Các nhà bảo vệ môi trường đề xướng đẩy nhanh việc chấm dứt nhập cảng năng lượng Nga của Âu Châu
Báo cáo mới ủng hộ việc phân bổ năng lượng, ‘tình trạng kinh tế thời chiến’ kiểu COVID, và giao thông công cộng miễn phí
Một báo cáo hồi tháng Ba của tổ chức bảo vệ môi trường RePlanet đang thúc đẩy việc ngừng nhập cảng dầu, khí đốt tự nhiên, và than đá của các nước Âu Châu ngay lập tức, cho rằng những thay đổi chính sách lớn có thể nhanh chóng chấm dứt sự phụ thuộc đó.
Trong khi Liên minh Âu Châu đã cam kết loại bỏ dần việc nhập cảng nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, các nhà vận động RePlanet hướng tới việc đẩy nhanh tiến độ đó thông qua các biện pháp khác nhau, bao gồm tái kích hoạt các nhà máy điện hạt nhân đã đóng cửa, giảm hệ thống sưởi trong các tòa nhà, đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng gió và năng lượng mặt trời mới, đồng thời cấm hoàn toàn một số hình thức di chuyển trong Âu Châu.
“Chúng tôi đề xướng lệnh cấm đối với tất cả các chuyến bay thương gia, phản lực cơ tư nhân và các chuyến bay nội địa trong Âu Châu để tiết kiệm dầu, đồng thời cấm sử dụng xe hơi trong nội thành. Điều này cần được kết hợp với giao thông công cộng miễn phí,” báo cáo nêu rõ, cho biết thêm rằng một phần tư lượng dầu sử dụng của Âu Châu sẽ cần phải cắt giảm để bù đắp cho lượng dầu của Nga bị thâm hụt.
Mặc dù Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã cấm nhập cảng dầu từ Nga, nhưng các nhà hoạch định chính sách châu lục đã khiến Âu Châu phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng của Nga, vốn gây trở ngại cho các biện pháp [trừng phạt] như vậy.
Riêng trong năm 2021, khoảng 45% lượng khí đốt tự nhiên nhập cảng của Liên minh Âu Châu đến từ Nga và chiếm khoảng 40% tổng lượng khí đốt tiêu thụ của khối này.
Theo Bruegel, một tổ chức tư vấn của Bỉ, EU cũng phụ thuộc nhiều vào Nga về cả than nhiệt giúp tạo ra điện lẫn than luyện kim được sử dụng trong sản xuất sắt thép. Trong đó 70% lượng than nhiệt nhập cảng của EU đến từ Nga, từ 20 đến 30% lượng than luyện kim nhập cảng của EU có thể được truy nguồn là đến từ cùng một quốc gia đó.
EU đã ban hành một lệnh cấm vận đối với than của Nga.
Trong các bình luận tại Nghị viện Âu Châu hôm 06/04, Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel nói: “Tôi nghĩ rằng sớm hay muộn cũng sẽ cần đến các biện pháp về dầu mỏ và có khi cả khí đốt.”
Hôm 14/04, New York Times đã thu hút bình luận của các nhà ngoại giao và quan chức ẩn danh, những người cho rằng EU đang chuẩn bị sẵn sàng cho một lệnh cấm vận đối với các sản phẩm dầu của Nga.
Báo cáo nêu rõ, “Chúng ta sẽ cần các biện pháp mạnh mẽ để giảm nhu cầu, được thực hiện thông qua một số hình thức phân bổ năng lượng để bảo đảm gánh nặng này được san sẻ đều nhau cũng như không gây tổn hại một cách bất cân xứng đến các gia đình và quốc gia nghèo hơn,” sau đó lập luận rằng việc không có hệ thống phân bổ có thể khiến cho giá cả tăng cao và “làm suy yếu sự đồng thuận cần thiết để củng cố nỗ lực chiến tranh này.”
Viết tại Climate Depot, ông Marc Morano lập luận rằng phân tích của tổ chức RePlanet phản ánh một “sự say mê thích thú với các cuộc phong tỏa COVID.”
Báo cáo nêu rõ, “Chúng ta có thể cần ban bố một tình trạng khẩn cấp, và một sự công nhận chính trị rõ ràng rằng các nền kinh tế Âu Châu hiện đang ở trong tình trạng chiến tranh liên quan tới tốc độ nhanh chóng của quá trình chuyển đổi năng lượng,” đồng thời nói thêm rằng, “ở một số khía cạnh, tốc độ của sự thay đổi này sẽ giống như các cuộc phong tỏa Covid, nhưng với một quỹ đạo khác trong dài hạn.”
Trong phần sau về các kết quả trung và dài hạn, báo cáo tuyên bố rằng “một cách tiếp cận nền kinh tế thời chiến sẽ cần được duy trì” để đem lại năng lượng mặt trời và năng lượng gió, sưởi ấm và vận chuyển bằng điện nhiều hơn, củng cố hoặc tái khởi động điện hạt nhân.
Bản phân tích đầu tiên đã thu hút được sự chú ý rộng rãi thông qua việc đưa tin trên The Guardian, một ấn phẩm thiên tả của Anh.
Tác giả chính của báo cáo này là ông Mark Lynas, trước đây đã từng viết bài cho The Guardian.
Trong một bài báo gần đây cho ấn phẩm đó, ông đã ủng hộ một ‘ngày tự do hóa thạch’ — hay nói cách khác là ngày mà toàn cầu thoát khỏi việc sử dụng dầu, khí đốt tự nhiên, và than đá.
Ông Lynas viết vào thời điểm đó, “Nếu chúng ta đặt nó vào năm 2150, khi mà Saudi Arabia chắc chắn sẽ tình nguyện ngay lập tức, thì lúc đó chúng ta sẽ đi trên con đường hướng tới việc biến Trái đất thành Kim tinh. Tôi đề cử năm 2047.”
Ông Lynas cũng lãnh đạo một nhóm ủng hộ GMO, Liên minh Khoa học (AfS), và đã từng đảm nhiệm như một học giả vãng lai của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Mặc dù bài phân tích của RePlanet khẳng định rằng “đây không phải là một bước nhảy vọt trong bóng tối” và “các con số đều hợp lý”, nhưng một tuyên bố từ chối trách nhiệm ở phần cuối nói rằng “các con số trong kế hoạch này được coi là những khả năng dự tính mang tính biểu thị của các hành động khác nhau, không phải là giá trị chính xác hoặc thậm chí là kết quả có thể xảy ra.”
Ngoài ra, sau khi đề xướng các lệnh cấm đối với các chuyến bay nội địa Âu Châu và sử dụng xe hơi trong đô thị, báo cáo này lưu ý rằng “tác động của điều này không dễ dàng định lượng.”
Báo cáo sau đó cho biết thêm: “Chúng tôi tin rằng điều này có thể tăng gấp đôi mức giảm sử dụng dầu ngoài mức mà IEA đề xướng trong cuốn sổ tay ‘Tiết kiệm dầu trong tình trạng khẩn cấp’ của mình.”
The Epoch Times đã liên lạc với ông Lynas để xin bình luận.
Ông Nathan Worcester là một phóng viên môi trường tại The Epoch Times. Có thể liên hệ với ông ấy tại [email protected]. Theo dõi Nathan trên Twitter @nnworcester
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: