn 1,100 công ty con.
Vào tháng 11/2020, Tổng thống Donald Trump khi đó đã ban hành sắc lệnh cấm đầu tư của Hoa Kỳ vào 44 công ty này và các công ty con liên quan.
Ngoài các nhà đầu tư phổ thông của Hoa Kỳ, ông Krach nói rằng các tập đoàn và tổ chức có tiếng nói gây ảnh hưởng cũng nên có trách nhiệm.
Ví dụ, ông Krach đã kêu gọi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) có trụ sở tại Thụy Sĩ đưa chủ đề về đàn áp của Trung Cộng ở Tân Cương vào nghị trình của các cuộc họp.
“Tôi thậm chí không thấy chủ đề này trên trang web của họ. Tôi đã đến tham dự Diễn đàn đó 20 năm qua,” ông Krach nói khi đề cập đến WEF.
WEF sẽ tổ chức phiên họp thường niên đặc biệt tại Singapore trong bốn ngày bắt đầu từ ngày 25/5 năm nay.
Ông Krach cũng kêu gọi cộng đồng ESG—cộng đồng các nhà đầu tư quan tâm đến quản trị doanh nghiệp, xã hội và môi trường bền vững đối với các khoản đầu tư của mình—lên tiếng về cuộc đàn áp ở Tân Cương. Đối với các giám đốc điều hành công ty, họ nên bảo đảm rằng chuỗi cung ứng của họ là trong sạch.
Đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, ông Krach cho rằng xung đột lợi ích ảnh hưởng đến trách nhiệm của doanh nghiệp. Do nhiều công ty có thị phần lớn tại Trung Quốc, họ không muốn làm mất lòng nhà cầm quyền Trung Cộng vì sợ bị trả thù.
Ông Krach nói, “Tôi tin rằng không ai nên quỳ phục trước Trung Cộng. Rõ ràng là chúng ta có phẩm giá đạo đức cao ở đây.”
Jan Jekielek và Frank Fang
Lý Bình biên dịch
Xem thêm: