Các học viên Pháp Luân Công tại Hồng Kông yêu cầu xin lỗi về tuyên truyền của kênh thông tấn thân Bắc Kinh
Tại Hồng Kông, các học viên của nhóm tín ngưỡng bị đàn áp – Pháp Luân Công – đang yêu cầu một tờ báo thân Bắc Kinh xin lỗi về một loạt các bài viết mà họ nói rằng đã kích động sự thù hận và làm xói mòn chút tự do cuối cùng còn lại tại thành phố này.
Trong khoảng thời gian từ ngày 20/04 đến 29/04, tờ Đại Công Báo (Ta Kung Pao) đã đăng ít nhất tám bài báo mô tả việc tập luyện môn tu luyện tinh thần này như là “tà giáo,” “mê tín dị đoan,” và là “khối u ác tính của xã hội.” Một bài báo cho rằng Nhà sách Thiên Thê (Tianti), nơi bán các sách về Pháp Luân Công, là nơi “buôn lậu các sách độc hại.”
Trong một bài xã luận ngày 29/04, tờ báo này gợi ý rằng chính quyền Hồng Kông nên cấm hoạt động này và gọi vấn đề này là “điều cấp bách số một.”
Những ngôn từ như vậy là “vu khống” và “kích động sự thù hận đối với Pháp Luân Công” trong khi các học viên tại Trung Quốc đại lục đã phải “chịu bức hại một cách bất công,” Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Hồng Kông đã phản ứng trong một tuyên bố hôm 03/05.
Hiệp hội này đã yêu cầu tờ Đại Công Báo phải ngay lập tức thu hồi các bài báo và đưa ra lời xin lỗi công khai.
“Hiệp hội chúng tôi cũng có quyền theo đuổi bất kỳ hoặc toàn bộ các biện pháp thực hiện hợp pháp và công bằng hiện có đối với việc Đại Công Báo báo cáo sai sự thật và các nguy cơ bôi nhọ,” hiệp hội này nêu rõ.
Theo trang web của môn tu luyện này, Pháp Luân Công còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, giảng dạy các nguyên lý Chân, Thiện, và Nhẫn, cũng như một bộ các bài tập thiền định. Vào năm 1999, đã có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người tập luyện theo pháp môn này, thời điểm mà chế độ Trung Cộng coi sự phổ biến của môn này là một mối đe dọa và phát động một chiến dịch diệt trừ tàn bạo.
Trong hơn hai thập kỷ qua, các học viên Pháp Luân Công tại Hồng Kông và các nơi khác đã kêu gọi chú ý đến cuộc bức hại các học viên ở Trung Quốc đại lục, những người thường xuyên bị đe dọa bắt giữ, tra tấn, lao động cưỡng bức, và thậm chí cưỡng bức thu hoạch nội tạng chỉ vì giữ vững đức tin của mình.
Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy ở Hồng Kông đã phải chịu áp lực ngày càng lớn kể từ khi chế độ Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia trên diện rộng, khiến bất cứ thứ gì mà chế độ này coi là ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với các thế lực ngoại bang đều có thể bị phạt tù lên đến mức án chung thân.
Trong những tuần gần đây, những kẻ phá hoại đã mang dao và sơn xịt tấn công vào các quầy thông tin của Pháp Luân Công địa phương, lật đổ bảy quầy thông tin nhỏ chỉ trong vòng 24 tiếng. Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Hồng Kông nghi ngờ các vụ tấn công này có liên quan đến các đặc vụ Trung Cộng.
“Hồng Kông đã có luật an ninh quốc gia và sẽ không dung thứ cho các lực lượng chống đối Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục lộng hành,” bài xã luận trên tờ Đại Công Báo tuyên bố. Bài báo đã chỉ đích danh một số nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, trong số đó có nhà xuất bản Lê Trí Anh (Jimmy Lai), người đã bị chính quyền Hồng Kông truy tố bằng luật an ninh mới. Bài xã luận sau đó khẳng định rằng những ngày tháng dành cho các học viên Pháp Luân Công “sẽ không còn duy trì được bao lâu nữa.”
Bằng những nỗ lực hướng chính quyền Hồng Kông ngăn cấm Pháp Luân Công, Đại Công Báo đã mắc một quan điểm sai lầm và những hành vi này cuối cùng rồi cũng sẽ phản tác dụng, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Hồng Kông cho biết.
“Nhiều người coi sự tồn tại của Pháp Luân Công là thước đo cho tự do ở Hồng Kông,” Hiệp hội cho biết. “Một khi Hồng Kông mất hoàn toàn tự do ngôn luận và tự do báo chí, thì Hồng Kông sẽ không còn là Hồng Kông nữa.”
Vào ngày 03/05, bốn học viên Pháp Luân Công-bằng số người tối đa cho phép đối với các nhóm nơi công cộng theo các biện pháp giãn cách xã hội của Hồng Kông, đã cầm các biểu ngữ phản đối các bài báo này trước tòa soạn chính của tờ Đại Công Báo.
Anh Chu Sinh (Zhou Sheng), một trong những người biểu tình cho biết; anh đã nhìn thấy hai người khả nghi, dường như là đặc vụ của chính quyền Trung Cộng gần căn hộ của anh vào ngày 13/04. Hai người, một nam một nữ, xuất hiện trước căn hộ của anh và nói là đến để giao bánh pizza. Khi bị anh Chu chất vấn, họ không xuất trình được hóa đơn hay giải thích lý do tại sao họ cần đến hai người để giao hàng, rồi họ vội vàng rời đi khi anh Chu nói rằng anh ấy sẽ báo cảnh sát nếu họ đến lần nữa.
Một phóng viên bí mật của Đại Công Báo đã tiếp cận một số học viên Pháp Luân Công địa phương bằng cách giả vờ quan tâm đến môn tập này. Ngay cả trước khi có các bài báo bôi nhọ, hai học viên khác đã bị quấy rối khiến cuộc sống của họ bị rối loạn, anh Chu cho hay.
Anh Lưu Thanh Quốc (Lau Ching Kwok), một học viên Pháp Luân Công được đề cập trong các bài báo nói trên cho biết, tờ báo này đã sửa đổi ngôn từ của anh để tạo ấn tượng tiêu cực về Pháp Luân Công.
“Pháp Luân Công không có bí mật gì cả; các học viên đều không quan tâm đến danh vọng hay tiền bạc. Họ chỉ là một nhóm người cố gắng trở nên tốt hơn,” anh Lưu nói trong cuộc biểu tình.
Các nhân viên của Đại Công Báo đã không hồi đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times về việc này.
Theo dõi ký giả Eva trên Twitter: @EvaSailEast
Do Eva Fu thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Xem thêm: