Các mối đe dọa đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ cần được theo dõi trong năm 2024
Các mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ vào năm 2024 bao gồm khủng bố, buôn bán ma túy, biên giới phía Nam, sự mở rộng của cuộc xung đột tại Trung Đông, nguy cơ xảy ra chiến tranh Đài Loan, sự mở rộng của cuộc xung đột tại Ukraine, và ảnh hưởng của ngoại quốc trong các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ từ Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Theo Đánh giá Mối đe dọa Nội địa năm 2024 của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, khủng bố, cả trong và ngoài nước, vẫn là mối đe dọa an ninh hàng đầu. Các tổ chức như al-Qaeda và ISIS đang xây dựng lại mạng lưới ở hải ngoại, mà điều này có thể dẫn đến các cuộc tấn công vào nội địa Hoa Kỳ.
Những kẻ khủng bố trong nước, cũng như những kẻ bị cực đoan hóa bởi ảnh hưởng của ngoại quốc, gây ra ngày càng nhiều mối đe dọa bạo lực. Các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ, trong đó có mạng lưới tài chính và lưới điện, được dự kiến là sẽ gia tăng, gây ra bởi những kẻ khủng bố cũng như các tác nhân quốc gia [như] Nga, Trung Quốc, Iran, và có thể cả Bắc Hàn. Ngoài ra, sự tiến bộ về công nghệ cũng đang củng cố thêm chiến thuật của các địch thủ này.
Nạn buôn bán ma túy được cho là mối đe dọa lớn nhất khi nhắc đến người Mỹ đã mất đi tính mạng. Hàng ngàn người Mỹ đã tử vong mỗi năm do sử dụng ma túy quá liều, trong đó hầu hết số ma túy phi pháp này được sản xuất ở Mexico, sử dụng hóa chất sản xuất ở Trung Quốc, và được các băng đảng ma túy Mexico buôn lậu vào Hoa Kỳ.
Những kẻ buôn lậu tại Hoa Kỳ ngày càng can dự nhiều hơn vào việc điều chế cũng như phân phối fentanyl và các loại ma túy tổng hợp khác. Tuy nhiên, nhiều hoạt động ma túy trong nước là được các băng đảng Mexico và ngoại quốc hoạt động bên trong Hoa Kỳ thực hiện.
Một cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng ma túy lại dẫn đến cuộc khủng hoảng di cư và an ninh biên giới. Vào năm 2022, số lượng người nhập cư bất hợp pháp vượt biên vào Hoa Kỳ là con số cao kỷ lục. Ngoài những người di cư từ Mỹ Latinh, Bộ An ninh Nội địa (DHS) đang báo cáo rằng ngày càng nhiều người có quốc tịch Trung Quốc và Nga, cũng như các cá nhân trong Bộ dữ liệu Sàng lọc khủng bố (TSDS hay còn gọi là “danh sách theo dõi”).
Báo cáo của DHS viết: “Chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều cá nhân trong Bộ Dữ liệu Sàng lọc Khủng bố (TSDS), còn được gọi là ‘danh sách theo dõi.’ Ngoài ra, Tổ chức Tội phạm Xuyên quốc gia (TCO) cũng tiếp tục tận dụng môi trường phức tạp này để buôn lậu ma túy nguy hiểm trên khắp biên giới của chúng ta, thường thông qua các cảng nhập cảnh, nhằm tống tiền và đánh lừa những người di cư đang tìm cách vào Hoa Kỳ.” Chiều hướng này được dự kiến là sẽ tiếp diễn và trở nên nghiêm trọng hơn khi “Những tác nhân khủng bố và tội phạm có thể lợi dụng dòng người [nhập cư] ngày càng tăng và môi trường an ninh ngày càng phức tạp để vào Hoa Kỳ.”
Chuyển từ biên giới Hoa Kỳ sang chính trường toàn cầu, xung đột Israel-Hamas đã có những dấu hiệu leo thang rõ ràng. Lebanon đã bày tỏ phản đối việc Israel tiêu diệt một thủ lĩnh nổi tiếng của Hezbollah mới đây. Lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn này đã bắt đầu các cuộc tấn công trên khắp Trung Đông, khiến Hoa Kỳ phải thực hiện các cuộc tấn công trả đũa. Một vụ nổ bom ở Iran khiến hơn 200 người bị thương trong sự kiện tưởng niệm bốn năm ngày mất của Tướng Qasem Soleimani, một thành viên của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) bị bắn hạ trong một cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái của Hoa Kỳ.
Phiến quân Houthi đã nhắm vào các tàu chở hàng ở Hồng Hải, khiến Hoa Kỳ phải thành lập một liên minh quốc tế để bảo vệ các tàu buôn trong khu vực. Bất chấp mục đích của Tổng thống Joe Biden là tránh xung đột quân sự trực tiếp, hôm 31/12/2023, lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đánh chìm ba tàu của phiến quân Houthi đã tấn công một tàu container, khiến toàn bộ thủy thủ đoàn trên tàu này thiệt mạng. Do đó, cuộc xung đột này đang ngày càng mở rộng, và đặt ra câu hỏi rằng liệu cuộc xung đột này sẽ kéo dài bao lâu.
Ở châu Âu, sự mở rộng của chiến tranh Nga-Ukraine có thể lôi kéo Hoa Kỳ và/hoặc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào một cuộc xung đột lớn với Nga. Mặc dù sự ủng hộ của công chúng đang giảm đi, nhưng Hoa Thịnh Đốn vẫn tiếp tục cung cấp cho Ukraine những khoản tài trợ trị giá hàng tỷ USD. Tần suất các cuộc tấn công mạng của Nga vào Hoa Kỳ đã gia tăng cùng với các chiến dịch tuyên truyền nhằm làm suy yếu sự ủng hộ trong nước dành cho Ukraine. Hơn nữa, các cuộc tấn công phi đạn của Nga tăng cường nhắm vào Ukraine đang xâm phạm không phận Ba Lan, một thành viên NATO, trở thành một diễn biến mà có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột quy mô hơn.
Bóng ma xung đột trong vấn đề Đài Loan dường như ngày càng khó tránh khỏi. Trong bài diễn văn đầu năm mới, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định lại cam kết thôn tính Đài Loan của mình. Khi Đài Loan chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới vào cuối tháng này, kết quả của cuộc bầu cử sẽ định hình đáng kể các chính sách của quốc gia này đối với Hoa lục.
Khi ngày bầu cử đến gần, người ta dự đoán rằng sự can thiệp của Trung Quốc sẽ leo thang. Nếu đảng đương nhiệm Đảng Tiến Dân (DPP), được biết đến là có lập trường ủng hộ độc lập, đạt được sự tái đắc cử, ĐCSTQ có thể đáp trả bằng các cuộc tập trận quân sự và xâm nhập vào hải phận và không phận có chủ quyền của Đài Loan. Cũng có thể thấy rõ ràng rằng cuộc bầu cử này có thể là chất xúc tác cho một cuộc xâm lược toàn diện vào Đài Loan.
Tóm lại, ĐCSTQ vẫn rất quan tâm đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, trước đây họ đã tìm cách tác động đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 và dự định sẽ làm như vậy một lần nữa vào năm 2024. Ngoài việc truyền bá thông tin giả và tuyên truyền, các mối đe dọa dai dẳng từ ĐCSTQ còn bao gồm tội phạm kinh tế và gián điệp công nghiệp.
Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có sẵn tràn lan, đang củng cố chiến thuật này của các địch thủ. Bối cảnh này ngày càng trở nên phức tạp khi các quốc gia đang khai thác AI cho các chiến dịch đưa thông tin sai lệch cũng như các tác nhân mạng đang tận dụng AI để thực hiện các cuộc tấn công mạng có hiệu quả và khó nắm bắt hơn. Hiện tại, Bắc Kinh đang đi đầu trong công nghệ AI mang tính đột phá.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times