Các giám đốc điều hành công ty chia rẽ trong lập trường về phán quyết lật ngược vụ Roe kiện Wade
Các giám đốc điều hành công ty đã thể hiện những ý kiến chia rẽ về phán quyết bác bỏ phán quyết năm 1973 của vụ Roe kiện Wade của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (SCOTUS).
Một số đã phản đối sự lật ngược này, trong khi những người khác chọn im lặng về chủ đề đó.
Ông Aaron Levie, Giám đốc điều hành của nền tảng quản lý nội dung dựa trên đám mây Box, đã bày tỏ sự thất vọng của mình với phán quyết giao vấn đề phá thai cho cấp tiểu bang hôm 24/06, đồng thời chia sẻ trên Twitter tuyên bố của công ty khẳng định cam kết sẽ cung cấp “dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản quan trọng” cho nhân viên của mình.
Giám đốc điều hành YouTube Susan Wojcicki cho biết bà tin rằng quyền sinh sản là quyền con người mà mọi phụ nữ phải được hưởng và gọi quyết định của SCOTUS để chuyển quyền lập pháp về luật phá thai cho các tiểu bang là một “bước lùi nghiêm trọng.”
Bà viết: “Với tư cách là một Giám đốc điều hành, tôi nhận ra có rất nhiều ý kiến về phán quyết của SCOTUS ngày nay. Là một phụ nữ, đó là một bước lùi kinh hoàng. Cá nhân tôi tin rằng mọi phụ nữ nên có quyền lựa chọn về cách thức và thời điểm trở thành một người mẹ. Quyền sinh sản là quyền của con người.”
Đáp lại quyết định của Tối cao Pháp viện, bà Fiona Cicconi, giám đốc nhân sự của Google, đã thông báo với nhân viên của công ty rằng “Chương trình phúc lợi và bảo hiểm y tế chi trả cho các thủ tục y tế ngoài tiểu bang của Hoa Kỳ hiện không có sẵn ở nơi nhân viên sống và làm việc.”
Trong một thư điện tử được The Verge công bố, nhân viên của Google cũng được thông báo rằng họ có thể “đăng ký chuyển địa điểm mà không cần giải thích.”
California, tiểu bang nơi đặt trụ sở chính của công ty, đã nói rõ rằng họ sẽ tiếp tục với chính sách ủng hộ phá thai của mình.
Giám đốc điều hành Meta, ông Mark Zuckerberg vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về phán quyết này.
Trong khi đó, giám đốc điều hành sắp rời đi của Meta, bà Sheryl Sandberg, đã lên Facebook để lên án quyết định này là một bước lùi lớn và kêu gọi một cuộc chiến chống lại nó.
Bà viết, “Cho chính bản thân chúng ta, cho các con gái của chúng ta và mọi thế hệ sau này, chúng ta phải tiếp tục chiến đấu. Cùng nhau, chúng ta phải bảo vệ và mở rộng khả năng tiếp cận phá thai.”
Đồng thời, Meta, viện dẫn chính sách cấm các cuộc trò chuyện về xã hội, chính trị, và mang tính nhạy cảm, đã cảnh báo nhân viên không nên thảo luận vấn đề này trên hệ thống nội bộ của mình. Nếu không, tin nhắn của họ sẽ bị xóa.
CEO Tim Cook của Apple cũng đã im lặng về vấn đề này. Nhưng công ty đã thông báo cho các nhân viên rằng họ phải tự quyết định về vấn đề sức khỏe sinh sản và chương trình y tế của công ty sẽ bao gồm việc đi lại ngoài tiểu bang khi cần thiết để tiếp cận các thủ thuật đó.
Techcrunch đưa tin, theo eBay, các phúc lợi của công ty đã được tăng cường bắt đầu từ hôm 08/06, cho phép nhân viên và những người phụ thuộc của họ được bồi hoàn chi phí đi lại trong nước Mỹ để tìm kiếm dịch vụ chăm sóc phá thai nếu dịch vụ này không có sẵn tại nơi họ sinh sống.
Netflix áp dụng chính sách tương tự, cho biết họ sẽ “cung cấp bảo hiểm hoàn trả tiền đi lại cho nhân viên toàn thời gian ở Hoa Kỳ và những người phụ thuộc của họ, những người cần đi lại để điều trị ung thư, cấy ghép, chăm sóc xác định giới tính, hoặc phá thai thông qua các chương trình y tế của chúng tôi tại Hoa Kỳ.”
Cùng với đó, mỗi nhân viên và những người phụ thuộc của họ đủ điều kiện nhận được khoản trợ cấp trọn đời lên đến 10,000 USD cho mỗi dịch vụ y tế.
Chưa nhận xét
Trong số các công ty Big Tech, Twitter từ chối bình luận. Ông Elon Musk, chủ sở hữu của nền tảng, cũng chưa đưa ra bình luận về phán quyết. Tuy nhiên, Tesla đã nói rõ rằng phúc lợi của công ty họ có bao gồm chi phí đi lại ngoài tiểu bang cho những nhân viên nào muốn phá thai.
Tham gia danh sách các công ty không lên tiếng sau phán quyết là Walmart, Coca-Cola, Delta Airlines, và Wendy’s, The New York Times đưa tin.
Nghiên cứu từ công ty nghiên cứu người tiêu dùng Forrester cho rằng sự chần chừ trong việc đưa ra quan điểm về cuộc tranh luận là do lo sợ về phản ứng bất lợi có thể xuất hiện sau đó.
Cô Hannah Ng là một phóng viên đưa tin về Hoa Kỳ và Trung Quốc.