Các nghị sĩ Canada chúc mừng 30 năm hồng truyền môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công
Hôm 10/05, các nhà lập pháp Canada ở Ottawa đã gửi lời khen ngợi khi các học viên Pháp Luân Công kỷ niệm 30 năm hồng truyền môn tu luyện tinh thần này ra cho công chúng.
Nghị sĩ Đảng Tự Do Judy Sgro cho biết các bài giảng đạo đức của Pháp Luân Công dựa trên các nguyên lý về chân, thiện, và nhẫn là “niềm hy vọng cho tương lai” và là điều mà “người dân Canada mong muốn được nghe nhiều hơn.”
Trình bày trước các học viên Pháp Luân Công đang tổ chức một buổi lễ trên Đồi Nghị viện, bà Sgro nói: “Canada mạnh mẽ như vậy là nhờ tất cả các quý vị, vì quý vị có mặt ở đây hôm nay. Và quý vị đang chỉ dẫn cho chúng tôi về tâm thái hòa ái, sự thật, lòng khoan dung, và sự tôn trọng mà chúng ta cần tiếp tục dành cho nhau.”
Ông Kevin Lamoureux, một nghị sĩ Đảng Tự Do kiêm thư ký quốc hội của lãnh đạo chính phủ tại Hạ viện, nói rằng ngày 13/05, ngày được tôn vinh là ngày Pháp Luân Đại Pháp, “là một ngày rất đặc biệt trên toàn thế giới.”
Đề cập đến ba nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp, ông Lamoureux đã nói trong một video rằng, “chân, thiện, nhẫn … là những điều có rất nhiều ý nghĩa trong xã hội ngày nay, và tôi chỉ muốn chúc tất cả mọi người có một lễ kỷ niệm thật đặc biệt trong ngày 13/05.”
Còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, môn tu luyện thiền định này được truyền ra lần đầu tiên vào năm 1992 tại Trung Quốc, nơi môn tập đã trở nên phổ biến rộng rãi do những lợi ích của môn này đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân. Theo ước tính chính thức của Trung Quốc, đến năm 1999, môn này đã thu hút từ 70 triệu đến 100 triệu người theo học chỉ riêng ở nước này.
“Pháp Luân Công dạy chúng ta rằng để đạt được tâm thái bình hòa, để đắc Đạo, hay điều mà Đức Phật gọi là Con Đường, người ta phải học cách sống theo các đặc tính vũ trụ chân, thiện, và nhẫn. Ngày nay, hàng triệu người từ mọi sắc tộc trên khắp thế giới tu luyện Pháp Luân Công, và cải thiện sức khỏe tinh thần, đạo đức, và thể chất của họ,” phát ngôn viên của nhóm tu luyện tinh thần này, ông Joel Chipkar, cho biết trong một cuộc tập hợp tại Đồi Nghị viện.
Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân đã coi sự phổ biến của Pháp Luân Công là một mối đe dọa đối với sự cai trị toàn trị của nhà cầm quyền, và vào tháng 07/1999 ông ta đã phát động một chiến dịch đàn áp tàn bạo nhằm xóa bỏ môn tu luyện này. Chiến dịch bạo lực này đã khiến vô số học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù, bị cưỡng bức lao động, bị tra tấn và thậm chí bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống.
Các học viên Pháp Luân Công tụ hội ở Ottawa cũng bày tỏ thương tiếc đối với cựu nghị sĩ kiêm bộ trưởng nội các David Kilgour, người đã phối hợp với luật sư nhân quyền người Canada David Matas để phơi bày hoạt động thu hoạch nội tạng kinh hoàng của ĐCSTQ vào năm 2006. Ông Kilgour đã qua đời hồi tháng trước, nhưng các đồng sự của ông tại nghị viện và các học viên Pháp Luân Công cho biết di sản của ông sẽ vẫn trường tồn.
Nghị sĩ Đảng Bảo Thủ Garnett Genuis, người đã liên tục đệ trình luật và các kiến nghị chống lại nạn thu hoạch và buôn bán nội tạng cưỡng bức lên Nghị viện, cũng đã ca ngợi ông Kilgour vì đã nâng cao nhận thức toàn cầu về vấn đề này, đồng thời nói rằng cuối cùng một dự luật có thể sẽ được thông qua ở Canada để đấu tranh chống lại những tội ác phản nhân loại.
