Các khoản vay của Mỹ Châu Latin từ Trung Quốc lao dốc khi virus gây ảnh hưởng căng thẳng tới các mối bang giao
Đây giống như một trận đấu được thực hiện trên thiên đường tài chính.
Năm 2010, Trung Quốc, khi nền kinh tế đang rầm rộ phát triển và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của họ tìm cách mở rộng ra toàn cầu, đã để mắt đến Mỹ Latin, một khu vực khát vốn nhưng lại giàu tài nguyên thiên nhiên mà cường quốc Á Châu này đang thiếu. Kết quả là: một khoản vay kỷ lục 35 tỷ USD giữa các các quốc gia diễn ra trong cùng năm đó.
Một thập kỷ nhanh chóng trôi qua và mối bang giao từng là nồng cháy đang bắt đầu đi vào ổn định theo những cách cho thấy Trung Quốc có thể đang ngày càng cẩn trọng hơn với đối tác từng được coi là không bao giờ có lầm lỗi (do-no-wrong partner).
Lần đầu tiên trong 15 năm, hai ngân hàng chính sách lớn nhất của Trung Quốc – Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập cảng Trung Quốc – không cấp các khoản vay mới nào cho khu vực này trong năm 2020, ghi nhận sự sụt giảm sau nhiều năm, bị chi phối bởi cuộc suy thoái kinh tế đang trở nên tồi tệ hơn ở khu vực Mỹ Latin.
Dữ liệu trên đến từ một báo cáo mới đây của nhóm Đối thoại Liên Mỹ, một tổ chức tư vấn ở Hoa Thịnh Đốn, và Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston, trong nhiều năm cả hai tổ chức này đã theo dõi hoạt động ngoại giao nhân dân tệ của Trung Quốc tại sân sau của Hoa Thịnh Đốn.
Ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực này đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ lo lắng. Nhiệm vụ này hiện thuộc về chính phủ của ông Biden, nơi đã đưa ra cảnh báo rằng các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực là một mối đe dọa an ninh quốc gia. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc đã thay thế Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của một số quốc gia Nam Mỹ, việc đuổi kịp sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
Trong khi đó, theo nghiên cứu trên, Hoa Kỳ có thể còn rớt lại xa hơn trong thời kỳ đại dịch, khi Trung Quốc đã tài trợ hơn 215 triệu USD vật tư – từ găng tay phẫu thuật đến công nghệ chụp ảnh nhiệt – cho các đồng minh trong khu vực. Để so sánh, Cơ quan Phát triển Quốc tế và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cung cấp 153 triệu USD tài trợ. Trung Quốc cũng đã tiến hành các thử nghiệm lâm sàng hoặc lên kế hoạch sản xuất vaccine ở 5 quốc gia – Argentina, Brazil, Chile, Mexico và Peru.
Bà Rebecca Ray, kinh tế gia tại Đại học Boston và là một trong những tác giả của báo cáo nêu trên cho biết: “Không nghi ngờ gì nữa, ứng phó chống COVID của khu vực có dáng vẻ của Trung Quốc. Đó là một cơ hội bị bỏ lỡ của Hoa Kỳ nhưng kể từ khi ngành sản xuất của Hoa Kỳ rơi chạm đáy vào những năm 1990, thực sự không có cách nào để cạnh tranh được. Nhiều vật tư y tế tương tự mà Trung Quốc vận chuyển đến khu vực Mỹ Latin thì chúng ta cũng phải mua từ Trung Quốc.”
Tuy nhiên, trong khi đại dịch đã mở ra cánh cửa đón chào các khoản viện trợ từ Trung Quốc, thì các chính phủ cũng gặp khó khăn hơn khi thanh toán các hóa đơn đến từ Bắc Kinh. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, một cuộc suy thoái sâu 7.4% ở khu vực Mỹ Latin và Caribe vào năm ngoái đã xóa sổ mức tăng trưởng của gần một thập kỷ.
Với việc bên đi vay bị vắt kiệt, Trung Quốc đã phải chịu tổn hại. Năm ngoái, Ecuador đã đàm phán để trì hoãn một năm cho khoản trả nợ gần 900 triệu USD được thanh toán bằng các lô hàng dầu qua đường biển. Venezuela – cho đến nay là nước đi vay lớn nhất của khu vực – được cho là đã nhận được thời gian ân hạn tương tự.
Bà Margaret Myers, người đứng đầu chương trình Á Châu-Mỹ Châu Latin tại nhóm Đối thoại [Liên Mỹ] cho biết, “Với việc khu vực đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, Trung Quốc khó có thể cho vay thêm nữa trong thời điểm hiện tại. Thay vào đó, họ phải vật lộn với danh mục đầu tư có vấn đề của mình.”
