Các nhà bán lẻ phương Tây mắc kẹt giữa doanh thu và đạo đức trong vấn đề ngược đãi ở Tân Cương
Phân tích tin tức
Nhiều thương hiệu quốc tế đã cố gắng tránh xa nguồn cung ứng nguyên liệu và lao động từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc do các hành động diệt chủng của Bắc Kinh nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ cùng các dân tộc thiểu số và tôn giáo khác.
Gần đây, Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Vương quốc Anh và Canada đã trừng phạt một số quan chức Trung Cộng vì đã tham gia vào cuộc đàn áp những người thiểu số phần lớn là theo đạo Hồi ở Tân Cương. Trung Cộng đã giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung ở khu vực này. Những người bị giam giữ bị cưỡng bức lao động, tra tấn, hãm hiếp và cải huấn chính trị.
H&M, Gap, Nike và Japan’s Fast Retailing – công ty mẹ của UNIQLO – đều đã đưa ra các tuyên bố trong hai năm vừa qua nhằm lên án nạn cưỡng bức lao động hoặc tránh xa các cáo buộc liên quan.
Nhưng giờ đây, các doanh nghiệp phương Tây đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ nhà cầm quyền cộng sản này và ngày càng bị buộc phải lựa chọn đứng về phía bên nào. Có thể các công ty này đang gặp phải tình thế khá khó khăn giữa việc vừa làm hài lòng Bắc Kinh để giữ nguồn khách hàng Trung Quốc của họ, vừa tuân theo kỳ vọng của các cổ đông, các nhà điều hành phương Tây và các bên liên quan khác.
Hôm 25/03, tờ Nhân Dân nhật báo, một cơ quan ngôn luận của Trung Cộng, đã chỉ trích các hãng Nike, Adidas, New Balance và Burberry – tất cả các thành viên của Sáng kiến Bông tốt hơn (Better Cotton Initiative, BCI) – và khuyến nghị tẩy chay các công ty tên tuổi này trên toàn Trung Quốc. Hàng chục nhân vật nổi tiếng Trung Quốc đã hoặc có kế hoạch hủy hợp đồng với các thương hiệu phương Tây này vì lập trường của họ về vấn đề Tân Cương.
BCI đã trở thành một mục tiêu thường xuyên trên mạng xã hội Trung Quốc. BCI thúc đẩy việc sản xuất bông bền vững, đồng thời năm ngoái họ đã thông báo ngưng hỗ trợ các công ty thành viên tìm kiếm nguồn cung ứng bông từ Tân Cương do những lo ngại về vấn đề nhân quyền. Tân Cương cung cấp khoảng 20% lượng bông của thế giới.
H&M và Fast Retailing cũng là các thành viên của BCI.
Nhà bán lẻ thời trang nhanh của Thụy Điển H&M là một trong những mục tiêu được nhắm tới ngay từ đầu khi Liên đoàn Thanh niên Đảng Cộng sản lần ra một tuyên bố hồi đầu năm 2020 của công ty này nói rằng họ sẽ chặn các nguồn cung ứng bông từ Tân Cương. Nike và Adidas cũng đã bị tấn công trên mạng xã hội Trung Quốc và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Cộng vì lập trường của họ. Trước đó, cả hai công ty này đều đưa ra tuyên bố rằng họ không lấy nguyên liệu từ khu vực Tân Cương.
Công ty internet khổng lồ Tencent Holdings của Trung Quốc đã loại bỏ “da” hoặc trang phục ảo của các nhân vật theo chủ đề Burberry trong trò chơi điện tử di động Honor of Kings của Tencent, do các tuyên bố của hãng Burberry về việc tránh xa nguyên liệu có nguồn gốc từ Tân Cương. Quyết định này được công bố trong một bài đăng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, thuộc sở hữu của Tencent.
Ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập hãng thông tấn nhà nước Trung Cộng Thời Báo Hoàn Cầu (Global Times), viết trong một bài xã luận rằng, “Việc đầu tư khổng lồ vào các mối liên kết với công chúng đã bị phá hủy ngay lập tức.”
“Họ quay về mà phàn nàn với xã hội phương Tây, bởi vì họ biết rằng vì bất cứ lý do gì, dù họ chủ động hay bị động, họ đã thực sự làm một điều mà người tiêu dùng Trung Quốc không thể chịu đựng được.”
Lo sợ bị người tiêu dùng Trung Quốc – những người bị các cơ quan tuyên truyền của Trung Cộng hạn chế tiếp cận thông tin độc lập – tẩy chay trên diện rộng, cổ phiếu của H&M, Burberry, Nike và Adidas đều đã sụt giảm vào tuần lễ kết thúc hôm 26/03. Adidas bị sụt giảm mạnh nhất, với giá cổ phiếu giảm 6.7% trong tuần lễ từ 22-28/3 tại Frankfurt.
Các công ty này đang thận trọng để cân bằng lợi ích kinh doanh của họ tại Trung Quốc với tâm lý của người tiêu dùng ở quê nhà. Một số công ty đã đổi ý, và một số đang bắt đầu lấy lòng Trung Cộng để ngăn chặn một cuộc tẩy chay và gỡ gạc lại việc kinh doanh.
Công ty Inditex của Tây Ban Nha, công ty điều hành các cửa hàng Zara, đã xóa một tuyên bố được công bố trước đây về Tân Cương khỏi trang web của mình hôm 24/03. Nhà bán lẻ Nhật Bản Muji gần đây đã bắt đầu tự nguyện quảng cáo rằng họ sử dụng “bông có nguồn gốc từ Tân Cương.” Công ty giày dép Hoa Kỳ Skechers cho biết các cuộc điều tra của họ không tìm thấy bằng chứng nào về lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng từ Trung Quốc của họ.
Cách mà chuyện này diễn ra sẽ rất thú vị khi mà các yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đang trở nên quan trọng đối với hội đồng quản trị và các cổ đông [của các công ty này].
Không có một định nghĩa nhất quán về các tiêu chuẩn ESG, nhưng nói chung, tiêu chuẩn này đánh giá các tác động môi trường của một công ty, các chính sách xã hội như tiêu chuẩn lao động, các mối quan hệ nhân viên, tác động đến cộng đồng địa phương, cũng như các yếu tố quản trị như tính minh bạch của quyền sở hữu, đạo đức kinh doanh, và tính độc lập của hội đồng quản trị.
Các nhà quản lý quỹ và đầu tư đã bắt đầu coi trọng ESG và, trong một số trường hợp, nhu cầu của nhà đầu tư đối với cổ phiếu của một công ty có thể có mối tương quan đồng biến với xếp hạng ESG của công ty đó.
Ví dụ, Adidas được công ty xếp hạng tín dụng S&P Global ấn định điểm ESG là 82. Tập đoàn Burberry có điểm số 87, Inditex có điểm số 75, trong khi H&M có điểm số 70.
Mặc dù S&P chỉ là một trong các công ty xếp hạng ESG – có nhiều công ty đánh giá ESG khác – những điểm số trên đều được coi là cao.
Nhưng nếu các công ty phương Tây này bắt đầu chấp nhận những yêu cầu của Bắc Kinh để giải cứu doanh số bán hàng, thì bức tranh sẽ trở nên ảm đạm hơn. Tích cực phục tùng Trung Cộng và làm ngơ trước tình cảnh của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương sẽ gây bất lợi cho điểm số ESG của các công ty này, với giả thuyết các công ty xếp hạng ESG đang thực hiện việc giám sát một cách độc lập.
Và điều này có thể khiến cho các quỹ đầu tư do phải đáp ứng các ngưỡng ESG nhất định mà bắt buộc phải bán cổ phiếu của các công ty này, và có thể làm sụt giảm giá cổ phiếu.
Một lần nữa, các công ty đang làm ăn lớn ở Trung Quốc đang mắc kẹt giữa vấn đề doanh thu và đạo đức.
Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về kinh tế Trung Quốc kể từ năm 2015.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Fan Yu thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: