Các nghị sĩ Úc ủng hộ luật Magnitsky nhắm vào những kẻ vi phạm nhân quyền
Trong một cú đấm đúp, các thành viên Quốc hội Úc từ cả hai đảng chính đã đồng thời ủng hộ các luật kiểu Magnitsky sẽ cho phép chính phủ liên bang có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những kẻ vi phạm nhân quyền ngoại quốc.
Hôm 03/08, Thượng nghị sĩ Đảng Lao Động Kimberley Kitching đã giới thiệu Dự luật Nhân quyền và Tham nhũng Quốc tế (Các biện pháp trừng phạt Magnitsky) 2021, được Thượng nghị sĩ Đảng Lao Động Anne Urquhart ủng hộ.
Hai ngày sau, Ngoại trưởng Marise Payne, một thượng nghị sĩ Đảng Tự Do, đã đưa ra một tuyên bố cho thấy chính phủ sẽ ủng hộ việc giới thiệu các luật như vậy.
Bà Kitching nói với Quốc hội, “Nếu không có luật này, chúng ta không chỉ là kẻ ngoài cuộc trong số các nền dân chủ tương tự, mà chúng ta còn có thể trở thành một nơi thu hút sự trung chuyển những đồng tiền bất chính khi ngày càng có nhiều quốc gia thực hiện luật trừng phạt của riêng họ.”
Bà nói thêm: “Trong một thế giới mà chủ nghĩa độc tài ngày càng lớn mạnh, điều này trở thành một vũ khí dành cho sự phản kháng dân chủ. Một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ sẽ được gửi tới các quan chức cấp thấp hơn và những tên côn đồ tội phạm rằng tội ác của họ—dù nhân danh hay được bảo hộ bởi cấp trên của họ, sẽ không giúp họ tránh khỏi việc phải chịu những hậu quả trên quốc tế.”
“Điều này là để nói với họ rằng: ‘Số tiền mà quý vị đánh cắp được chẳng có gì là tốt ở đây. Cho dù quý vị đánh cắp của người dân như thế nào, thì sẽ không có những chuyến đi mua sắm ở Paris, sẽ không có những biệt thự trước bến cảng ở Sydney, sẽ không có những chuyến trượt tuyết ở Aspen, sẽ không có những món tiền tiết kiệm ở một ngân hàng phương Tây đâu. Và giống như nhà vua Midas, họ sẽ có rất nhiều vàng nhưng chẳng có cách nào để tận hưởng chúng,” bà nghị sĩ nói tiếp.
Bà nói thêm, “Đó là để nói với họ rằng: ‘Quý vị không thể đi du lịch ở đây. Hãy đi tìm một khu nghỉ dưỡng ở đất nước mà quý vị đã hủy hoại và làm ô nhiễm và tham nhũng và ngược đãi người dân. Không có lối thoát nào được đề nghị ở đây.”
“Đây là để nói với họ rằng: ‘Quý vị ở dưới cả sự khinh thường, quý vị thật đáng ghê tởm đến mức chúng tôi đã phán xét quý vị và chúng tôi sẽ nói như thế trước công chúng và khuyến khích các quốc gia tự do khác làm điều tương tự để hết cánh cửa này đến cánh cửa khác sẽ đóng sầm trước mặt quý vị.’”
Bà Kitching là thành viên của Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC), một liên minh của các nhà lập pháp tập trung vào việc điều phối cách tiếp cận của các nước dân chủ đối với Trung Cộng. Tổ chức này bao gồm hơn 100 chính trị gia đến từ 20 quốc gia.
Trong khi đó, bà Payne cho biết, “Chính phủ Úc sẽ cải cách và hiện đại hóa luật trừng phạt tự chủ động của Úc (autonomous sanctions) để cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm đến mục tiêu và cấm du lịch đối với những kẻ gây ra các hành vi nghiêm trọng thu hút sự quan tâm của quốc tế.”
Bà cho biết thêm, “Các cải cách này sẽ mở rộng trên khuôn khổ trừng phạt tự chủ động căn cứ theo từng quốc gia hiện có của Úc nhằm xác định các chủ đề hành vi mà các biện pháp trừng phạt có thể được áp dụng, chẳng hạn như phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, hoạt động mạng độc hại và tham nhũng nghiêm trọng.”
“Một khi các loại hành vi này được thiết lập, Úc sẽ có khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào mục tiêu và cấm du lịch đối với các cá nhân và tổ chức được xác định là có liên quan đến hành vi có thể bị trừng phạt đó ở bất cứ đâu mà hành vi xảy ra mà không cần phải thiết lập các quy tắc cụ thể căn cứ theo từng quốc gia.”
Các luật kiểu Magnitsky đã nhận được sự ủng hộ lưỡng đảng từ một ủy ban của quốc hội hồi tháng 12/2020 sau khi một cuộc khảo sát ý kiến sâu rộng đã nhận được 160 bản đệ trình.
Những người ủng hộ nhân quyền đáng chú ý bao gồm cả luật sư Amal Clooney, trạng sư Geoffrey Robertson QC, và cựu vô địch cờ vua Nga, nhà vận động nhân quyền Garry Kasparov, đã lên tiếng ủng hộ các luật này.
Sau tám tháng, báo cáo của ủy ban này vẫn chưa được chính phủ liên bang thực hiện, cho đến tuần này.
Đạo luật được đặt theo tên của luật sư Sergei Magnitsky, người đã vạch trần hành vi gian lận thuế lớn của các quan chức Nga với số tiền lên đến 230 triệu USD. Sau đó, ông đã bị bắt giam, bị tra tấn và qua đời vào năm 2009 sau một năm trong nhà tù ở Moscow.
Các luật này nhắm vào những cá nhân bị phát hiện có liên quan đến các hành vi vi phạm nhân quyền. Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm việc đóng băng tài sản của các quan chức, cũng như cấm các thành viên gia đình đi du lịch đến một số quốc gia cụ thể.
Hiện tại, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Liên minh Âu Châu và Canada đã thực hiện các luật tương tự.
Do Daniel Y. Teng thực hiện
Nguyệt Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: