Các ngân hàng đầu tư ở Wall Street tuân lệnh TT Trump, hủy niêm yết sản phẩm ở Hồng Kông
Ba ngân hàng đầu tư lớn của Hoa Kỳ sẽ hủy niêm yết giao dịch tổng cộng khoảng 500 sản phẩm cấu trúc niêm yết tại Hồng Kông, theo hồ sơ công ty từ các sàn chứng khoán Hồng Kông vào ngày 10/01.
Goldman Sachs, JPMorgan và Morgan Stanely tuyên bố rằng việc hủy niêm yết tuân theo sắc lệnh (E.O.) 13959 của Tổng thống Donald Trump.
Trump đã ban hành lệnh vào ngày 12/11/2020, cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc đã được Ngũ Giác Đài xác định là có liên hệ với Hồng Binh Trung Quốc, với lý do đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Tổng cộng 35 công ty Trung Quốc nằm trong danh sách bị cấm, bao gồm ba công ty viễn thông Trung Quốc; China Mobile, China Telecommunications và China United Network Communications, cũng như nhà sản xuất thiết bị giám sát Hikvision, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn SMIC và nhà sản xuất toa xe lửa CRRC.
Lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 11/01 khi các nhà đầu tư Hoa Kỳ, bao gồm cả các quỹ hưu trí, sẽ bị cấm giao dịch bất kỳ chứng khoán nào của các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen này. Tuy nhiên, các giao dịch thoái vốn chứng khoán được phép thực hiện cho đến ngày 11/11 năm nay.
Sở giao dịch và thanh toán bù trừ Hồng Kông, đơn vị điều hành Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông, cho biết trong một tuyên bố hôm 10/01 rằng việc hủy niêm yết theo kế hoạch sẽ không có “tác động tiêu cực nghiêm trọng” đến thị trường sản phẩm có cấu trúc của thành phố.
“HKEX đang làm việc chặt chẽ với các tổ chức phát hành có liên quan để bảo đảm việc hủy niêm yết có trật tự và tạo điều kiện thuận lợi cho các thỏa thuận mua lại do các tổ chức phát hành thu xếp,” họ nói thêm.
Vào ngày 07/01, Sở giao dịch chứng khoán New York thông báo rằng họ sẽ xóa danh sách ba công ty viễn thông Trung Quốc bắt đầu từ ngày 11/01 nhưng sẽ không làm trước khi MSCI Inc., FTSE Russell, S&P Dow Jones và Nasdaq thông báo loại bỏ các công ty Trung Quốc bị cấm đầu tư ra khỏi các chỉ số, tuân thủ mệnh lệnh của Tổng thống.
Vào ngày 13/11/2020, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, khi được hỏi về sắc lệnh của TT Trump trong một cuộc họp giao ban thường nhật, đã cáo buộc chính phủ Hoa Kỳ “lạm dụng” quyền lực của mình để “đàn áp các doanh nghiệp Trung Quốc”.
Ông Uông cũng cáo buộc chính phủ Hoa Kỳ “bêu xấu và làm mất uy tín chính sách kết hợp quân sự-dân sự của Trung Quốc.”
Sự hợp nhất được gọi chính thức là đưa các yếu tố dân sự vào hoạt động quân sự (dân sự hóa quân sự), mà Bắc Kinh áp dụng để thúc đẩy các đổi mới công nghệ của mình. Nỗ lực tổng hợp được giám sát bởi một cơ quan chính phủ Trung Quốc có tên là Ủy ban Trung ương về Phát triển Dân sự hóa Quân sự, được thành lập vào năm 2017.
Chính phủ TT Trump đã nhiều lần cảnh báo về những nỗ lực của Trung Cộng nhằm thúc đẩy sự hợp tác này.
“Thông qua chiến lược quốc gia về Dân Sự hóa Quân sự, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) tăng quy mô tổ hợp công nghiệp-quân sự của đất nước bằng cách buộc các công ty dân sự Trung Quốc hỗ trợ các hoạt động tình báo và quân sự của mình,” Tòa Bạch Ốc nêu rõ trong một tuyên bố vào ngày 12/11/2020 kèm theo sắc lệnh.
Tòa Bạch Ốc cho biết thêm: “Các công ty đó, mặc dù bề ngoài vẫn là tư nhân và dân sự, nhưng lại trực tiếp hỗ trợ các bộ máy quân sự, tình báo và an ninh của CHND Trung Hoa và viện trợ cho sự phát triển và hiện đại hóa của họ.”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mô tả trên trang web của mình rằng, “Trung Cộng đang thực hiện chiến lược này, không chỉ thông qua các nỗ lực nghiên cứu và phát triển của riêng mình, mà còn bằng cách chuyển hướng và tìm mua các công nghệ tân tiến nhất của thế giới — kể cả thông qua hành vi trộm cắp — để đạt được sự thống trị về quân sự.”
Frank Fang
Minh Khanh biên dịch
Xem thêm: