Các mức thuế suất đang chạy đua đến đáy?
Theo Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen, thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu “đang chạy đua xuống mức đáy” trong nhiều năm qua. Theo quan điểm của bà, điều này phải được dập tắt từ khi còn trong trứng nước, nếu muốn đạt được sự thịnh vượng.
Nói gì thế nhỉ? Thuế quá thấp sao? Đây hẳn sẽ là tin thời sự với những người nộp thuế! Như bà ấy nhìn nhận vấn đề, sự giàu có của các quốc gia theo quan điểm của [nhà kinh tế học] Adam Smith không đến từ khu vực tư nhân. Đúng hơn, chính phủ là động lực của tăng trưởng. Và chính phủ càng có nhiều tiền, thì tất cả chúng ta sẽ càng khấm khá. Nhưng khu vực công được nuôi dưỡng bằng thuế. Do đó, cần phải nâng cao mức thuế và tiếp tục đi theo hướng này. Theo quan điểm của bà Janet Yellen, quy mô tối ưu của chính phủ trong nền kinh tế là cỡ nào? Bà ấy không cho biết. Nhưng tất cả những gì chúng ta biết chắc chắn là nó “lớn hơn nữa” so với hiện tại.
Nhưng có điều tồi tệ trong chuyện này. Bà Yellen là nhà kinh tế đủ để biết về việc nếu quý vị cứ tiếp tục nhổ lông con ngỗng vàng này [đánh thuế cao], cuối cùng con ngỗng này [các doanh nghiệp] sẽ tìm kiếm đến những đồng cỏ xanh hơn: Nó sẽ cố gắng hết sức để chuyển sang các vùng lãnh thổ có thuế thấp hơn. Điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm ngược lại của Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân Chủ – New York): Người giàu sẽ ngồi đó và chịu đựng, mãi mãi.
Rồi sau đó phải làm gì với “điều tồi tệ” này? Tại sao, [bà ấy] thuyết phục các quốc gia khác cũng tăng thuế suất của họ. Nếu các quốc gia cũng làm vậy, thì sẽ không có các tập đoàn đa quốc gia bỏ chạy; họ sẽ không còn chỗ nào để mà đến. Do đó, Bộ trưởng Tài chính của chúng ta đang tìm cách thuyết phục các thành viên khác của Nhóm 20 quốc gia (G-20) đi theo sự dẫn dắt của Hoa Kỳ theo hướng “[thuế] cao hơn nữa.
Nói cách khác, chúng ta và các nền kinh tế tân tiến khác trên thực tế nên hình thành một thỏa thuận chung về thuế. Tất cả chúng ta nên đồng thuận với nhau rằng chính sách thuế không tiếp tục “chạy đua thấp đến đáy,” trong nỗ lực cạnh tranh với nhau để thu hút thêm đầu tư của doanh nghiệp vào quốc gia chúng ta.
Nhưng kinh tế học sơ đẳng dạy rằng các thỏa thuận chung, dù là về dầu mỏ hay thép hay bất cứ thứ gì khác có mục tiêu đó, đều có xu hướng tan rã. Các thỏa thuận chung dễ bị tổn thương bởi hai mối đe dọa. Đe dọa trong nội bộ là mỗi thành viên của thỏa thuận chung có động cơ để “gian lận.” Chắc chắn là phải tăng “giá” (thuế), nhưng sau đó là cung cấp “các chiết khấu” ẩn cho khách hàng để giành lợi thế hơn so với các thành viên khác trong thỏa thuận chung. Thỏa thuận chung về thuế của bà Yellen được miễn trừ khỏi mối đe dọa này. Bởi vì thuế suất là vấn đề được ghi chép công khai.
Nhưng sau đó là mối đe dọa từ bên ngoài đối với các thỏa thuận chung. Nếu các nhà sản xuất thành công trong việc tăng giá và lợi tức (hệ số co giãn của cầu cần phải vừa phải), thì khi ấy các doanh nghiệp bên ngoài khác sẽ tham gia vào ngành để tận dụng lợi ích do thỏa thuận chung này tạo ra.
Thỏa thuận hành động chung về thuế của bà Yellen có phải chịu loại đe dọa này không? Chà, không có doanh nghiệp nào đặt trụ sở trên Mặt Trăng, hoặc Hỏa tinh, ít nhất là chưa có, vì vậy kế hoạch của bà ấy vẫn an toàn cho đến nay. Nhưng có hơn 200 quốc gia thuộc thế giới thứ ba dưới Mặt Trời này (trên Trái Đất này). Sự thật là, có 20 quốc gia đứng đầu chiếm tỷ trọng lớn một cách bất cân đối trong GDP của thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn những quốc gia ở phân vị thứ hai và thứ ba sẽ ở vị thế có lợi cho việc chĩa mũi dùi vào chính sách của bà Yellen bằng cách từ chối thực hiện các kế hoạch thuế “ngày càng cao hơn” của bà ấy. Nếu họ kiềm chế, và do đó giữ nguyên, chính sách thuế mà hiện nay họ đang có, ngay ở mức “đáy,” thì sự kiềm chế của họ có thể làm mất đi khá nhiều gió khỏi cánh buồm về thuế của bà Yellen.
Một từ để nói về mức “đáy” ấy. Khi tính đến tất cả các loại thuế của Hoa Kỳ, liên bang, tiểu bang, và cả địa phương, thì phần do chính phủ [liên bang] thu về thường vượt quá 50%. So sánh điều này với hệ thống chế độ ‘phong kiến tà ác,’ trong đó nông nô chỉ được yêu cầu làm việc trên gia sản của chủ nô chỉ hai hoặc nhiều nhất là ba ngày mỗi tuần. Một mức “đáy” nào đấy, thưa bà Yellen!
Ông Walter E. Block là chủ nhiệm bộ môn kinh tế học tại Đại học Loyola ở New Orleans. Ông cũng là một học giả phụ tá tại Viện Mises và Viện Hoover.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Walter E. Block thực hiện
Kim Liên biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: