Các mốc thời gian: Trung Quốc đối phó với đại dịch và lập trường của Canada
Bà Patty Hajdu, bộ trưởng Y tế Canada, vào hôm 13/9 một lần nữa bảo vệ cách xử lý của Bắc Kinh về đại dịch. Bà nói rằng Trung Quốc đã nhanh chóng chia sẻ chi tiết về virus và bác bỏ báo cáo về việc Bắc Kinh không cung cấp dữ liệu.
“Từ rất sớm Trung Quốc đã thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới về sự xuất hiện của một loại virus corona mới và cũng đã chia sẻ trình tự gen. Điều này cho phép các quốc gia nhanh chóng sản xuất dụng cụ xét nghiệm và phát hiện virus tại quốc gia của họ”, bà Hajdu nói với Global News.
Dưới đây là phản ứng của Bắc Kinh đối với đợt bùng phát virus trong những ngày đầu, việc đàn áp người tố giác, phản ứng của WHO, sự phụ thuộc của Canada vào WHO, phản ứng từ các nhà lãnh đạo thế giới và nhận xét của các quan chức Canada khi đại dịch bùng phát.
Sự bùng nổ ban đầu ở Trung Quốc và che đậy thông tin
2019
Ngày 17 tháng 11: Phát hiện người đầu tiên nhiễm bệnh, theo SCMP trích dẫn các tài liệu của chính phủ.
Ngày 1 tháng 12: Ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh sớm nhất.
Giữa tháng 12: Bằng chứng đầu tiên về lây truyền từ người sang người, dựa trên nghiên cứu vào ngày 29 tháng 1.
Ngày 27 tháng 12: Một phòng thí nghiệm Trung Quốc giải mã phần lớn bộ gen của virus.
Ngày 31 tháng 12: Trung Quốc chính thức thông báo công khai về trường hợp “viêm phổi virus” thông qua một thông cáo báo chí của Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán. Đài Loan gửi email tới WHO chỉ ra các dấu hiệu về sự lây truyền vi rút từ người sang người và yêu cầu cung cấp thêm thông tin. Đài Loan cho biết tổ chức đã bỏ qua yêu cầu của họ.
Năm 2020
Ngày 2 tháng 1: Một phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán thu thập bộ gen virus đầy đủ. Thông tin này không được công khai trong hơn một tuần.
Ngày 3 tháng 1: Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc yêu cầu các Ủy ban y tế khu vực tăng cường biện pháp dự phòng để “phòng ngừa và kiểm soát sự bùng phát đột ngột của bệnh truyền nhiễm” – theo các tài liệu bị rò rỉ.
Ngày 11 tháng 1: Trung Quốc công khai bộ gen của virus.
Ngày 14 tháng 1: Các quan chức Trung Quốc xác định rằng có thể đang phải đối mặt với đại dịch, nhưng không công khai thông tin – theo các tài liệu nội bộ của Associated Press.
Ngày 15 tháng 1: Các quan chức Trung Quốc công khai nguy cơ lây nhiễm là thấp từ người sang người. Một tài liệu nội bộ do The Epoch Times thu được cho thấy quan chức y tế đã biết về nguy cơ lây nhiễm từ người sang người và đang chuẩn bị cho nó.
Ngày 18 tháng 1: Chính quyền địa phương Vũ Hán cho phép 40.000 gia đình tụ họp để đón Tết Nguyên Đán.
Ngày 20/1: Trung Quốc chính thức xác nhận rằng virus có thể lây từ người sang người.
Ngày 23 tháng 1: Vũ Hán phong toả. Vào thời điểm đó, khoảng 5 triệu người đã rời khỏi thành phố mà không được xét nghiệm virus. Tuy nhiên, du lịch quốc tế vẫn cho phép từ Vũ Hán đến các nước khác trên thế giới.
Ngày 27 tháng 1: Ông Zhou Xianwang, chủ tịch thành phố Vũ Hán, thừa nhận không kịp thời công bố sự bùng phát, chuyển sang đổ lỗi cho chính quyền trung ương.
Phản ứng của Trung Quốc đối với những người tố cáo và lưu trữ thông tin
Tiến sĩ Li Wenliang bị giam giữ từ sớm
2019
Ngày 30 tháng 12: Tiến sĩ Li Wenliang ở Vũ Hán chia sẻ trên mạng xã hội với các đồng nghiệp vào ngày 27 tháng 12: báo cáo xác định trình tự của virus trong phòng thí nghiệm Trung Quốc. Cuối ngày hôm đó, Bệnh viện Trung ương Vũ Hán cảnh báo các nhân viên y tế không được lan truyền thông tin về “bệnh viêm phổi chưa xác định” nếu không sẽ phải đối mặt với án phạt.
Năm 2020
Ngày 3 tháng 1: Ông Lý bị cảnh sát địa phương bắt trình diện và bị khiển trách vì “tuyên truyền tin đồn”. Cùng ngày, 8 cá nhân khác cũng bị giam giữ vì đề cập đến dịch bệnh này.
Bắt giữ
Năm 2020
Ngày 6 tháng 2: Blogger Chen Qiushi, người từng quay phim ở bệnh viện đã “biến mất”.
Ngày 9 tháng 2: Nhà báo công dân Fango Bin, người đã chia sẻ cảnh quay ở bệnh viện bị giam giữ.
Ngày 15 tháng 2: Nhà hoạt động nhân quyền Xu Zhiyong bị bắt sau khi kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc từ chức vì che đậy virus.
Ngày 16 tháng 2: Học giả Xu Zhangrun bị quản thúc tại gia sau khi chỉ trích phản ứng của Bắc Kinh với sự bùng phát.
Ngày 26 tháng 2: Nhà báo công dân Li Zehua bị bắt vì đưa tin về đợt bùng phát.
Dừng xét nghiệm và Kiểm duyệt thông tin
Năm 2020
Ngày 1 tháng 1: Một công ty gen ở Hồ Bắc được chính quyền yêu cầu ngừng xét nghiệm các mẫu virus và tiêu hủy tất cả các mẫu hiện có.
Ngày 3 tháng 1: Ủy ban Y tế Quốc gia yêu cầu các nhà nghiên cứu giao nộp các mẫu virus hoặc tiêu hủy chúng.
Ngày 15 tháng 2: Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi gia tăng kiểm duyệt các cuộc thảo luận trực tuyến về virus – theo báo chí nhà nước.
Phương tiện truyền thông nước ngoài
Năm 2020
Ngày 19 tháng 2: Ba phóng viên của Wall Street Journal được cho là rời Trung Quốc sau khi tờ báo này đưa ra một bài báo không có lợi cho Bắc Kinh.
Ngày 17 tháng 3: Ít nhất 13 nhà báo của The New York Times, Wall Street Journal và Washington Post được cho là ly khai khỏi Trung Quốc.
Ngày 7 tháng 9: Hai phóng viên Úc tẩu thoát khỏi Trung Quốc.
Mốc thời gian và phản ứng của Canada
Năm 2020
Ngày 9 tháng 1: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phản đối mọi hạn chế du lịch hoặc thương mại đối với Trung Quốc.
Ngày 14 tháng 1: WHO cho biết các nhà chức trách Trung Quốc không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người, dù lưu ý rằng “khả năng lây truyền từ người sang người có hạn chế và có khả năng xảy ra giữa các gia đình”. Tài liệu nội bộ bị rò rỉ vào ngày 14 tháng 1 cho thấy các quan chức Trung Quốc biết rằng dường như đang phải đối mặt với một đại dịch.
Ngày 21 tháng 1: Trường hợp lây nhiễm đầu tiên ở Đài Loan. Chính phủ áp dụng chính sách kiểm soát biên giới. Người đến từ các khu vực có nguy cơ cao phải kiểm dịch bắt buộc tại nhà trong 14 ngày. Chính phủ ban bố lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang.
Bà Patty Hajdu, bộ trưởng Bộ Y tế Canada, xác nhận không có kế hoạch áp đặt hạn chế đi lại đối với Trung Quốc.
Ngày 22 tháng 1: Canada thông báo hành khách đến các sân bay lớn sẽ phải cung cấp thêm thông tin đã đến Vũ Hán hay không. Những người có triệu chứng được yêu cầu tự cách ly trong 14 ngày.
Ngày 25 tháng 1: Trường hợp nhiễm đầu tiên ở Canada được báo cáo là một người đàn ông ở Toronto, gần đây đã du lịch ở Vũ Hán.
Ngày 29 tháng 1: Tiến sĩ Theresa Tam, giám đốc y tế cộng đồng của Canada, nhắc lại rằng WHO không khuyến nghị cấm đi lại, nói thêm: “Chúng tôi ký tên cho các quy định y tế quốc tế và chúng tôi sẽ được yêu cầu giải trình nếu làm bất cứ điều gì khác.” Bà Tam cũng ca ngợi Trung Quốc về việc xử lý ổ dịch: “Những gì chúng tôi đã thấy, thông qua liên kết chặt chẽ với WHO, là ấn tượng sâu sắc của WHO về cách làm việc của Trung Quốc, cách xử lý nhanh nhạy và đáng kinh ngạc của Trung Quốc về sự bùng phát dịch. Trung Quốc còn cung cấp cho thế giới trình tự của virus, rất hữu ích.”
Ngày 30 tháng 1: WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết WHO “phản đối mọi hạn chế đi lại và thương mại hoặc các biện pháp khác chống lại Trung Quốc”, đồng thời ca ngợi Trung Quốc ứng phó dịch.
Ngày 3 tháng 2: Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Bắc Kinh ca ngợi Canada vì đã không áp đặt các hạn chế đi lại đối với Trung Quốc, đồng thời quở trách Hoa Kỳ vì các hạn chế đi lại.
Ngày 4 tháng 2: Ông John Mackenzie, chuyên gia cấp cao của WHO, lên tiếng cáo buộc Trung Quốc không báo cáo kịp thời ca nhiễm trong giai đoạn đầu, nói rằng phản ứng của nước này là “đáng trách.”
Ngày 5 tháng 2: Ông Dominic Barton, đại sứ của Canada tại Trung Quốc khen ngợi Trung Quốc vì những gì họ đã “cố gắng ngăn chặn” virus.
Giám đốc y tế cộng đồng của Canada, Tiến sĩ Tam nhắc lại rằng “WHO khuyến nghị phản đối mọi hình thức hạn chế đi lại và thương mại”. Bà khuyên không nên áp dụng các biện pháp mà “ảnh hưởng rất tiêu cực đến một quốc gia đang rất cố gắng làm hết sức mình”, nói rằng nó có thể ảnh hưởng đến việc hợp tác với Trung Quốc trong tương lai. “Trung Quốc công bố bộ gen virus rất sớm. Họ nhận lại được gì? Tôi nghĩ điều cần làm là hỗ trợ Trung Quốc”, bà nói.
Ngày 6 tháng 2: Hơn 50 quốc gia, bao gồm Đài Loan, Úc và Hoa Kỳ đã thông báo hạn chế đi lại đối với Trung Quốc.
Một phát ngôn viên của chính quyền Trung Quốc chỉ trích các quốc gia về hạn chế đi lại trong thời gian bùng phát dịch, nói rằng “chúng tôi rất tiếc và phản đối những quốc gia đã đi ngược lại các khuyến nghị chuyên môn của WHO.”
Ngày 9 tháng 2: Bộ Ngoại giao thông báo rằng Canada đã vận chuyển 16 tấn đồ bảo vệ cá nhân như khẩu trang và găng tay đến Trung Quốc.
Ngày 11 tháng 2: Một tài liệu nội bộ về Nghiệp vụ Nước ngoài cho biết, “Trung Quốc đang nỗ lực toàn diện huy động và triển khai để kiểm soát dịch bệnh.”
Ngày 17 tháng 2: Bộ trưởng Bộ Y tế Canada Hajdu nói, “Trung Quốc đã rất cởi mở. Giờ một số người lại hỏi, ‘Họ đã đủ cởi mở chưa?’ hoặc ‘Họ cởi mở kịp thời đến mức nào?’ Nhưng chúng ta thấy rằng trong vòng khoảng một tuần, họ thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới và do đó tất cả các quốc gia đối tác đều biết dịch đã bùng phát”.
Ngày 22 tháng 2: Một tài liệu Ngoại giao nội bộ cho thấy bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada, ông François- Philippe Champagne được trình bày trong một bữa trưa với các Trưởng Phái đoàn Châu Á – Thái Bình Dương. Tài liệu này viết: “Ở đây tôi muốn ghi nhận trách nhiệm to lớn của Trung Quốc, đang chiến đấu để duy trì sức khỏe cộng đồng và đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn dịch lây lan.”
Một trong những tài liệu của Bộ Ngoại giao được công bố vào tháng 2, ghi lại phát biểu của Bộ trưởng Champagne cho cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có nội dung: “Ấn tượng với những nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát dịch và sự minh bạch về thông tin của Trung Quốc.”
Ngày 25 tháng 2: Bộ trưởng Bộ Y tế Canada, bà Hajdu nói với các nghị sĩ rằng Canada đã “tuân theo các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới kể từ khi chúng tôi phát hiện cụm dịch vào cuối tháng 12”.
Ngày 29 tháng 2: WHO nhắc lại rằng họ khuyến cáo “không nên áp dụng hạn chế đi lại hoặc thương mại đối với các quốc gia đang bùng phát COVID-19.”
Ngày 12 tháng 3: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Zhao Lijian nói rằng virus đã được quân đội Hoa Kỳ đưa đến Trung Quốc. Hoa Kỳ triệu tập đại sứ Trung Quốc về thuyết âm mưu này.
Ngày 13 tháng 3: Một nghiên cứu của Đại học Southampton cho biết nếu Trung Quốc ứng phó với dịch sớm hơn 3 tuần so với thực tế, các trường hợp COVID-19 có thể giảm 95%.
Bộ trưởng Bộ Y tế Canada, bà Hajdu nói rằng các biện pháp kiểm soát biên giới “rất kém hiệu quả”.
Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau nói: “Vài tuần trước, ngay từ đầu chúng ta đã thảo luận liệu có nên đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc như Hoa Kỳ đã làm hay không. Chúng tôi đã không làm như vậy. Chúng tôi đã có thể kiểm soát và quản lý không lây lan virus. Điều đó giúp chúng tôi tin tưởng rằng các quan chức y tế cộng đồng đang đưa ra các khuyến nghị phù hợp cho Canada.”
Ngày 17 tháng 3: Giám đốc WHO Tedros viết thư cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ca ngợi “khả năng lãnh đạo phi thường của ông Tập và những nỗ lực đáng kinh ngạc của Trung Quốc liên quan đến tình hình hiện tại COVID-19”, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ngày 18 tháng 3: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng Trung Quốc đã che đậy thông tin về đợt bùng phát virus, đồng thời cảnh báo rằng một tình huống tương tự có thể xảy ra một lần nữa “nếu chúng ta không xử lý sâu vấn đề này”.
Ngày 16-18 tháng 3: Canada ban hành các hạn chế nghiêm ngặt đối với các chuyến bay quốc tế và qua biên giới Hoa Kỳ.
Ngày 26 tháng 3: Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập trả lời Giám đốc WHO Tedros. Ông đánh giá cao những nỗ lực tiếp tục thúc đẩy “sự tự nguyện hỗ trợ của Trung Quốc với đại dịch bùng phát toàn cầu.”
Ngày 29 tháng 3: Theo truyền thông Anh đưa tin, các nhà khoa học nói với Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng có thể Trung Quốc đã làm giả số liệu, giảm số ca nhiễm xuống từ 15 đến 40 lần. Truyền thông đưa tin rằng chính phủ Vương quốc Anh “tức giận” trước hành động của Trung Quốc.
Ngày 01 tháng 4: Một báo cáo tình báo mật được đệ trình lên Nhà Trắng cho thấy chính quyền Trung Quốc đã che giấu mức độ bùng phát ở Trung Quốc và công bố thấp xuống số ca mắc và tử vong, Bloomberg đưa tin.
Ngày 02 tháng 4: Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso nói rằng WHO nên được đổi tên thành “Tổ chức Y tế Trung Quốc”.