Suy giảm cho vay vốn đối với khu vực Mỹ Latin phản ánh một sự thụt lùi ở phạm vi rộng hơn trên phạm vi toàn cầu, trong khi Trung Quốc đang quay về thị trường nội địa để thúc đẩy các nỗ lực phục hồi của chính họ trong bối cảnh đại dịch. Nhà cầm quyền Trung Cộng đã cho vay hàng tỷ USD để xây dựng cảng, đường sắt và cơ sở hạ tầng khác trên khắp Á Châu đến Phi Châu, Âu Châu và Mỹ Châu Latin nhằm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và tài nguyên của Trung Quốc.
Nhưng Bắc Kinh đã trở nên thận trọng hơn sau khi một số bên đi vay phải vật lộn để trả các khoản nợ. Các quan chức cho biết họ sẽ xem xét các dự án và cấp tài chính một cách kỹ lưỡng hơn.
Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Bộ Ngoại giao đã không phúc đáp các câu hỏi về lý do khiến các khoản vay của Trung Quốc cho Mỹ Latin giảm sút.
Mặc dù hoạt động cho vay đã đứng lại, việc thu mua của Trung Quốc với các mặt hàng đậu nành, quặng sắt và các mặt hàng khác của Mỹ Latin vẫn rất mạnh mẽ, ước tính khoảng 136 tỷ USD. Điều này xảy ra bất chấp việc Trung Quốc tăng mạnh mua hàng nông sản của Hoa Kỳ, một cam kết mà chính phủ cựu Tổng thống (TT) Trump đạt được nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại đang gây suy yếu (cho cả hai bên).
Các công ty năng lượng quốc doanh của Trung Quốc cũng mạnh tay mua lại với giá rất cao các tài sản năng lượng từ các nhà đầu tư phương Tây. Theo nghiên cứu nói trên, nhìn chung, các thương vụ mua bán và sáp nhập của Trung Quốc đã tăng lên tới 7 tỷ USD vào năm 2020, gần gấp đôi so với năm 2019.
Trong số các thương vụ: bán công ty điện lớn nhất của Peru ở San Diego, công ty Sempra Energy có trụ sở tại California, cho tập đoàn China Three Gorges Corp. Một thương vụ trị giá 5 tỷ USD khác cho phép tập đoàn State Grid Corp của Trung Quốc kiểm soát một công ty tiện ích lớn ở Chile đã được công bố năm ngoái, nhưng không được đưa vào dữ liệu vì giao dịch chưa hoàn thiện.
Đối với các nhà lãnh đạo khu vực, các khoản vay của Trung Quốc cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn là điều khó có thể cưỡng lại. Lãi suất thấp và, không giống như các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới và IMF, có ít ràng buộc hơn cùng việc chấp thuận nhanh hơn, cho phép các nhà lãnh đạo công bố thành tích kịp thời cho cuộc bầu cử tiếp theo.
Ngay cả Colombia – đồng minh trung thành nhất trong khu vực của Hoa Thịnh Đốn và là một quốc gia khá lạnh nhạt với các đề xuất của Trung Quốc – gần đây cũng đã tham gia. Năm ngoái, một liên danh có sự tham gia của Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (China Harbour Engineering Company) đã động thổ tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của thủ đô Bogota, một dự án trị giá 3.9 tỷ USD. Không có công ty Hoa Kỳ nào tham gia đấu thầu dự án này, và dự án cũng không hưởng lợi trực tiếp từ bất kỳ khoản vay nào từ Trung Quốc.
Các quan chức Hoa Kỳ đã cố gắng lên tiếng, chỉ ra rằng hỗ trợ nước ngoài của Hoa Kỳ là lâu dài và minh bạch hơn.
“Sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong khu vực nói chung là nhằm thúc đẩy các lợi ích thương mại hoặc chính trị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” Cục Các vấn đề Tây bán cầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.
Vào tháng 01/2021, giai đoạn cuối thời chính phủ cựu TT Trump, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (U.S. International Development Finance Corporation – DFC) đã ký một thỏa thuận chưa từng có với Ecuador để tài trợ lên tới 2.8 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng, số tiền mà họ cho rằng có thể được sử dụng để “tái cấp vốn trước các khoản vay nợ có tính ăn cướp của Trung Quốc”.
Nhưng tổng tài trợ của DFC – 60 tỷ USD – khá yếu ớt so với 1 nghìn tỷ USD mà Trung Quốc dành cho sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI, còn được gọi là Một vành đai, Một con đường) nhằm mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Gói vay của Hoa Kỳ đối với Ecuador là rất quan trọng vì nó cũng sẽ yêu cầu chính phủ tư nhân hóa tài sản và cơ sở hạ tầng dầu mỏ và cấm công nghệ của Trung Quốc. Bà Myers nói: “Điều này chắc chắn sẽ hạn chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc.”
Do Joshua Goodman thực hiện
Minh Trí biên dịch
Xem thêm: