Các nền kinh tế hàng đầu thế giới đối mặt sự suy giảm trong bối cảnh có nhiều bất ổn
Chuyên gia lo sợ về suy thoái toàn cầu, thêm nhiều thảm họa nhân đạo
Các biện pháp hạn chế COVID-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, và tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine đối với giá năng lượng, thực phẩm, và kim loại đã dẫn đến sự suy giảm của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới — Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Theo Bộ Lao động, Lạm phát của Hoa Kỳ vẫn ở mức cao nhất trong 40 năm, với chỉ số giá tiêu dùng của tháng Tư tăng 8.3% so với 12 tháng trước đó. So với mức tăng 8.5% vào tháng Ba, tỷ lệ lạm phát hàng năm trong tháng Tư vẫn ở mức chưa từng thấy kể từ những năm 1980.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, ông Jerome Powell, nói với Wall Street Journal vào hôm 17/05 rằng ông sẽ tiếp tục tăng lãi suất liên bang cho đến khi thấy bằng chứng rõ ràng về việc giá cả giảm trở lại. Ông nói thêm rằng “có thể có một số khó khăn liên quan đến việc khôi phục sự ổn định giá cả,” chẳng hạn như tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Theo The Conference Board, một tổ chức bất vụ lợi về số liệu thống kê và xu hướng có trụ sở tại Hoa Kỳ, thì Chỉ số Kinh tế Hàng đầu (LEI) cho Hoa Kỳ “đã giảm 0.3% trong tháng Tư xuống còn 119.2 (2016 =100), sau khi tăng 0.1% vào tháng Ba,” giảm tháng thứ hai liên tiếp trong năm 2022.
Báo cáo nêu rõ, “Nhìn chung, LEI của Hoa Kỳ về căn bản không thay đổi trong những tháng gần đây, phù hợp với triển vọng tăng trưởng vừa phải trong ngắn hạn. Một loạt các rủi ro tiêu cực — bao gồm lạm phát, lãi suất tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng, và ngừng hoạt động liên quan đến đại dịch, đặc biệt là ở Trung Quốc”, sự sụt giảm gần đây trong LEI của Hoa Kỳ phần lớn là do kỳ vọng của người tiêu dùng yếu.
LEI là một chỉ số được xuất bản hàng tháng bởi The Conference Board. Nó được sử dụng để dự đoán hướng chuyển động kinh tế toàn cầu trong những tháng tương lai, như Investopedia đã định nghĩa.
Tương tự, nhưng nghiêm trọng hơn so với Hoa Kỳ, chỉ số LEI của Conference Board dành cho Trung Quốc “giảm 1.0% trong tháng Tư xuống 169.7 (2016 =100), sau khi giảm 0.4% vào tháng Ba,” cũng giảm trong hai tháng liên tiếp và đã có xu hướng tăng rủi ro đối với triển vọng kinh tế của nước này.
Báo cáo trích dẫn các hạn chế do COVID-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, và tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với giá năng lượng, thực phẩm, và kim loại là một số nguyên nhân khiến triển vọng kinh tế Trung Quốc giảm sút.
Trong gần hai tháng, kể từ hôm 05/04, Thượng Hải — thành phố với khoảng 26 triệu dân, được biết đến như một trung tâm tài chính và thương mại của Đông Á trong hơn một thế kỷ – đã hoàn toàn bị phong tỏa.
Một cuộc khảo sát qua điện thoại gần đây do Đại học Sư phạm Hoa Đông (ECNU) thực hiện cho thấy 89% nhà điều hành doanh nghiệp được khảo sát đã mất niềm tin vào doanh nghiệp của họ hoặc sẵn sàng đóng cửa doanh nghiệp của họ. Nhóm nghiên cứu do ông Quan Hạo (Guan Hao), tiến sĩ tại ECNU, dẫn đầu, đã liên hệ với 2,603 doanh nghiệp vừa và nhỏ để tham gia cuộc khảo sát, với tỉ lệ hồi âm là 38.15%.
Dữ liệu hàng tháng do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố cũng cho thấy triển vọng kinh tế tồi tệ của nước này khi năng suất giảm trong nhiều lĩnh vực, bao gồm sản xuất công nghiệp, dịch vụ, và bán hàng trên thị trường.
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp thành thị của Trung Quốc là 6.1% trong tháng Tư, cao hơn 0.3% so với tháng Ba. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 lên tới 18.2%. Các thành phố lớn, thường có các hạn chế zero COVID nghiêm ngặt hơn, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp cao hơn — tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở 31 thành phố lớn là 6.7%, theo dữ liệu khảo sát do cơ quan thống kê công bố hôm 16/05.
Trong một bài diễn thuyết trước công chúng vào tháng Mười Hai năm ngoái, Chủ tịch Viện Tài chính & Phát triển Quốc gia Trung Quốc, ông Lý Dương (Li Yang), tiết lộ rằng, tỷ lệ thất nghiệp là hơn 20% ở những người từ 20 đến 24 tuổi có trình độ đại học trở lên. Ông nói thêm rằng vào năm 2022, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ lần đầu tiên vượt quá 10 triệu người, làm trầm trọng thêm vấn đề thất nghiệp ở thanh niên có trình độ đại học.
Ông Đào Nhuệ (Tao Rui), một nhà bình luận kinh tế và chính trị, nói với The Epoch Times hôm 25/05: “Các hành vi kinh tế, chẳng hạn như đầu tư và tiêu dùng, chủ yếu dựa trên niềm tin vào tương lai. Vấn đề đáng báo động nhất về nền kinh tế toàn cầu hiện nay là sự không chắc chắn về tương lai. Và sự không thể đoán trước được ở một số nền kinh tế lớn nhất thế giới — [Hoa Kỳ và Trung Quốc] — có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.”
Ông Đào cho biết: “Ngày nay, các chính trị gia thao túng và củng cố quyền lực của họ thông qua khủng hoảng và bất ổn, hoặc thậm chí tạo ra các trường hợp khẩn cấp để củng cố vị thế của mình,” và nói thêm rằng quyền lực của giới tinh hoa chính trị có thể làm vấn đề thêm trầm trọng.
“Nếu một cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, thiệt hại của nó sẽ không kém cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 … và có thể đẩy mọi nền kinh tế lớn vào suy thoái kèm theo những thảm họa nhân đạo lan rộng, tương tự như những gì chúng ta đã thấy trong cuộc chiến Nga-Ukraine và cuộc phong tỏa Thượng Hải.”
Cô Kathleen Li đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009 và tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và kết cấu tại Úc.