Các ngân hàng thương mại Hoa Kỳ đang mua trái phiếu
Những người theo chủ nghĩa lạm phát đang cổ vũ tăng trưởng cho vay vì dường như đó là một dấu hiệu của sự tăng phát và tăng trưởng kinh tế khi chúng ta bước sang năm mới. Với việc Fed nhanh chóng thu hẹp bảng cân đối kế toán, tăng trưởng cho vay (của các ngân hàng thương mại Hoa Kỳ) đang đưa ra một xác nhận rằng lạm phát vẫn hiện hữu và có lẽ nền kinh tế đang trên bờ vực của một đợt gia tăng lạm phát lâu dài thực sự đã được dự đoán từ lâu. Bất chấp tăng trưởng cho vay tăng lên và lượng tiền mới được tạo ra từ đó, biện pháp này vẫn không đủ để duy trì lạm phát được.
Tiền mới đi vào hệ thống tài chính khi một khoản vay mới được khởi tạo từ hệ thống ngân hàng thương mại. Dựa trên dữ liệu gần đây nhất từ báo cáo hàng tuần về tài sản và nợ phải trả của các ngân hàng thương mại Hoa Kỳ, hay được gọi là báo cáo H.8, các khoản cho vay và cho thuê tài chính tại tất cả các ngân hàng thương mại đang tăng với tốc độ 3.1% so với thời điểm này năm ngoái. Tăng trưởng cho vay liên tục tăng kể từ khi chạm đáy -4.7% vào đầu tháng 05/2021 khi so với cùng kỳ năm trước.
Sự gia tăng cho vay của ngân hàng, biện pháp tạo ra tiền mới, sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn là có lý. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy mối quan hệ giữa hai yếu tố này là khá yếu. Tốc độ tăng trưởng cho vay hàng năm cao đã không góp phần làm tăng tỷ lệ lạm phát kể từ giữa những năm 1980, cho thấy các yếu tố giảm phát khác đang bù trừ cho việc tạo ra tiền mới từ hệ thống các ngân hàng thương mại Hoa Kỳ.
Cho đến giữa cuộc Đại Khủng hoảng Tài chính, các khoản cho vay và cho thuê tài chính tại tất cả các ngân hàng thương mại và tiền gửi tại tất cả các ngân hàng thương mại đã tăng một cách song hành. Sau cuộc Đại Khủng hoảng Tài chính, tốc độ tăng tiền gửi đã nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng cho vay. Các khoản tiền gửi tăng lên thường gây giảm phát do tiền nằm trong tài khoản ngân hàng thay vì được đưa vào việc sử dụng có hiệu quả trong nền kinh tế thực.
Trong thập kỷ trước cuộc Đại Khủng hoảng Tài chính, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi không thấp hơn 0.90, cho thấy số tiền gửi nhiều hơn một chút so với số dư nợ cho vay. Kể từ cuộc Đại Khủng hoảng Tài chính, tỷ lệ này đã giảm đều đặn và hiện chỉ còn dưới 0.60 do các ngân hàng dường như không thể cho vay kịp nhanh so với mức tiền gửi ngày càng tăng này.
Ở góc độ các ngân hàng thương mại, họ vẫn phải trả lãi cho các khoản tiền gửi nhàn rỗi này. Trong một kịch bản lý tưởng, các ngân hàng thương mại sẽ cho vay đối với các khoản tiền gửi này và sử dụng tiền lãi từ các khoản cho vay này để trả [lãi] cho người gửi tiền. Nếu không có đủ tăng trưởng cho vay, các ngân hàng thương mại buộc phải mua chứng khoán Kho bạc Hoa Kỳ để trả lãi cho những khoản tiền gửi dư thừa đó.
Khi tiền mới đi vào hệ thống ngân hàng thương mại, các ngân hàng thương mại ước tính được trong khoảng bao lâu thì số tiền này sẽ duy trì trên tài khoản tiền gửi tùy thuộc vào đó là tiền gửi của tiêu dùng (cá nhân) hay tiền gửi thương mại (doanh nghiệp). Vì hệ thống ngân hàng thương mại hoạt động dựa trên cơ sở dự trữ, nên các ngân hàng thương mại chuyển những khoản tiền gửi mới đó thành các khoản dự trữ ngân hàng bằng cách dùng tiền gửi này của khách hàng mua chứng khoán Kho bạc Hoa Kỳ.
Dự trữ ngân hàng không gì khác hơn là một khoản tiền gửi được chính phủ Hoa Kỳ bảo đảm dưới hình thức chứng khoán Kho bạc Hoa Kỳ. Ngân hàng thương mại sử dụng lãi từ chứng khoán Kho bạc để trả lãi tiền gửi. Khi số tiền gửi vượt quá số tiền cho vay, các ngân hàng thương mại phải mua chứng khoán Kho bạc để lấp vào khoảng chênh lệch đó.
Khi các ngân hàng thương mại cần nhiều chứng khoán Kho bạc hơn để chuyển đổi tiền gửi của khách hàng thành dự trữ ngân hàng, thì lãi suất có xu hướng giảm. Kể từ giữa những năm 2000, có mối tương quan tới 90% giữa tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của ngân hàng thương mại và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm. Khi tiền gửi tiếp tục tăng, lợi tức kho bạc tiếp tục giảm do hệ quả của việc tạo ra các khoản dự trữ ngân hàng.
Với lãi suất ngắn hạn các ở mức thấp trong lịch sử và có ít lựa chọn thay thế cho người tiêu dùng để tạo ra lợi tức cao hơn từ các khoản tiết kiệm của họ, tiền gửi ngân hàng thương mại có khả năng tiếp tục tăng. Trừ khi nhu cầu tín dụng tăng mạnh thúc đẩy cho vay tăng trưởng đột biến, các ngân hàng thương mại sẽ buộc phải tiếp tục chuyển các khoản tiền gửi [của khách hàng] thành dự trữ ngân hàng. Khi các ngân hàng cần nhiều nợ của chính phủ hơn để hậu thuẫn cho số tiền gửi (của khách hàng) vào ngân hàng, lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp và có khả năng sẽ giảm thấp hơn nữa.
Trong khi những người theo chủ nghĩa lạm phát đang cổ vũ cho sự gia tăng cho vay của các ngân hàng thương mại như một dấu hiệu của sự tăng phát, thì quan điểm của họ vẫn thiển cận trước bức tranh giảm phát lớn hơn được tạo ra bởi sự gia tăng nhanh chóng của tiền gửi ngân hàng. Chừng nào tiền gửi tiếp tục tăng với tốc độ nhanh hơn các khoản cho vay, thì lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp. Dựa trên thiết kế của hệ thống tài chính của chúng ta, các ngân hàng sẽ tiếp tục mua trái phiếu, thứ sẽ giữ lãi suất ở mức thấp, bất kể lạm phát có thể tăng nóng như thế nào.
Hầu hết những người theo chủ nghĩa lạm phát đều tin rằng lãi suất phải tăng khi lạm phát tăng nhưng, [nhưng] mặc dù lạm phát tăng, lợi suất vẫn ở mức thấp. Lý do lợi suất vẫn ở mức thấp và sẽ tiếp tục ở mức thấp không liên quan gì đến lạm phát mà thực tế là các ngân hàng thương mại đang mua trái phiếu bằng tiền gửi của khách hàng.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Steven Van Meter, CFP, thiết kế và quản lý các chiến lược đầu tư độc đáo. Ông có một chương trình trên YouTube, nơi người hâm mộ trên toàn cầu theo dõi để nghe suy nghĩ của ông về nền kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ và thị trường.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: