Các khoản tài trợ của ông Zuckerberg cho cuộc bầu cử 2020 mang lại lợi ích cho Đảng Dân Chủ
Ông David Horowitz cho biết, các khoản quyên góp được miễn thuế từ Giám đốc điều hành Nền tảng Meta, ông Mark Zuckerberg, đưa ra với ý định được tuyên bố là khiến cho cuộc bầu cử năm 2020 diễn ra an toàn trong bối cảnh đại dịch, đã “đi kèm với các điều kiện ràng buộc”. Trọng tâm là mở rộng việc bỏ phiếu qua thư và các hòm phiếu chủ yếu ở các khu vực do Đảng Dân Chủ chiếm ưu thế.
Ông Zuckerberg và vợ, bà Priscilla Chan, đã quyên góp hơn 400 triệu USD cho các tổ chức bất vụ lợi trước cuộc bầu cử năm 2020, 350 triệu USD trong số đó dành cho Dự án “Bầu cử An toàn” của Trung tâm Công nghệ và Đời sống Công dân (CTCL) cánh tả. Phần còn lại gần 70 triệu USD đã được chuyển đến Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới Bầu cử (CEIR). Theo đưa tin, CTCL đã phân phối các khoản tài trợ cho hơn 2,500 văn phòng bầu cử.
Ông David Horowitz, tác giả cuốn sách bán chạy nhất “Tôi không thể Thở: Làm thế nào mà một trò Chơi khăm về Chủng tộc đang giết chết Hoa Kỳ” (I Can’t Breathe: How a Racial Hoax Is Killing America), cho biết, toàn bộ khoản đóng góp được miễn thuế và các nhà tài trợ tuyên bố rằng ý định của họ là làm cho cuộc bầu cử diễn ra an toàn trong đại dịch COVID-19.
Ông Horowitz cho biết trong chương trình “Crossroads” của EpochTV rằng, trước đây hai tổ chức được miễn thuế nhận tài trợ trên chưa bao giờ có dòng tiền nào đến từ các khoản đóng góp và tài trợ lên tới hơn vài triệu dollar.
Ông Horowitz nói rằng, khoản tiền này đi kèm với “những điều kiện ràng buộc” và được cho là được chi để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bỏ phiếu qua thư và đặt các hòm bỏ phiếu, trái với các khuyến nghị của Ủy ban Carter-Baker được thành lập sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi vào năm 2000.
Ủy ban Carter-Baker đã công nhận trong báo cáo của mình (pdf) rằng “các lá phiếu khiếm diện vẫn là nguồn gian lận cử tri tiềm ẩn lớn nhất” và khuyến nghị các biện pháp để ngăn chặn loại gian lận này, chẳng hạn như hạn chế ai có thể chuyển các lá phiếu khiếm diện và “giảm thiểu gian lận đến từ việc ‘thanh toán theo số lượng’ cho bất kỳ ai nhằm đổi lấy nỗ lực của họ trong việc ghi danh cử tri, bỏ phiếu khiếm diện, hoặc thu thập chữ ký.”
Ủy ban liên bang lưỡng đảng do cựu Tổng thống Đảng Dân Chủ Jimmy Carter và cựu Ngoại trưởng Đảng Cộng Hòa James Baker làm chủ tịch này đã được thành lập để điều tra các vấn đề và lỗ hổng trong hệ thống bầu cử và đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện tính liêm chính của bầu cử.
Cuộc đua năm 2000 giữa ông George W. Bush và ông Al Gore đã rất sát sao và được quyết định bởi các lá phiếu đại cử tri từ Florida, mà ông Bush đã giành chiến thắng với biên độ nhỏ. Sau khi kiểm phiếu lại và một số vụ kiện, người chiến thắng trong cuộc bầu cử đã được xác định theo phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Tiền tài trợ đã được sử dụng như thế nào
CTCL và CEIR, hai tổ chức đã nhận tài trợ của ông Zuckerberg, đã phân bổ các quỹ này hầu hết cho các thành phố và quận theo truyền thống bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ, trong khi bỏ qua các khu vực truyền thống của Đảng Cộng Hòa, đồng thời thường được sử dụng để mở rộng việc sử dụng phiếu bầu khiếm diện và thu thập phiếu bầu, ông Horowitz viết cùng ông John Perazzo trên Tạp chí FrontPage.
Ông Horowitz nói, sự tài trợ của ông Zuckerberg đã “nhắm mục tiêu đến các khu vực của Đảng Dân Chủ để ‘tăng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu.’”
Ví dụ, cứ bốn dặm vuông thì có một hòm phiếu được đặt ở các khu vực của Đảng Dân Chủ, thường là các khu vực đô thị với lưu lượng giao thông cao, trong khi ở các khu vực của Đảng Cộng Hòa, khoảng cách lớn hơn, cứ 1000 dặm vuông thì có một hòm bỏ phiếu được đặt, ông Horowitz giải thích. Một hòm bỏ phiếu ở các khu vực của Đảng Dân Chủ phục vụ khoảng 4,000 cử tri trong khi một hòm bỏ phiếu ở các thành trì của Đảng Cộng Hòa phục vụ khoảng 72,000 cử tri, ông Horowitz viết.
Ông Horowitz cho biết người trong những tổ chức trên đã nhận được số tiền do ông Zuckerberg quyên góp cho dự án bầu cử có liên quan đến các tổ chức cánh tả đã ủng hộ Đảng Dân Chủ.
Ông Horowitz nói rằng việc khiến cho cuộc bầu cử diễn ra an toàn trong thời kỳ đại dịch có thể đạt được bằng cách thay đổi mục đích sử dụng của các sân vận động bóng bầu dục hoặc sân thể thao trường học, những nơi có nhiều không gian cho việc giãn cách xã hội.
Hồi tháng 06/2021, một nhóm gồm 14 thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã gửi một lá thư tới CTCL yêu cầu tổ chức này cho biết khoản tiền quyên góp nhận được từ ông Zuckerberg đã được sử dụng như thế nào cho cuộc bầu cử năm 2020.
“Được chỉ định là ‘tài trợ cho việc ứng phó với COVID-19,’ hàng trăm triệu USD tiền tài trợ cho CTCL đã được dùng dưới dạng các quỹ dành cho các quan chức bầu cử để ‘phục vụ mọi cử tri một cách an toàn’ trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, dữ liệu hiện có cho thấy rằng ít hơn 1% quỹ này đã được chi cho thiết bị bảo vệ cá nhân. Nếu đúng như vậy, công chúng Hoa Kỳ xứng đáng được biết 99% còn lại của các khoản trợ cấp này đã được chi tiêu như thế nào,” bức thư viết.
Ông Horowitz giải thích rằng cả hai tổ chức trên đã sử dụng các khoản đóng góp của ông Zuckerberg đều được miễn thuế, mặc dù thực tế là các khoản đóng góp này được sử dụng để hỗ trợ các lợi ích chính trị của Đảng Dân Chủ.
Tuy nhiên, dưới thời chính phủ của cựu Tổng thống Obama, IRS đã từ chối tư cách miễn thuế cho hơn 100 tổ chức bảo tồn truyền thống, cho rằng họ hoạt động chính trị, ông Horowitz cho biết.
The Epoch Times đã liên lạc với IRS để yêu cầu bình luận.
Vào năm 2021, IRS đã từ chối tư cách miễn thuế đối với Christians Engaged, một nhóm ở Texas khuyến khích các thành viên nhà thờ tham gia vào quá trình chính trị, được thông báo về quan điểm của các ứng cử viên cho chức vụ công, ghi danh bỏ phiếu, và cầu nguyện trên cơ sở phi đảng phái cho các quan chức nhà nước, bởi vì nhóm này mang lại “lợi ích riêng của Đảng [Cộng Hòa].”
IRS đã biện minh cho quyết định của mình trong một lá thư nói rằng “một số lời dạy trong Kinh thánh ‘có liên kết với Đảng [Cộng Hòa] và các ứng cử viên.’”
Sau đó, sự từ chối đó đã được đảo ngược sau một làn sóng phản đối kịch liệt của công chúng và giới truyền thông đưa tin rộng rãi.
Tại sao ông Horowitz ‘rời bỏ cánh Tả’
Ông Horowitz tự mô tả bản thân là người đã “rời bỏ cánh Tả.” Ông là một trong những người sáng lập Cánh tả Mới – một phong trào chính trị cánh tả cấp tiến trong những năm 1960 – và là biên tập viên của tạp chí lớn nhất của phong trào này.
Ông cũng từng gây quỹ cho Đảng Báo Đen, tạo ra một quỹ miễn thuế để hỗ trợ trường học của Đảng Báo Đen, và tuyển dụng người bạn của mình là bà Betty Van Patter để làm sổ sách tài chính của trường. Nhân viên kế toán này đã phát hiện ra những việc bất hợp pháp trong những giấy tờ trên và sau đó bà được tìm thấy bị sát hại, ông Horowitz cho biết. Mặc dù không ai bị buộc tội sát hại bà ấy, nhưng ông Horowitz cho biết ông tin rằng các thành viên của Đảng Báo Đen phải chịu trách nhiệm cho vụ sát hại bà Van Patter.
Đảng Báo Đen là một tổ chức chính trị dân quân vào những năm 1960 theo tư tưởng nặng về chủ nghĩa Mao.
Ông Horowitz lấy làm tiếc rằng ông đã ở lại với phe Cánh tả cho đến khi tư cách thành viên của ông phải trả giá bằng mạng sống của bà Betty Van Patter. Bước ngoặt trong chủ nghĩa tích cực cánh tả của ông là lời nhận xét thẳng thắn của ông Tom Hayden, một nhà hoạt động và chính trị gia cánh tả nổi tiếng với việc tham gia vào phong trào phản chiến trong những năm 1960 và những năm 1970.
Khi cả hai đang đứng trong một cuộc biểu tình tại Đại học California, Berkeley, ông Horowitz bày tỏ sự lo lắng rằng hành động của cảnh sát bắn hơi cay vào đám đông để giải tán cuộc biểu tình có thể khiến mọi người bị thương. Ông Horowitz nhớ lại rằng ông Hayden đã trả lời cho mối lo ngại của mình, nói rằng cảnh sát phải “dụ” những sinh viên vào những tình huống “nơi những sinh viên này sẽ bị đánh bể đầu, và điều đó sẽ khiến họ trở thành người có quan điểm cực đoan.”
“Tôi rất kinh hoàng vì điều đó,” ông Horowitz nói. “Quý vị phải nhận ra sự ác ý. Đây là điều mà tôi không nhận ra khi tôi là một người cánh tả, [những người cánh tả] thật là hiểm độc và bất chấp đạo lý làm sao.”
Bản tin có sự đóng góp của Matthew Vadum và Mark Tapscott.
Bà Ella Kietlinska là một phóng viên của The Epoch Times tại New York, chuyên đưa tin về chính trị Hoa Kỳ và thế giới.
Anh Joshua Philipp là một phóng viên điều tra từng đạt giải thưởng của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Crossroads” (“Giao lộ thông tin”) của EpochTV. Anh là một chuyên gia được công nhận về chiến tranh không hạn chế, chiến tranh hỗn hợp phi cân xứng, hoạt động lật đổ, và các quan điểm lịch sử về các vấn đề ngày nay. Hơn 10 năm nghiên cứu và điều tra về Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoạt động lật đổ, và các chủ đề liên quan giúp anh có cái nhìn sâu sắc về mối đe dọa toàn cầu này và bối cảnh chính trị.
Ella Kietlinska và Joshua Philipp thực hiện