“Chính người Canada là người đã khởi xướng thúc đẩy cuộc thảo luận này, nhưng Canada lại chậm hơn vì không thể thực sự thông qua luật để chống lại nạn thu hoạch và buôn bán nội tạng cưỡng bức,” ông Genuis nói. “Các thành viên của Nghị viện đã cố gắng thực hiện điều này trong suốt 15 năm qua, nhưng tôi nghĩ rằng lần này, Nghị viện lần thứ 44 này, cuối cùng sẽ làm được. Chúng tôi có động lực đằng sau việc này. Và tôi nghĩ rằng chúng tôi có những lịch trình để cuối cùng hoàn thành được việc này.”
Theo ông Genuis, Dự luật Thượng viện 223 (S-223), được Thượng nghị sĩ Salma Ataullahjan đệ trình lên Thượng viện, sẽ được đưa ra tranh luận tại Hạ viện vào ngày 13/05.
“Đây sẽ là việc Canada rốt cuộc cũng bước ra với tư cách là một chính phủ, khi gia nhập cộng đồng các quốc gia đã nỗ lực hết sức để chống lại nạn thu hoạch và buôn bán nội tạng cưỡng bức,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng Canada cần một “chính sách ngoại giao định hướng về nhân quyền ở ngoại quốc mạnh mẽ hơn” khi ĐCSTQ ngày càng thực hiện các biện pháp sách nhiễu do nhà nước hậu thuẫn để “sách nhiễu cuộc sống của những người đang ủng hộ cho công lý và nhân quyền” ở Canada.
Ông Genuis cũng đã đọc một lá thư chào mừng từ lãnh đạo lâm thời của Đảng Bảo Thủ Candice Bergen, người cho biết các học viên Pháp Luân Công đã giúp “khích lệ và thúc đẩy” các cộng đồng của họ bằng các giá trị về chân, thiện, và nhẫn trong đại dịch COVID-19.
Nghị sĩ Đảng Bảo Thủ Scott Reid cho biết ông đã giúp một số học viên Pháp Luân Công thoát khỏi Trung Quốc cộng sản và đến định cư tại Canada. Ông nói rằng nhà cầm quyền này đã thắt chặt hơn nữa sự kiểm soát đối với người dân, khiến các nỗ lực giải cứu trở nên khó khăn hơn nhiều trong thập niên vừa qua.
Ông Reid nói: “Tôi lấy làm tiếc rằng những thành công mà tôi từng được góp mặt trong đó giờ đã trở thành quá khứ xa vời. Trước kia chúng tôi từng có được thành công to lớn trong việc giúp đưa các học viên Pháp Luân Công có các mối liên hệ đến Canada, những người có mối liên hệ gia đình nào đó ở đất nước này, ra khỏi nhà tù ở Trung Quốc để đến đây, nơi họ đã trở thành những công dân kiểu mẫu kể từ đó.”
“Chúng tôi đã đạt được ít thành công hơn rất nhiều trong thập niên vừa qua. Và đó là bởi vì nhà cầm quyền ở CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] không còn cởi mở với dư luận quốc tế như trước đây nữa. Tôi rất lấy làm tiếc về sự thay đổi đó. Và tôi hy vọng rằng theo thời gian, những người lãnh đạo CHND Trung Hoa hiện nay sẽ noi gương quý vị — quý vị đang đặt định đúng những giá trị truyền thống của nền văn minh Trung Hoa.”
Bà Melissa Lantsman, một nghị sĩ Đảng Bảo Thủ đại diện cho khu vực Thornhill, Ontario, lưu ý rằng trên thực tế ĐCSTQ đã khuyến khích việc tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc trước khi phát động chiến dịch tàn bạo đối với môn tu luyện này vào năm 1999.
Bà nói: “Nhân ngày trọng đại này, nhân dịp kỷ niệm này, chúng tôi ghi nhận sự kiên cường, sức mạnh, và sự bền bỉ của hàng triệu học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị chính quyền cộng sản ở Trung Quốc đe dọa. Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực và hành động của họ, để thực hành tín ngưỡng của họ ngay cả khi đối mặt với một chiến dịch kinh sợ và đe dọa liên tục, cả ở Trung Quốc và ở đây, ngay tại Canada này.”
Nghị sĩ Tory Michael Cooper, người đã nhiều lần lên tiếng chống lại chế độ cộng sản Trung Quốc, cũng có mặt hôm 10/05 để lên tiếng ủng hộ các học viên Pháp Luân Công, đồng thời kêu gọi chính phủ Canada sử dụng Đạo luật Magnitsky đối với các quan chức ĐCSTQ thông đồng với những tội ác này.
“Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Đó là một phong trào đã mang lại nội tâm an hòa cho hàng triệu học viên trên khắp thế giới. Và mặc dù là một lực lượng vì những điều tốt đẹp nhất cho nhân loại, nhưng trong 23 năm qua, chúng ta đã chứng kiến một chiến dịch mang tính hệ thống và liên tục nhằm ‘xóa sổ’ Pháp Luân Công của chế độ cộng sản Trung Quốc tàn bạo và tà ác,” ông nói. “Và hãy để tôi nói rõ rằng tôi và tất cả các đồng sự của tôi luôn đứng về phía quý vị và về phía tất cả các học viên Pháp Luân Công đang bị tấn công bởi chế độ cộng sản Trung Quốc, một chế độ đã phạm phải những tội ác nghiêm trọng chống lại nhân loại.”
“Chúng ta không được ngưng nghỉ cho đến khi những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm. … Và đó là lý do tại sao điều quan trọng là Chính phủ Canada áp dụng các biện pháp trừng phạt theo kiểu Magnitsky đối với các quan chức cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm về những tội ác nghiêm trọng và các hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn này.”
Lời kêu gọi của ông Cooper về các biện pháp trừng phạt theo kiểu Magnitsky chống lại ĐCSTQ nhận được sự ủng hộ của đồng sự James Bezan, người cho biết ông tự hào đệ trình luật này tại Nghị viện Canada.
Ông Bezan nói: “Những học viên Pháp Luân Công đó không đáng bị tước bỏ nhân quyền; họ không đáng bị từ chối quyền tự do tín ngưỡng và tự do hội họp; họ không đáng bị sử dụng cho thí nghiệm trên thân người và cho ý tưởng tàn ác về thu hoạch nội tạng này, điều đó phải được dừng lại.”
“Một điều tôi rất tự hào trong thời gian đương nhiệm là tôi đã có thể đề đạt đạo luật Sergei Magnitsky để buộc những kẻ vi phạm nhân quyền tàn bạo và các quan chức ngoại quốc tham nhũng phải chịu trách nhiệm, để có thể nêu tên họ, khiến họ xấu hổ, xử phạt họ, và bảo đảm rằng họ không trốn tránh hình phạt khi vi phạm các nhân quyền căn bản.”
Một số nghị sĩ Đảng Bảo Thủ khác cũng đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm hồng truyền Pháp Luân Công, trong đó có ông Arnold Viersen, bà Anna Roberts, và ông Larry Brock.
Ông Viersen, người hiện là thành viên tiểu ban nhân quyền quốc tế của Hạ viện, cho biết ông cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị để bảo vệ các học viên Pháp Luân Công và chống lại nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc giống như đồng sự Genuis của ông.
“Tôi muốn cảm ơn cộng đồng Pháp Luân Công vì sự ủng hộ của họ,” ông nói. “Thay mặt cho những người đang phải chịu đựng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức, tôi muốn cảm ơn quý vị vì tất cả những kiến nghị mà quý vị đã cung cấp cho chúng tôi để chúng tôi có thể tiếp tục nêu lên vấn đề hết lần này đến lần khác.”
Một phụ tá của nghị sĩ Chris Warkentin cũng đã đến cuộc tập hợp hôm 10/05 để chia sẻ thư chúc mừng của ông Warkentin với các thành viên của nhóm tu luyện tinh thần này.
Nghị sĩ thuộc Đảng Bảo Thủ John Brassard cũng đã gửi lời chúc mừng của ông tới các học viên Pháp Luân Công qua một video nói bằng Hoa ngữ rằng môn tu luyện này là “tốt.”
“Pháp Luân Đại Pháp là tốt, ‘Pháp Luân Đại Pháp Hảo’. Pháp Luân Đại Pháp được thành lập cách đây 30 năm ở Trung Quốc theo nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Thật không may, nhiều học viên ở Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với sự đàn áp và bức hại của Đảng Cộng sản. Những người Canada tu luyện Pháp Luân Công, nhiều người trong số họ đến đây tị nạn để chạy thoát khỏi cuộc đàn áp ở Trung Quốc, thực sự biết ơn vì họ có thể tận hưởng các quyền tự do, sự đa dạng, và sự hỗ trợ nhân ái trên khắp đất nước trong xã hội Canada, và tự hào là một phần của các cộng đồng ở đây và gọi Canada là quê hương của họ.”
Trước buổi tập hợp này, hàng trăm học viên Pháp Luân Công đã diễn hành cùng một đoàn nhạc biểu diễn trực tiếp tại thủ đô quốc gia này. Nhóm học viên này cũng đã tổ chức lễ kỷ niệm bằng các buổi biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, và gửi lời chúc mừng đến nhà sáng lập pháp môn tu luyện này, Ngài Lý Hồng Chí.
Anh Andrew Chen là phóng viên của The Epoch Times tại Toronto.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times