Bộ trưởng Y tế Canada, bà Hajdu cho biết thành phố Ottawa không tin tỷ lệ nhiễm và tử vong của Bắc Kinh là giả. Đồng thời bà nói thêm rằng Canada dựa vào WHO để điều phối thu thập dữ liệu từ các quốc gia. Khi một phóng viên hỏi liệu các con số của WHO có đáng tin cậy hay không nếu Trung Quốc không đáng tin cậy, bà Hajdu đã cáo buộc phóng viên thúc đẩy thuyết âm mưu.
Ngày 7 tháng 4: Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chỉ trích WHO “quá tập trung vào Trung Quốc”.
Ngày 10 tháng 4: Bắc Kinh bảo vệ ông Tedros trong cuộc tranh luận với Đài Loan, quốc gia bị loại khỏi WHO. Bắc Kinh coi quốc gia tự trị này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Ngày 16 tháng 4: Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói rằng Trung Quốc phải trả lời những câu hỏi hóc búa về việc dịch virus đã xảy ra như thế nào và liệu có thể ngăn chặn nó được không.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng thật “ngây thơ” để tin Trung Quốc đã làm tốt hơn các nước khác trong việc xử lý cuộc khủng hoảng virus.
Ngày 17 tháng 4: Trong bối cảnh các quốc gia bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc xử lý virus, ông Trudeau nói rằng bây giờ không phải là lúc đặt câu hỏi về việc quản lý dịch của các quốc gia khác và né tránh câu hỏi của phóng viên về việc liệu Trung Quốc có che giấu phạm vi ảnh hưởng của đại dịch hay không.
Ngày 18 tháng 4: Bộ trưởng Ngoại giao Úc, bà Marise Payne kêu gọi một cuộc điều tra toàn cầu về sự lây lan của COVID-19 và nói rằng WHO nên đứng ngoài cuộc điều tra. Một ngày sau, Thủ tướng Australia, ông Scott Morrison nói rằng tất cả các thành viên của WHO nên ủng hộ một cuộc đánh giá độc lập.
Ngày 21 tháng 4: Ông Tedros của Tổ chức Y tế Thế giới kiên quyết phủ nhận việc Đài Loan đã gửi cảnh báo về khả năng lây truyền từ người sang người của virus vào ngày 31 tháng 12.
Ngày 29/4: Trả lời câu hỏi của một nghị sĩ liệu bà có tin cậy dữ liệu đến từ Trung Quốc hay không, Bộ trưởng Y tế Canada Hajdu cho biết việc thu thập dữ liệu là một thách thức đối với tất cả các quốc gia. Bà một lần nữa ca ngợi phản ứng của Trung Quốc đối với đại dịch: “Phạm vi mà Trung Quốc cố gắng ngăn chặn dịch lây lan sang các nước khác đã được các quan chức y tế cộng đồng trên toàn thế giới ghi nhận là phi thường”.
Ngày 30 tháng 4: Bộ trưởng Y tế Thụy Điển, bà Lena Hallengren cho biết cần phải tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của virus.
Ngày 3 tháng 5: Theo tài liệu tình báo của Hoa Kỳ, các quan chức Hoa Kỳ tin rằng ban đầu Trung Quốc che đậy mức độ bùng phát để tích trữ vật tư y tế, Associated Press đưa tin.
Ngày 12/5: Thủ tướng Canada Trudeau cho biết những thử nghiệm đầu tiên của Canada đối với vaccine Trung Quốc đã được Bộ Y tế Canada phê duyệt. Vaccine này do một công ty Trung Quốc phối hợp với quân đội Trung Quốc phát triển.
Đầu tháng 5: Nhiều quốc gia, bao gồm Úc, Đức, cũng như Ủy ban Châu Âu, kêu gọi các cuộc thăm dò nguồn gốc của virus.
Ngày 13 tháng 5: Một cuộc thăm dò của Angus Reid cho thấy quan điểm mới đây của người Canada đối với Trung Quốc ở mức thấp, với chỉ 14% nói rằng họ có quan điểm tích cực về Trung Quốc.
Thủ tướng Canada, ông Trudeau thay đổi phản ứng của mình về Trung Quốc đối với đại dịch: “Tôi nghĩ rõ ràng có rất nhiều câu hỏi cho các quốc gia về nguồn gốc và hành động trong những ngày đầu xung quanh COVID-19, đặc biệt là các câu hỏi đối với Trung Quốc”.
Ngày 14 tháng 5: Ông Jason Kenney, thống đốc Alberta chỉ trích việc Trung Quốc xử lý đại dịch, nói rằng Bắc Kinh phải đối mặt với một “thanh toán lớn” bởi góp phần vào sự lây lan của đại dịch. “Chúng ta không quên việc Trung Quốc cho phép người dân Vũ Hán bay sang các quốc gia khác khi mà họ chặn du khách Vũ Hán đến các vùng khác của Trung Quốc. Họ đã đóng vai trò trong việc ngăn chặn các nhà khoa học bất đồng chính kiến, những người ngay từ đầu tháng 12 đã báo cáo về sự lây truyền từ người sang người.”
Trả lời câu hỏi của một nghị sĩ về vai trò của Trung Quốc trong đại dịch, Bộ trưởng Y tế Canada, bà Hajdu tránh đề cập đến Trung Quốc: “Tôi nghĩ, vì chính phủ của chúng tôi đã rất rõ ràng, nên một sự xem xét sau đại dịch với tất cả các bên, bao gồm cả Canada, sẽ là một phần quan trọng trong cách chúng tôi đánh giá phản ứng của thế giới đối với đại dịch.”
Ngày 15 tháng 5: Sau khi Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa thương mại đối với Úc vì chỉ trích Bắc Kinh xử lý đại dịch, Thủ tướng Scott Morrison nói: “Chúng tôi đang giữ vững lập trường về giá trị của mình và những điều chúng tôi biết luôn quan trọng.’’
Ngày 18 tháng 5: Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar chỉ trích WHO về việc xử lý đại dịch, nói rằng tổ chức này làm chúng ta phải trả giá bằng “nhiều mạng sống”. Ông nói: “Tổ chức này đã thất bại trong việc thu thập thông tin mà thế giới cần.”
Bà Karina Gould, bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế của Canada, cho biết WHO không phải là nơi đặt câu hỏi về thông tin liên quan đến Trung Quốc – trong một cuộc phỏng vấn với CBC.
Ngày 20/5: Ngoại trưởng Mỹ Pompeo bác bỏ tuyên bố của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Trung Quốc hành động công khai và minh bạch, đồng thời nói rằng Bắc Kinh giữ riêng các mẫu virus và quyền tiếp cận cơ sở vật chất.
Ngày 21 tháng 5: Trước câu hỏi của một nghị sĩ về việc liệu bà có ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus hay không, bà Hajdu một lần nữa tránh đề cập đến Trung Quốc: “Chúng ta cần phải xem xét không chỉ phản ứng quốc tế đối với sự bùng phát của COVID-19 mà còn là phản ứng của đất nước chúng ta. ”
Ngày 8 tháng 6: Giám đốc y tế Hoa Kỳ, Tiến sĩ Anthony Fauci chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch trong việc xử lý ổ dịch và cấm các nhà khoa học lên tiếng.
Ngày 22 tháng 7: Truyền thông Anh đưa tin Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo nói với các chính trị gia Vương quốc Anh rằng Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bị Trung Quốc “mua chuộc”.
Ngày 26 tháng 8: Các thử nghiệm lâm sàng của Canada với vaccine Trung Quốc bị hủy bỏ sau khi nhà chức trách Trung Quốc giữ lại lô hàng vaccine đến Canada.
Ngày 13/9: Trong một cuộc phỏng vấn với Global News, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Trung Quốc có đang báo cáo sai số ca nhiễm Bộ trưởng Y tế Canada, bà Hajdu đã bác bỏ như một thuyết âm mưu,, và lại một lần nữa bảo vệ cách xử lý của Trung Quốc đối với đại dịch. “Từ rất sớm Trung Quốc đã thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới về sự xuất hiện của một loại virus corona mới và cũng đã chia sẻ trình tự gen. Điều này cho phép các quốc gia nhanh chóng sản xuất dụng cụ xét nghiệm và phát hiện virus tại quốc gia của họ”, bà nói.